Thứ Năm, 28 tháng 3, 2019

Đấu tranh phản bác với quan điểm đa nguyên, đa đảng của các thế lực thù địch


VAN CAM NGUYEN

Từ khi ra đời đến nay, trải qua gần 90 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, Đảng ta luôn kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; dương cao ngon cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lãnh đạo nhân dân ta hoàn thành thắng lợi vẻ vang sự nghiệp giải phóng dân tộc. Lịch sử vẻ vang của Đảng ta được nhân dân ta và bạn bè khắp năm châu khâm phục. Ngày nay, trong thời kỳ đổi mới Đảng vẫn giữ vững bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng khoa học, kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lãnh đạo toàn dân tiến hành sự nghiệp đổi mới và đã giành được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, vị thế, vai trò lãnh đạo của Đảng ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, được nhân dân suy tôn là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của toàn thể dân tộc Việt Nam.

Hiện nay, các thế lực thù địch thường xuyên tuyên truyền luận điệu: “Ở quốc gia mà chỉ có một đảng duy nhất lãnh đạo như Việt Nam thì không có dân chủ, sẽ đưa đất nước, dân tộc đi vào ngõ cụt”. Bằng nhiều hình thức, chúng tung ra hàng trăm, hàng nghìn luận điệu khác nhau, tấn công vào vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng sử dụng các trang mạng xã hội để tập trung đả phá hệ thống lý luận và nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; tuyên truyền, phá hoại việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bôi nhọ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chia rẽ nội bộ Đảng, đặc biệt trong thời điểm diễn ra các sự kiện quan trọng của đất nước, của dân tộc; kích động nhân dân, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp nhằm tạo cơ hội cho các nước tư bản phương Tây dễ dàng thực hiện mưu đồ chính trị của chúng. Đưa ra các tuyên bố về tôn giáo, nhân quyền ở Việt Nam trái với thực tế để cho rằng chế độ một đảng lãnh đạo như ở Việt Nam đang bóp nghẹt “dân chủ”, làm cho nhân dân bị áp bức, bóc lột, gây ra tình trạng quan liêu, tham nhũng, làm cho đất nước đi vào “ngõ cụt”... Rõ ràng, các thế lực thù địch luôn tìm cách tấn công, nhằm lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Mục đích là thông qua hoạt động phá hoại tư tưởng để tác động, nhằm thay đổi nhận thức, niềm tin của các tầng lớp nhân dân, kể cả cán bộ, đảng viên vào vai trò lãnh đạo của Đảng, vào tính tất yếu về sự ra đời và lãnh đạo cách mạng của Đảng, từ đó lôi kéo các tầng lớp nhân dân vào con đường chống lại Đảng, hình thành nên các tổ chức, lực lượng chính trị đối lập tại Việt Nam, tiến tới thiết lập cơ chế đa nguyên, đa đảng.
Thực tế đã chứng minh, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời giữ địa vị lãnh đạo và được nhân dân giao cho trọng trách là Đảng cầm quyền. Đảng đứng ra nắm chính quyền không phải bằng những âm mưu chính trị, lật đổ để giành được và cũng không phải giống các chính đảng của giai cấp tư sản phương Tây giành được thông qua bầu cử, mà là kết quả của một quá trình đấu tranh vô cùng cam go, gian khổ, kể cả hy sinh xương máu của hàng triệu đảng viên và nhân dân mới có được. Có thể thấy, vào những thập niên cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cả nước ta chìm trong đêm đen nô lệ. Nhiều phong trào yêu nước đã xuất hiện như phong trào Cần Vương, khởi nghĩa Yên Thế, Yên Bái nhưng lần lượt thất bại. Việc tìm kiếm con đường cứu nước của các chí sĩ tiền bối như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh... đều rơi vào bế tắc. Trong bối cảnh đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và chính Người đã có công truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị điều kiện tiền đề về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho việc ra đời của Đảng Cộng sản. Cũng chính nhờ sự truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam mà phong trào công nhân và phong trào yêu nước có điều kiện phát triển mạnh mẽ và dẫn tới sự hình thành các tổ chức cộng sản. Sự xuất hiện của ba tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản đảng, An Nam Cộng sản đảng, Đông Dương Cộng sản liên đoàn tiếp tục thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển, nhưng cũng đặt ra một yêu cầu bức thiết rằng, cần phải hợp nhất ba tổ chức thành một tổ chức thống nhất để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới. Như vây, sự ra đời của Đảng là đòi hỏi khách quan của thực tế lịch sử lúc bấy giờ, không phải tự nhiên mà có, cũng không phải muốn là được. Đảng ra đời đáp ứng được khát vọng lớn lao của toàn thể cần lao, soi đường dẫn lối cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi trong cuộc cách mạng phản đế, phản phong. Và cũng chỉ 15 năm sau ngày thành lập với khoảng 5.000 đảng viên, Đảng đã lãnh đạo toàn thể nhân dân làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám lịch sử, lật đổ ách áp bức của thực dân phong kiến, lập ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa nhân dân Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập, tự do. Sau đó, Đảng lại lãnh đạo nhân dân làm nên hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tạo ra những chiến thắng vang dội địa cầu và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của đất nước. Với đường lối đổi mới đúng đắn, Đảng đang lãnh đạo toàn dân thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước từ nghèo nàn, lạc hậu, bị tàn phá bởi chiến tranh, trở thành một quốc gia đang phát triển năng động, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, uy tín, vị thế Việt Nam không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 187 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam cũng là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, văn hóa, xã hội có nhiều bước phát triển. Có thể khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển mạnh mẽ, vì thế không cần phải thực hiện đa nguyên, đa đảng.
Từ đó, có thể thấy rằng, luận điệu “Ở quốc gia mà chỉ có một đảng duy nhất lãnh đạo như Việt Nam thì không có dân chủ, sẽ đưa đất nước, dân tộc đi vào ngõ cụt” là một luận điệu hết sức nguy hiểm, bởi nó cố tình đánh đồng giữa vấn đề đa nguyên, đa đảng với dân chủ và phát triển; cổ súy cho việc thiết lập cơ chế đa nguyên, đa đảng tại Việt Nam. Việc nhận diện đầy đủ và đấu tranh phản bác, thuyết phục, vạch rõ những điểm giả dối, phản cách mạng, phản khoa học trong luận điệu “đa nguyên, đa đảng đồng nghĩa với dân chủ, phát triển” là vô cùng quan trọng trong cuộc đấu tranh tư tưởng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của chế độ hiện nay.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng…”. Điều này cho thấy, quan điểm nhất quán của Đảng ta là không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Bởi, thực hiện đa nguyên, đa đảng không đồng nghĩa với việc sẽ có dân chủ, với việc sẽ đưa đất nước phát triển. Thực tiễn, nhiều nước đã chứng minh rằng, có những nước đa đảng nhưng vẫn thuộc loại nghèo nhất trên thế giới. Tuy nhiên, cũng có những nước chỉ một đảng lãnh đạo nhưng vẫn là nước rất phát triển với đời sống nhân dân sung túc. Điều đó có nghĩa là đa nguyên, đa đảng không phải là cứu cánh cho sự phát triển. Vấn đề quan trọng nằm ở chỗ không phải là đa đảng hay một đảng lãnh đạo mà quan trọng nhất đó là đường lối lãnh đạo đúng đắn của đảng cầm quyền.
Và như đã khẳng định, tại Việt Nam hiện nay, với đường lối lãnh đạo sáng suốt, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn đang đưa đất nước phát triển, người dân cả nước đều được hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới, dân chủ vẫn đang được mở rộng và nhân quyền của người dân luôn được đảm bảo. Và luận điểm muốn mở rộng dân chủ và phát triển xã hội, Việt Nam phải thực hiện đa nguyên, đa đảng là một luận điểm sai trái. Với sự cố gắng nỗ lực của toàn dân, toàn quân, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. 


1 nhận xét:

  1. Bản chất của các thế lực thù địch là không thay đổi; chúng cổ súy cho đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, với động cơ chính trị đen tối, đó là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì vậy chúng ta phải cảnh giác

    Trả lờiXóa