Thứ Hai, 18 tháng 12, 2017

QUÂN ĐỘI “TRUNG LẬP VỀ CHÍNH TRỊ” SỰ ĐÒI HỎI PHI LÝ, KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN



Đòi hỏi quân đội “trung lập về chính trị” là thủ đoạn nham hiểm trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch để chống phá cách mạng Việt Nam. Mục tiêu xuyên suốt của chúng là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, trước hết là vô hiệu hóa sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, làm cho Quân đội mất phương hướng và lý tưởng chiến đấu.
Quân đội nhân dân cùng với Công an nhân dân là công cụ chủ yếu bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Sức mạnh chiến đấu của Quân đội, trước hết bắt nguồn từ đường lối đúng đắn của Đảng. Do vậy, nếu làm suy yếu Quân đội, tách Quân đội khỏi sự lãnh đạo của Đảng, sẽ làm cho Đảng ta mất chỗ dựa vững chắc, tin cậy và điều đó cũng có nghĩa mở đường cho việc chuyển hóa Việt Nam theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa. Rõ ràng đây là âm mưu, thủ đoạn hết sức thâm độc, nguy hiểm của các thế lực thù địch. Bằng nhiều giọng điệu khác nhau, họ rêu rao quan điểm: Quân đội cần phải “trung lập về chính trị”, Quân đội “không cần sự lãnh đạo của đảng phái nào cả”, Quân đội “không cần trung thành với Đảng Cộng sản”, v.v. Để nhấn mạnh thêm “ý nghĩa” các quan điểm đó, chúng bịa đặt ra rằng: “do phải trung thành với Đảng Cộng sản, nên Quân đội chỉ lo chống “Diễn biến hòa bình”, mà lơ là nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc”? Chúng “khuyên” hãy “học tập cách thức xây dựng quân đội của các nước tư bản”, v.v.
Đó là những luận điệu sai trái! Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta, ai cũng biết: hơn 70 năm qua, mỗi bước trưởng thành của Quân đội đều gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân. Trong cuộc chiến đấu trước đây, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Quân đội ta cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công hiển hách, đánh bại các đội quân xâm lược nhà nghề, có tiềm lực bậc nhất thế giới. Dù là chiến sĩ Vệ quốc quân ở chiến khu Việt Bắc, Anh bộ đội mặt trận Bình - Trị - Thiên khói lửa, hay người lính ở bưng biền Đồng Tháp, họ đều có điểm chung là một lòng theo tiếng gọi của Đảng, cầm súng chiến đấu vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Nhờ đường lối đúng đắn của Đảng, mà dân tộc, quê hương, bà con họ hàng và bản thân gia đình họ thoát khỏi cảnh mất nước, lầm than, vươn lên tự quyết định lấy tương lai tươi sáng của mình. Giờ đây, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta - con em của đồng bào các dân tộc trong cả nước - vẫn ngày đêm vững chắc tay súng, cùng toàn dân giữ vững chủ quyền, biển đảo, vùng trời và môi trường hòa bình, ổn định, xây dựng đời sống ngày càng ấm no, tự do, hạnh phúc. Dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta cũng tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; luôn gắn bó mật thiết với Đảng, Nhà nước và nhân dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao phó.
Yêu cầu Quân đội “trung lập về chính trị”, thực chất là hòng xóa bỏ bản chất cách mạng, xóa bỏ tất cả những gì tốt đẹp nhất của Quân đội nhân dân được xây đắp trong suốt mấy mươi năm qua, hơn thế, còn đẩy Quân đội đối lập với Đảng và nhân dân; vô hiệu hóa vai trò “Quân đội là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Để thực hiện mưu đồ đó, chúng tập trung công kích vào những vấn đề cơ bản nhất tạo nên sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta, đó là: phủ nhận đường lối lãnh đạo của Đảng; xuyên tạc mục tiêu, lý tưởng chiến đấu; phá hoại sức mạnh đoàn kết giữa Đảng, Quân đội và nhân dân. Chúng ra sức xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh; bôi nhọ, nói xấu và đòi xóa bỏ hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội. Đồng thời, dựng chuyện, bóp méo một số sự kiện để vu khống, bôi nhọ Đảng và Nhà nước trong quá trình lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước. Dù biết, không gì có thể phá hoại được sức mạnh đoàn kết dân tộc, cũng như không gì có thể xóa bỏ được vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, nhưng đối với chúng, chí ít thì cũng gây ra sự hoài nghi đối với Đảng trong một bộ phận cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, từ đó tạo sự lơ là, thiếu cảnh giác, để dễ bề lung lạc bản chất cách mạng của Quân đội ta, v.v. Những thủ đoạn đó là vô cùng nguy hiểm, cần hết sức cảnh giác; những đòi hỏi của chúng là hết sức phi lý, không thể chấp nhận, cần bác bỏ!
Trước hết, cần khẳng định rằng, trên thế giới không có và không thể có một quân đội nào “trung lập về chính trị” hay “đứng ngoài chính trị”. Lịch sử nhân loại chứng minh rằng, mọi quốc gia và ở mọi thời điểm, sự xuất hiện của quân đội luôn gắn liền với chính trị, sự ra đời của nhà nước và chiến tranh. Về bản chất, quân đội bao giờ cũng là công cụ bạo lực của một giai cấp, nhà nước và do nhà nước, giai cấp đó thành lập, nuôi dưỡng, sử dụng để tiến hành đấu tranh vũ trang, thực hiện mục đích chính trị của giai cấp, nhà nước đã tổ chức và nuôi dưỡng nó. Quân đội các nước tư bản mang bản chất của giai cấp tư sản, được nhà nước tư sản tổ chức, nuôi dưỡng và bảo vệ chính thể và quyền lợi của giai cấp tư sản, bảo vệ chế độ tư hữu, luật pháp và trật tự của xã hội tư bản. Quân đội vô sản là quân đội kiểu mới, mang bản chất giai cấp công nhân, do Đảng Cộng sản sáng lập, tổ chức, giáo dục, rèn luyện. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Quân đội chiến đấu vì độc lập, chủ quyền quốc gia - dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân và vì đoàn kết quốc tế. Để nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội, Đảng Cộng sản hết sức coi trọng xây dựng Quân đội về chính trị. Kinh nghiệm xây dựng Quân đội ở các nước xã hội chủ nghĩa chỉ ra rằng, việc giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là điều kiện tiên quyết bảo đảm Quân đội vững mạnh, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Ở đâu và nơi nào xem nhẹ nhân tố chính trị hoặc nhân nhượng, thỏa hiệp, thậm chí từ bỏ quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với Quân đội, thì ở đó Quân đội mất mục tiêu, lý tưởng, phương hướng chiến đấu, đất nước rơi vào quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản,… như thế giới đã từng chứng kiến ở Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây.
Thứ hai, cần làm rõ sự khác nhau giữa đòi hỏi quân đội phải “trung lập về chính trị” của các “nhà dân chủ” Việt Nam với đòi hỏi quân đội phải “trung lập” trong bầu cử ở một số nơi trên thế giới. Để tăng thêm sức nặng của đòi hỏi Quân đội nhân dân Việt Nam phải “trung lập về chính trị”, các “nhà dân chủ” thường dẫn giải về sự “trung lập” của quân đội các nước tư bản trong các cuộc vận động bầu cử. Chúng phân tích nhiều điều, dẫn ra nhiều thí dụ để nói về ý nghĩa của việc thực hiện đòi hỏi đó, nhưng lại lẩn tránh làm rõ sự khác nhau giữa chúng, v.v. Thực tế thì ở một số nước tư bản thực hiện chế độ đa đảng, cuộc đấu tranh giữa các đảng phái tư sản để giành quyền kiểm soát cơ quan quyền lực nhà nước diễn ra hết sức quyết liệt và phức tạp. Trong cuộc đấu tranh đó, quan điểm: “quân đội chỉ tuân theo pháp luật” hay “quân đội phải trung lập”, được các bên cổ súy, nhằm bảo đảm cho đảng phái mình chiến thắng trong bầu cử. Về bản chất, đấy không phải là quan điểm đòi quân đội “phi chính trị hóa”, hay quân đội “trung lập về chính trị” để nhằm mục đích chuyển hóa chế độ chính trị của đất nước như đòi hỏi của các “nhà dân chủ” Việt Nam. Đó chỉ là những đòi hỏi: quân đội “đứng ngoài cuộc” trong quá trình tranh giành quyền lực giữa các đảng phái của giai cấp tư sản, chứ không hề đụng đến chế độ chính trị - xã hội của đất nước họ, v.v. Thực tế cho thấy, ở các nước tư bản, quân đội không những không “trung lập về chính trị”, mà còn là công cụ đắc lực để thực hiện tham vọng chính trị của giai cấp cầm quyền. Chẳng phải ở Mỹ và phương Tây, quân đội luôn là lực lượng để bảo vệ thể chế chính trị đất nước; đồng thời, là công cụ hữu hiệu để can thiệp quân sự, lật đổ chính quyền những quốc gia không thân thiện với họ đó sao? Từ năm 1990, Mỹ và liên quân đã tiến hành can thiệp vào đời sống chính trị của nhiều nước độc lập có chủ quyền, kể cả tiến hành chiến tranh ở các nước, như: Nam Tư, Áp-ga-ni-xtan, I-rắc, Li-bi trước đây, hay ở Xy-ri hiện nay. Các “nhà dân chủ” thường “quên” những vấn đề cốt lõi, tày đình này, để đưa ra những khái niệm mập mờ, nhằm phục vụ cho mưu đồ xấu của họ. Thật là sự đòi hỏi phi lý không thể chấp nhận!
Thứ ba, yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới, đòi hỏi phải tập trung xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị; trong đó, phải: “chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái”, như Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng XII đã nêu. Để thực hiện tốt điều đó, cần tập trung nâng cao nhận thức về mục tiêu, lý tưởng, đường lối đổi mới đất nước; chức năng, nhiệm vụ của Quân đội, cũng như yêu cầu đối với Quân đội trong thời kỳ mới. Đồng thời, tăng cường đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng - lý luận, nhất là trên các phương tiện truyền thông, nhằm vạch trần bản chất phản động, phản khoa học và tính chất nguy hiểm của âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình”, luận điệu đòi Quân đội “trung lập về chính trị”. Hơn ai hết, trong cuộc đấu tranh gay go và phức tạp này, chúng ta phải ghi nhớ lời dạy của V.I. Lê-nin: “Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị - đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân giả nghĩa của giai cấp tư sản và của chế độ Nga hoàng, bọn này trong thực tế bao giờ cũng đã lôi kéo quân đội vào chính trị phản động,…”.
Để tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, cũng tức là làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đòi “phi chính trị hóa” Quân đội ta, chúng ta cần tiếp tục coi trọng nâng cao chất lượng công tác đảng, công tác chính trị; tập trung xây dựng các tổ chức đảng, nhất là tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh để lãnh đạo đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, xây dựng ý chí quyết tâm, rèn luyện và trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng cho mọi quân nhân, tạo sự “miễn dịch” và tăng cường sức “đề kháng” để ngăn chặn mọi sự xâm nhập và phá hoại của các luận điệu thù địch, nhất là luận điệu: quân đội “trung lập về chính trị”. Đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, Nhà nước và nhân dân; có đủ sức mạnh hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.


1 nhận xét:

  1. Mọi người dân phải tích cực đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động

    Trả lờiXóa