Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

Củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng


Thực tiễn lịch sử ra đời, phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chứng tỏ niềm tin của nhân dân với Đảng - nhân tố quan trọng hàng đầu tạo sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, là cơ sở cội nguồn sức mạnh của Đảng, sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc và thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Song thực tế hiện nay, niềm tin của nhân dân với Đảng có sự giảm sút. Điều này có nguyên nhân từ cả các yếu tố khách quan và chủ quan. Hiện nay, các thế lực thù địch tìm mọi cách chống phá Đảng ta về mọi mặt, tạo sự mơ hồ, hoài nghi, dao động trong quần chúng nhân dân và làm cho niềm tin của nhân dân với Đảng bị giảm sút.
Bên cạnh đó, sự nghiệp đổi đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đặt ra khá nhiều những vấn đề lý luận, thực tiễn hết sức phức tạp mà việc luận giải, làm rõ cũng không phải một sớm, một chiều. Cùng với nó là tính tiền phong, gương mẫu của không ít đảng viên, cán bộ chưa được phát huy hiệu quả; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chạy chức, chạy quyền trong một bộ phận đảng viên, cán bộ chưa được ngăn chặn, đẩy lùi; bệnh khoa trương, thành tích và những tiêu cực trong quản lý đất đai, quản lý kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục... chậm được khắc phục; vấn đề an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội còn nhiều nhức nhối; đời sống, việc làm của người dân, nhất là các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn... Tất cả những điều đó đang hàng ngày, hàng giờ tác động đến tâm tư, tình cảm của người dân, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Đây chính là mảnh đất màu mỡ để các thế lực thù địch, phản động thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đối với Đảng và đối với cách mạng Việt Nam.
"Tự diễn biến", "tự chuyển hóa" tuy cấp độ khác nhau nhưng chúng đều là kết quả của chiến lược "diễn biến hòa bình" và để lại hậu quả khó lường, trong đó "tự diễn biến" chính là tiền đề, điều kiện cho "tự chuyển hóa". Bởi vậy, để phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" một cách hiệu quả đòi hỏi phải triệt tiêu và vô hiệu hóa các yếu tố tác động, làm nảy sinh và thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Theo đó, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng không chỉ là yêu cầu mà còn là biện pháp hết sức quan trọng. Thực hiện biện pháp này cần quán triệt, triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều nội dung, song cần tập trung vào một số nội dung cơ bản sau;
Thứ nhất, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung của Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) của Đảng. Trong đó, chú trọng làm tốt việc rút kinh nghiệm sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết, chỉ rõ những việc đã làm được, chưa làm được, nguyên nhân và biện pháp thực hiện tiếp theo. Cần phải thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá đúng mức độ chuyển biến của những hạn chế, yếu kém so với yêu cầu đặt ra ở mức nào và điều quan trọng hơn là kết quả sau một năm thực hiện Nghị quyết ở từng cấp ủy, tổ chức đảng đã thực sự góp phần giải quyết và tháo gỡ được những bức xúc trong quần chúng nhân dân hay chưa?
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong Đảng, trong nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tinh thần "hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân" đối với mỗi đảng viên, cán bộ. Điều quan trọng là việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cần được cấp ủy, tổ chức đảng các cấp quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, không dừng lại ở các quy định, việc làm mang tính hình thức, chiếu lệ mà thực sự trở thành nhu cầu đối với nâng cao nhận thức, rèn luyện phẩm chất đạo đức, năng lực của mọi đảng viên, cán bộ và nhân dân.
Thứ ba, quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thực tiễn cho thấy, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trước hết là niềm tin vào mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng. Bởi vậy, quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, cán bộ hiện nay là việc làm vô cùng quan trọng và cấp bách. Theo đó, làm tốt quản lý đảng viên, cán bộ từ quản lý về tư tưởng, đạo đức, lối sống đến quá trình đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng... Trong đó, cần đổi mới cơ chế, quy trình và thực sự phát huy có hiệu quả dân chủ trong Đảng, trong nhân dân đối với công tác cán bộ để những người có đức, có tài được trọng dụng. Kiên quyết loại bỏ những đảng viên, cán bộ thoái hóa, biến chất, cơ hội, thực dụng, thiếu trách nhiệm, năng lực yếu kém ra khỏi hàng ngũ của Đảng và các cơ quan Nhà nước.
Thứ tư, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, kịp thời định hướng nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trước các vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn. Một trong những thủ đoạn hết sức tinh vi khó nhận biết của "diễn biến hòa bình" chính là chúng lợi dụng việc thiếu công khai, minh bạch và thông tin chưa kịp thời của các cơ quan Đảng, Nhà nước về chủ trương, chính sách cũng như các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn quá trình lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước để xuyên tạc, bóp méo sự thật, gây hoang mang, hoài nghi, dao động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bởi vậy, để mỗi cán bộ, đảng viên và người dân có nhận thức đúng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần làm vô hiệu hóa các thủ đoạn của chiến lược "diễn biến hòa bình" nhất là ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" là vấn đề đặt ra không chỉ với các cơ quan thông tấn, báo chí mà cả với các cấp, các ngành từ trung ương đến cơ sở./.


1 nhận xét:

  1. Nhân dân Việt Nam luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

    Trả lờiXóa