Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

HÃY GÌN GIỮ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ THIÊNG LIÊNG VÀ CAO ĐẸP CỦA LẬP, TỰ DO



“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”[1]. Âm hưởng thiêng liêng, hào hùng đó trong Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2-9-1945, cách đây 77 năm, nhưng vẫn in đậm trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam, vẫn khơi dậy niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc, vẫn thúc giục mọi người dân Việt Nam hãy luôn trân trọng, bảo vệ, gìn giữ những giá trị độc lập, tự do mà vì nó, bao thế hệ đã ngã xuống.
Vì độc lập, vì tự do, cả dân tộc Việt Nam đã trường kỳ kháng chiến để làm nên Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, ghi thêm một trang vàng vào lịch sử oai hùng của dân tộc, góp phần làm sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân trên thế giới.
Vì độc lập, vì tự do, chúng ta đã “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt”, để trên đất nước ta sạch bóng quân xâm lược. Việt Nam trên tuyến đầu chống đế quốc đã lay động lòng người yêu chuộng hòa bình, chính nghĩa trên toàn thế giới, khơi dậy những phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam, “không được đụng đến Việt Nam”. Việt Nam được coi là lương tâm của thời đại. Một “Điện Biên Phủ trên không” đầy thuyết phục đã dẫn đến Hiệp định Pa-ri được ký kết. Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 đã làm cho “Bắc, Nam sum họp một nhà”, chấm dứt cảnh “ngày Bắc, đêm Nam”, hoàn thành “ham muốn tột bậc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: đất nước ta được độc lập, nhân dân ta được tự do...
Là người Việt Nam yêu nước, không ai có thể phủ nhận được: nhân dân Việt Nam, hơn ai hết, thiết tha với độc lập, tự do, với quyền được hưởng độc lập, tự do và thấu hiểu giá trị của tự do, độc lập dân tộc. Là người Việt Nam yêu nước, không ai không tự hào với truyền thống giữ nước của dân tộc; không ai không mong muốn đất nước Việt Nam được hòa bình, ổn định, ngày càng giàu mạnh hơn, có vị thế bình đẳng trên thế giới, đóng góp xứng đáng vào công việc của cộng đồng quốc tế.
Ngày nay, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, với những thành tựu to lớn và quan trọng đã đạt được trong công cuộc đổi mới hơn 30 năm qua, đất nước Việt Nam đang đứng trước những cơ hội mới và cả những thách thức mới trong việc bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc. Thách thức mới đó là:
Chúng ta đang bị đặt trong một phép so sánh: mức sống của người dân, trình độ phát triển kinh tế của các nước tư bản phát triển cao hơn hẳn mức sống và trình độ phát triển kinh tế của nước ta. Mặc dù sự so sánh đó là không công bằng (bởi các nước tư bản đã trải qua quá trình phát triển nhiều trăm năm, và, có nhiều nước đã từ lâu không biết đến sự tàn phá của chiến tranh, trong khi chúng ta mới chỉ được sống trong hòa bình khoảng 3 thập kỷ), nhưng nó lại tạo ra những sức ép không nhỏ trong xã hội.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, xu thế toàn cầu hóa kinh tế và sự hội nhập ngày càng sâu, rộng của nước ta vào nền kinh tế khu vực, thế giới đặt ra nhiều vấn đề mới trong việc bảo vệ chủ quyền dân tộc, chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ mục tiêu và con đường phát triển mà chúng ta đã lựa chọn. Chúng ta phải giải quyết hài hòa lợi ích dân tộc với lợi ích khu vực, cộng đồng quốc tế; lợi ích quốc gia với các nguyên tắc, luật lệ của các tổ chức quốc tế mà chúng ta là thành viên; phải đảm bảo sự đồng thuận trong xã hội để phát triển đất nước...
Những yếu kém, bất cập trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội; những khó khăn, lúng túng trong quá trình phát triển; tình trạng quan liêu, tham nhũng gây bức xúc, bất bình trong nhân dân đang là cơ hội thuận lợi mà các thế lực thù địch thổi phồng, đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm làm cho chúng ta “tự diễn biến”, từ đó “không đánh mà thắng”. Thua trên chiến trường, nhưng các thế lực thù địch không từ bỏ dã tâm, tiếp tục cuộc “chiến tranh không khói súng”, với nhiều âm mưu, thủ đoạn vô cùng tinh vi và xảo quyệt để chống phá cách mạng nước ta, chống phá chế độ và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà dân tộc Việt Nam đã lựa chọn. Mục tiêu của chủ nghĩa đế quốc đối với các nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa không bao giờ thay đổi.
Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức, chúng ta cũng có nhiều cơ hội mới, vận hội mới. Hiện nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với hơn 220 nước quốc gia và vùng lãnh thổ, có quan hệ thương mại với hơn 500 tổ chức kinh tế và tổ chức phi chính phủ.
Với đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển”, “đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực”, Việt Nam ngày càng có nhiều bạn bè trên thế giới. Nhiều người đã đến Việt Nam và họ đã phải thay đổi cách suy nghĩ, có sự nhìn nhận khách quan, đầy thiện cảm và tin tưởng vào sự đổi mới của đất nước thân thiện và hiếu khách này. Michael Marine - nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - trước khi mãn nhiệm về nước đã nói: “Nếu nói về Việt Nam với người Mỹ hay những người nước ngoài khác, tôi sẽ trả lời đơn giản: Hãy đến và nhìn Việt Nam bằng chính con mắt của bạn. Đừng nghĩ rằng bạn đã biết về Việt Nam, đặc biệt với người Mỹ. Vẫn nhiều người nhìn Việt Nam như một đất nước của chiến tranh hơn 30 năm trước. Họ sẽ có sự ngạc nhiên dễ chịu khi đến Việt Nam. Tôi cũng khuyên các doanh nghiệp Mỹ hãy đến với Việt Nam, tìm kiếm cơ hội kinh doanh và làm ăn ở Việt Nam”.
Thành tựu mà nhân dân Việt Nam đạt được trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, ổn định về chính trị, xã hội..., cùng với việc trở thành thành viên của nhiều tổ chức kinh tế, các diễn hợp tác quan trọng của khu vực và quốc tế... đang tạo nên sức hút đối với các luồng đầu tư, góp phần thúc đẩy công cuộc phát triển đất nước. Nội lực của đất nước được củng cố; sự quan tâm, tin tưởng và hợp tác của cộng đồng quốc tế tăng lên, đang tạo ra những điều kiện thuận lợi để chúng ta bảo vệ độc lập, tự do trong một thế giới tùy thuộc vào nhau, hòa bình, đối thoại và hợp tác là xu thế chủ đạo, nhưng cũng tiềm ẩn không ít những bất ổn, biến động khó lường.

Dù cho bối cảnh quốc tế ngày nay có nhiều biến động, nhưng độc lập, tự do luôn là những giá trị thiêng liêng và cao đẹp mà các dân tộc và loài người tiến bộ vươn tới. Bởi “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”[2]. Các thế hệ người dân Việt Nam yêu nước, vì lẽ đó, luôn mang trong mình ý chí quật cường và quyết tâm sắt đá bảo vệ độc lập và tự do cho dân tộc: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Phấn đấu cho một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” là tâm nguyện của tất cả những người dân Việt Nam yêu nước./.

1 nhận xét:

  1. Dù cho bối cảnh quốc tế ngày nay có nhiều biến động, nhưng độc lập, tự do luôn là những giá trị thiêng liêng và cao đẹp mà các dân tộc và loài người tiến bộ vươn tới.

    Trả lờiXóa