KHÔNG THỂ PHỦ MỜ NHỮNG NỖ LỰC TRONG BẢO ĐẢM BÌNH ĐẲNG GIỚI Ở VIỆT NAM
Ngày 20/10/1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt nam (nay đổi tên
thành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) đã chính thức được thành lập. Sau đó, Đảng
đã quyết định lấy ngày 20/10 hằng năm là ngày kỷ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt
Nam, với tên gọi chính thức là Ngày Phụ nữ Việt Nam.
Lợi dụng vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền để chống phá
Việt Nam, trong đó xuyên tạc vấn đề bình đẳng giới là âm mưu, thủ đoạn của các
thế lực thù địch, phản động. Trong dịp kỷ Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, các luận
điệu này lại được dịp “bung nở” trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội của các tổ chức,
đối tượng chống phá.
Đằng sau luận
điệu sai trái, xuyên tạc
Các thế lực thù địch, tổ chức phản động sống lưu vong ở
nước ngoài, các hãng truyền thông định kiến với Việt Nam đã đăng, phát tán nhiều
bài viết, hình ảnh, video cố tình xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước ta về bình đẳng giới. Họ phủ nhận những nỗ lực,
thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm bình đẳng giới, vu cáo Việt Nam không có
bình đẳng giới, Việt Nam phân biệt đối xử với phụ nữ, quyền của phụ nữ Việt Nam
“bị đối xử nghiêm trọng, bị bỏ rơi”. Họ rêu rao, dưới chế độ “đảng trị”, phụ nữ
bất bình đẳng về kinh tế, chính trị, giáo dục, y tế và “Đảng chỉ đưa ra những
con số mị dân, lừa bịp chị em”, cho rằng, bị phân biệt đối xử là “nỗi thống khổ
của phụ nữ dưới chế độ đảng trị”! Đây là những luận điệu sai trái, xuyên tạc của
những kẻ đội lốt dân chủ, nhân quyền để chống phá Việt Nam.
Tung ra những luận điệu xảo trá như vậy, mục đích của các
thế lực thù địch nhằm gây ra sự phân tâm, hoài nghi của nhân dân, trong đó có một
bộ phận phụ nữ về các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối
với vấn đề bình đẳng giới, công tác phụ nữ. Từ đó, họ cố gắng gieo rắc tâm lý mặc
cảm, tự ti đối với phụ nữ, làm cho phụ nữ thiếu tin tưởng về vị trí, vai trò của
mình đối với gia đình, cộng đồng xã hội. Tìm cách gieo rắc tư tưởng bị phân biệt,
kỳ thị, làm giảm sự chung tay, cống hiến đóng góp của phụ nữ trên các lĩnh vực
đời sống xã hội, thậm chí gây tư tưởng chia rẽ giữa phụ nữ các vùng miền, phụ nữ
giữa các thành phần, dân tộc.
Không những vậy, các thế lực thù địch còn ra sức cổ xúy,
thúc đẩy việc hình thành các tổ chức, hội, nhóm đối lập do các đối tượng chống
đối là phụ nữ cầm đầu hoặc có sự tham gia của phụ nữ như “Hội phụ nữ nhân quyền”,
“Hội bầu bí tương thân”, “Hội dân oan” … Những hội nhóm lấy danh nghĩa giúp đưa
tiếng nói, ý chí, nguyện vọng của nhân dân vào đóng góp xây dựng đất nước, kêu
gọi quyền lợi cho phụ nữ nhưng thực chất đây là số hội nhóm có thái độ, hành động
chống phá đất nước quyết liệt, được sự hậu thuẫn, hà hơi, tiếp sức của các thế
lực thù địch, tổ chức, cá nhân phản động sống lưu vong ở nước ngoài. Số này núp
dưới danh nghĩa, vỏ bọc “phản biện xã hội” để phản bội, phủ nhận vai trò lãnh đạo
của Đảng, quản lý xã hội của Nhà nước cũng như tầm quan trọng của các tổ chức
chính trị - xã hội, có những việc làm đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc.
Quyền lợi của
phụ nữ luôn được bảo đả
Ngay từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ
nam - nữ bình quyền là một trong mười nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng Việt Nam.
Bình đẳng giới và trao quyền năng cho phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã
hội luôn là một trong những mục tiêu chiến lược, lâu dài, quan trọng của Đảng,
Nhà nước ta.
Về pháp lý, Việt Nam là một trong số các quốc gia có
khung pháp luật và chính sách khá toàn diện, đầy đủ để thúc đẩy bình đẳng giới
được khẳng định trong Điều 26, Hiến pháp 2013: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi
mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới”. Cùng với
đó, hệ thống văn bản pháp luật từng bước cụ thể hóa Hiến pháp được hoàn thiện
theo hướng bình đẳng giới như: Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình,
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội
đồng nhân dân, Bộ luật Lao động, Luật Đất đai, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Giáo
dục, Luật Khám bệnh, chữa bệnh… Hệ thống chính sách, pháp luật nước ta đáp ứng
các tiêu chuẩn quốc tế, chúng ta đã tham gia ký kết nhiều công ước quốc tế và
các chương trình nghị sự lớn về quyền của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới.
Về chính trị, Việt Nam chủ trương khuyến khích sự tham
gia của phụ nữ trong bộ máy cơ quan công quyền. Các nghị quyết, chỉ thị của Đảng
đề cao, phát huy vai trò của phụ nữ như: Nghị quyết 04-NQ/TW ngày 12/7/1993 của
Bộ Chính trị về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình
mới; Chỉ thị 37-CT/TW ngày 16/5/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số vấn
đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày
19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các
cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm
vụ…
Về kinh tế, từ nhiều năm trước, Chính phủ ban hành nhiều
nghị định ưu tiên hỗ trợ đối với phụ nữ như Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày
31/12/2002 về tiền lương, khẳng định quyền bình đẳng giữa lao động nam và lao động
nữ trong việc trả lương; Nghị định số 33/2003/NĐ-CP ngày 02/4/2003 của Chính phủ
quy định không được xử lý kỷ luật lao động đối với lao động nữ có thai, nghỉ
thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi và cả với lao động nam đang phải nuôi
con nhỏ dưới 12 tháng tuổi; Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/4/2003 của Chính
phủ quy định về những chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho các đối tượng
là lao động nữ… Mặt khác, việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình
xây dựng chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tạo tiền đề
để thực thi bình đẳng giới ngày càng hiệu quả hơn, các chính sách liên quan đến
vai trò, vị trí của nam và nữ đều được thực hiện bình đẳng như nhau.
Về xã hội, Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 phê
duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025”; Đề án thúc đẩy
phụ nữ tham gia phát triển kinh tế, tăng thu nhập cũng như kết nối, mở rộng
liên kết, khuyến khích ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ
cho phụ nữ và Quyết định số 938/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tuyên truyền, giáo dục,
vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến
phụ nữ giai đoạn 2017 – 2027, được Chính phủ ban hành ngày 30/6/2017… Các đề án
này nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát huy vai trò chủ động của phụ nữ
trong ứng phó và tham gia giải quyết có hiệu quả một số vấn đề xã hội, đề án hướng
tới mục tiêu giảm thiểu những tác động tiêu cực, nâng cao chất lượng cuộc sống
phụ nữ, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Những con số
biết nói
Những năm qua, Việt Nam đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ
trong thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ với một chiến lược rõ
ràng, nhất quán và phù hợp với thực tiễn. Việt Nam là một trong những quốc gia
hoàn thành sớm nhất mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới, nâng cao vị thế
cho phụ nữ và hiện đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự về Phát triển bền
vững 2030, trong đó có các mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền
cho phụ nữ và trẻ em gái.
Trên phương diện kinh tế, phụ nữ Việt Nam đang ngày càng
khẳng định được vị thế và vai trò của mình, có cơ hội để mang lại thu nhập cao
hơn. Điều đó góp phần quan trọng giúp Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng
kinh tế cao trong thập kỷ qua. Số doanh nghiệp do nữ giới lãnh đạo, điều hành,
quản lý thành công ngày càng tăng cho thấy sự phấn đấu, trưởng thành, tiến bộ của
phụ nữ, mặt khác khẳng định bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế.
Theo khảo sát của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam năm 2021,
cứ 4 doanh nghiệp tư nhân sẽ có 1 doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo, nữ giới đóng
góp tới 40% của cải cho nền kinh tế Việt Nam. Báo cáo chỉ số nữ doanh nhân
Mastercard (MIWE) năm 2021 cho thấy, số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt
Nam ở mức 26,5%, xếp thứ 9 trên 58 nền kinh tế được nghiên cứu về số lượng phụ
nữ trong vai trò lãnh đạo.
Trong lĩnh vực chính trị, theo đánh giá của Liên hợp quốc,
Việt Nam là điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng
giới. Hiện nay, trên tất cả các lĩnh vực đều có sự cống hiến của nữ giới, chất
lượng, hiệu quả, uy tín của cán bộ nữ đã ngày càng chứng tỏ nỗ lực cá nhân phụ
nữ cũng như vai trò của các cấp, các ngành trong quá trình thực hiện bình đẳng
giới.
Sau Đại hội Đảng các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ XIII của Đảng, cán bộ nữ tham gia cấp uỷ các cấp tăng cả về số lượng và chất
lượng. Hiện nay, tỷ lệ nữ ủy viên BCH Đảng bộ cấp tỉnh trung bình toàn quốc đạt
16%; có 61/63 tỉnh, thành phố có cán bộ nữ trong ban thường vụ. Trong Quốc hội,
số lượng đại biểu nữ nhiệm kỳ khóa XV là 30,26%, tăng 3,54% so với khoá XIV (26,72%).
Kết quả bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 cũng ghi nhận sự tăng lên của
các nữ đại biểu, trong đó tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh đạt 29% (so với 26,5%
của nhiệm kỳ trước).
Đối với văn hóa, giáo dục, phụ nữ Việt Nam ngày càng phát
huy vai trò không thể thiếu trong xây dựng văn hóa con người Việt Nam, văn hóa
gia đình, nếp sống khu dân cư, tích cực tham gia bài trừ các tập tục lạc hậu,
mê tín, dị đoan, có những cống hiến to lớn trong đánh thức tiềm năng văn hóa ở
vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Đặc
biệt, trong giáo dục phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế, vai trò có đầy đủ phẩm
chất, năng lực trình độ để đảm nhận các vị trí quản lý, nhà giáo dục có trình độ
học vấn cao.
Ông Jesper Morch, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam đã
đánh giá: “Việt Nam là nước dẫn đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương về các chỉ số
về bình đẳng giới qua việc cung cấp dịch vụ y tế và giáo dục tới các trẻ em
gái, trẻ em trai, phụ nữ và nam giới. Sự chênh lệnh về tỷ lệ nhập học giữa các
em nữ và các em nam là rất thấp”.
Mặt khác, trong triển khai công tác đối ngoại của Việt
Nam thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là một trong những ưu
tiên. Việt Nam cũng đã cử các nữ sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của
Liên hợp quốc. Liên quan đến vấn đề này, Đại sứ vương quốc Anh, Gareth Ward
trong năm đầu tiên làm đại sứ Anh tại Việt Nam (năm 2019) chia sẻ: “Tôi đã được
gặp nhiều phụ nữ giữ vai trò chủ chốt trong nhiều lĩnh vực khác nhau… Tôi cũng
đã gặp một nhóm nữ chiến sĩ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, những
người sẽ đại diện cho Việt Nam tham gia một trong những phái bộ gìn giữ hòa
bình nguy hiểm nhất của Liên hợp quốc tại Nam Sudan, góp phần vào hòa bình, ổn
định và an ninh toàn cầu”.
Những kết quả này là minh chứng rõ nét cho thành tựu nổi
bật của việc bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam. Đây cũng là cơ sở đấu
tranh, bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch xung
quanh vấn đề này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét