Thứ Hai, 27 tháng 7, 2020

PHẢI CHĂNG HỌC THUYẾT HÌNH THÁI KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA C. MÁC LÀ SAI LẦM, LỖI THỜI


                                                          Đưc Hung

Ngay từ khi chủ nghĩa xã hội còn là bóng ma ở châu Âu nó đã phải hứng chịu sự công kích, xuyên tạc của các lý luận gia tư sản và các thế lực thù địch. Từ khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch càng ra sức tăng cường chống phá chủ nghĩa C. Mác, trong đó có việc cố tình phủ nhận giá trị cách mạng và khoa học của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội. Vậy phải chăng học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác đã lỗi thời lạc hậu, hay chính những luận điệu phủ nhận nó lỗi thời lạc hậu. Để có kết luận đúng đắn vấn đề này cần làm rõ những nội dung sau.

Giá trị khoa học và cách mạng của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác là không thể phủ nhận
Trước C. Mác, đã có không ít các học thuyết phân chia xã hội theo nhiều cách khác nhau. Vicô (1688-1744) phân chia các giai đoạn phát triển xã hội theo vòng đời của một con người: thơ ấu, thanh niên, thành niên và tuổi già; Hêghen (1770-1831) lại phân chia lịch sử loài người thành ba thời kỳ: Phương Đông, Cổ đại và Giécmani; Phuriê (1771- 1837) chia xã hội thành bốn thời kỳ: mông muội, dã man, gia trưởng và văn minh; còn Móoc-gan (1818- 1881) người cùng thời với C. Mác lại chia xã hội thành ba thời kỳ - mông muội, dã man và văn minh. Cách phân chia như trên không đem lại cách nhìn nhận, cải tạo xã hội đúng đắn, nhất là đối với một xã hội cụ thể. Sự ra đời học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác đã đánh dấu một bước phát triển nhảy vọt của nhận thức loài người về xã hội, từ đây các khoa học xã hội đã thực sự trở thành khoa học thoát khỏi sự mô tả thông thường. Bởi những lý do sau.
Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác đã phản ánh đúng đắn sự ra đời, vận động phát triển diệt vong của một xã hội cụ thể.
Khắc phục cách nhìn nhận xã hội chung chung trừu tượng của các nhà tư tưởng trong lịch sử, bằng tư duy biện chứng duy vật C. Mác khẳng định phạn trù hình thái kinh tế - xã hội  là để chỉ một xã hội cụ thể, một nấc thang, một giai đoạn của sự phát triển xã hội loài người.
 Xã hội ấy là một chỉnh thể, một cơ thể sống, có tổ chức kết cấu thống nhất. Kết cấu ấy là sự thống nhất giữa những quan hệ vật chất và quan hệ tinh thần, trong đó quan hệ sản xuất vật chất là quan hệ khách quan, đầu tiên, quan hệ cơ bản quyết định mọi quan hệ khác (trong đó có quan hệ tinh thần, tư tưởng) và là quan hệ quyết định bản chất của một hình thái kinh tế - xã hội. Xã hội ấy gồm ba yếu tố cơ bản tạo nên là lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất đặc trưng và kiến trúc thượng tầng tương ứng, trong đó lực lượng sản xuất là cái suy đến cùng quyết định sự tồn tại phát triển của hình thái kinh tế - xã hội, quan hệ sản xuất đặc trưng là cái quyết định bản chất  hình thái kinh tế - xã hội, kiến trúc thượng tầng có vai trò tác động trở lại rất to lớn đối với quan hệ sản xuất thông qua đó tác động đến sự vận động biến đổi của lực lượng sản xuất.
Nhưng học thuyết hình thái kinh tế - xã hội không chỉ phản ánh xã hội trong trạng thái tĩnh với tư cách là tổng hòa các yếu tố, các mối quan hệ giữa người và người, mà còn phản ánh xã hội trong trạng thái  vận động, phát triển dưới sự tác động của các quy luật, các mâu thuẫn khách quan nảy sinh trong lòng nó. Các quy luật này không phải ở bên ngoài du nhập tới, không phải ý muốn chủ quan của các bậc siêu nhiên áp đặt vào, càng không phải là sự sao chép của một thực thể nào khác của thế giới sinh học, hay của cá thể con người, mà  nảy sinh từ chính những mối quan hệ giữa các yếu tố, các quan hệ tạo thành  hình thái kinh tế - xã hội. Đó là quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, quy luật về quan hệ giữa kiến trúc thượng tầng và cơ sở hạ tầng.
 Sự phát huy tác dụng của các quy luật này làm xuất hiện những mâu thuẫn bất cập giữa các yếu tố cơ  bản của hình thái kinh tế - xã hội, tạo nên nguồn gốc động lực và nguyên nhân nhân thật sự của sự sự tồn tại, phát triển của một hình thái kinh tế - xã hội, của cơ thể sống ấy; và cũng chính sự vận động của những quy luật và những mâu thuẫn bên trong của một hình thái kinh tế - xã hội này sẽ đưa nó đến diệt vong, theo đó làm xuất hiện một hình thái kinh tế - xã hội mới tiến bộ hơn.
Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác, phản ánh xã hội trong một giai đoạn phát triển nhất định, với tư cách là một cơ thể sống, không chỉ trong hiện tại mà còn là kết quả của sự tiếp nối không thể tách rời của quá khứ và tương lai. Điều này khẳng định toàn bộ trạng thái của một xã hội và các yếu tố, các quan hệ đều là kết quả không chỉ từ tác động của những nhân tố, quan hệ, hoàn cảnh, điều kiện đương đại mà còn là sự kế thừa có chọn lọc của quá khứ. Đến lượt nó, xã hội hiện tại cùng toàn bộ những yếu tố quan hệ cấu thành nó lại là cơ sở cho sự phát triển của hình thái kinh tế - xã hội tương lai.
Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác chỉ rõ, mỗi hình thái kinh tế - xã hội là sản phẩm của sự tương tác giữa điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan, giữa sự vận động của những quy luật khách quan với hoạt động nhận thức và cải tạo của con người. Sự vận động, phát triển của xã hội trước hết là do những quy luật khách quan quy định, các quy luật này không những không phụ thuộc vào ý muốn của con người, mà còn quy định hoạt động của họ. Song các quy luật xã hội chỉ có thể phát huy, tác dụng và tồn tại thông qua nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người. Do vậy, trong sự vận động biến đổi của xã hội nói chung của các hình thái kinh tế - xã hội nói riêng, hoạt động nhận thức và cải tạo của con người có vai trò rất quan trọng. Thông qua nhận thức và hoạt động của mình, con người có thể tạo ra những điều kiện thuận lợi cho quy luật hoạt động phát huy tác dụng. Con người có thể thay đổi hình thức, trật tự tác động của quy luật theo mục đích của mình, con người có thể sử dụng quy luật này hạn chế hoặc thúc đẩy sự phát triển của quy luật kia và ngược lại. Chính hoạt động nhận thức và cải tạo của con người, nhất là hoạt động nhận thức và cải tạo của những tập đoàn xã hội có vai trò chính yếu trong xã hội đó, như giai cấp thống trị, giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất mới sẽ là động lực thúc đẩy hay  nhân tố kìm hãm sự phát triển của một hình thái kinh tế xã hội, là nhân tố làm cho xã hội phát triển quanh co thụt lùi, biến dạng hay có thể bỏ qua những hình thái kinh tế - xã hội đã lỗi thời lạc hậu để phát triển lên hình thái kinh tế - xã hội cao hơn. Nếu không có nhân tố chủ quan này sự vận động của xã hội sẽ như như một đường thẳng, một định mệnh, nhạt nhẽo theo sự sắp đặt của các đấng siêu nhiên, hoặc vòng xoay luân hồi trong trí tưởng tượng của các tín đồ tôn giáo.
 Như vậy, trong các nhân tố quy định sự vận động phát triển của  hình thái kinh tế - xã hội, theo quan điểm của C. Mác, vai trò quyết định suy đến cùng thuộc về các quy luật khách quan, nhưng hoạt động nhận thức của con người có vai trò rất quan trọng; nó là nhân tố quyết định trực tiếp. Quan điểm này của C. Mác cung cấp cho loài người thế giới quan, phương pháp luận trong xem xét sự vận động phát triển phức tạp của các hình thái kinh tế - xã hội ở các quốc gia dân tộc, và sự vận động tuần tự hay bỏ qua một hay vài hình thái kinh tế - xã hội ở một số quốc gia dân tộc trong lịch sử và hiện nay.
Quan điểm của C. Mác về hình thái kinh tế - xã hội còn cung cấp cho con người con đường biện pháp, cách thức, bước đi thích hợp để xây dựng một xã hội phát triển.
Khi khẳng định xã hội là một cơ thể sống, các yếu tố lực lượng sản xuất quan hệ sản xuất gắn bó chặt chẽ làm tiền đề điều kiện cho nhau, đồng nghĩa với việc muốn xã hội phát triển các yếu tố cơ bản trên đây phải được xây dựng phát triển một cách hài hòa. Nguyên tắc của sự hài hòa đó là quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, kiến trúc thượng tầng phải phù hợp với các quan hệ sản xuất, trước hết là quan hệ sản xuất đặc trưng quan hệ sản xuất thống trị. Sự cân đối hài hòa này còn tùy điều kiện hoàn cảnh cụ thể. Song thước đo cao nhất là sự phát triển của lực lượng sản xuất, sự giải phóng năng lực người, mức độ hạnh phúc của nhân dân lao động. Mặt khác khi khẳng định lực lượng sản xuất là nhân tố suy đến cùng quyết định sự phát triển của hình thái kinh tế - xã hội, điều đó cũng đồng nghĩa, khi xây dựng cải tạo xã hội, trước hết, trên hết phải tập trung cao nhất cho sự phát triển lực lượng sản xuất, cho sự phát triển hoàn thiện, phát triển các yếu tố cấu thành lực lượng sản xuất, các điều kiện, môi trường hoàn cảnh thuận lợi cho sự phát triển quy mô, trình độ, tính chất của lực lượng sản xuất.
Hơn nữa, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội chỉ rõ trong xem xét cải tạo xã hội không được tuyệt đối hóa sự phát triển lực lượng sản xuất. Cho nên, khi xây dựng phát triển xã hội phải đồng thời chú ý phát triển quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất ấy, đồng thời phải quan tâm phát triển kiến trúc thượng tầng với tính cách là bộ mặt tinh thần của xã hội sao cho phù hợp với cơ sở hạ tầng và thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Bởi, tiến hành xác lập quan hệ sản xuất phù hợp tiến bộ, không chỉ là xây dựng quan hệ cơ bản, đầu tiên quyết định  sự tồn tại, biến đổi mọi quan hệ khác của xã hội, mà còn xác lập, giải quyết hài hòa lợi ích của những người tham gia vào quá trình sản xuất, tạo nên động lực căn bản to lớn nhất để thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, làm cho người lao động, nhân tố chủ yếu nhất của lực lượng sản xuất phấn khởi, nâng cao năng suất lao động, tạo nên chiến thắng của hình thái kinh tế - xã hội này đối với hình thái kinh tế - xã hội khác. Xây dựng, phát triển kiến trúc thượng tầng tương ứng không chỉ là xây dựng một bộ mặt tinh thần xã hội làm cho xã hội phát triển bền vững, mà ngày nay, đó còn là xây dựng  nhà nước - một lực lượng kinh tế hùng mạnh thúc đẩy sự phát triển của nền sản xuất xã hội.
Xây dựng phát triển xã hội, theo C. Mác trước hết phải phát huy cao độ nhân tố chủ quan của con người, của toàn thể quần chúng nhân dân lao động, trước hết vai trò của giai cấp, tập đoàn lãnh đạo xã hội, trong việc nhận thức và vận dụng các quy luật xã hội. Phát huy tốt vai trò này xã hội sẽ phát triển, nhân loại sớm đi đến bến bờ hạnh phúc, bớt phải gánh chịu những tổn thất nặng nề, những cái giá quá đắt trong sự phát triển xã hội, trong mối quan hệ với “bà mẹ” tự nhiên và với đồng loại.      
Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác còn cung cấp cho con người một công cụ để đánh giá sự vận động phát triển, diệt vong của một xã hội cụ thể.
Sự phát triển giữa lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng, trong sự hài hòa tương ứng, hỗ trợ tạo điều kiện cho nhau phát triển, trong đó sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất, sự tăng lên không ngừng của năng suất lao động, sự phấn khởi hạnh phúc của nhân dân lao động là thước đo cao nhất cho sự ổn định, phát triển, cho sự tồn tại thích nghi của một hình thái kinh tế - xã hội.
Ngược lại, sự phát triển không hoặc thiếu cân đối hài hòa giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng nếu không sớm được phát hiện giải quyết kịp thời, thì ít nhất sẽ kìm hãm sự phát triển của xã hội hoặc sớm muộn sẽ đưa xã hội đến diệt vong.
Trong sự vận động, phát triển theo quy luật của hình thái kinh tế - xã hội và các yếu tố cấu thành nó, dù hiện tại đang rất vững vàng, mạnh mẽ, nhưng luôn bao hàm trong đó sự phủ định, sự diệt vong để thay thế vào đó một hình thái kinh tế - xã hội tiến bộ hơn. Điều đó là một tất yếu khách quan không thể đảo ngược; nhưng con người có thể đẩy nhanh hoặc kìm hãm quá trình này. Vì thế, đánh giá sự vận động xã hội, sự biến đổi của các hình thái kinh tế - xã hội cần thấy hết vai trò của nhân tố chủ quan, nhất là vai trò của giai cấp thống trị xã hội.
Những tiêu chí trên đây chính là tiêu chuẩn khách quan không chỉ để con người đánh giá sự vận động phát triển diệt vong của một hình thái kinh tế - xã hội cụ thể mà còn là tiêu chí, đánh giá sự ổn định, phát triển bền vững, hay sự trì trệ, khủng hoảng thiếu vững chắc, thậm chí đang có nguy cơ phá sản của một giai đoạn nhất định của một hình thái kinh tế - xã hội.
Lịch sử phát triển của xã hội loài người từ xưa tới nay đã chứng minh tính đúng dắn của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác. Mọi sự tồn tại ổn định  của xã hội phải từ sự ổn dịnh của kinh tế, của đời sống vật chất. Mọi sự phát triển, hơn nữa mọi sự đổi mới để phát triển đều phải từ sản xuất vật chất,  hướng tớí phát triển sản xuất. Để sản xuất phát triển, xã hội ổn định phải giải quyết đúng đắn lợi ích, trước hết là lợi ích giữa người và người trong quá trình sản xuất theo đó phải xác lập một quan hệ sản xuất phù hợp tiến bộ. Đồng thời muốn xã hội  phát triển các quốc gia dân tộc còn phải xây dựng kiến trúc thượng tầng thích hợp và có chiến lược nhằm xây dựng và phát huy cao độ nhân tố con người, nhất là vai trò của giai cấp thống trị. Hơn nữa, sự phát triển bền vững của một quốc gia dân tộc, dù có chế độ kinh tế xã hội nào đều phải phát triển  toàn diện hài hòa cân đối lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng, giữa quan hệ vật chất và quan hệ tinh thần. Ngược lại, mọi sự vi phạm các nguyên lý của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác đều dẫn đến hậu quả khôn lường, dù đó là chế độ kinh tế xã hội gì và vào thời điểm nào.
 Cùng là đổi mới, cải cách, cải tổ để củng cố và phát triển chủ nghĩa xã hội, nhưng Việt Nam, Trung Quốc đổi mới, cải cách  đi từ kinh tế, đồng thời tiến hành đổi mới toàn diện các lĩnh vực khác của xã hội với những bước đi thích hợp và đã giành được những thắng lợi to lớn. Ngược lại, Liên Xô cải tổ lại bắt đầu từ chính trị  không quan tâm đổi mới kinh tế, nên đã chịu hậu quả nặng nề. Những khủng hoảng ở các nước Bắc Phi, Trung Đông dẫn đến sự ra đi của hàng loạt chế độ chính trị đã từng trị vì đất nước nhiều chục năm, như ở Li-bi, Ai Cập đưa những đất nước này chìm đắm trong bạo lực, chia rẽ, ngoài những nguyên nhân phá hoại từ bên ngoài đều có nguyên nhân từ sự bất ổn về kinh tế, từ sự giải quyết không hài hòa giữa lợi ích của các tập đoàn lãnh đạo với toàn xã hội, từ sự đói nghèo, sa sút nghiêm trọng của đời sống vật chất, tinh thần của đa số quần chúng nhân dân lao động.
Sự đỗ vỡ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên xô và Đông Âu cũng là bài học cho sự vi phạm những nguyên lý về xây dựng hình thái kinh tế - xã hội của một mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thực tiễn ở mô hình này, chúng ta đã quá nhấn mạnh quan hệ sản xuất, đưa quan hệ sản xuất vượt trước không phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, làm cho lực lượng sản xuất không những không phát triển mà còn bị kìm hãm nặng nề. Mặt khác, chúng ta đã không chú ý đúng mức đến việc vận dụng khoa học công nghệ hiện đại để phát triển lực lượng sản xuất, làm cho đời sống nhân dân lao động không được cải thiện thậm chí giảm sút, năng suất lao động không tăng và có xu hướng giảm, trong khi chủ nghĩa tư bản đã triệt để lợi dụng các thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại để phát triển lực lượng sản xuất, làm cho năng suất lao động không ngừng tăng và đã nhanh chóng thực hiện những cải cách trong quan hệ sở hữu, quan hệ phân phối, ít nhiều đã cải thiện được đời sống những người lao động. Cùng với đó, trong mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu lại xuất hiện một kiến trúc thượng tầng về chính trị rất công kềnh nặng nề kém hiệu quả với những tư tưởng bảo thủ, giáo điều. Do vậy, sự tan rã của mô hình này ngoài  tác động của chủ nghĩa đế quốc còn có nguyên nhân trực tiếp từ trong bản thân các yếu tố cấu thành hình thái kinh tế - xã hội, từ vai trò của các Đảng Cộng sản trong việc nghiên cứu vận dụng học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác .
Học thuyết các nền văn minh của Alvin Toffler là phi khoa học, phản động về chính trị.
 Ngày nay, đứng trước sự thất bại tạm thời của phong trào cách mạng thế giới, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, không ít ý kiến nghi ngờ thậm chí đòi phủ nhận học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác, thay vào đó là học thuyết các nền văn minh của Alvin Toffler.
Đúng là học thuyết của Alvin Toffler chưa đựng phần nào tư tưởng duy vật khi xem xét xã hội từ sự phát triển của công cụ sản xuất, của lực lượng sản xuất, từ đó dự đoán được khá chính xác sự chuyển đổi của những mô hình sản xuất, sinh hoạt xã hội trong nền kinh tế tri thức. Thực ra, tư tưởng về sự biến đổi của công cụ sản xuất dẫn đến sự biến đổi của chế độ xã hội của Alvin Toffler không phải là một phát hiện hoàn toàn mới mẻ, mà đã từng được C. Mác đề cập  trong tác phẩm “Sự khốn cùng của triết học”. C. Mác viết: “Cái cối xay bằng tay đưa lại xã hội có lãnh chúa, cái cối xay bằng hơi nước đưa lại xã hội có nhà tư bản công nghiệp”. Cái sai lầm dễ nhận thấy của Alvin Toffler là đã tuyệt đối hóa lực lượng sản xuất, hoặc chỉ đơn thuần là công cụ sản xuất, khoa học và công nghệ, lãng quên quan hệ sản xuất cái đặc trưng bản chất để phân biệt hình thái kinh tế - xã hội này với hình thái kinh tế - xã hội khác, lãng quên kiến trúc thượng tâng, yếu tố quan trọng không thể thiếu của bất cứ xã hội nào, nhất là trong xã hội hiện đại, với tính cách là một cơ thể sống.
Đặc biệt với cách tiếp cận các nền văn minh, Alvin Toffler đã bỏ qua nhân tố chủ quan, bỏ qua vai trò của con người, của các giai cấp đứng ở trung tâm của thời đại, nhân tố quyết định trực tiếp sự vận động phát triển diệt vong của xã hội nói chung, các hình thái kinh tế - xã hội nói riêng. Vì thế, quan niệm của Alvin Toffler về phân chia xã hội theo các nền văn minh, tuy là sự kế thừa phát triển các quan điểm của Phuriê, của Moócgan, nhưng vẫn là quan điểm phiến diện, siêu hình không thể là cơ sở khoa học để xem xét, đánh giá, cải tạo và xây dựng xã hội.
Mặt khác về mặt chính trị, quan niệm của Alvin Toffler còn là sự biện hộ, bảo vệ cho sự tồn tại của chế độ tư bản, hơn nữa gián tiếp tuyên dương công trạng khai hóa “văn minh”, xóa đi tội ác tầy trời của chủ nghĩa tư bản trong các cuộc chiến tranh xâm lược đối với các dân tộc nhỏ yếu kém phát triển. Đồng thời phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, phủ nhận sự ra đời chiến thắng của chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa cộng sản, vai trò sứ mệnh của giai cấp công nhân. Vì thế, có thể coi học thuyết 3 nền văn minh của Alvin Toffler là cơ sở lý luận cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản trong thời kỳ toàn cầu hóa.
Những phân tích trên đây dù chưa đầy đủ và thấu dáo nhưng cũng đủ chứng minh tính đúng đắn cách mạng khoa học, tính không thể phủ nhận của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác, sự thiếu khoa học, phản động về chính trị của học thuyết các nền văn minh của Alvin Toffler. Do vậy, không phải học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác lỗi thời lạc hậu mà chính những luận điệu phủ nhận nó mới thực sự lỗi thời lạc hậu./.    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét