Thứ Năm, 24 tháng 8, 2023

TẠO “THẾ TRẬN LÒNG DÂN” VỮNG CHẮC TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

 

TẠO “THẾ TRẬN LÒNG DÂN” VỮNG CHẮC TRÊN
KHÔNG GIAN MẠNG

Xây dựng “thế trận lòng dân” là bài học quý trong quá trình dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc ta. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bài học đó vẫn còn nguyên giá trị. Hiện nay, trước xu thế toàn cầu hóa, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, internet và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo nên không gian mạng rộng khắp, mà ở đó con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian, thời gian. Chính vì vậy, tạo “thế trận lòng dân” vững chắc trên không gian này vừa là vấn đề cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

           Nhận thức về “thế trận lòng dân” trên không gian mạng

Trước hết, “thế trận” thường được hiểu là “cách bố trí lực lượng trong trận chiến đấu hay thi đấu” (1). Còn “lòng dân” là khái niệm chỉ trạng thái tinh thần, niềm tin, sự đồng lòng của người dân với chế độ xã hội và giai cấp nắm quyền lãnh đạo xã hội” (2). Biểu hiện tích cực của “lòng dân” là niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội; thái độ, trách nhiệm chính trị, lòng yêu nước của mỗi công dân đối với đất nước và ngược lại.

Từ khái quát về “thế trận” và “lòng dân” có thể nhận thức, “thế trận lòng dân”, là một thế trận đặc biệt, không thể hiện như thế trận quốc phòng, quân sự, mà biểu hiện bằng sức mạnh nội sinh của mỗi quốc gia, dân tộc. Suy cho cùng, “thế trận lòng dân” chính là lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Còn về không gian mạng, theo Luật An ninh mạng năm 2018 của Việt Nam, xác định: “Không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian” (3). Nói cách khác, không gian mạng như một vùng không gian mới của quốc gia, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, khẳng định: Không gian mạng là không gian thứ năm, chiến trường thứ năm, miền thứ năm bên cạnh vùng đất, vùng trời, vùng biển và không gian vũ trụ.

Từ những luận giải trên, có thể hiểu “thế trận lòng dân” trên không gian mạng chính là niềm tin, sự đồng thuận của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng; quản lý, điều hành của Nhà nước vì sự phát triển, vận hành trong sạch, lành mạnh không gian mạng; là phương thức, động lực phát triển kinh tế - xã hội và các vấn đề trên không gian mạng mà không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã chứng minh, khi lòng dân thuận, thế nước càng mạnh, lòng dân ly tán thì thế nước yếu. Cụ thể, dưới thời nhà Trần với tư tưởng: “Chúng chí thành thành”, “khoan thư sức dân” đã trở thành nhân tố quyết định giành thắng lợi trong ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược. Trái lại, thời nhà Hồ, dù quân đông, tướng giỏi, khí giới hiện đại, thành cao, lũy sâu, nhưng lòng dân không thuận nên đã thất bại. Hồ Nguyên Trừng (vị tướng giỏi thời nhà Hồ và là con trai cả Hồ Quý Ly) từng bày tỏ: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”.

Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam luôn nhận thức sâu sắc và phát huy cao vai trò, sức mạnh của Nhân dân. Khi sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” (4). Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 8/1945, toàn thể Nhân dân ta đã đoàn kết, nhất tề đứng dậy làm nên cuộc cách mạng “long trời, lở đất”. Bước vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đã đoàn kết một lòng, làm nên Chiến thắng Điện Biên phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

          Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong thời kỳ đổi mới, quan điểm “lấy dân làm gốc” và coi trọng xây dựng “thế trận lòng dân” đã được Đảng ta vận dụng sáng tạo. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, lần đầu tiên cụm từ “thế trận lòng dân” được đưa vào văn kiện, trong đó nhấn mạnh: “Xây dựng “thế trận lòng dân” làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân làm nòng cốt” (5). Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và XII, Đảng ta tiếp tục đưa cụm từ “thế trận lòng dân” vào văn kiện. Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khẳng định: “Ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả” (6). Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, một lần nữa Đảng ta khẳng định: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân” (7).

Đồng thời, xuất phát từ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, chúng sử dụng chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân; gây chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước, Quân đội với Nhân dân. Trong đó, chúng triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội để xuyên tạc, chống phá ta; kích động biểu tình, bạo loạn. Thống kê gần đây cho thấy, bình quân hằng tháng các thế lực thù địch phát tán hơn 130.000 bài viết, video, clip xuyên tạc trên internet, mạng xã hội. Chúng tận dụng tính năng phát trực tuyến của Youtube, Facebook làm công cụ phát tán thông tin xấu, độc. Bên cạnh đó, còn thủ đoạn tung tin giả, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, gây mất ổn định chính trị và ảnh hưởng đến kinh tế. Vào tháng 01/2023, “cộng đồng mạng” xôn xao khi clip xuyên tạc một sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học thành phố Hồ Chí Minh tham gia giáo dục quốc phòng - an ninh tại Trường Quân sự Quân khu 7 bị hiếp dâm tập thể. Ngay sau đó, Cơ quan Điều tra Quân khu 7 vào cuộc xác minh, thì đây là thông tin sai sự thật. Hay trường hợp ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup bị cấm xuất cảnh. Cơ quan chức năng xác minh thì đây cũng là thông tin giả mạo, khiến sau một thời gian, giá cổ phiếu của tập đoàn này giảm 50%...

Nâng cao trách nhiệm công dân trên không gian mạng

Chúng ta không thể phủ nhận, không gian mạng đem lại cho con người rất nhiều tiện ích, nhất là khi Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu của nhân loại. Việc sử dụng mạng xã hội là nhu cầu chính đáng của mỗi tổ chức, cá nhân. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 9/2022, mỗi ngày Việt Nam có hơn 72 triệu người sử dụng internet (khoảng 73% dân số) và nước ta trở thành quốc gia có số người dùng internet đứng thứ 12 trên thế giới.

Để không gian mạng hoạt động đúng mục đích, theo chiều hướng tích cực, trước hết chúng ta phải nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và mỗi công dân về vị trí, vai trò của internet, mạng xã hội và tạo “thế trận lòng dân” vững chắc trên không gian này.

Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý, nhằm tạo ra một không gian mạng lành mạnh, hữu ích, góp phần quan trọng vào sự phát triển đất nước. Đồng thời phải có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, răn đe những hành vi, thủ đoạn lợi dụng không gian mạng để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ; sử dụng không gian mạng kích động, lôi kéo, xuyên tạc sự thật; phá hoại an ninh quốc gia - trật tự an toàn xã hội, gây chia rẽ, mất đoàn kết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân và Quân đội.

Phát huy tốt vai trò cơ quan tuyên giáo, các cơ quan thông tấn báo chí trong việc cung cấp thông tin chính thống, kịp thời định hướng dư luận trước những sự kiện lớn, các vấn đề được xã hội quan tâm.

          Cần nhân rộng nhiều mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả trên không gian mạng, tiêu biểu thời gian qua như mô hình: “Hội nhóm, trang mạng xã hội vì môi trường mạng an toàn, lành mạnh” ở Đà Nẵng; Cuộc vận động: “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp trên mạng xã hội” ở Bình Phước…. Hay hoạt động của Lực lượng 47 trong Quân đội đã và đang góp phần tích cực đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội trên không gian mạng.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng cho Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ có đủ sức “đề kháng”, “miễn dịch” trước các thông tin xấu, độc, xuyên tạc sự thật, các vấn đề tiêu cực trên mạng xã hội. Khuyến khích, động viên để các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và mỗi công dân tham gia mạng xã hội tuân thủ đúng pháp luật, có tri thức, văn hóa. Trước hết, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức và lực lượng vũ trang phải gương mẫu, là hạt nhân tích cực trên không gian mạng. Cần có cơ chế để Nhân dân tham giám sát, quản lý, đấu tranh phản bác các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch, những vấn đề tiêu cực và cổ vũ cái tốt, cái tích cực, theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”.

Có thể khẳng định, tạo “thế trận lòng dân” vững chắc trên không gian mạng là một đòi hỏi tất yếu, khách quan, đồng thời vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

  Tài liệu tham khảo:

(1) Đại từ điển tiếng Việt, NXB. Văn hóa- Thông tin, Hà Nội 1998, trang 1.558.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội- 2011, trang 453.

(3) Khoản 3, Điều 2, Chương 1- Luật An ninh mạng năm 2018.

(4) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội- 2002, tập VIII, trang 276;

(5) Văn Kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB. Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội 2006, trang 109;

(6) Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bế mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII)- theo dangcongsan.vn

(7) Văn Kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB. Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội 2021, tập I, trang 157.

 

1 nhận xét:

  1. Nếu mọi người dân đều tỉnh táo, sáng suốt trong sàng lọc thông tin, nhận diện và ứng xử phù hợp trước những thông tin xấu độc thì các thế lực thù địch không dễ bề lợi dụng để chống phá.

    Trả lờiXóa