Thứ Ba, 17 tháng 10, 2017

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về vai trò của báo chí và truyền thông đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước

Báo chí, truyền thông là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng và Nhà nước, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là phương tiện quan trọng tuyên truyền phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, là diễn đàn để nhân dân tham gia quản lý xã hội, giám sát quyền lực, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Toàn bộ hệ thống báo chí, truyền thông ở Việt Nam đều là cơ quan của các tổ chức đảng, nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo báo chí, truyền thông bằng việc định hướng quy hoạch phát triển và quản lý hệ thống báo chí, truyền thông; định hướng tư tưởng, chính trị trong nội dung thông tin; quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ; giám sát, kiểm tra hoạt động của các cơ quan báo chí và nhà báo; lãnh đạo việc tăng cường quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông, coi trọng thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng bằng chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là xây dựng, bổ sung, từng bước hoàn thiện hệ thống luật pháp đối với các các lĩnh vực báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông khác trên in-tơ-nét.
Đảng, Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo vệ quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận như một giá trị quan trọng của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bao gồm quyền tự do hoạt động nghề nghiệp của người hoạt động báo chí, truyền thông; quyền tự do tiếp cận thông tin; quyền tự do cá nhân và các tổ chức, cá nhân được bảo vệ trước báo chí, truyền thông. Điều 25 Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013) quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”. Tuy nhiên, quyền tự do báo chí không tách rời trách nhiệm chính trị - xã hội, trách nhiệm công dân và đạo đức nghề nghiệp của cơ quan báo chí và nhà báo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng đó của Người tiếp tục được quán triệt trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về báo chí, truyền thông. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: Các cơ quan truyền thông phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, nâng cao tính tư tưởng, nhân văn và khoa học, đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam. Ở Việt Nam, báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng.
Nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng to lớn và đa dạng của nhân dân về thông tin, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương phát triển mạnh mẽ đi đôi với quản lý tốt hệ thống báo chí, truyền thông. Phát triển báo chí, truyền thông theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, hội nhập quốc tế, mở rộng quy mô ảnh hưởng, cân đối, hợp lý giữa các lĩnh vực, địa bàn trong nước và thế giới. Đảng lãnh đạo trong việc đề ra các chủ trương, chiến lược phát triển, nội dung thông tin, công tác cán bộ, cơ chế tài chính và tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của báo chí, truyền thông. Quản lý tốt nhằm phát huy cao nhất hiệu quả của hệ thống báo chí, truyền thông, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng đa dạng, phong phú của nhân dân; tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo đồng thuận trong xã hội; nâng cao dân trí, phát triển văn hóa, con người Việt Nam; tăng cường đoàn kết, hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, với nhân dân tiến bộ trên thế giới; đồng thời nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những sai phạm, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội của những thông tin xấu, độc trên các phương tiện báo chí, truyền thông, nhất là truyền thông xã hội trên mạng in-tơ-nét. Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: Chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên in-tơ-nét để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh niên, thiếu niên. Xã hội càng phát triển thì báo chí, truyền thông càng có vai trò to lớn, ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội. Công tác quản lý không những phải theo kịp sự phát triển nhanh chóng của báo chí, truyền thông, mà còn phải định hướng kịp thời, đúng đắn cho sự phát triển hợp lý và hiệu quả hệ thống báo chí, truyền thông của đất nước.


1 nhận xét: