Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2020

“BỈ ỔI” MỚI LỢI DỤNG PHÁT NGÔN PHẢN CẢM CỦA BTV ĐỂ BÔI NHỌ

 

“BỈ ỔI” MỚI LỢI DỤNG PHÁT NGÔN PHẢN CẢM CỦA BTV ĐỂ BÔI NHỌ

                                                                                                 NguyenQuangThinh

 

Những kẻ lợi dụng phát ngôn 'chưa chuẩn mực' của BTV Đài truyền hình để xúc phạm, hạ bệ Đảng, Nhà nước và cá nhân các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước mới chính là những kẻ đáng bị lên án bởi âm mưu đen tối, lòng dạ bất lương, đạo đức suy đồi,...

Sự việc một BTV Đài truyền hình quốc gia đã gọi những người bán hàng rong là ''ký sinh trùng'' để nói về những con người đang vất vả kiếm sống từng ngày đề mưu sinh nhờ những gánh hàng rong ở TP.HCM thời dịch Covid-19 trong bản tin tài chính kinh tế được phát đi vào sáng 17-08 đang gây bức xúc trong dư luận. 

Chúng ta, với những khán giả truyền hình đều không thể nào chấp nhận cách gọi của người biên tập viên này. “Ký sinh trùng” – tên gọi xuất phát từ loài vi sinh gây hại – dùng để chỉ những người dựa dẫm vào thực thể lớn hơn để đục khoét, mưu lợi cá nhân, gây hại cho “vật chủ”. Trong câu chuyện này, vấn đề mà biên tập viên Anh Quang đang muốn nói đến là những con phố du lịch, hay nói rộng hơn, là cả cộng đồng, xã hội. Nhưng dường như người làm chương trình của VTV1 lại quên đi rằng những gánh hàng rong – một hình thức mưu sinh vốn đã tồn tại từ rất lâu trong lịch sử – là một nét văn hóa rất đặc trưng của người Á Đông nói chung, và của Việt Nam nói riêng. Người bán hàng rong và những con phố du lịch du lịch, đó là một mối quan hệ cộng sinh,ở đó người bán rong kiếm sống nhờ vào những du khách thập phương; và ngược lại, đó chính sự hiện diện của một nét văn hóa rất Việt Nam đã thu hút những vị khách từ khắp thế giới đến với các con phố này.  

Chỉ cần thiếu vắng một nhân tố thì sức hút của nửa kia sẽ không còn mạnh nữa, và ở ngay chính phóng sự của VTV1 đã khẳng định. Khi thiếu vắng du khách, những người buôn gánh bán bưng bỗng chốc thấy mình bơ vơ trong dòng mưu sinh vốn đã vất vả, nay lại càng khó khăn trăm bề. Chỉ tiếc rằng, những người làm chương trình đã không hình dung được điều ngược lại, nếu thiếu những gánh hàng rong đó, liệu các con phố du lịch có tấp nập, sầm uất và làm nên giá trị của con phố như bây giờ? Tuy nhiên, chính từ những gánh hàng rong này lại tiềm ẩn nhiều vấn đề phát sinh đặc biệt là về an ninh trật tự, an toàn giao thông, khi nhiều trường hợp vi phạm hành chính, lấn chiếm lòng lề đường, gây mất trật tự xuất phát từ đây. Tuy nhiên, việc cân bằng giữa đảm bảo trật tự xã hội và nhu cầu mưu sinh của những người bán hàng rong vẫn luôn được chính quyền TP.HCM quan tâm đặc biệt. Phố du lịch, chợ đêm cũng là một phần trong các giải pháp được đưa ra, tạo ra môi trường vừa đảm bảo kế sinh nhai của người bán rong, vừa kiểm soát trật tự, trị an. Vậy mà biên tập viên Anh Quang lại gọi họ là “ký sinh trùng”, chẳng phải đã vô tình làm xấu đi những nỗ lực của cả một tập thể hay sao? Nỗ lực của chính quyền thành phố dành cho người bán hàng rong, từ việc tạo ra môi trường lành mạnh, đến không ít các chính sách hỗ trợ kinh tế cho những người kiếm sống trên đường phố, không phải để cho những chương trình như bản tin Tài chính Kinh doanh vừa qua gọi họ là “ký sinh trùng”. 

Lợi dụng vào phát ngôn phản cảm, thiếu tính nhân văn của biên tập viên này, mà các trang mạng và các thế lực phản động đã “được dịp” để bôi nhọ những thành quả bao nhiêu năm của thành phố, xúc phạm danh dự của các đồng chí lãnh đạo của nước ta. Biên tập viên Anh Quang liệu có thấy hổ thẹn, sai lầm của mình khi đã tự biến mình thành “món mồi ngon” cho những kẻ cơ hội lợi dụng để công kích, chống phá Đảng, Nhà nước và các cấp lãnh đạo, những người đang ngày đêm lo nghĩ, đi tìm giải pháp lo cho dân cho nước và cả những người gánh hàng rong đang kiếm sống ở trên các con phố. 

Có thể thấy, những phát ngôn của mỗi cá nhân đăng trên các phương tiện truyền thông, các trang mạng xã hội cần phải cẩn trọng hơn nữa. Vì đây không chỉ là một lời nói mà có thể bị các thế lực lợi dụng để bình luận, chia rẽ mối đại đoàn kết dân tộc của ta. Đặc biệt, những kênh truyền hình không chỉ là nơi đưa tin, mà còn là cầu nối để người dân tiếp cận với các chính sách của Nhà nước. Một nhiệm vụ quan trọng như vậy, thiết nghĩ cần có những BTV có đủ bản lĩnh trong cách sử dụng từ ngữ để truyền đạt đến người nghe, người xem thật chính xác chứ không nên “mạt sát” những người dân vốn đã có hoàn cảnh, điều kiện kinh tế khó khăn hơn bình thường. Đừng để những “con sâu” làm hỏng những chương trình như đã lên sóng và uy tín của đài truyền hình quốc gia? 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét