Thứ Hai, 28 tháng 9, 2020

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG “THẾ TRẬN LÒNG DÂN" ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NHIỆM VỤ BẢO VỆ TÔ QUỐC CỦA QUÂN ĐỘI TA HIỆN NAY


        Xây dựng “thế trận lòng dân” là quan điểm xuyên suốt trong đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng. Quan điểm đó tiếp tục được quán triệt và thể hiện nhất quán trong Chiến lược Quốc phòng Việt Nam thời kỳ mới.

        “Lòng dân” là thuật ngữ phản ánh trạng thái chính trị - tinh thần của xã hội, biểu hiện mức độ niềm tin, đồng thuận, sự cố kết của người dân đối với chế độ chính trị - xã hội. Đó là một yếu tố quan trọng, quyết định sức mạnh quốc phòng của một quốc gia; bắt nguồn từ vai trò của yếu tố “con người” trong chiến tranh. “Lòng dân” lúc nào cũng có, nhưng không phải lúc nào cũng đồng thuận, đồng lòng với chủ trương, đường lối của lực lượng lãnh đạo xã hội. Điều đó đòi hỏi lực lượng lãnh đạo xã hội phải có những biện pháp chủ động quy tụ “lòng dân” về một hướng, dưới sự lãnh đạo của mình để tạo nên sức mạnh tổng hợp. Đó chính là việc “xây dựng thế trận lòng dân”.

        Xây dựng “thế trận lòng dân” thực chất là xây dựng, quy tụ lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tinh thần cổ kết cộng đồng, ý chí của toàn dân để phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, nhằm kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền , thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ công cuộc đổi mới CNH, HĐH đất nước.

        Hiện nay, xây dựng “thế trận lòng dân” nhằm tạo cơ sở, nền tảng chính trị - tinh thần, huy động sức mạnh của toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Xây dựng “thế trận lòng dân” trong thời kỳ mới là xây dựng, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó là quá trình thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh.

        Nét mới của quan điểm “xây dựng thế trận lòng dân” trong Chiến lược Quốc phòng là đặt nhiệm vụ này trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, với những thuận lợi và thách thức đan xen. Bên cạnh những thành tựu đạt được, nhiều hạn chế, yếu kém nảy sinh trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế cũng ảnh hưởng không nhỏ đến lòng tin của các tầng lớp nhân dân vào con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên; sự xuống cấp của các giá trị văn hóa; tình trạng phân cực giàu nghèo trong xã hội,… đã làm suy giảm lòng tin của một bộ phận nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ; sự chống phá của các thế lực thù địch bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình” ngày càng tinh vi, xảo quyệt.

        Từ những tình hình nêu trên đặt ra sự cần thiết phải thường xuyên chăm lo sự thống nhất về chính trị - tinh thần của toàn dân, xây dựng “thế trận lòng dân” làm nền tảng vững chắc cho nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân, cụ thể:

        Thứ nhất, xuất phát từ vị trí, tầm quan trọng của “thế trận lòng dân” trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập quốc tế đặt ra những yêu cầu mới, rất cao.

        Xây dụng “Thế trận lòng dân” vững chắc vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu cấp bách trong tình hình hiện nay. “Lòng dân” có vai trò đặc biệt quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Thực tiễn đã chứng minh rằng: khi “lòng dân thuận” thì nước mạnh, “lòng dân ly tán” thì nước yếu, nên bài học hàng đầu mà ông cha ta đúc kết là “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” và “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc là thượng sách giữ nước”. Kế thừa và phát huy tư tưởng đó, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn đặc biệt coi trọng yếu tố “lòng dân”, lấy việc xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc làm động lực chủ yếu để tạo nên sức mạnh tổng hợp cho công cuộc giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết Đại hội X của Đảng lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ “thế trận lòng dân” khi nhấn mạnh nhiệm vụ “Xây dựng “thế trận lòng dân” làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc”2. Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta tiếp tục khẳng định phương châm giữ nước là phải chăm lo xây dựng cho “kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị - xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối thống nhất”3; trong đó, Trung ương đặc biệt nhấn mạnh đến yêu cầu “không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc”4. Đại hội XII của Đảng một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ “Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân”5. Điều đó cho thấy quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta về xây dựng “thế trận lòng dân” trong đường lối quân sự, quốc phòng bảo vệ Tổ quốc trước đây cũng như hiện nay.

        Thứ hai, xuất phát từ thực tiễn xây dựng “thế trận lòng dân” hiện nay. Trong những năm qua “thế trận lòng dân” được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, chăm lo xây dựng và củng cố vững chắc đã tạo dựng thế trận quốc phòng toàn dân, kết hợp với thế trận an ninh nhân dân, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “ diễn biến hòa bình ”, các hoạt động lợi dụng “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”, đấu tranh có hiệu quả ngăn chặn tình trạng suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

        Tuy nhiên, bên cạnh đó việc xây dựng “thế trận lòng dân " cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập, mà tại Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là nghiêm trọng, trong công tác xây dựng Đảng cũng còn nhiều hạn chế về năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng; lòng tin của nhân dân đối với một số cấp ủy, chính quyền có lúc bị giảm sút, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ; hệ thống chính trị ở cơ sở một số nơi còn có mặt yếu kém; dân chủ chưa được tôn trọng, phát huy; quan tâm giải quyết quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân có lúc, có nơi chưa được coi trọng, tình hình dân chủ một số nơi bị vi phạm nghiêm trọng  kỷ cương xã hội bị coi nhẹ,… gây ra những bức xúc, mất lòng tin của nhân dân đã góp phần làm giảm sút lòng tin của nhân dân, tác động trực tiếp đến việc xây dựng “thế trận lòng dân” trong tình hình mới.

        Thứ ba, xuất phát từ mặt trái của nền kinh tế thị trường. Trong công cuộc đổi mới đất nước thực hiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đạt được nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tạo điều kiện phát huy mọi tiềm năng của đất nước trong góp phần tạo điều kiện tập hợp, phát huy tiềm lực chính trị tinh thần, xây dựng “thế trận lòng dân” trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

        Tuy nhiên, trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bên cạnh những mặt tích cực cũng còn bộ lộ những mặt trái tác động đến việc xây dựng, phát huy tiềm lực chính trị, tinh thần và xây dựng “thế trận lòng dân” đó là: tệ sủng bải đồng tiền đã làm cho một bộ phận cán bộ, nhân dân hướng tới việc kiếm tiền và làm giàu bằng mọi cách, tạo ra khoảng cách phân biệt giàu nghèo rõ rệt trong xã hội, làm xuất hiện các tư tưởng phân biệt đẳng cấp, dân tộc, tôn giáo, thảnh thị và nông thôn... Mặt trái kinh tế thị trường cũng làm làm nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội tham ô công quỹ, buôn gian bản lậu, sản xuất hàng giả, tham nhũng, làm giàu bất hợp pháp...

        Mặt trái kinh tế thị trường đã kích thích cho chủ nghĩa cá nhân phát triển, tạo điều kiện cho các tệ nạn cũ phát triển, các tệ nạn mới nẩy sinh và lan tràn. Những quan hệ đạo đức truyền thống tốt đẹp như quan hệ gia đình, bạn bè, đồng chí... có lúc có nơi đã bị coi nhẹ. Những yếu tố trên đã tác động, góp phần làm phai nhạt ý thức cố kết cộng đồng, truyền thống gắn bó của dân tộc, xem nhẹ lợi ích quốc gia dân tộc, làm xói mòn niềm tin của nhân dân.

        Thứ tư, xuất phát từ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Hiện nay, các thế lực phản động, thủ địch ra sức phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng; lợi dụng các vấn đề dân tộc, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo hòng gây mất ổn định về chính trị - xã hội, chia rẽ Đảng, Nhà nước, Quân đội và Công an với nhân dân, nhằm mục tiêu thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ chúng ta, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng. Chúng đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, dân tộc, tôn giáo để “chiếm lĩnh lông dân” lợi dụng các chiêu bài dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và những khó khăn trong đời sống xã hội để tuyên truyền xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kích động, lôi kéo nhân dân biểu tình, gây rối, bạo loạn, ly khai, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ nhân dân với Đảng, Nhà nước, nhằm vô hiệu hóa sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trong xây dựng thế trận lòng dân”.

         Đặc biệt, chúng triệt để lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng, Internet, mạng xã hội, các tổ chức phi chính phủ để tuyên truyền, truyền bá văn hóa, lối sống thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, ca ngợi lối sống phương tây, làm cho nhân dân phân hóa, xa rời các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, tinh thần đoàn kết dân tộc. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động kích động, chia rẽ, gây mất lòng tin của nhân dân đối với quân đội nhằm thực hiện âm mưu “phi chính hóa” quân đội, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa ” trong nội bộ.

        Xây dựng “thế trận lòng dân” là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Trong quán triệt và xây dựng các giải pháp cụ thể xây dựng “thế trận lòng dân” cần thường xuyên quán triệt phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu cái gì làm trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”; bởi “sức dân như nước, chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân”. Nguyên lý đó luôn luôn đúng với mọi thời đại../

                                                                                                TUỆ NGUYỄN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét