Thứ Hai, 27 tháng 7, 2020

PHÊ PHÁN QUAN ĐIỂM “Ở VIỆT NAM KHÔNG CÓ DÂN CHỦ”


                                            Hoang Tho

1. Khái niệm về “dân chủ”
Dân chủ hiểu theo nghĩa đơn giản nhất là dân được làm chủ. Từ “dân chủ” có thể được sử dụng khi nói về chế độ chính trị: chế độ dân chủ, quyền dân chủ. Cũng có thể sử dụng để nói về nguyên tắc tổ chức: tập trung dân chủ. Quan điểm trên là nói đến chế độ chính trị. Vì vậy, chúng ta bàn về dân chủ dưới góc độ này.

Dân chủ dưới góc độ chính trị là muốn nói đến quyền lực nhân dân, nói lên rằng nhân dân có quyền lực – được làm chủ trong xã hội. Xã hội loài người khi sống thành cộng đồng có tổ chức cần có quyền lực chung của cộng đồng để phối hợp hành động và điều chỉnh hành vi của mọi thành viên trong xã hội, được biểu hiện thành những chuẩn mực về đạo đức, phong tục tập quán, pháp luật mà mọi người phải tuân theo. Quyền lực ấy giao cho một số người thực hiện (người đứng đầu). Một xã hội gọi là có dân chủ khi không phải người đứng đầu mà chính là nhân dân có quyền với quyền lực chung ấy.
Khi xã hội chưa có sự phân chia giai cấp, còn sống thành những cộng đồng thị tộc, bộ lạc nguyên thủy thì nhân dân có được làm chủ, bởi lẽ nhân dân được phát biểu, bày tỏ sự đồng tình hay không đồng tình bằng giơ tay hay hoan hô thông qua “đại hội nhân dân” để bầu ra thủ lĩnh của mình và những vấn đề quan trọng của thị tộc, bộ lạc. Trong xã hội này, quyền lực công cộng là quyền lực của Hội đồng công xã (gồm tất cả các thành viên) trao cho người thủ lĩnh thừa hành. Người thủ lĩnh không có quyền mà chỉ thừa hành quyền lực.
Trong xã hội nô lệ không có dân chủ, bởi lẽ: trong xã hội nô lệ đã xuất hiện sự phân chia thành giai cấp đối lập: chủ nô và nô lệ. Quyền lực công cộng được tổ chức thành nhà nước do giai cấp chủ nô nắm giữ. Giai cấp nô lệ không có quyền sống làm người, bị tước hết quyền lực.
Trong chế độ phong kiến tiến bộ hơn một chút nhưng cũng không thể có dân chủ, bởi lẽ: nông dân, nông nô có quyền sống làm người, nhưng họ chỉ là công cụ, phương tiện của người cầm quyền là vua. Toàn bộ quyền lực nằm trong tay vua.
Quyền công dân, quyền con người, tự do, dân chủ, bình đẳng là khát vọng của con người. Nhân dân có sức mạnh rất to lớn. Vì vậy, nhân dân đứng lên đấu tranh lật đổ chế độ phong kiến với những bất công của nó là tất yếu để thực hiện khát vọng của mình. 
Trong chế độ tư bản, giai cấp tư sản nêu ra khẩu hiệu “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái”, “mọi người là công dân của đất nước, bình đẳng trước pháp luật”, “mọi người có quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc”; một số yêu cầu về quyền công dân, quyền con người được ghi nhận về mặt pháp lý, nhiều khát vọng về tự do được pháp luật thừa nhận. Nói cách khác về hình thức, thì giai cấp tư sản nói chế độ tư bản có dân chủ. Tuy nhiên có thể thấy, trong chế độ tư bản, giai cấp tư sản là chủ sở hữu về tư liệu sản xuất, còn đa số nhân dân lao động không có tư liệu sản xuất, phải bán sức lao động cho giai cấp tư sản – không có quyền lực về kinh tế. Đã không có quyền lực về kinh tế thì cũng không có cơ sở khách quan bảo đảm quyền lực trong chính trị, bảo đảm cho sự bình đẳng trước pháp luật được. Chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy, trong chế độ tư bản, giai cấp tư sản là chủ sở hữu về tư liệu sản xuất, giữ địa vị thống trị, toàn bộ cơ cấu quyền lực trong xã hội do giai cấp thống trị đề ra, tất nhiên chỉ là phản ánh, bảo vệ quyền lợi căn bản của giai cấp thống trị - giai cấp tư sản. Do còn bị nhiều ràng buộc, nhất là ràng buộc về kinh tế nên đại đa số người lao động không thể sử dụng những quyền dân chủ đã được quy định trong pháp luật. Thực ra, dân chủ của người lao động trong xã hội tư bản không phải do giai cấp tư sản tự ban phát cho họ, mà là do họ phải đấu tranh mới có được; dân chủ đến đâu tùy thuộc vào áp lực đấu tranh của người lao động. Như vậy, thực chất, chế dân chủ trong xã hội tư bản chỉ là dân chủ đối với thiểu số là giai cấp thống trị - giai cấp tư sản mà thôi, người lao động còn bị bóc lột thì không thể nói có dân chủ thực sự được. Nghiên cứu và hiểu rõ điều đó, C. Mác và Ph. Ăngghen đã chỉ ra mô hình nhà nước để nhân dân có thể làm chủ thực sự - Nhà nước XHCN.
Nhà nước XHCN là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, xây dựng trên cơ sở liên minh giữa giai cấp công nhân dân với nông dân và trí thức do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đây vừa là mục tiêu, vừa là nội dung, động lực phát triển của CNXH. Trong nhà nước XHCN, quyền lực thuộc về giai cấp công nhân và nhân dân lao động và được thực hiện bằng nhà nước. Trên lĩnh vực kinh tế, nhân dân được làm chủ về tư liệu sản xuất, làm chủ quá trình quản lý và phân phối sản phẩm làm ra. Trên lĩnh vực chính trị, nhân dân tham gia vào công việc quản lý nhà nước: bầu cử, ứng cả vào các cơ quan quyền lực nhà nước; tuyển chọn, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, có chuyên môn, nghiệp vụ … Với cơ chế đó, trong nhà nước XHCN, nhân dân thực sự có quyền lực trong xã hội – thật sự làm chủ. Tuy nhiên, không phải và không thể lúc nào mọi người cũng xúm vào thực hiện quyền lực của mình, nên quyền lực nhân dân thực hiện theo hình thức đại diện (nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội khác) và nhân dân kiểm soát quyền lực đã ủy quyền.
Như vậy, một nhà nước gọi là có dân chủ khi nhân dân thực sự làm chủ và kiểm soát mọi quyền lực trong xã hội, trong nhà nước.
2. Nhà nước Việt Nam
Sau khi giành chính quyền tháng Tám năm 1945, Hồ Chủ tịch đã tuyên bố khai sinh ra nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Với tinh thần đó, Nhà nước ta đã luôn luôn được xây dựng, củng cố là nhà nước có dân chủ.
Thứ nhất, tính dân chủ của Nhà nước ta đã được khẳng định trong các văn bản quan trọng nhất của Đảng và Nhà nước.
Theo Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1992 (Hiến pháp hiện hành), hệ thống chính trị nước ta gồm: Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Trong đó: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; Nhà nước quản lý xã hội; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân.
- Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) luôn khẳng định: “Dân chủ XHCN là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ XHCN, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực”.
-  Hiến pháp nước ta quy định: “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức (Điều 2).
- Quán triệt tinh thần trên, Nhà nước đã xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản pháp luật dựa trên quan điểm “dân là gốc”, “dân làm chủ”, nội dung là: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Một số văn bản pháp luật thể hiện rất rõ vấn đề dân chủ của nhân dân như: Luật Khiếu nại, tố cáo, Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Thứ hai, nước ta tạo điều kiện để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình theo tinh thần: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.
Trong một nhà nước không thể có nhiều người đứng đầu. Điều đó có nghĩa là chúng ta xây dựng Nhà nước mà nhân dân có quyền làm chủ không nhất thiết là nhân dân phải là người đứng đầu, cái chính là có cách thức tổ chức, cơ chế để nhân dân thực sự làm chủ và kiểm soát mọi quyền lực trong Nhà nước, xã hội. Nhà nước ta đã xác lập được điều đó.
Ở nước ta, nhân dân nước ta thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ dại diện.
- Các cơ quan, tổ chức trong bộ máy Nhà nước, hệ thống chính trị của Nhà nước ta không phải của một hay một nhóm người nào, mà đều “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ”, có tôn chỉ, mục đích, hoạt động theo ý chí, nguyện vọng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc là: Xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người. bóc lột người, thực hiện thành công CNXH và cuối cùng là CNCS.
- Hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tổ chức trong hệ thống chính trị theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số; người đứng đầu do cấp dưới bầu ra.
- Trong mỗi cơ quan, tổ chức trên đều xác định, xác lập cơ chế cho mọi thành viên đều có thể “biết”, “bàn”, “làm”, “kiểm tra” các hoạt động của tổ chức mình và hoạt động chung của Nhà nước.
Cụ thể:
Một là, Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nhưng Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam và các văn bản khác đã có những quy định để nhân dân tham gia vào các công việc của Đảng:
- Đảng viên và các tổ chức đảng phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng.
- Nhân dân có thể gia nhập tổ chức Đảng: công dân Việt Nam có tiêu chuẩn theo quy định, trong đó tiêu chuẩn được quần chúng tín nhiệm đều có thể được kết nạp vào Đảng. Các tổ chức đoàn thanh niên, công đoàn có quyền giới thiệu đoàn viên của mình vào Đảng. Các tổ chức đoàn thể khác nơi người vào Đảng sinh hoạt được có ý kiến nhận xét về họ trước khi chi bộ xét và đề nghị kết nạp. Một trong các tiêu chuẩn của cấp ủy viên là phải được quần chúng tín nhiệm.
- Nhân dân có quyền tham gia góp ý vào việc xây dựng Đảng, vào sự lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn. Nhân dân được tham gia bàn bạc thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện cương lĩnh, điều lệ, chỉ thị, nghị quyết của tổ chức đảng, đảng viên nơi mình sống, làm việc. Trước mỗi kỳ đại hội Đảng, không chỉ có các tổ chức đảng, mà các tổ chức đoàn thể cũng được tham gia đóng góp ý kiến vào các văn kiện của Đảng. Việc nhân dân thông qua các tổ chức đoàn thể đóng góp ý kiến vào việc kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” của các tổ chức đảng và đảng viên nơi mình sống và làm việc là minh chứng rất rõ cho điều đó.
- Luật Khiếu nại, tố cáo quy định cho phép nhân dân có quyền tố cáo những tổ chức Đảng, đảng viên có sai phạm…
Hai là, nhân dân thực sự có quyền quyết định mọi vấn đề quan trọng của đất nước thông qua Nhà nước, thể hiện qua các hoạt động cơ bản sau:
-  Điều 6, Hiến pháp nước ta quy định: “Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước đều tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ”.
Theo đó, nhân dân là người trực tiếp được bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đây là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân; cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước và địa phương, có quyền quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước: quyền lập hiến, lập pháp; những chính sách cơ bản về đối nội, đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân; đồng thời thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.
- Pháp luật là công cụ chủ yếu của nhà nước trên mọi lĩnh vực xã hội. Nhà nước thể chế hóa đường lối của Đảng thành Hiến pháp, pháp luật, chính sách và tổ chức thực hiện chúng. Trong xây dựng Hiến pháp, pháp luật và các chính sách của Nhà nước, ngoài ủy quyền cho Quốc hội, Hội đồng nhân dân - cơ quan đại diện của mình, Nhà nước còn tổ chức trưng cầu dân ý, trả lời phỏng vấn. Qua đó, nhân dân được trực tiếp tham gia xây dựng các đạo luật, các quyết định của Nhà nước. Việc Đảng, Nhà nước ta tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vừa qua làm một ví dụ.
- Cán bộ, công nhân, viên chức trong các cơ quan Nhà nước được trực tiếp quyết định các vấn đề quan trọng của cơ quan mình: có quyền bỏ phiếu tán thành hoặc không tán thành đối với các ứng cử viên vào cơ quan, ứng cử viên lãnh đạo để chọn ra những cán bộ nhà nước có dủ phẩm chất đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia đóng góp ý kiến vào chương trình, kế hoạch công tác thường xuyên, chuyên đề, đột xuất; kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện chức trách nhiệm vụ của nhau, của lãnh đạo, của tập thể… trong cơ quan của họ. Đồng thời có đại diện tiến hành những việc này với các cơ quan cấp trên. 
- Điều 8, Hiến pháp quy định: “Cơ quan Nhà nước, cán bộ, viên chức Nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng”.
Theo đó, nhân dân có quyền giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, thậm chí có thể khiếu nại, tố cáo, thậm chí kiện một hành vi vi phạm nào đó của cán bộ Nhà nước như tố cáo cán bộ tham ô, khiếu nại việc bị trù dập, v.v..
Ba là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, theo Hiến pháp “là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân” có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, chăm lo lợi ích của các đoàn viên, hội viên; thực hiện dân chủ và xây dựng xã hội lành mạnh; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; giáo dục lý tưởng và đạo đức cách mạng, quyền và nghĩa vụ của công dân, tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước.
- Hầu hết người dân Việt Nam đều có thể tham gia vào một trong các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc và có quyền quyết định mọi vấn đề của tổ chức.
- Thông qua các tổ chức mà mình tham gia, theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam quy định, nhân dân được “…tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng nhân dân chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân…, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ viên chức Nhà nước” (Điều 9 Hiến pháp).
 Là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đồng thời là dại diện của nhân dân, các tổ chức tác động tới Nhà nước trong quá trình thực hiện vai trò này của mình.
Nhân dân thể hiện được quyền của mình bằng việc bày tỏ, thể hiện quan điểm, nguyện vọng, thái độ về các vấn đề trên với tổ chức mình tham gia khi Nhà nước trưng cầu và khi thấy có vấn đề cần có ý kiến.
Bốn là, ngoài ra, Điều 11, Hiến pháp quy định: “Công dân thực hiện quyền làm chủ của mình ở cơ sở bằng cách tham gia công việc của Nhà nước và xã hội…”. Có nghĩa là, công dân dù không có trong tổ chức nào cũng có thể có ý kiến tác động vào Nhà nước.
Những phân tích trên cho thấy, Nhà nước ta đã tạo ra những cơ sở, điều kiện để nhân dân nước ta được hoàn toàn làm chủ và kiểm soát mọi quyền lực trong Nhà nước, xã hội. Trên thực tế, nhân dân đã thực sự làm chủ trong từng cấp và trên từng lĩnh vực. Tuy nhiên, việc thực hiện dân chủ ở nước ta còn những hạn chế: ở một số nơi, nhất là ở cơ sở còn hiện tượng mất dân chủ, “dân chủ hình thức”; tình trạng địa phương chủ nghĩa, “phép vua thu lệ làng” vẫn còn. Điều đó có nguyên nhân chính là do trình độ cán bộ còn hạn chế, còn mang nặng tư tưởng phong kiến, nguyên nhân nữa là do nhân dân vì nhiều nguyên nhân khác nhau cũng chưa biết cách phát huy hết quyền dân chủ của mình.
Đảng và Nhà nước ta luôn có ý thức khắc phục những trở ngại làm hạn chế quyền dân chủ của nhân dân với chủ trương: không ngừng mở rộng dân chủ ở nước ta, nâng cao mức độ giải phóng cho người lao động, thu hút họ tham gia tự giác vào công việc quản lý của Nhà nước của xã hội, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực; hiện tượng cửa quyền, quan liêu dần dần bị triệt tiêu; đặc quyền, đặc lợi dần dần bị bài trừ ra khỏi vị trí quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Một vấn đề nữa, cần phải thấy rằng để thực hiện dân chủ XHCN phải trên hai phương diện: dân chủ với nhân dân, đồng thời chuyên chính với kẻ thù của nhân dân. Để nhân dân thực sự làm chủ phải có cách thức, cơ chế phù hợp, không thể rập khuôn của nước này với nước khác, phải làm cho mọi người nhận thức đúng, đầy đủ quyền của mình; có sức đề kháng được với mọi âm mưu và thủ đoạn phá hoại của kẻ thù. Không nên hiểu dân chủ là mọi người muốn làm gì thì làm. Tất cả phải vì mục đích chung, phải chấp hành đúng những quy định chung của đất nước, của xã hội. Ở nước ta, đó là phải chấp hành đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của tổ chức mà họ tham gia. Có thể thấy, khi tiến hành cải tổ ở Liên Xô trước đây, những nhà lãnh đạo đã đưa ra khẩu hiệu “dân chủ nhiều hơn, XHCN nhiều hơn”, nhưng họ đã để “dân chủ nhiều hơn” một cách cực đoan. Hậu quả là xã hội lâm vào tình trạng hỗn loạn và chế độ XHCN sụp đổ.
Trong chế độ XHCN vẫn có kẻ thù chống lại Nhà nước, chống lại chế độ, chống lại nhân dân – đồng nghĩa với việc chống lại quyền dân chủ. Nếu không chuyên chính với kẻ thù, các phần tử, thế lực thù địch đi ngược lại xu hướng dân chủ, phá hoại dân chủ, xâm phạm các quyền dân chủ chính đáng của nhân dân thì nền dân chủ XHCN không thể đứng vững và phát triển được. Việc chúng ta xử lý “những nhà dân chủ” như Trần Huỳnh Duy Thức và đồng bọn là do họ đã vi phạm pháp luật Việt Nam. Bởi lẽ, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là hoàn toàn phù hợp với ý chí, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, có ý kiến của nhân dân trước khi ban hành. Quá trình thực hiện có những điểm không còn phù hợp thì có thể trực tiếp hoặc thông qua đại diện góp ý. Nếu đó là ý kiến của đa số nhân dân sẽ được Đảng, Nhà nước tiếp thu. Đó là điều Đảng, Nhà nước ta đã quy định, đã thực hiện. Không thể chỉ là những việc làm sai của các cán bộ yếu kém hay chỉ là một vài điều chưa phù hợp mà đổ tại chế độ để rồi hô hào lật đổ chế độ như bọn chúng đã làm.
Cùng với sự phát triển của đất nước, quyền dân chủ của nhân dân ta ngày càng phát triển. Nhân dân cả nước đang tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với nhiều điểm mới, trong đó quyền dân chủ được mở rộng. Vừa qua, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, lần đầu tiên chúng ta thực hiện việc tổ chức cho các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân các tỉnh, thành phố bỏ phiếu tín nhiệm các chức vụ do mình bầu ra… Đó là minh chứng cho thấy, ở Việt Nam quyền làm chủ của nhân dân được phát huy hơn ai hết, hơn bao giờ hết./.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét