Thứ Ba, 17 tháng 10, 2017

Phòng chống "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.


          "Diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ là âm mưu thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ và bọn phản động quốc tế chống phá các nước xã hội chủ nghĩa nói chung, cách mạng Việt Nam nói riêng. Phòng chống "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này đòi hỏi cán bộ chiến sĩ trong quân đội phải hiểu rõ những vấn đề cơ bản về âm mưu thủ đoạn "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam; từ đó nêu cao tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm đập tan mọi âm mưu và hành động phá hoại của địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân; giữ vững an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội.
          "Diễn biến hoà bình" là một chiến lược cơ bản nằm trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chủ nghĩa đế quốc đứng đầu là Mỹ và các thế lực thù địch. Chiến lược này nhằm chống phá các nước tiến bộ mà trước hết là nhằm xoá bỏ các nước XHCN, xoá bỏ vai trò lãnh đạo của các Đảng Cộng sản, lật đổ nhà nước XHCN, lái các nước này đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản, bằng cách sử dụng tổng hợp các cách thức, biện pháp, chủ yếu là các biện pháp phi quân sự, thẩm thấu hoà bình, chống phá từ bên trong, làm cho nội bộ các nước này mục ruỗng tiến tới tự suy yếu, tự sụp đổ, không đánh mà thắng. Đây là một chiến lược hết sức nguy hiểm, nếu chúng ta không nêu cao cảnh giác, chủ động phòng chống thì nguy cơ mất chế độ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
          Nguồn gốc của cái gọi là “diễn biến hoà bình", “chiến thắng mà không cần chiến tranh” không phải đến thời chủ nghĩa tư bản mới có, mà nó được hình thành từ xa xưa, xuất phát ở Trung Quốc, ngay từ thời Xuân Thu, mà tác giả của nó là Quản Trọng (685-645 trước công nguyên), một tể tướng của Tề Hoàn Công. Quản Trọng cho rằng: “Trăm đánh trăm thắng đã là giỏi nhưng không đánh mà thắng mới thật là tài giỏi bậc nhất”; “Giành chiến thắng mà không cần phát động chiến tranh mới thật là thượng sách” và khẳng định “chiến lược tài ba nhất là không dùng đến chiến tranh”. Chiến lược “không đánh mà thắng” của Quản Trọng có thể tóm gọn trong hai chủ trương: Một là, âm mưu lật đổ; hai là, bóp chết bằng biện pháp kinh tế. Trong âm mưu lật đổ, Quản Trọng đề ra năm thủ đoạn chiến lược. Trong thủ đoạn “bóp chết bằng kinh tế”, Quản trọng đã đề xuất nhiều mưu mô thâm độc như bao vây kinh tế “làm cho nước Lỗ vốn lâu nay vẫn sống nhờ vào lương thực nhập từ nước Tề lâm vào cảnh khủng hoảng, thiếu lương thực” và “một đất nước nếu bị thiếu lương thực thì tất yếu về chính trị sẽ bị xáo động”; ngoài ra còn dùng các chính sách “cạnh tranh”, “gương bẫy đánh lừa”... chung quy nhằm mục đích từ khó khăn về kinh tế gây ra rối loạn về an ninh xã hội, cuối cùng là rối loạn về chính trị. Tuy nhiên, mọi mưu mô thâm độc của Quản Trọng đã chẳng giúp được nước Tề trở thành “bá chủ thiên hạ”. Ngày nay, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch lại dùng chiến lược "diễn biến hoà bình" mà Quản Trọng đã áp dụng cách đây 2500 năm để chống phá các nước XHCN. Chiến lược "diễn biến hoà bình" của chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là Mỹ được hình thành từ những năm cuối thập kỷ 40 (thế kỷ XX) do Gi. Ken-nan (lúc đó là Vụ trưởng vụ Kế hoạch Bộ Ngoại giao Mỹ) đưa ra và được Tổng thống và các cố vấn của Tổng thống Mỹ coi là “mềm dẻo, khôn ngoan, hợp thời hợp thế và có nhiều hy vọng đạt kết quả”. Gi. Ken-nan gọi kế hoạch của mình là "diễn biến hoà bình". Nội dung chủ yếu của kế hoạch "diễn biến hoà bình" của Gi. Ken- nan là có thể tiêu diệt nhà nước Liên Xô cũng như các chế độ XHCN khác mà không cần phải phát động chiến tranh. Vấn đề cốt lõi là phải biết khơi dậy những mâu thuẫn trong nội bộ các nước XHCN, thúc đẩy các mầm mống chống đối, tạo ra những diễn biến làm sụp đổ các chế độ xã hội chủ nghĩa trong khung cảnh hoà bình. Nói tóm gọn "diễn biến hoà bình" là chủ trương và âm mưu “không đánh mà thắng”, lật đổ trong hoà bình. Học thuyết cực kỳ nham hiểm này của Gi. Ken-nan được Tổng thống Mỹ đánh giá cao, sau đó được chấn chỉnh, bổ sung, nâng lên tầm “chiến lược đối ngoại”, được thông qua Hội đồng an ninh quốc gia và hai viện Quốc hội Mỹ và được đổi tên thành “chiến lược ngăn chặn” nhằm che đậy bản chất phản động của nó. Lúc đầu “chiến lược ngăn chặn” đã đem lại ít nhiều sự “thành công” cho tác giả của nó; nhưng đến đầu những năm 70 của thế kỷ XX thì bị phá sản. Tuy nhiên, cũng tại thời điểm này, nội bộ các nước XHCN cũng như phong trào cộng sản tồn tại nhiều bất đồng sâu sắc; thêm vào đó ban lãnh đạo một số nước XHCN phạm nhiều sai lầm trong quản lý đất nước và trong chính sách đối ngoại. Các thế lực “chống cộng” ở Mỹ lại tiếp tục điều chỉnh bổ sung đưa ra kế hoạch chiến lược mới mang tên “vượt trên ngăn chặn”. Nội dung cơ bản của chiến lược “vượt trên ngăn chặn là lợi dụng sự sai lầm lệch lạc trong chính sách đối ngoại của ban lãnh đạo một số nước XHCN, tiến công phá hoại lật đổ ngay trong lòng các nước XHCN. Sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự chống phá của chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là Mỹ bằng "diễn biến hoà bình". Và hiện nay chúng đang ráo riết đẩy mạnh thực hiện chiến lược "diễn biến hoà bình" chống phá các nước XHCN còn lại, chúng coi Việt Nam là một trọng điểm.
          Như vậy, xét về bản chất, chiến lược "diễn biến hoà bình" là sự thay hình đổi dạng để che đậy bản chất của chủ nghĩa đế quốc, gây mơ hồ ảo tưởng, dao động về lý tưởng, niềm tin đối với CNXH, làm ruỗng nát CNXH từ bên trong mà đòn tác động tâm lý, tư tưởng làm ruỗng nát ý thức hệ tạo nên sự chuyển hoá lập trường chính trị phá rã về tổ chức là đòn trọng yếu nguy hiểm nhất tiến tới mục tiêu cuối cùng là xoá bỏ CNXH. Đặc trưng của chiến lược "diễn biến hoà bình" là dùng phương thức hoà bình, thông qua các công cụ mềm (ngoại giao, kinh tế, chính trị, văn hoá, tư tưởng...) khi cần thiết có thể dùng vũ lực làm sức mạnh răn đe để từng bước giành ảnh hưởng có lợi và đánh bại CNXH mà không cần dùng đến chiến tranh bằng vũ lực. Khác với chiến tranh dùng vũ lực ở chỗ, "diễn biến hoà bình" không dùng đến quân đội để trực tiếp đánh mà chủ yếu là dùng lực lượng gián tiếp, đó là lực lượng trong nội bộ nước đối phương; đánh phá từ trong nội bộ kết hợp với sự hỗ trợ từ bên ngoài làm cho đối phương nhanh chóng sụp đổ. "Diễn biến hoà bình" không tàn phá huỷ diệt trực tiếp như chiến tranh bằng vũ lực mà nó dựa trên các mối quan hệ xã hội, thông qua những thủ đoạn khôn khéo, tinh vi, tạo sức huỷ diệt từ ngay trong lòng đối phương, đẩy đối phương đến chỗ tự suy yếu, tự sụp đổ. Không gian của "diễn biến hoà bình" rất rộng lớn, nó mang tính toàn cầu, không chỉ chống phá các nước XHCN mà chống phá cả các nước tiến bộ không đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản; thời gian diễn ra liên tục, dai dẳng; nội dung chống phá toàn diện trên các lĩnh vực; nhịp điệu phát triển và kết cục rất từ từ, không vội vã, ít khốc liệt; chi phí ít tốn kém nhưng hiệu quả thu được lại rất lớn. Đó là đặc trưng nổi bật của "diễn biến hoà bình", là sự khác biệt căn bản so với chiến tranh dùng sức mạnh quân sự, đòi hỏi chúng ta phải hết sức cảnh giác, đi sâu nghiên cứu nhận rõ bản chất bên trong của nó để có cách phòng chống hiệu quả.
          Bạo loạn lật đổ là một hoạt động chống phá bằng bạo lực có tổ chức của lực lượng phản động gây rối loạn trật tự an ninh xã hội bằng lật đổ chính quyền cách mạng thiết lập chính quyền phản động từ Trung ương đến địa phương. Bạo loạn lật đổ là hành động bạo lực phản cách mạng do bọn phản động gây ra dưới sự chỉ đạo của chủ nghĩa đế quốc nhằm lật đổ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, cướp chính quyền cách mạng, thành lập chính quyền phản cách mạng.
          Khác với gây rối, vụ rối, bạo loạn lật đổ mang màu sắc chính trị, có mục đích chính trị rõ ràng. Bạo loạn lật đổ có 3 hình thức: bạo loạn chính trị, bạo loạn vũ trang; bạo loạn chính trị kết hợp với vũ trang, được tiến hành trong thời bình, ở giai đoạn đầu của chiến tranh và cả trong chiến tranh, khi mà chế độ chính trị không vững vàng, an ninh không bảo đảm, sự phòng chống kém hiệu quả.
          Bạo loạn lật đổ thường xảy ra ở những nơi hệ thống chính trị yếu kém, tình hình an ninh chính trị không ổn định, có nhiều vấn đề phức tạp không được giải quyết triệt để, đời sống nhân dân quá khó khăn, nhân dân có nhiều bất bình với chính quyền, mất niềm tin với Đảng hoặc trình độ dân trí thấp, giác ngộ chính trị không cao... Bạo loạn lật đổ có 2 nguồn gốc: nguồn gốc khách quan là do âm mưu bá chủ toàn cầu quyết tâm chống phá CNXH của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch. Đây là nguồn gốc sâu sa nhất; nguồn gốc chủ quan là do chính bản thân chế độ XHCN bộc lộ những mặt yếu kém không còn hấp dẫn, nhân dân thiếu niềm tin vào chế độ, lực lượng cốt cán của chế độ mâu thuẫn, phân hoá, chế độ xã hội mất đi tính ưu việt vốn có của nó.
          "Diễn biến hoà bình" và bạo loạn lật đổ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. "diễn biến hoà bình" là tiền đề tạo thời cơ tiến hành bạo loạn lật đổ; bạo loạn lật đổ lại thúc đẩy "diễn biến hoà bình" diễn ra nhanh hơn. Tuỳ tình hình cụ thể ở từng nước, từng nơi khác nhau mà kẻ địch có thể chỉ dùng "diễn biến hoà bình", hoặc bạo loạn lật đổ, có thể kết hợp "diễn biến hoà bình" với bạo loạn lật đổ. Đối với Việt Nam, kẻ địch xác định, muốn thực hiện được âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam phải kết hợp chặt chẽ giữa "diễn biến hoà bình" với bạo loạn lật đổ, vì rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam là một đảng vững mạnh, ra đời và trưởng thành trong lòng dân tộc, dày dạn kinh nghiệm lãnh đạo đấu tranh cách mạng,  xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có uy tín với nhân dân, được nhân dân tin yêu, mến phục lại rất kiên định con đường XHCN; nhân dân Việt Nam có truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, đã từng chứng kiến những tội ác tày trời của chủ nghĩa đế quốc nên rất hiểu bản chất, âm mưu thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc khó mà lừa bịp được; lực lượng vũ trang có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với chế độ khó có thể vô hiệu hoá; qua kinh nghiệm của thế giới, Việt Nam đã biết rõ âm mưu "diễn biến hoà bình" của chủ nghĩa đế quốc và đã chủ động phòng chống... nếu chỉ dùng "diễn biến hoà bình" thì khó có thể thực hiện được mục tiêu xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. ở Việt Nam có những điều kiện có thể tiến hành bạo loạn lật đổ: Việt Nam là nước nghèo, kinh tế còn nhiều khó khăn, đời sống nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng còn thấp kém; Việt Nam là nước có nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo; lực lượng nguỵ quân, nguỵ quyền còn khá đông, trong số đó có nhiều kẻ không mặn mà với CNXH, còn có thâm thù giai cấp; lực lượng phản động trong nước và ngoài nước còn nhiều... có thể dùng tiền bạc kích động, mua chuộc, lôi kéo... tiến hành bạo loạn lật đổ ở những nơi, những lúc có điều kiện để thúc đẩy "diễn biến hoà bình", tạo cớ cho chủ nghĩa đế quốc trực tiếp can thiệp gây chiến tranh ở các mức độ khác nhau.
          Trên thực tế, chủ nghĩa đế quốc đứng đầu là Mỹ đã tiến hành chiến lược "diễn biến hoà bình" với nhiều nước trên thế giới và đã thu được một số kết quả nhất định ở Liên Xô và các nước Đông Âu, hiện đang tích cực chống phá các nước XHCN còn lại và cả những nước không thân Mỹ. Chúng hí hửng sẽ làm cho chế dộ XHCN ở những nước này sụp đổ nhanh chóng như đã diễn ra ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Tuy nhiên, thực tiễn đã không diễn ra như điều chúng mong đợi; sự vững mạnh của Trung quốc, Việt Nam và một số nước khác càng làm cho chủ nghĩa đế quốc đứng đầu là Mỹ đẩy mạnh thực hiện "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ. Trong tương lai, nếu chúng ta tự xây dựng mình vững mạnh, khẳng định rõ tính ưu việt của CNXH, chủ động phòng chống có hiệu quả thì số phận của chiến lược "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là Mỹ cũng sẽ tan thành mây khói như mưu đồ “không đánh mà thắng” của Quản Trọng 2500 năm trước kia.
           Sự cần thiết phải giáo dục cho bộ đội nâng cao ý thức cảnh giác sẵn sàng chiến đấu phòng chống "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam
          Giáo dục cho nhân dân nói chung, bộ đội nói riêng hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta là hết sức cần thiết, điều đó xuất phát từ những lý do sau:
          "Diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta vừa là âm mưu thủ đoạn vừa là hành động có thật, đang tồn tại hiện hữu, là nguy cơ đe doạ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc ta, đe doạ sự tồn vong của Đảng, của chế độ XHCN, sự mất còn của thành quả cách mạng mà nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã phải đổi bằng mồ hôi công sức và cả xương máu trải qua mấy chục năm gian khổ, vất vả mới giành được. "Diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ được Hội nghị giữa nhiệm kỳ (Khoá VII) của Đảng xác định và các Nghị quyết Đại hội VIII, Đại hội IX tiếp tục khẳng định, là một trong 4 nguy cơ đe doạ sự tồn vong của chế độ XHCN ở Việt Nam. Một số người trước kia còn mơ hồ rằng "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ diễn ra ở đâu chứ làm gì có ở Việt Nam thì nay phải tin rằng, đó là sự thật. Vừa qua, nếu chúng ta không cảnh giác, chủ động phòng chống và kiên quyết xử lý khôn khéo, có hiệu quả những vụ bạo loạn chính trị ở Tây Nguyên thì tình hình sẽ đi đến đâu? Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, chứa đựng nhiều yếu tố khó lường; chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Đông Âu sụp đổ, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đứng trước khó khăn thử thách nghiêm trọng; thế cân bằng giữa hai hệ thống bị phá vỡ theo hướng có lợi cho chủ nghĩa đế quốc; "diễn biến hoà bình" đã được thực hiện thành công ở Liên Xô và Đông Âu, nhưng lại liên tục thất bại ở Trung Quốc, Việt Nam, làm cho các thế lực thù địch càng điên cuồng chống phá, đẩy mạnh "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ với tốc độ nhanh hơn, cường độ cao hơn, mạnh hơn, quy mô, phạm vi rộng lớn hơn, tính chất phức tạp hơn. Trong khi đó, chúng ta chống lại âm mưu thủ đoạn của địch trong điều kiện hoàn toàn tự lập, bằng chính sức ta, không có sự giúp đỡ của các nước XHCN khác... Đó là những thách thức nghiêm trọng tác động to lớn đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của các tầng lớp nhân dân, trong đó có cán bộ chiến sỹ quân đội. Nếu không giáo dục nâng cao ý thức cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, bộ đội sẽ chủ quan, lơ là mất cảnh giác, không nhận thấy âm mưu thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của kẻ thù, dễ mắc mưu kẻ thù. Điều đó hết sức nguy hiểm vì nó mất đi sức mạnh nội lực của lực lượng phòng chống "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ. Vì thế, cần phải tăng cường giáo dục cho bộ đội nâng cao ý thức cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, phòng chống có hiệu quả âm mưu thủ đoạn của địch.
          Mặt khác, giáo dục cho bộ đội nâng cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu phòng chống "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta là để góp phần thực hiện tốt vai trò, chức năng của quân đội, xây dựng quân đội vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
          Từ việc phân tích những điều kiện khách quan và chủ quan, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá IX) xác định mục tiêu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay là: bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hoá; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hoà bình, phát triển đất nước theo định hướng XHCN. Để đạt được mục tiêu trên, Nghị quyết nhấn mạnh cần thực hiện tốt sáu nhiệm vụ cơ bản, trong đó xác định: tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt. Như vậy, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của quân đội hiện nay có sự phát triển cả về quy mô, phạm vi, tính chất. Sự đan xen, gắn bó giữa nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc với các nhiệm vụ khác ngày càng tăng và có sự kết hợp chặt chẽ giữa chống thù trong với giặc ngoài, giữa bảo vệ Tổ quốc với giữ vững an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội. Trong đó chống "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu. Chúng ta thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong hoàn cảnh mới vừa có nhiều thuận lợi vừa có nhiều khó khăn, thách thức. Để hoàn thành nhiệm vụ đó quân đội phải được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; phải tập trung nâng cao sức mạnh tổng hợp lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở, làm cho quân đội ta thực sự là quân đội cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi đập tan âm mưu và thủ đoạn "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ và mọi hành động xâm lược của địch. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, cán bộ chiến sỹ quân đội phải có giác ngộ cao, nắm chắc và hiểu rõ chiến lược "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc, luôn luôn cảnh giác, duy trì nghiêm chế độ trực ban sẵn sàng chiến đấu.

1 nhận xét:

  1. Chúng ta cần nâng cao cảnh giác với các luận điệu chống phá của bọn phản động và các thế lực thù địch; đồng thời tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn hiểm độc, tinh vi của chúng

    Trả lờiXóa