Thứ Hai, 19 tháng 10, 2020

Hiểu rõ hơn về Nghị quyết số 26- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII)

 

Hiểu rõ hơn về Nghị quyết số 26- NQ/TW

của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) 

Văn Hào

Trong khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang đón nhận 3 nghị quyết quan trọng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) đã thông qua tại Hội nghị lần thứ 7 bằng niềm tin, sự phấn khởi thì các thế lực thù địch, phản động lại ráo riết đưa ra những luận điệu trái chiều hòng làm xói mòn niềm tin của quân dân cả nước trước những quyết sách vừa có tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài trong sự phát triển, hội nhập của đất nước.

Cụ thể: Chúng cho rằng, Nghị quyết số 26- NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (Khóa XII) ở Hội nghị lần này là cách làm giật gấu vá vai, lấp liếm những yếu kém trong công tác cán bộ của Đảng để phân chia quyền lực, lợi ích cho các nhóm. Chúng áp đặt chủ quan và có phần vu khống khi cho rằng, Nghị quyết 26 là cách Đảng tạo cơ hội, cổ súy cho tình trạng chạy chức, chạy quyền “chạy nhanh hơn” và mang đến bất công xã hội ngày càng lớn. Đây là những luận điệu hết sức sai trái của các thế lực thù địch, phản động mà chúng ta cần đấu tranh.

Tại Hội nghị lần này, Đảng ta đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ. Đặc biệt, Nghị quyết 26 đã chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng chính trị, suy thoái về đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, “trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm”. Chính sự trung thực nhìn thẳng vào những khuyết điểm, yếu kém đi đôi với những biện pháp khắc phục của Nghị quyết số 26- NQ/TW và sự xử lý triệt để những sai phạm của cán bộ thời gian qua đã tạo được niềm tin, sự đồng thuận nhất trí cao của toàn hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân.

Từ đó cho thấy, Nghị quyết thực sự khoa học, văn minh, phù hợp với xu thế phát triển chung; đã triệt để thực hiện nguyên tắc dân chủ, cạnh tranh lành mạnh trong công tác bầu cử, ứng cử. Song song với đó là những giải pháp mang tính đột phá về tư duy chính trị như trên không phải là cách làm giật gấu vá vai như sự suy diễn chủ quan, thiếu cơ sở khoa học của các thế lực thù địch, phản động loan tin vu khống, mà được rút ra từ thực tế trong những kỳ đại hội đã qua. Ví như chủ trương không bố trí bí thư cấp tỉnh, huyện là người địa phương được dư luận hoan nghênh.

Có thể nói, Nghị quyết 26 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) không chỉ là bước đột phá vào những vấn đề lớn và rất bức thiết của xã hội mà còn thể hiện tư duy, trách nhiệm chính trị của Đảng ta đối với sự phát triển của dân tộc. Vậy nên, trước sự chống phá quyết liệt của kẻ xấu, cấp ủy các cấp cần tổ chức quán triệt sâu rộng cho mọi người, hiểu thấu đáo nội dung, tính khoa học, sự cần thiết, tính đúng đắn từ chủ chương đến mục tiêu, các giải pháp của Nghị quyết 26. Từ đó khẳng định, Nghị quyết 26 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII ban hành trong tình hình hiện nay là tất yếu, phù hợp với đòi hỏi thực tiễn của cách mạng Việt Nam.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét