Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và sinh hoạt đảng, thuộc bản chất của Đảng Cộng sản; là một tiêu chí để phân biệt chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, đảng cách mạng chân chính với các đảng khác. Đó là cơ sở bảo đảm cho Đảng Cộng sản là một khối thống nhất ý chí và hành động; tạo nên sức mạnh vô địch của Đảng cách mạng. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ là vấn đề thuộc về bản chất của Đảng Cộng sản. Vì thế, phủ nhận nguyên tắc này là phủ nhận Đảng Cộng sản từ bản chất.
Bấy lâu
nay, thế lực thù địch luôn tập trung sức tấn công nhằm phủ nhận, phê phán,
xuyên tạc nguyên tắc tập trung dân chủ, mưu toan phá vỡ sự đoàn kết thống nhất
của Đảng, làm tan rã hoặc phân liệt Đảng về mặt tư tưởng và tổ chức. Họ cho rằng,
nguyên tắc này đã lỗi thời, trái với xu thế xây dựng “xã hội dân chủ”; cái gọi
là “dân chủ” chỉ là “hình thức và lý thuyết”, còn thực chất là “độc đoán”,
“chuyên quyền” của một trung tâm; không thể có sự tồn tại, chung sống giữa tập trung
với dân chủ, “nhốt” chung một “rọ” chúng sẽ “giết chết” lẫn nhau, tập trung sẽ
“giết chết” dân chủ... Sự thật có phải như vậy không? Hoàn toàn không phải như
vậy, vì rằng:
Thứ nhất,
tập trung dân chủ là một khái niệm khoa học của học thuyết Mác - Lênin về Đảng
Cộng sản và xây dựng chủ nghĩa xã hội
Tập
trung và dân chủ là những yếu tố để hình thành tổ chức và hoạt động của con người
trong đời sống thực tiễn trước những yêu cầu mà công việc đề ra khi công việc
đó mang tính xã hội hóa và phân công theo chuyên môn hóa. Phân công và hợp tác
là đòi hỏi tất yếu của lao động xã hội của con người được tổ chức thành cộng đồng.
Do vậy, tập trung và dân chủ trở nên tất yếu đối với hoạt động quản lý và tự quản.
Cần đến tập trung vì quản lý một hoạt động phối hợp nào đó của số đông đòi hỏi
phải có chỉ huy, phải có quyết định điều khiển bởi một chủ thể nào đó có thẩm quyền.
Cần đến dân chủ vì trong hoạt động có tổ chức cần có sự thống nhất về mục tiêu,
hình dung rõ nhiệm vụ và bố trí phân công hợp tác, phối hợp giữa các cá nhân,
nhóm và tập thể một cách hợp lý thông qua thảo luận để đạt tới một nhất trí, một
thỏa thuận nào đó. Ở đâu có hoạt động phối hợp chung, có tổ chức và điều khiển
sự phối hợp chung, ở đó cần tập trung và cũng cần dân chủ. Vì vậy, sự kết hợp
giữa tập trung với dân chủ là một đòi hỏi tất yếu trong hoạt động xã hội của
con người.
Thế
nhưng, sự kết hợp đúng đắn giữa tập trung với dân chủ như một nguyên tắc, một
chế độ trong lãnh đạo và quản lý chỉ thực sự xuất hiện trong chủ nghĩa xã hội,
chỉ đạt được ở Đảng và Nhà nước mang bản chất giai cấp công nhân. Nguyên tắc tập
trung dân chủ ra đời còn là một đòi hỏi tất yếu của đấu tranh chính trị giành
chính quyền của giai cấp công nhân và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bởi
lẽ, cách mạng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi rất cao tính chủ động, tự giác sáng tạo,
tính tổ chức và kỷ luật của từng cá nhân và của cả tập thể. Thực hiện nguyên tắc
tập trung dân chủ sẽ bảo đảm cho Đảng - với tư cách là đội tiên phong, bộ tham
mưu chiến đấu có tổ chức và là tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân, có sức
mạnh thống nhất về tư tưởng, chính trị và tổ chức, để biểu hiện và khẳng định
mình là một Đảng cách mạng, Đảng chiến đấu, Đảng hành động vì lợi ích của nhân
dân, lãnh đạo giai cấp và dân tộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Thứ
hai, bản chất nguyên tắc tập trung dân chủ là chặt chẽ, hài hòa giữa tập trung
và dân chủ trong mối hệ biện chứng
Trong
chỉnh thể của nguyên tắc tập trung dân chủ, cả hai mặt tập trung và dân chủ như
là những thuộc tính và những thực thể, chúng gắn bó hữu cơ với nhau không thể
tách rời, chứ không phải chỉ là tập trung hoặc chỉ là dân chủ, cũng không phải
là con số cộng hai mặt tập trung và dân chủ. Tách rời tập trung khỏi dân chủ và
ngược lại thì chẳng những cả tập trung lẫn dân chủ đều không được thực hiện mà
còn đẩy chúng đến nguy cơ biến dạng. Tuyệt đối hóa một mặt nào đều có thể dẫn đến
những sai lầm nguy hiểm có hại cho sự lãnh đạo và sức mạnh của Đảng. Chỉ nhấn mạnh
tập trung mà dân chủ hạn chế thì lúc đó đã trượt sang tập trung quan liêu,
không còn là tập trung dân chủ nữa. Hoặc, chỉ nhấn mạnh dẫn chủ một chiều nhưng
lại hạn chế tập trung thì đó là thứ dân chủ vô chính phủ - thứ dân chủ rất xa lạ
với nguyên tắc tập trung dân chủ. Chấp nhận thứ dân chủ đó là phá hoại sức mạnh
của Đảng. Do đó, khi thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ phải đề phòng, khắc
phục cả hai thiên hướng lệch lạc nêu trên.
Trong
thực tế có một số không ít người - do đồng nhất bản chất và hiện tượng một cách
giản đơn - đã hiểu không đúng về tập trung dân chủ; hoặc biết rõ về mối quan hệ
tất yếu này, nhưng do thù địch về ý thức hệ mà cố tình không thừa nhận, đưa ra
những nhận định sai lệch. Họ luôn tuyên truyền quan niệm tập trung là đối lập,
là bài trừ dân chủ, rằng phải từ bỏ tập trung để đạt được dân chủ, từ đó họ muốn
phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động lãnh đạo và quản lý, trong
đời sống xã hội, nhất là trong tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản. Lý luận
và thực tiễn đã cho thấy không phải như vậy. Sẽ không thể có dân chủ nếu tách rời
nó với tập trung. Tập trung cũng không thể có hiệu quả nếu thoát ly khỏi cơ sở
dân chủ của nó. Vấn đề phải giải quyết là xác lập mối quan hệ đúng đắn giữa tập
trung và dân chủ, có cơ chế xử lý mối quan hệ này trong thực tiễn. Nếu trong thực
tiễn, tập trung và dân chủ hài hòa với nhau thì cả sức mạnh của tập trung, cả sức
mạnh của dân chủ đều được phát huy.
Thứ ba,
dân chủ và tập trung là điều kiện của nhau, rằng buộc và điều chỉnh lẫn nhau
Dân chủ
và tập trung, chúng phản ánh lẫn nhau và thông qua sự phản ánh ấy cả dân chủ lẫn
tập trung đều biểu hiện ra - theo cách nói của Mác - một cách trực tiếp, cảm
tính những trình độ thực tế, những sắc thái và trạng thái vận hành của chúng. Sự
gắn liền tập trung với dân chủ và ngược lại dân chủ với tập trung là hàm chứa
trong nội tại của chỉnh thể này một sự tác động chuyển hóa lẫn nhau vừa là điều
kiện, vừa là tiền đề của nhau. Sự vận động và phát triển của dân chủ và tập
trung, hiểu một cách lành mạnh là sự vận động, phát triển không phải ngẫu
nhiên, tự phát, không phải vô hạn và tuyệt đối, mà ở trong tính hợp lý của tổ
chức, thể chế và cơ chế dưới ảnh hưởng của hoạt động tự giác, sáng tạo của con
người. Một thể chế, thiết chế và cơ chế vận hành của nó sẽ không thể coi là dân
chủ, bảo đảm cho dân chủ được phát triển lành mạnh đủ sức đẩy lùi những phản
dân chủ trong hình thức tự do, hỗn loạn, vô chính phủ, nếu thiếu nhân tố tập
trung như một giới hạn, một tác nhân điều chỉnh, kiểm soát tất yếu. Cũng như vậy,
trong tổ chức và hoạt động, sự cần thiết, tính hợp lý của tập trung sẽ nhanh
chóng biến thành mặt trái ngược và có nguy cơ bị biến dạng nếu tập trung không
dựa trên cơ sở dân chủ, không coi điểm xuất phát và mục đích của nó là dân chủ.
Dân chủ
và tập trung là hai mặt trong một nguyên tắc thống nhất, bổ sung, hoàn chỉnh lẫn
nhau, cần sự có mặt của nhau và tác động tương hỗ nhau, giữa chúng có sự khác
biệt, chứ không đối lập và bài trừ nhau. Nếu không tuân thủ vai trò cần phải có
của tập trung thì dân chủ sẽ bị thay thế bởi tự do vô chính phủ - đó sẽ là một
phản dân chủ, một thứ phản văn hóa. Nếu không dựa trên dân chủ và vì dân chủ,
thì tập trung sẽ bị lợi dụng, lạm dụng biến thành tập trung quan liệu, cực quyền;
nó tự đánh mất chức năng đích thực là đảm bảo, bảo vệ dân chủ và trở thành lực
cản kìm hãm dân chủ.
Đối lập
với dân chủ là quan liêu, chuyên chế và độc tài chứ không phải là tập trung.
Cũng như vậy, đối lập với tập trung là tính tản mạn, cục bộ, tự phát và tính
tùy tiện, tự do vô chính phủ, chứ không phải là dân chủ trong kỷ luật, kỷ cương,
pháp luật. Không có dân chủ nếu không có tập trung và tập trung sẽ không còn là
tập trung dân chủ nữa mà biến thành quan liêu, độc đoán, chuyên quyền nếu không
dựa trên dân chủ, không vì dân chủ, không nhằm tới dân chủ. Không có cái này
thì không thể có cái kia và ngược lại. Hơn nữa, sự yếu kém và khuyết tật của yếu
tố này sẽ làm ảnh hưởng xấu đến yếu tố kia. Sự thống nhất hữu cơ, sự ràng buộc
và chế ước lẫn nhau giữa dân chủ và tập trung là một đòi hỏi tất yếu, khách
quan, làm cho dân chủ không tách rời trật tự, kỷ cương, không rơi vào rối loạn.
Nó đồng thời đảm bảo cho tập trung thực sự là tập trung dân chủ, chẳng những
không phương hại tới dân chủ mà trái lại, còn là sự cần thiết như một tất yếu tự
nhiên (xét từ góc độ tổ chức - quản lý) làm cho dân chủ từ khả năng trở thành
hiện thực.
Tập
trung dân chủ vừa là một nguyên tắc tổ chức, vừa là một cơ chế thực hiện làm
cho dân chủ tránh khỏi sự biến dạng thành tự do vô chính phủ và làm cho tập
trung không trở thành quan liêu chuyên chế. Rõ ràng, sự cố kết, rang buộc và
chi phối nhau nghiêm ngặt của hai mặt này là để bảo đảm cho tập trung dân chủ
thực sự là một nguyên tắc sống động. Theo nguyên tắc này, thì điểm xuất phát và
mục đích cuối cùng đạt được là dân chủ thực chất được xác nhận bởi sự hài hòa
giữa quyền và nghĩa vụ, lợi ích và trách nhiệm của cá nhân với tổ chức, của bộ
phận với toàn thể, bởi sức mạnh và khả năng sáng tạo được nhân lên, bởi hiệu quả
và chất lượng hoạt động ngày càng cao hơn.
V.I.
Lênin khẳng định: Chế độ tập trung dân chủ, một mặt, thật khác xa chế độ tập
trung quan liêu chủ nghĩa, và mặt khác, thật khác xa chủ nghĩa vô chính phủ.
Người còn chỉ rõ hơn: “Ở đây chúng ta đi đến một nguyên tắc rất quan trọng trong
toàn bộ tổ chức đảng và hoạt động của đảng: nếu việc lãnh đạo phong trào và cuộc
đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản về mặt tư tưởng và thực tiễn cần có chế
độ tập trung càng mạnh càng tốt thì về phương diện làm cho trung ương đảng (và
như vậy là toàn đảng nói chung) nắm lấy tình hình phong trào, về phương diện
trách nhiệm trước đảng, cần có chế độ phân cấp càng rộng rãi càng tốt”[1]; rằng:
“toàn bộ tổ chức của đảng hiện nay được xây dựng một cách dân chủ. Như thế có
nghĩa là toàn thể đảng viên bầu ra những người lãnh đạo, những ủy viên các ban
chấp hành, v.v., rằng toàn thể đảng viên thảo luận và quyết định vấn đề vận động
chính trị của giai cấp vô sản, rằng toàn thể đảng viên xác định phương hướng
sách lược của các tổ chức đảng”[2].
Không
có dân chủ (thông qua thảo luận, bàn bạc, tranh luận để đi tới lựa chọn một giải
pháp đúng đắn và hợp lý nhất, một phương án có tính khả thi và tối ưu nhất) thì
không thể tạo được sự thống nhất trong Đảng. Nhưng không có tập trung (bằng các
quyết định, quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn, bằng tổ chức, kiểm tra...) thì
sự thống nhất về nhận thức không thể trở thành hiện thực, Đảng không còn là một
tổ chức chiến đấu, một tổ chức hành động, lập tức trở thành một câu lạc bộ bàn
suông, dân chủ trong Đảng trở nên vô nghĩa. Và như vậy, nó sẽ đẩy tới sự hỗn loạn,
biệt phái, phá vỡ tổ chức. Bài học phản diện này vẫn chưa mất đi tính thời sự của
nó. Đó là, ở đâu và lúc nào Đảng xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ thì Đảng
không còn sức mạnh: hoặc rơi vào độc đoán chuyên quyền, hoặc trở thành một câu
lạc bộ mở đường cho chủ nghĩa cơ hội, bè phái, vô chính phủ đủ loại hoạt động,
cuối cùng làm Đảng tan rã về tổ chức. Kẻ địch đang rất muốn và thường xuyên
kích động làm điều đó.
Thực tế
đã có không ít Đảng Cộng sản bị rối loạn hoặc tan rã chỉ vì xa rời nguyên tắc tập
trung dân chủ, sa vào cái bẫy “đa nguyên, đa đảng”. Bài học đau xót đó nhắc nhở
chúng ta phải luôn đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng để không bao giờ mắc
mưu của địch, không bao giờ xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ, bởi xa rời
nguyên tắc này là tự thủ tiêu Đảng.
Thứ tư,
nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản, cốt lõi trong những nguyên tắc
xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân
Nguyên
tắc này chỉ đạo xuyên suốt quá trình xây dựng tổ chức, sinh hoạt và hoạt động
lãnh đạo của Đảng. Nó quy định cơ cấu tổ chức, chế độ sinh hoạt, chế độ giải
quyết các mối quan hệ nội bộ, phương pháp, tác phong lãnh đạo của Đảng. Nguyên
tắc tập trung dân chủ, bảo đảm cho Đảng thống nhất về chính trị, tư tưởng, tổ
chức, thống nhất ý chí và hành động; sự thống nhất về chính trị, tư tưởng chỉ
có thể vững chắc và trở thành sức mạnh hiện thực khi được bảo đảm bằng sự thống
nhất về mặt tổ chức, thông qua nguyên tắc tập trung dân chủ. Nguyên tắc tập
trung dân chủ, bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng thông suốt, nhất quán từ trên xuống
dưới, là cơ sở để xây dựng, củng cố sự đoàn kết trong Đảng, làm cho Đảng luôn
là một chỉnh thể thống nhất được tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật nghiêm minh, đồng
thời khắc phục tình trạng phân tán, cục bộ, bè phái, chia rẽ, vô tổ chức, vô kỷ
luật.
Đồng thời
cần thấy rằng, nguyên tắc tập trung dân chủ bao gồm nhiều nội dung, nhưng tựu
trung có thể quy vào những cặp yếu tố có mối quan hệ biện chứng với nhau: tập trung
và dân chủ; cá nhân và tập thể; tự do và kỷ luật; cấp dưới và cấp trên; quyền lực
và giám sát quyền lực. Nếu coi nhẹ hoặc tuyệt đối hóa bất cứ yếu tố nào trong
các cặp yếu tố đó, thì nhất định không tránh khỏi dẫn đến chỗ phá vỡ nguyên tắc
tập trung dân chủ, làm cho Đảng phân rã, thiếu thống nhất. Rõ ràng, nguyên tắc
tập trung dân chủ không phải là sự “giết chết lẫn nhau” giữa “cái tập trung” và
“cái dân chủ”, mà đó chính là biểu hiện sức sống, bản chất cách mạng và khoa học
của Đảng Cộng sản.
Trong
suốt quá trình xây dựng và lãnh đạo sự nghiệp cách mạng hơn 93 năm qua, Đảng Cộng
sản Việt Nam luôn trung thành và vận dụng đúng đắn, sáng tạo nguyên tắc tập
trung dân chủ trong từng giai đoạn cách mạng. Nhờ vậy, trong điều kiện chưa có
chính quyền cũng như khi có chính quyền, trong điều kiện chiến tranh cũng như
trong hòa bình, Đảng ta luôn là một khối thống nhất ý chí và hành động, đủ sức
lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua muôn trùng gian khó, giành hết thắng lợi
này đến thắng lợi khác. Thế nhưng, các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội về
chính trị lại đòi Đảng ta xóa bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ. Họ vịn vào những
hiện tượng tham nhũng, quan liêu, độc đoán, chuyên quyền của một số cán bộ, đảng
viên để xuyên tạc bản chất cách mạng và khoa học của nguyên tắc tập trung dân
chủ.
Cần khẳng
định rằng, những hiện tượng đó không phải do nguyên tắc tập trung dân chủ sinh
ra mà do nhận thức, vận dụng thực hiện sai và sự thoái hóa về phẩm chất chính trị,
đạo đức, lối sống gây nên. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung
ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” trong nội bộ, đã chỉ rõ: “Nguyên tắc tập trung dân chủ ở nhiều
nơi bị buông lỏng”; đồng thời, nghị quyết đã nghiêm khắc cảnh báo, phê phán những
biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ: “Phản bác, phủ nhận...
các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ”[3]. Ý
đồ thâm độc của các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị đòi Đảng ta từ
bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ là nhằm phá hoại sự thống nhất về ý chí và hành
động, làm cho Đảng lỏng lẻo về kỷ luật, chia rẽ, bè phái, dẫn đến tan rã về tổ
chức, mất sức chiến đấu.
Lịch sử
phong trào cộng sản và công nhân thế giới cho thấy những kẻ phản bội Đảng đều
phá Đảng từ việc tìm mọi thủ đoạn xuyên tạc, phủ nhận nguyên tắc này. Vì vậy, để
đập tan các luận điệu xuyên tạc, phá hoại của các thế lực thù địch đối với
nguyên tắc tập trung dân chủ cần phải làm cho mọi tổ chức đảng, cán bộ, đảng
viên có nhận thức đúng đắn và thống nhất về yêu cầu, nội dung dân chủ và nguyên
tắc tập trung dân chủ, “Kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc trong công
tác xây dựng Đảng”, “bảo vệ nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng”, “giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế,
bảo đảm kỷ cương xã hội”[4]; đồng
thời có cơ chế bảo đảm thực hiện những nội dung đó; xử lý nghiêm khắc những hiện
tượng tham ô, hối lộ, tham nhũng, lạm dụng quyền lực để thực hiện mưu đồ cá nhân,
độc đoán, chuyên quyền, trù dập, ức hiếp cấp dưới và quần chúng - kẻ thù của
nguyên tắc tập trung dân chủ./.
[1] V.I.
Lênin, Toàn tập, tập 7, Sđd, tr.23.
[2] V.I.
Lênin, Toàn tập, tập 13, Sđd, tr.244.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn
phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.32.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chính
trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.39.
Mỗi người dân Việt Nam cần nâng cao cảnh giác với các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; đồng thời tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn hiểm độc, tinh vi của chúng.
Trả lờiXóa