CHÌA KHÓA
“MIỄN DỊCH” TRƯỚC
THÔNG TIN “XẤU ĐỘC”
Cũng như
cơ thể con người, nếu con người ta khỏe mạnh, cường tráng, có thể đủ sức đề
kháng, thì chúng ta sẽ tự miễn dịch được các dịch cúm, đẩy lùi được các bệnh tật
nguy hiểm. Vì vậy, cách tốt nhất là tạo sức đề kháng cho công chúng, cộng đồng
mạng trước các thông tin xấu độc là để mỗi công dân tiếp nhận đầy đủ thông tin,
tri thức. Từ đó, mỗi người dân chủ động, tự giác, phản ứng, đấu tranh, phản bác
kịp thời với các quan điểm sai trái phát tán trên in-tơ-nét. Thực chất, trận chiến đấu thầm lặng của chúng
ta là trận địa tư tưởng trên không gian mạng. Ai nắm được lực lượng trên mạng
thì người đó giành thắng lợi. Lực lượng người Việt Nam với tư cách công dân mạng,
tham gia trên mạng xã hội chủ yếu là ai? Đó là những người trẻ, từ học sinh tiểu
học, trung học đến đại học, sau đại học.
Theo thống
kê từ Báo cáo Digital, tính đến tháng 6 - 2023, nước ta có gần 90 triệu người dùng in-tơ-nét, gần 86 triệu người sử dụng mạng xã hội. Người dùng
in-tơ-nét ngày càng trẻ hóa, đa phần trong độ tuổi thanh niên. Ðây là môi trường
để các thế lực thù địch lợi dụng truyền bá quan điểm sai trái, xuyên tạc chủ trương, đường lối của
Ðảng, phủ nhận giá trị chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Vẫn là câu
chuyện nghịch lý trong quy luật của thông tin, thông tin nào xuất hiện nhiều, tần
suất lớn, gây tò mò, sát với cuộc sống đời thường thì người trẻ tuổi sẽ lao vào
đọc, xem, tìm hiểu. Người trẻ có khi dành thời gian cả ngày, "lang
thang" trên mạng xã hội Facebook, Youtube, Twitter và các trang thông tin
của các tờ báo lớn như BBC, CNN, Time, Foxnews, The New York Times... để tìm hiểu,
chia sẻ thông tin. Đương
nhiên, học sinh, sinh viên và một bộ phận trong đó do nhận thức còn hạn
chế nên dễ bị tác động khi tiếp cận những thông tin xấu độc, nói xấu chế độ,
xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng. Họ tiếp cận các thông tin xấu độc một
cách thụ động, khó phân biệt đúng - sai và bị tác động tâm lý, dẫn đến hoang
mang, thiếu niềm tin vào Đảng, vào chế độ là điều tất yếu.
Câu hỏi đặt ra là vì sao họ ít đọc báo, tạp
chí, mà lại đọc mạng xã hội là chính? Phải chăng là vì thông tin thiếu độ
khách quan, chính xác? Cố nhiên là chưa hẳn. Chúng ta có hệ thống báo chí cách
mạng rất mạnh. Thông tin chính thống cũng được cung cấp bài bản, với số lượng lớn.
Cộng đồng mạng cũng tìm đọc báo chính thống để tìm hiểu các thông tin của ta,
nhất là các vụ án, những khuyết điểm, yếu kém, tham nhũng, tiêu cực. Tuy
nhiên, các thông tin này của báo chí chính thống đưa lên trang báo của ta đôi
khi còn chậm, thậm chí chậm rất nhiều so với các trang mạng xã hội. Tâm lý tò
mò tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội nước ngoài để tìm kiếm thông tin của
chính trong nước lâu dần đã hình thành trong cộng đồng mạng cũng bắt nguồn từ bản
chất quy luật của thông tin: “thông tin nào đến trước”. Đó là bài toán rất đáng
lưu tâm, cần phải có lời giải và bài toán giải pháp căn cơ để thu hút cộng đồng
mạng là người Việt Nam.
Vấn đề lo
ngại nhất, nếu chúng ta cứ để mạng xã hội của nước ngoài lôi kéo, thu hút công
dân mạng trẻ tuổi trong nước thì hậu quả lâu dài sẽ thật sự khôn lường.
"Mưa dầm, thấm lâu", các thông tin xấu độc, sai trái, thù địch tác động
từng bước sẽ làm cho các thanh, thiếu niên mất phương hướng, thiếu niềm tin vào
Đảng, vào chế độ xã hội chủ nghĩa, thậm chí sa ngã, quay lại chống đối là điều
khó tránh khỏi. Cuộc đấu
tranh địch - ta trên không gian mạng của trận địa tư tưởng tuy thầm lặng nhưng
ngày càng khốc liệt hơn. Đối phó, đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái
trên mạng xã hội là lâu dài, không bao giờ ngưng nghỉ. Chúng ta cũng cần khách
quan, nhìn nhận nó theo hướng đối phó, đấu tranh, ngăn chặn để giảm thiểu tác hại
của nó chứ không thể suy nghĩ theo kiểu “zero covid”. Vì đây là mưu đồ phá
hoại của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. “Chúng dã tâm chống phá ta đến cùng”.
Vì thế, nếu thực hiện giải pháp bóc, gỡ tin,
bài xấu độc thì chúng lại tung lên mạng các tin, bài khác. Do vậy, chúng ta
trong môi trường thông tin số, "sống chung với lũ", thích ứng với nó
và có giải pháp căn cơ, bền vững, lâu dài là tư duy đúng đắn nhất. Tư duy đó cần
phải được mọi cán bộ, đảng viên, nhân dân với tư cách công dân mạng của chúng
ta hiểu đúng. Như vậy mới giúp chúng ta có chiến lược, có giải pháp khả thi, hữu
hiệu để đẩy lùi quan điểm sai trái, thông tin xấu độc. Chính vì vậy, chìa khóa căn cơ lâu dài là
cung cấp thông tin chính thống, minh bạch kịp thời để nâng cao nhận thức, tri thức giúp cộng đồng
mạng đủ sức nhận thức, phân biệt đúng - sai, tích cực - tiêu cực, xấu - tốt, từ
đó đủ sức đề kháng, dần dần hình thành cơ chế "tự miễn dịch" trước
thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét