Thứ Hai, 24 tháng 6, 2019

Thực chất quan điểm “Quân đội đứng ngoài chính trị”




"Quân đội đứng ngoài chính trị" không phải là một luận điểm mới, mà là luận điểm đã được các thế lực tư bản, đế quốc sử dụng từ lâu để chống phá các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có nước ta. Gần đây, thủ đoạn này được các "nhà dân chủ" người Việt ở hải ngoại tung hứng, đẩy mạnh sử dụng với tần suất khá cao trên các phương tiện truyền thông, nhất là trên các trang website, các blog cá nhân của họ, nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trên lĩnh vực lý luận, tư tưởng, các thế lực thù địch rêu rao: quân đội là của Nhà nước nên chỉ phục tùng Nhà nước chứ không phục tùng bất cứ chính đảng nào; do đó, quân đội nên "trung lập về chính trị", "đứng ngoài chính trị” trước các sự kiện chính trị diễn ra. Trong thực tiễn, chúng vận động đòi xóa bỏ nguyên tắc Đảng Cộng sản lãnh đạo quân đội, được ghi trong Hiến pháp; hạ thấp, đi đến đòi xóa bỏ công tác đảng, công tác chính trị cùng hệ thống cán bộ chính trị và cơ quan chính trị trong quân đội; xuyên tạc các sự kiện lịch sử có quân đội tham gia, thổi phồng khuyết điểm của một vài đơn vị quân đội và một bộ phận quân nhân trong thực hiện nhiệm vụ; bôi nhọ đời tư của các tướng lĩnh, anh hùng lực lượng vũ trang; hòng qua đó làm cho quân đội mất uy tín trong nhân dân, hạ thấp vị thế của quân đội trong xã hội.
Các thế lực thù địch hy vọng thông qua chiến dịch đòi thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; đòi xóa bỏ điều 4 trong hiến pháp nước ta quy định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội, trong đó bao hàm sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; hi vọng thông qua việc thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự để đưa người của họ vào quân đội, nhằm thực hiện cái gọi là “dân chủ hóa quân đội”. Những việc làm này đều nhằm mục tiêu loại bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, vô hiệu hóa vai trò quân đội là công cụ bạo lực sắc bén của Đảng và Nhà nước. Chúng hi vọng, khi quân đội đã bị mê hoặc bởi khẩu hiệu “quân đội đứng ngoài chính trị”, đội ngũ cán bộ quân đội đã dao động, mất phương hướng chính trị, thì chúng sẽ ra tay lật đổ thể chế như đã diễn ra ở các nước xã hội chủ nghĩa trong những năm cuối thế kỷ trước.
Lịch sử ra đời và phát triển của các quân đội trên thế giới cho thấy một sự thật hiển nhiên: nhà nước và quân đội đều là sản phẩm của cuộc đấu tranh giai cấp; mà theo đó, nhà nước nào cũng là nhà nước giai cấp nên không có chuyện nhà nước “phi chính trị”. Là một thành phần của nhà nước, quân đội bao giờ cũng mang bản chất giai cấp của nhà nước - người quản lý và nuôi dưỡng nó.  Không có và không thể có quân đội “đứng ngoài chính trị”, “trung lập về chính trị”. Ở các nước theo thể chế chính trị tư bản, với chế độ đa đảng, mặc dù có hiện tượng các đảng phái thay nhau cầm quyền (thí dụ: Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa ở Mỹ; Đản Bảo thủ hay Công đảng ở Anh….), nhưng thực chất đó chỉ là các tổ chức khác nhau (đại diện cho các nhóm và các tầng lớp khác nhau) của giai cấp tư sản, và chính phủ do các đảng đó chi phối đều phục tùng quyền lợi của giai cấp tư sản, bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản là chủ yếu, mặc dù vẫn phải thực thi chức năng công quyền – một trong hai chức năng cơ bản (chức năng giai cấp và chức năng công quyền) -  của bất cứ nhà nước nào. Quân đội ở các nước này thực chất vẫn là công cụ bạo lực phục vụ và bảo vệ cho quyền lợi của nhà nước đang nuôi dưỡng nó- nhà nước tư sản; nên trong thực tế, quân đội của các chính phủ tư sản cũng không bao giờ “ đứng ngoài chính trị” . Đó là sự thật hiển nhiên.
Về điều này, V.I.Lênin đã khẳng định: “Không lôi kéo quân đội vào chính trị - đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân giả nghĩa của giai cấp tư sản và của chế độ Nga hoàng, bọn này trong thực tế bao giờ cũng đã lôi kéo quân đội vào chính trị phản động”[1]. Những người hô hào quân đội chỉ là của nhà nước, cần “ đứng ngoài chính trị” đã cố tình làm ngơ bản chất giai cấp của nhà nước. Quân đội luôn là một lực lượng chính trị quan trọng mà bất cứ nhà nước nào, giai cấp cầm quyền nào cũng phải tìm cách nắm chặt lấy để hướng quân đội phục tùng và bảo vệ quyền lợi chính trị- kinh tế của mình. Đòi quân đội chỉ phục tùng nhà nước, không phục tùng Đảng Cộng sản (cầm quyền), về thực chất là tuyên truyền cho sự chuyển hóa lập trường chính trị vô sản của quân đội sang lập trường chính trị tư sản. Trên cơ sở đó, thúc đẩy quá trình “ tự diễn biến” trong quân đội và xã hội, để khi đủ điều kiện tiến hành lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa mà không cần đến chiến tranh.
Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời từ các phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, được Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức, lãnh đạo, mục tiêu chiến đấu là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là mục tiêu chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Quân đội ta không chỉ mang bản chất giai cấp công nhân, mà còn mang đầy đủ tính nhân dân sâu sắc và tính dân tộc chân chính. Là quân đội kiểu mới, quân đội ta không thể “ đứng ngoài chính trị”, đứng ngoài cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; bởi bản thân nó chính là một lực lượng chính trị, là công cụ bạo lực của Nhà nước, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Lịch sử xây dựng, chiến đấu và trường thành của quân đội ta đã chứng minh rất rõ điều đó và ngày nay không có lý do gì phải thay đổi.



[1] V.L. Lênin, Toàn tập, tập 12, Nxb Tiến bộ Mát xcova, 1997, tr136

1 nhận xét:

  1. Các thế lực thù địch có âm mưu "phi chính trị hóa Quân đội" nhằm tách Quân đội nhân dân Việt Nam ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng CSVN, làm cho Quân đội biến chất. Bởi vậy, đấu tranh làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội là một nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.

    Trả lờiXóa