Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2019

“Không học vẫn làm được” - một quan điểm cần phê phán


“Không học vẫn làm được” - một quan điểm cần phê phán
                                                                                    PHI HUNG

Học là quá trình tiếp thu tri thức, rèn luyện trí lực, hình thành năng lực tư duy. Mục đích của việc học là học để biết, học để hiểu, học để làm việc có ích cho xã hội. Vai trò của học tập, nâng cao trình độ đối với công tác cán bộ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Học để làm gì? Học để sửa chữa tư tưởng... Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng... Học để tin tưởng... Học để hành...”.

Với ý nghĩa đó, tinh thần “Học, học nữa, học mãi” của V.I. Lênin vẫn vẹn nguyên giá trị trong mọi thời đại, tấm gương không ngừng học tập của Bác Hồ “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học... Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau” là sự khẳng định cả về lí luận lẫn thực tiễn vai trò của việc học tập, nâng cao trình độ, hiểu biết của mỗi cá nhân trong xã hội. Học giỏi có thể chưa làm tốt ngay mọi việc, nhưng không học thì chắc chắn không thể làm giỏi.
Lịch sử anh hùng vẻ vang của cách mạng Việt Nam và những thành tựu mà đất nước, dân tộc ta có được ngày hôm nay là một phần lớn nhờ nỗ lực học tập, cống hiến sức lực, trí tuệ của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân. Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương tiêu biểu nhất, tiếp đến là các bậc tiền bối của Đảng tới những lớp học tập về chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối cách mạng Việt Nam do chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức và truyền thụ.    
Thực tế cho thấy, “làm được” thông qua hai con đường cơ bản. Một là, bằng cách học tập trong sách vở, ở trường lớp, học qua thực tiễn; hai là, bằng kinh nghiệm, thực hành nhiều, làm đi làm lại nhiều lần thành kỹ năng, kinh nghiệm. Nếu đơn thuần làm theo kỹ năng hoặc kinh nghiệm có sẵn thì công việc sẽ tiến triển chậm, hiệu quả không cao, thiếu cải tiến và sáng tạo. Cách làm như trên chỉ phù hợp với các công việc đơn giản, không cần nhiều trí tuệ. Có một số cá nhân không học nhiều vẫn giỏi, thành công và trở thành thiên tài.
Họ có tư chất thông minh, nhạy bén và linh hoạt trong nhận thức cũng như hành động nên đạt kết quả cao trong công việc. Tuy nhiên, chỉ tồn tại số rất ít người như vậy, được xem là “hiện tượng” của xã hội chứ không mang tính phổ quát trong xã hội. Còn đại đa số công việc không học thì không thể làm được. Một cán bộ tuyên truyền nếu không được đào tạo kiến thức lý luận nền tảng, không thường xuyên học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước thì việc thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách không mang lại hiệu quả; một cán bộ học tập không đúng chuyên môn, chuyên ngành, không có kiến thức chuyên sâu lại đươc bố trí làm công tác lý luận, tuyên truyền, rồi bao biện cho quyết định của tổ chức và cá nhân mình, thậm chí còn cho rằng “không học vẫn làm được”.

Từ thiếu kiến thức nền tảng, dẫn đến cán bộ khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, thiếu tính sáng tạo, non yếu trong việc vận dụng chủ trương, đường lối của Đảng, bởi những cán bộ đó thực hiện nhiệm vụ chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, dễ tuyệt đối hóa vai trò của kinh nghiệm, thậm chí có thể dẫn đến hạ thấp hoặc phủ nhận vai trò của lí luận, có nơi, có lúc mang tư tưởng coi thường lí luận, chỉ dựa vào kinh nghiệm để xét đoán và giải quyết công việc.. 
Từ những phân tích trên, cho thấy “không học vẫn làm được” là quan điểm sai trái, mang tính thực dụng, xem thường việc học hành, đào tạo bài bản, hệ thống. Vì coi thường việc học tập mà sinh ra chủ quan, duy ý chí, đề cao kinh nghiệm, hạ thấp vai trò của giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng. Nhận thức sai lệch đó dễ dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên hiện nay, như Nghị quyết số 04-NQ/TW Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã chỉ rõ: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Cán bộ, đảng viên không nắm vững nền tảng lí luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tri thức khoa học xã hội, kiến thức chuyên môn, cho nên khi đứng trước sự vật, hiện tượng, vấn đề mới, họ khó nhận thức đúng, dễ ngộ nhận, và tất yếu hệ lụy là dao động, dễ thoái hóa, biến chất. Đó là cội rễ dẫn tới tiêu cực, sai trái trong hành vi của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Họ dễ bị dao động trước luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, lôi kéo của kẻ thù, càng nguy hiểm hơn dưới tác động của kinh tế thị trường, trước sự cám dỗ của giá trị đồng tiền và sự tấn công của những viên “đạn bọc đường”.
Bên cạnh đó, “không học mà vẫn làm được” dựa trên kinh nghiệm, phụ thuộc vào thói quen và kỹ năng có sẵn còn rơi vào bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa, lười vận động và đổi mới tư duy, là căn bệnh hết sức nguy hiểm.
“Không học vẫn làm được” vì chỉ cần có tiền, có ô dù, có người “chống lưng” cũng là một biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống. Bởi cách nghĩ đó là nguyên nhân nảy sinh chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội; lợi dụng thân quen, nể nang trong sắp xếp công tác cán bộ; gây ra thói tự kiêu, tự mãn, cậy nhờ vào “quan hệ”, “tiền tệ”, chạy theo lối sống buông thả, ỷ lại, không học tập, rèn luyện nhưng lại được bao biện, che đậy, làm thay. Người được cất nhắc, bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo nếu không có năng lực thực sự thì chỉ tạo được cho mình một vị trí về mặt hình thức, mà không gây dựng được tín nhiệm đối với cấp trên, với tập thể, thậm chí còn làm sai việc, hỏng việc, gây nguy hại cho tập thể. Quan điểm người không có trí tuệ vẫn có thể giữ chức vụ cao, người không cần năng lực nhưng chạy chọt vẫn được bổ nhiệm là suy nghĩ sai lầm, cổ súy cho những hành động tiêu cực, dựa vào vật chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay. Vì vậy, phê phán quan điểm “không học vẫn làm được” và ngăn chặn, đấu tranh chống lại những suy nghĩ lệch lạc, sai trái là công việc cấp bách và cần tiến hành thường xuyên trong từng tổ chức đảng, ở mỗi cán bộ, đảng viên.




Cảnh giác với luận điệu xuyên tạc mục tiêu CNXH
trước thềm Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIII

Cứ “đến hẹn lại lên”, nhằm vào thời điểm đất nước chuẩn bị có những sự kiện trọng đại, các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị lại triệt để lợi dụng để đẩy mạnh các hoạt động công kích, chống phá cách mạng Việt Nam...
Vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019, Về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Để công tác chuẩn bị chu đáo, việc tổ chức đại hội các cấp bảo đảm thành công tốt đẹp theo đúng tinh thần chỉ thị của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã quán triệt: Kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội (CNXH) trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc trong Cương lĩnh, Điều lệ, đường lối, chủ trương của Đảng. Tuy nhiên các thế lực phản động, phần tử cơ hội chính trị lợi dụng thời điểm này để công kích, chống phá, xuyên tạc mục tiêu, lý tưởng, con đường đi lên XHCN ở Việt Nam.
Cứ “đến hẹn lại lên”, nhằm vào thời điểm đất nước chuẩn bị có những sự kiện trọng đại, các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị lại triệt để lợi dụng để đẩy mạnh các hoạt động công kích, chống phá cách mạng Việt Nam. Lợi dụng thời điểm tổ chức Đảng từ Trung ương đến địa phương đang có những chuẩn bị bước đầu để tiến tới đại hội Đảng các cấp, “lộng giả thành chân”, các đối tượng này bắt đầu gia tăng các hoạt động tuyên truyền, chống phá.
Trên các trang điện tử, blog hải ngoại, họ vờ vịt tỏ thái độ ngạc nhiên, ra vẻ thông thái dạy đời: “Vì sao đến giờ này mà Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn kiên định mục tiêu, lý tưởng CNXH”. Họ cho rằng: “Ai cũng thấy là CNXH đã ở vào giờ thứ 25 trên phạm vi toàn cầu, việc thực hiện XHCN tại Việt Nam đã hoàn toàn thất bại sau 10 năm thực hiện triệt để (1975-1985) dù cố gắng “Đổi mới” 10 năm sau đó (1985-1995) theo gương “cải tổ” của Liên Xô vẫn không cứu vãn được.
Chúng xuyên tạc: Để được cứu nguy, tránh sự sụp đổ như Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu, đạt được nhiều thành tựu như hiện nay, thực tế Việt Nam đã thực hiện “Kinh tế thị trường, theo định hướng tư bản chủ nghĩa”; nhờ đó, Việt Nam mới phát triển nhiều mặt để có bộ mặt phồn vinh như hôm nay về kinh tế, đời sống người dân ngày một được cải thiện và nâng cao, chứ không phải kinh tế thị trường định hướng XHCN…”.
Đây thực chất là những luận điệu phi lịch sử, phản khoa học và phản động. Mục đích của những kẻ tung ra luận điều này rất rõ ràng là muốn xóa bỏ CNXH, thay đổi thể chế chính trị, hướng lái nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa; bên cạnh đó là làm cho quần chúng nhân dân hoài nghi, bi quan, dao động, suy giảm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên CNXH mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Nói như vậy, luận điệu mà chúng nêu trên liệu có cần tranh luận? Chắc hẳn là không. Tuy nhiên cũng nên nói rõ để không “thật, giả, vàng, thau lẫn lộn”. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn của dân tộc Việt Nam. Lịch sử dân tộc nửa cuối thế kỷ XIX và ngót nửa đầu thế kỷ XX, đất nước không được độc lập, nhân dân không được tự do. Các phong trào từ “Cần Vương”, “Khởi nghĩa nông dân”, đến phong trào “Đông Du”, phong trào “Giải phóng dân tộc theo khuynh hướng tư sản dân tộc”… đều thất bại, cách mạng Việt Nam lâm vào khủng hoảng về con đường giải phóng dân tộc.
Trong điều kiện đó, Nguyễn Ái Quốc đã đưa lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười, cách mạng vô sản về Việt Nam. Từ khi có Đảng, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành lại độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng đất nước theo con đường CNXH, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nói như thế để thấy, con đường cách mạng vô sản tiến bộ là phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể, CNXH là sự lựa chọn của lịch sử dân tộc Việt Nam.
Độc lập dân tộc là gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn của nhân dân. Nhân dân là cội nguồn sức mạnh, chủ thể quyết định vận mệnh của dân tộc và non sông đất nước. Đảng Cộng sản Việt Nam một lòng phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Ngoài lợi ích của dộc tộc, nhân dân, Đảng không có lợi ích nào khác. Nhân dân một lòng theo Đảng. Lý tưởng cộng sản là sự lựa chọn của nhân dân. Kiên định con đường đi lên CNXH là sự kiên định con đường thực tiễn mà nhân dân ta đang đi, kiên định mục tiêu thực hiện mà chúng ta đang hướng tới, là tiếp nối thành quả cách mạng của nhân dân ta và nâng lên tầm cao mới phù hợp với điều kiện lịch sử.
Trong tiến trình cách mạng Việt Nam, Đảng ta tiếp tục con đường đã lựa chọn, kiên định mục tiêu CNXH mà tính đúng đắn, khoa học, cách mạng đã được thực tiễn chứng minh để xây dựng nước ta thực sự giàu mạnh, dân chủ, văn minh, nhân dân ta thực sự có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.
Kiên định con đường đi lên CNXH là phù hợp với quy luật lịch sử, chứ không phải là “đi vào vết xe đổ của Liên Xô” như sự xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. CNXH hiện thực sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 không chỉ có ảnh hưởng quốc tế sâu rộng mà còn làm thay đổi tiến trình lịch sử thế giới trong suốt thế kỷ XX và cho đến tận ngày nay.
CNXH từ lý luận khoa học đã trở thành hiện thực sinh động; từ một nước trở thành hệ thống XHCN thế giới, trở thành lực lượng cách mạng thúc đẩy nhân loại phát triển và phẩm giá con người trong lòng xã hội được thực thi… Liên Xô sụp đổ là sự kiện địa chính trị lớn nhất của thế kỷ XX làm đau đớn nhân loại tiến bộ. Song nó phản ánh sự sai lầm về một mô hình khi đã xa rời những vấn đề mang tính nguyên tắc của CNXH.
Bên cạnh đó cũng phải nói rõ, những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử đạt được trong hơn 30 đổi mới đến nay mà nhân dân ta đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng, là thành tựu của công cuộc đổi mới, thành tựu của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN chứ không phải là “kinh tế thị trường theo định hướng tư bản chủ nghĩa” như các thế lực thù địch xuyên tạc.
Kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam là “nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" (Đảng Cộng sản Việt Nam: “Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII”, tr.102). Đây là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam, là thành quả phát triển, hoàn thiện về mặt tư duy lý luận của Đảng và thực tiễn phát triển kinh tế trong thời kỳ đổi mới. Kinh tế thị trường định hướng XHCN có đặc trưng mang tính đặ c thù, khác căn bản về chất so với kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa mà đến những kẻ ngu ngơ nhất cũng không thể đánh đồng.
Thủ đoạn của thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động là xuyên tạc về mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên CNXH ở nước ta, xuyên tạc kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhằm mục đích hướng lái cách mạng Việt Nam theo con đường tư bản chủ nghĩa; tác động, tiêm nhiễm tạo nhận thức lệch lạc, hoài nghi, tư tưởng hoang mang, dao động, từ đó suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân cần nâng cao ý thức cảnh giác và tăng cường đấu tranh tranh phản bác, làm thất bại âm mưu phản cách mạng nguy hiểm này./.

1 nhận xét:

  1. Mỗi chúng ta phải nêu cao tinh thần cảnh giác và đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của bọn phản động và các phần tử cơ hội chính trị.

    Trả lờiXóa