Thứ Hai, 23 tháng 12, 2019

PHÁT HUY SỨC MẠNH TỔNG HỢP CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ VÀ CỦA TOÀN XÃ HỘI, ĐẨY MẠNH CUỘC ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ


Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ lớn, trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Các cấp ủy và tổ chức đảng phải nhận thức sâu sắc tính cấp thiết, lâu dài, phức tạp và khó khăn của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; có quyết tâm chính trị cao, đấu tranh kiên quyết, kiên trì, liên tục, có hiệu quả từ Trung ương đến cơ sở; có hệ thống giải pháp đồng bộ, cụ thể và có hiệu lực về tuyên truyền, giáo dục và hành chính, về kinh tế, tài chính và pháp luật, về thanh tra, kiểm tra và giám sát, về chế độ, chính sách đãi ngộ và kỷ luật Đảng; sử dụng sức mạnh tổng hợp của tổ chức đảng, bộ máy nhà nước, Mặt trận, các đoàn thể nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng. Các cấp ủy và tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo các cấp phải thực sự đi đầu, gương mẫu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền cần lãnh đạo, chỉ đạo tập trung vào các giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, ở mọi cấp, mọi ngành, trên các phương tiện thông tin đại chúng về cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí để tạo sự thống nhất cao về nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân về ý nghĩa, tầm quan trọng to lớn của cuộc đấu tranh này, để biến quyết tâm chính trị cao của Đảng thành quyết tâm và hành động cụ thể của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, huy động sự tham gia tích cực của toàn dân, của cả hệ thống chính trị vào cuộc đấu tranh. Công tác tuyên truyền phải hết sức phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, phải tạo được dư luận xã hội rộng rãi, lên án mạnh mẽ những kẻ tham nhũng, lãng phí; cổ vũ, động viên kịp thời những gương người tốt, việc tốt, cần, kiệm, liêm, chính của tập thể và cá nhân, những người tích cực và có thành tích xuất sắc trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Công tác tuyên truyền về cuộc đấu tranh này cần phải kết hợp chặt chẽ với việc tuyên truyền về tư tưởng và tấm gương đạo đức trong sáng, cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cổ vũ phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mà Đảng ta vừa phát động, góp phần để Cuộc vận động đạt kết quả cao, ngăn chặn và đẩy lùi được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay. Cán bộ chức vụ càng cao, càng phải gương mẫu học tập, tu dưỡng, phấn đấu làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Đây là một biện pháp rất quan trọng, cơ bản để phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả.
Thứ hai, các cơ quan nhà nước phải khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội, đặc biệt ở những lĩnh vực thường hay xảy ra các vụ tham nhũng, lãng phí như quản lý đầu tư, xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý các doanh nghiệp nhà nước, thu, chi, sử dụng ngân sách nhà nước... Cần phải triệt để xóa bỏ cơ chế xin - cho, tiến tới xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản; phải phân tách rạch ròi chức năng quản lý nhà nước của các bộ với chức năng quản lý sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp... Cần phải thực hiện mạnh mẽ hơn, nhanh hơn, có kết quả hơn cải cách hành chính, xóa bỏ những thủ tục hành chính phiền hà, bất hợp lý; đẩy mạnh phân cấp; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, từng vị trí cán bộ, công chức; đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí ở cơ quan, đơn vị mình, của cán bộ bên dưới mình trực tiếp phụ trách...
Các cơ quan, đơn vị, các tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cũng cần phải rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và nhất là rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chế làm việc, các quy định về mối quan hệ công tác trong nội bộ cơ quan và với các cơ quan khác; đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng, trong Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Tất cả những biện pháp này là để hạn chế đến mức thấp nhất những kẽ hở của luật pháp, cơ chế, chính sách của Nhà nước, các quy định, quy chế trong Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, không để kẻ xấu lợi dụng. Nâng cao trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, trong cơ quan nhà nước và toàn xã hội.
Thứ ba, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, lãng phí.
Các cơ quan thanh tra của Nhà nước, các cấp ủy, ủy ban kiểm tra đảng các cấp, các ngành, các đơn vị phải có kế hoạch tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước; thanh tra, kiểm tra khi có đơn, thư tố cáo, khi có dấu hiệu vi phạm. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có kế hoạch thực hiện tốt chức năng giám sát đảng viên, cán bộ, công chức, các cơ quan nhà nước. Phát huy vai trò giám sát của quần chúng trong cơ quan, đơn vị, giám sát của nhân dân nơi cư trú và vai trò giám sát của báo chí đối với các cơ quan, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức để nhắc nhở, ngăn ngừa và phát hiện kịp thời mọi hành vi tham nhũng, lãng phí.
Đối với những hành vi tham nhũng, lãng phí đã phát hiện đều phải được xét xử nghiêm minh theo kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đúng người, đúng tội, dù đó là ai, giữ chức vụ gì, không có vùng cấm, không để ai bị oan sai, nhưng cũng không được để lọt tội. Cùng với xử lý kỷ luật Đảng, xét xử theo pháp luật của Nhà nước, phải kiên quyết thu hồi tài sản đã bị tham nhũng. Việc xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí phải có sức răn đe mạnh mẽ đối với những kẻ có ý định vi phạm.
Với quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, với việc kiên trì thực hiện đồng bộ các biện pháp vừa xây, vừa chống, vừa phát huy dân chủ, vừa tăng cường kỷ luật, kỷ cương, vừa đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, vừa bằng các biện pháp hành chính, kinh tế và pháp luật, nhất định chúng ta sẽ ngăn chặn và đẩy lùi được tệ tham nhũng, lãng phí như mục tiêu Đảng, Nhà nước ta đã đề ra, đáp ứng yêu cầu bức xúc của nhân dân.


1 nhận xét:

  1. Công cuộc chống tham nhũng đang tiến hành rất quyết liệt và được nhân dân hết lòng ủng hộ

    Trả lờiXóa