ĐẨY MẠNH ĐẤU TRANH CHỐNG THAM NHŨNG KHÔNG
PHẢI ĐỂ "THANH TRỪNG NỘI BỘ” VÀ "ĐÁNH BÓNG TÊN TUỔI”
Mạng
xã hội đã từng xuất hiện không ít bài viết xuyên tạc mục đích, nội dung, kết
quả và ý nghĩa cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong Đảng, trong hệ thống chính
trị ở Việt Nam. Song, thực tế cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt
Nam ngày càng được triển khai quyết liệt và có hiệu quả, với phương châm không
có vùng cấm, không có ngoại lệ và đã tạo được sức răn đe, cảnh tỉnh lớn. Những
kết quả đạt được trong công tác phòng và chống tham nhũng những nhiệm kỳ gần
đây, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng là không thể phủ nhận.
Phát
biểu chỉ đạo tại phiên họp thứ 20 ngày 5/8 vừa qua của Ban Chỉ đạo Trung ương
về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Công tác
phòng, chống tham nhũng vẫn không ngừng, không nghỉ, thậm chí ngày càng quyết
liệt hơn, ngày càng có hiệu quả cao hơn và thêm nhiều bài học quý, nhiều kinh
nghiệm tốt hơn…Thời gian tới phải làm mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu
quả cao hơn nữa, không ngừng, không nghỉ và chỉ có tiến lên… Đây là vì sự
nghiệp chung, không thể không làm, cắt một vài cành sâu để cứu cả cây, làm rất
quyết liệt, nhưng nhân văn, nhân đạo, rất có lý, có tình, tâm phục, khẩu
phục... Nhiệm vụ sắp tới còn nặng nề, khó khăn, không được chủ quan và mong mỏi
của nhân dân vẫn là phải tiếp tục cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng không
được dừng”...
Thông
điệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rõ ràng là vậy, song các thế lực thù địch
vẫn tìm cách xuyên tạc với luận điệu “Tham nhũng là khuyết tật của chế độ xã
hội chủ nghĩa “độc Đảng lãnh đạo”, “Người đứng đầu Đảng, đồng thời là Trưởng
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo như vậy chính là để
“thanh trừng nội bộ”, là nhằm “để “đánh bóng” tên tuổi của mình?”, “Cuộc đấu
tranh chống tham nhũng ở Việt Nam “không hiệu quả”… Cần phải nói lại cho rõ
rằng:
PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG LÀ ĐỂ XÂY DỰNG VÀ
CHỈNH ĐỐN ĐẢNG
Theo
Từ điển Tiếng Việt, tham nhũng “lợi dụng quyền hành để hạch sách nhũng nhiễu
dân”(1). Còn theo Samuel Hungtington (học giả người Mỹ), đó “là hành vi lệch
chuẩn của nhân viên công quyền để mưu cầu tư lợi”(2). Vì thế, có thể hiểu rằng,
tham nhũng chính là sự mưu lợi/hưởng lợi một cách bất chính/không chính đáng
thông qua sự vi phạm các chuẩn mực/vi phạm trách nhiệm và nghĩa vụ của những
người được giao phó nhiệm vụ công hoặc tư. Do đó, tham nhũng vốn không phải chỉ
là khuyết tật của chế độ xã hội chủ nghĩa/của chế độ xã hội do Đảng Cộng sản
lãnh đạo mà chính là sản phẩm của quyền lực, của tất cả các thể chế chính trị
kể từ khi có nhà nước. Tham nhũng tồn tại tất yếu khách quan trong xã hội có
phân chia giai cấp, có nhà nước và chừng nào mà nhà nước, quyền lực chính trị
còn tồn tại, thì chừng đó còn có điều kiện và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tham nhũng
(từ tham nhũng “to” đến tham
nhũng “vặt”).
Ở Việt Nam, tham nhũng là hành
vi của những người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng/lạm dụng chức vụ, quyền
hạn được trao/được đảm nhiệm nhằm mục đích vụ lợi cho cá nhân, người thân, nhóm
lợi ích… Cụ thể, theo Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018, chủ thể tham nhũng
là người có chức vụ, quyền hạn; là người lợi dụng chức vụ, quyền hạn được trao
để đạt mục đích chính là vụ lợi. Đó là những: a) Cán bộ, công chức, viên chức;
b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp… thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân
dân; c) Người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp; d) Người giữ chức danh,
chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức; đ) Những người khác được giao thực
hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.
Đồng
thời, cũng theo Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018, các hành vi tham nhũng
trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức,
đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm:
a) Tham ô tài sản;
b)
Nhận hối lộ;
c)
Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;
d)
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi
;
đ) Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng
đối với người khác để trục lợi;
g) Giả mạo trong công tác vì vụ lợi;
h)
Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn
vị hoặc địa phương vì vụ lợi;
i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái
phép tài sản công vì vụ lợi; k) Nhũng
nhiễu vì vụ lợi;
l) Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc
không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
m)
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật
vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh
tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi...
Vì
thế, tham nhũng chính là trở lực lớn đối với sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc
tế của đất nước; làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và
đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; đồng thời, đó cũng chính là một
trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Nhận
thức rõ nguy cơ và tác hại của vấn nạn này, cho nên phòng và đấu tranh chống
tham nhũng luôn là một vấn đề được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm; đồng thời
được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng và
chỉnh đốn Đảng. Đấu tranh chống tham nhũng là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa thường
xuyên và lâu dài để Đảng trong sạch vững mạnh, xứng đáng với vai trò tiền phong
lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Tăng
cường phòng và đấu tranh chống tham nhũng theo văn kiện các kỳ Đại hội của Đảng
nói chung, Nghị quyết Đại hội XIII đã chỉ rõ: “Công tác phòng, chống tham
nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng”; “kiên quyết, kiên trì đấu
tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành
động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn”(3). Cùng với tinh thần chỉ đạo của
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 5/8 vừa qua đã thể hiện rõ quyết tâm của Đảng
và của người đứng đầu Đảng về việc thực hiện nhiệm vụ trọng yếu này, chứ không
phải/không bao giờ nhằm mục đích “đánh bóng tên tuổi của mình”, nhằm “thanh
trừng phe cánh”… như các luận điệu bịa đặt, xuyên tạc trên mạng xã hội.
Những
nhiệm kỳ gần đây, phòng và đấu tranh chống tham nhũng được đẩy mạnh và triển
khai đồng bộ, quyết liệt trong Đảng và trong cả hệ thống chính trị, bởi một
trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của
một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; trong đó, có cả các đảng viên giữ vị
trí lãnh đạo, quản lý các cấp (từ Trung ương đến địa phương) chính là tham
nhũng. Điều này được chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về
tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng và một số văn bản khác.
Để
phòng và đấu tranh chống tham nhũng hiệu quả, thực hiện đường lối, chủ trương
về phòng, chống tham nhũng trong các văn kiện các kỳ Đại hội của Đảng, Ủy ban
Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 1039/2006/NQ-UBTVQHXI về tổ chức,
nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng,
chống tham nhũng. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1009/2006
về nhân sự Ban Chỉ đạo. Quốc hội cũng đã ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số
điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012 và Luật Phòng, chống tham nhũng
năm 2018…
Khoản
2, Điều 8 Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức,
viên chức phải... kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu
hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”. Cùng với Hiến pháp và Luật Phòng, chống
tham nhũng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/201K/NĐ-CP quy định chi tiết
một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng và Bộ luật Hình
sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng đã có một chế định pháp lý riêng,
quy định các tội phạm tham nhũng… tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đồng bộ, khả thi
để phòng và chống tham nhũng hiệu quả, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong
hệ thống chính trị; đồng thời, có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe và từng
bước ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái, tham ô, tham nhũng trong Đảng,
trong hệ thống chính trị.
KHÔNG CÓ VÙNG CẤM, KHÔNG CÓ NGOẠI LỆ ĐỂ XỬ
LÝ NGHIÊM CÁC SAI PHẠM
Thực
tế cho thấy, công tác đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam đã được tiến hành
với quyết tâm chính trị cao, thể hiện rõ tinh thần kiên quyết, song không nóng
vội, chủ quan mà là kiên trì, liên tục với những bước đi đúng lộ trình, vững
chắc, tích cực và có trọng tâm, trọng điểm. Trong cuộc đấu tranh đó, việc thực
hiện đồng bộ các biện pháp để vừa chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham
nhũng vừa kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng và cả
các hành vi bao che, dung túng tiếp tay cho tham nhũng theo phương châm không
có ngoại lệ, không có vùng cấm… được phối hợp nhuần nhuyễn, đồng bộ là không
thể phủ nhận.
Đồng
thời, việc phát huy sức mạnh của toàn dân, toàn hệ thống chính trị; việc huy
động sức mạnh không chỉ của các cơ quan chức năng mà còn của Mặt trận, các đoàn
thể quần chúng và nhân dân đã góp phần làm nên những kết quả khả quan trong
công tác phòng, chống tham nhũng những nhiệm kỳ gần đây và 6 tháng đầu năm 2021
ở Việt Nam. Những con số “biết nói” trong báo cáo về công tác phòng, chống tham
nhũng những năm 2016-2021, nhất là trong 6 tháng đầu năm 2021 được nêu ra tại
phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã cho
thấy rõ quyết tâm của Đảng về đẩy mạnh chống tham nhũng và hiệu quả từ những
kết quả đạt được.
Cụ
thể, trong 6 tháng đầu năm 2021, đã có 1.850 vụ án mới bị khởi tố liên quan đến
tham nhũng. Cùng với đó, Ủy ban kiểm tra các cấp đã kỷ luật hơn 70 tổ chức đảng
và hơn 8.000 đảng viên; trong đó có gần 180 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng.
Các cơ quan chức năng đã xét xử kịp thời bốn vụ án tham nhũng trọng điểm: vụ
tại Công ty cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí Ethanol Phú Thọ,
Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam; vụ tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất
giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên; vụ tại Bộ Công Thương và Tổng Công
ty Bia-rượu-nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) liên quan đến dự án 2-4-6 Hai Bà
Trưng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; vụ Công ty Nhật Cường và một số đơn vị
liên quan. Đồng thời, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tại phiên
họp, cho biết các cơ quan khẩn trương đưa ra xét xử 5 vụ án trọng điểm khác
trong năm 2021…
Công
tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở nhiều địa phương có chuyển biến tích cực; đã
khắc phục được tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Các địa phương, thanh tra,
kiểm tra cũng đã chuyển 80 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra
để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật… Công tác thu hồi tài sản tham
nhũng tiếp tục đạt được nhiều kết quả. Các cơ quan tố tụng đã thu giữ, tạm giữ,
kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản trong các vụ
án tham nhũng, kinh tế có giá trị hơn 14.413 tỷ đồng. Cơ quan thi hành án dân
sự đã thu hồi hơn 1.995 tỷ đồng. Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ
đạo đã thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn tẩu
tán tài sản trị giá trên 1.467 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác, trong
giai đoạn thi hành án đã thu hồi gần 1.900 tỷ đồng…
Thực
tiễn cho thấy nhận định của các “anh hùng bàn phím” khi cho rằng theo “giới
quan sát” thì hiệu quả chống tham nhũng ở Việt Nam “không hiệu quả” là khiên
cưỡng, một chiều và chủ quan. Những nhận định cho tham nhũng là "bản chất
của bộ máy công quyền này”, "quyết tâm phòng chống tham nhũng là thanh
trừng nội bộ, đánh bóng tên tuổi", là những luận điệu bẻ cong sự thật, bôi
đen mục đích, nội dung, kết quả và ý nghĩa cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở
Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cùng với đó, người dân
cũng cần phải cảnh giác với các luận điệu "mượn gió bẻ măng", từ
chuyện tham nhũng bàn về Điều 4 Hiến pháp, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng,
dẫn dắt dư luận hoài nghi, dao động, chống chế độ.
Đại hội XIII của Đảng đã khẳng
định quyết tâm tiếp tục phòng và đấu tranh chống tham nhũng: “Triển khai đồng
bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu
quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt
nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”(4). Đi liền
cùng đó là “khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát
tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm
chống lãng phí. Tiếp tục thực hiện chặt chẽ có hiệu quả về kê khai, kiểm soát,
kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công viên chức, nhất là cán bộ
lãnh đạo các cấp”(5)để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh chống
tham nhũng.
Quyết
tâm của Đảng Cộng sản Việt Nam được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII và
lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ
đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 5/8/2021 về phòng, đấu tranh
chống tham nhũng chính là sự thể hiện nhất quán, xuyên suốt của nhiệm vụ quan trọng
này; là nhằm để cuộc đấu tranh chống tham nhũng đạt hiệu quả cao, góp phần làm
trọng sạch Đảng, để xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Thực
tiễn cho thấy không thể xuyên tạc và bôi đen quyết tâm phòng, chống tham nhũng
và những kết quả đạt được về phòng, chống tham nhũng trong Đảng, trong hệ thống
chính trị ở Việt Nam. Những luận điệu phản động, thủ đoạn, xuyên tạc không thể
nào phản ánh đúng bản chất và tính hiệu quả của cuộc đấu tranh chống tham nhũng
ở Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét