Thứ Hai, 20 tháng 3, 2023

“SỐNG ẢO” - HỆ LỤY THẬT

 


Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, trong xã hội hiện đại, hầu như mọi người không còn liên lạc qua thư từ mà mạng xã hội dần trở thành phương tiện thiết yếu, tiện lợi để kết nối với nhau, với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, mạng xã hội như con dao 2 lưỡi, nếu quá lạm dụng các ứng dụng đó giới trẻ sẽ có lối sống không lành mạnh, đó là sống ảo. Trong “thế giới ảo”, giới trẻ sống trong hoang tưởng, thoát ly thực tại của cuộc sống, không giao tiếp với những người xung quanh, thế giới bên ngoài, chỉ thích kết bạn và trò chuyện với cộng đồng mạng. Nhiều bạn trẻ chìm đắm bên màn hình điện thoại, laptop, mãi mê trong thế giới facebook, instagram, zalo và các mạng xã hội khác. Nhiều bạn đã lạm dụng mạng xã hội để đăng những hình ảnh “tự sướng”, có những lời nói, bình luận, hành động dung tục, quay clip theo kiểu giang hồ, xã hội đen với mục đích thu hút sự chú ý của nhiều người để “câu like”. Sống ảo đang là trào lưu thu hút giới trẻ như một cách thể hiện và khẳng định bản thân.

Trên thế giới ảo xuất hiện những “anh hùng bàn phím” gây ra nhiều mâu thuẫn, hệ lụy trong cuộc sống. Nhiều vụ việc mâu thuẫn trên mạng phải giải quyết ở bệnh viện, tòa án và nhà tù. Trên mạng xã hội, giới trẻ làm quen rồi yêu nhau dù chưa hề gặp mặt ngoài đời. Nhiều người nhẹ dạ cả tin vào hình ảnh ảo và những lời đường mật để rồi rơi vào bi kịch ngoài cuộc sống, bị lừa đảo, trấn lột, cưỡng bức bởi chính người yêu trên mạng xã hội. Vì sống trong thế giới ảo, vì mục đích “câu like” đã có bạn trẻ tưới xăng đốt trường, tự thiêu, nhảy cầu... Một số bạn trẻ bất chấp cả tính mạng của mình để có thể nổi tiếng phút chốc trên mạng xã hội. Gần đây trên mạng xã hội và youtube nổi lên hiện tượng Khá “bảnh” thu hút hàng triệu bạn trẻ quan tâm, like cho những clip của một thanh niên có những việc làm lệch chuẩn, mới bị cơ quan công an bắt giữ vì có liên quan đến cờ bạc. Sống ảo là một căn bệnh khó chữa, ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần và cả đạo đức của giới trẻ; làm mất nhiều thời gian, tâm trí nên việc học hành bị ảnh hưởng; ngoài ra, còn tác động không tốt đến mối quan hệ với gia đình, người thân, bạn bè ngoài cuộc sống. Sống ảo làm cho con người ngộ nhận vào khả năng, năng lực, điều kiện của mình, có lợi chăng là chỉ mua vui trong phút chốc. Để tránh hiện tượng sống ảo, mỗi người trẻ nên tìm cho mình những sân chơi lành mạnh, tham gia các hoạt động ngoại khóa, tăng cường giao tiếp, chia sẻ với người thân, thầy cô, bạn bè… Những người thích sống ảo hầu hết là trẻ tuổi, chưa hoàn thiện về nhân cách.

Do đó, cha mẹ, thầy cô phải “chịu khó” trò chuyện, quan tâm giúp đỡ các em giải quyết những vấn đề khó khăn gặp phải trong cuộc sống. Đôi khi chỉ vì thiếu sự quan tâm, niềm tin, sự động viên của người lớn mà một số bạn trẻ sống khép mình, tìm niềm vui trên mạng xã hội. Cha mẹ nên sẵn sàng làm bạn, chia sẻ với con cái. Ngoài dạy tri thức, thầy cô, cán bộ đoàn, hội cần phải cung cấp cho học sinh, sinh viên những kỹ năng sống, hướng các em tham gia những hoạt động bổ ích, thiện nguyện vì cộng đồng…Mạng xã hội là con dao 2 lưỡi, nếu biết sử dụng đúng nó sẽ cung cấp cho chúng ta những điều bổ ích, còn sa đà vào thế giới ảo nó sẽ lấy mất của chúng ta nhiều thứ quý giá. Những điều tốt đẹp luôn sinh sôi nảy nở trong cuộc sống. Các bạn trẻ nên gắn mình với cuộc sống thực tại để học nhiều điều hay, làm nhiều việc tốt và lập thân, lập nghiệp. Đừng đắm chìm trong thế giới ảo, cổ súy, like và share cho những hành động lệch chuẩn.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét