Thứ Hai, 26 tháng 8, 2019

LÀM RÕ HƠN VỀ CHỨC NĂNG ĐỘI QUÂN CÔNG TÁC CỦA QUÂN ĐỘI



Lê Lợi
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”[1], 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn dựa vào dân, sát cánh cùng nhân dân thực hiện tốt chức năng “đội quân công tác”, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quân - dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong các giai đoạn cách mạng của Đảng. Bởi vậy, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, Quân đội luôn nhận được sự giúp đỡ của nhân dân để tạo nên nguồn sức mạnh to lớn đánh thắng kẻ thù xâm lược; thực sự là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, xứng danh với tên gọi trìu mến, thân thương “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân.

Để thực hiện tốt chức năng “đội quân công tác”, các đơn vị Quân đội đã thường xuyên bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc điểm, tình hình và các quy định của địa phương, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội làm cơ sở để xác định nội dung, hình thức công tác Dân vận (CTDV), nhất là trên những địa bàn chiến lược, trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, vùng dân tộc, tôn giáo. Thông qua thực tiễn bám nắm cơ sở, cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) Quân đội đã “cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân”, thực hiện đúng phương châm “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, tạo được niềm tin trong nhân dân, phát huy sức dân để hoàn thành nhiệm vụ. Với tinh thần tích cực, chủ động, 70 năm qua, CTDV trong Quân đội đã có bước đổi mới toàn diện cả về nội dung, hình thức, cách làm, nên đã đạt được những kết quả quan trọng2. Hoạt động của hệ thống “Chiến sĩ dân vận”, “Tổ CTDV”; kết nghĩa; huấn luyện dã ngoại kết hợp làm CTDV; các chương trình phối hợp; cử cán bộ tăng cường cơ sở các xã biên giới của Bộ đội Biên phòng và CTDV của các binh đoàn, đoàn kinh tế - quốc phòng; Chương trình quân - dân y kết hợp… đã từng bước đi vào nền nếp, có hiệu quả tốt. Trước yêu cầu phát triển của các vùng chiến lược, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã kịp thời quyết định thành lập và chỉ đạo tổ chức hoạt động của các đội công tác tăng cường cơ sở trên các địa bàn trọng điểm: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Quân khu 4 (Đội công tác 123); thể hiện vai trò nòng cốt góp phần xây dựng cơ sở vững mạnh, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Kết quả nổi bật trong thời gian qua là: CTDV của Quân đội đã góp phần tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cuộc vận động cách mạng, các phong trào và nhiệm vụ chính trị của địa phương; tham gia xây dựng hệ thống chính trị, tăng cường quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội; tích cực giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời đã chủ động tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác của các tầng lớp nhân dân, đấu tranh có hiệu quả với mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển, đảo của Tổ quốc, tình đoàn kết các dân tộc, tình hữu nghị với các nước. Mặt khác, đã thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở; công tác dân tộc, tôn giáo trên các địa bàn và chính sách dân tộc, tôn giáo trong Quân đội, v.v. Qua đó, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần, xây dựng “thế trận lòng dân”, hậu phương chiến lược vững chắc trong thế phòng thủ chung của cả nước. Thông qua thực tiễn hoạt động, CTDV đã trở thành một trong những phương thức chủ yếu để tăng cường mối quan hệ gắn kết chiến lược giữa Đảng, nhân dân và Quân đội; là điều kiện để giáo dục, rèn luyện tư tưởng, bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống cho CB,CS Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngày nay, sự nghiệp xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra những yêu cầu mới với không ít khó khăn, phức tạp. Trong khi đó, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” quân đội, chia rẽ sự đoàn kết gắn bó keo sơn giữa nhân dân với Đảng, nhân dân với Quân đội; tình trạng tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội chưa được đẩy lùi, v.v. Tình hình đó, đang hằng ngày, hằng giờ tác động đến tâm tư, tình cảm của các tầng lớp nhân dân và cán bộ, chiến sĩ; đồng thời, là những cản trở không nhỏ chi phối đến việc thực hiện chức năng “đội quân công tác” của Đảng trong Quân đội.


[1]Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG,    H. 2011, tr. 234.

1 nhận xét: