Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

TÌM HIỂU TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ HUẤN LUYỆN ĐỘI NGŨ CÁN BỘ Ở NƯỚC TA

           
Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng và đã tiến hành xử lý kỷ luật những cán bộ, đảng viên vi phạm. Trong bối cảnh đó, có nhiều ý kiến trên mạng cho rằng cuộc đấu tranh này mới chỉ giải quyết được “ phần ngọn” của vấn đề. Theo những ý kiến này “gốc rễ” của vấn đề là từ trước tới nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như Đảng và Nhà nước ta chưa thực hiện tốt việc tuyển chọn, huấn luyện và đào tạo cán bộ; công tác đào tạo cũng chưa có định hướng rõ ràng... Bài viết dưới đây cung cấp thêm những hiểu biết bổ ích về tính định hướng và quan điểm đúng đắn về huấn luyện đội ngũ cán bộ đã được Chủ tịch Hồ Chí minh chỉ ra từ rất sớm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh  lúc sinh thời là một vị lãnh tụ rất quan tâm đến vấn  đề cán bộ và công tác huấn luyện cán bộ. Trong lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và tổ chức xây dựng xã hội mới, Người đã coi trọng và dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác huấn luyện đội ngũ cán bộ các cấp từ Trung ương đến cơ sở nhằm xây dựng đội ngũ này có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng đòi hỏi thực tiễn của các nhiệm vụ cách mạng. Người từng nhấn mạnh: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”[1] và “vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp”[2]. Vì vậy, xây dựng, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng; các tổ chức, đoàn thể phải thường xuyên quan tâm tổ chức huấn luyện cho cán bộ trong đoàn thể, tổ chức mình để mỗi cán bộ đều thành thạo công việc, biết thi đua, cố gắng hết lòng, hết sức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân.
          Những quan điểm chỉ đạo đúng đắn trên của Hồ Chí Minh đã được Đảng ta quán triệt trong công tác cán bộ của Đảng. Trải qua các giai đoạn, thời kỳ cách mạng, Đảng ta đã chủ động tạo nguồn và huấn luyện được nhiều thế hệ cán bộ phục vụ có hiệu quả cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp kiến thiết đất nước. Trong thực tiễn quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trên cương vị lãnh tụ cao nhất của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã trực tiếp định hướng, chỉ đạo và tham gia vào công tác huấn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ các cấp. Tư tưởng của Người về huấn luyện cán bộ thể hiện rõ ở một số nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, Hồ Chí Minh cho rằng: việc huấn luyện cán bộ phải toàn diện nhưng coi trọng “làm việc gì học việc ấy” và phải bám sát nhu cầu thực tiễn.
Theo Hồ Chí Minh, “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”[3], Chính vì vậy, người cán bộ phải có kiến thức toàn diện về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa... Nền tảng kiến thức toàn diện giúp người cán bộ nhìn nhận sự vật, hiện tượng, các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn một cách đúng đắn, qua đó xử lý tốt công việc trên từng cương vị, chức trách được giao. Điều đó đặt ra cho cấp ủy Đảng và cơ quan, đoàn thể các cấp yêu cầu phải thực hiện tốt công tác huấn luyện với nội dung toàn diện, bám sát thực tiễn đòi hỏi phát triển của đội ngũ cán bộ và thực tiễn cách mạng. Tuy vậy, theo Hồ Chí Minh, bên cạnh nội dung huấn luyện toàn diện, cũng phải coi trọng huấn luyện theo phương châm “làm việc gì học việc ấy”. Người viết: “Vô luận ở quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, tổ chức, tuyên truyền, công an, v.v... cán bộ ở môn nào phải học cho thạo công việc ở môn ấy”[4]. Học cho thạo, cho giỏi công việc theo chuyên môn mà mình đảm nhiệm, theo Hồ Chí Minh, chính là cơ sở để mỗi người cán bộ xứng đáng với cương vị được giao và sự ủy thác của nhân dân, là điều kiện trực tiếp để họ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Cùng với nội dung huấn luyện toàn diện, trên cơ sở coi trọng “làm việc gì học việc ấy”, Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh đến yêu cầu huấn luyện phải bám sát nhu cầu thực tiễn. Theo tư tưởng của Người, các chủ thể tham gia huấn luyện, đào tạo cán bộ phải nắm rõ thực tiễn đội ngũ cán bộ đang yếu về vấn đề gì, thiếu về phương diện nào để có kế hoạch huấn luyện cho phù hợp, có như vậy công tác huấn luyện mới thiết thực, hiệu quả và phát huy được vai trò của nó. Đặc biệt trong huấn luyện lý luận cho cán bộ, Hồ Chí Minh rất coi trọng đến tính thực tế và hiệu quả thực tiễn của việc lên lớp lý luận. Cùng với việc phê phán tình trạng lên lớp lý luận “khô khan, nhét cho đầy óc”, không coi trọng kết hợp với việc thực tế, Người đã vạch ra cách thức huấn luyện lý luận thiết thực có ích là “trong lúc học lý luận, phải nghiên cứu công việc thực tế, kinh nghiệm thực tế”[5]. Theo Người, đó là cách thức hữu hiệu để nâng cao chất lượng huấn luyện lý luận, giúp người học “có thể tự mình tìm ra phương hướng chính trị có thể làm những công việc thực tế, có thể trở nên người tổ chức và lãnh đạo”[6].
Thứ hai, theo Hồ Chí Minh, người huấn luyện phải có trình độ cao nhất là đối với lĩnh vực mình tham gia huấn luyện đồng thời phải là kiểu mẫu để mọi người học học tập, noi theo.
Để đảm bảo cho công tác huấn luyện cán bộ có hiệu quả, Hồ Chí Minh cho rằng: người huấn luyện phải là kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc; phải là người có trình độ và am hiểu về lĩnh vực mà mình tham gia huấn luyện. Người viết: “Không phải ai cũng huấn luyện được. Muốn huấn luyện thợ rèn, thợ nguội thì người huấn luyện phải thạo nghề rèn, nghề nguội. Người huấn luyện của đoàn thể phải làm kiểu mẫu về mọi mặt”[7].
Theo Hồ Chí Minh, các lĩnh vực huấn luyện khác nhau (huấn luyện nghề nghiệp, huấn luyện chính trị, huấn luyện văn hóa, huấn luyện lý luận) thì tính đặc thù và phương pháp huấn luyện cũng có điểm khác nhau nhưng tựu chung lại lĩnh vực huấn luyện nào cũng đặt ra yêu cầu cao đối với người huấn luyện. Do đó, “người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình... Người huấn luyện nào tự cho là mình đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất”[8]. Bên cạnh yêu cầu cao về trình độ, Hồ Chí Minh còn đòi hỏi người huấn luyện phải là “kiểu mẫu” với lý tưởng vững chắc, đạo đức trong sáng, lối sống giản dị và tác phong làm việc khoa học, thiết thực. Người khẳng định: Chỉ có những người huấn luyện đáp ứng cả yêu cầu về chuyên môn và đạo đức, biết cầu tiến và không ngừng học hỏi mới trở thành những người huấn luyện đúng nghĩa, có ích cho công tác huấn luyện và công tác đào tạo con người.
Thứ ba, Hồ Chí Minh chỉ ra phương pháp huấn luyện là “cốt thiết thực, chu đáo hơn tham nhiều”, huấn luyện từ dưới lên trên.
Theo Hồ chí Minh, “việc cốt yếu là phải làm cho người học thấu hiểu vấn đề. Nhưng hiểu thấu cũng có nhiều cách”[9] vì thế trong huấn luyện phải tìm ra cách hợp lý nhất để giúp người học hiểu vấn đề một cách thiết thực, chu đáo có tính khái quát cao, không nên tham nhiều. Người luận giải bằng ví dụ: “muốn dạy cho người ta biết con voi là thế nào thì có thể nói tỉ mỉ bộ xương của nó ra sao, nó có mấy cái răng, nó sống thế nào, sống được mấy năm, v.v... Nhưng nếu chưa thể dạy kỹ như thế thì cũng có thể nói cho người ta biết bao quát hình thù của con voi như: mình nó to bằng ba bốn con trâu, nó có chân lớn như cột nhà, hai tai to như hai cái quạt, một cái vòi và hai cái ngà ở đầu, v.v... Như thế, người học không thể lầm con voi với con tôm, con mèo hay con bò được... Trái lại, nếu thì giờ ít, trình độ còn kém, mà cứ cặm cụi lo nghiên cứu tỉ mỉ cái ngà thì rất dễ dẫn tới tình trạng khi trở về lại lầm tưởng con voi là cái ngà, không lợi ích gì cả”[10]. Theo Hồ chí Minh, trong công tác huấn luyện cũng vậy, huấn luyện ở lĩnh vực nào thì phải bao quát được lĩnh vực đó, huấn luyện phải chu đáo nhưng có trọng tâm, có tính thiết thực bảo đảm người học có thể xem xét, vận dụng vào thực tiễn cuộc sống, công việc hàng ngày. Huấn luyện không nên ôm đồm nội dung dễ dẫn tới tình trạng chán nản ở người học, không mang lại hiệu quả thực tiễn, tốn kém thời gian, vật chất, công sức của tập thể và cá nhân.
Bên cạnh việc nhấn mạnh huấn luyện “cốt thiết thực, chu đáo hơn tham nhiều”, Hồ Chí Minh còn chỉ ra phương pháp huấn luyện từ dưới lên trên. Theo Người, cấp trên không nên ôm đồm mà “phải lấy người ở cấp dưới lên huấn luyện rồi lại trở lại cấp dưới để họ huấn luyện cho cấp dưới nữa. Trung Ương huấn luyện cho các khu, các tỉnh, cán bộ ở khu và tỉnh phải huấn luyện cho cán bộ huyện, xã. Như thế đỡ tốn công, đỡ tốn thì giờ, và cán bộ huấn luyện cho cấp dưới gần mình lại sát hơn”[11]. Người còn nhắc nhở: muốn huấn luyện theo phương pháp từ dưới lên trên được tốt, thật sự có hiệu quả thì công tác huấn luyện phải được tiến hành thật chu đáo. Nếu công tác huấn luyện ở trên không chu đáo và có những thiếu sót thì sẽ khó tránh khỏi tình trạng càng xuống dưới lại càng sai lệch. Điều đó sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng huấn luyện và làm cho đội ngũ cán bộ cấp dưới không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Thứ tư, Hồ Chí Minh cho rằng: để huấn luyện được tiến hành thuận lợi và có kết quả thì tài liệu huấn luyện phải đầy đủ, thiết thực.
Theo Hồ Chí Minh, hệ thống tài liệu huấn luyện vô cùng phong phú nhưng “trước hết phải lấy những tài liệu về chủ nghĩa Mác – Lênin làm gốc” vì đó là nền tảng tư tưởng của Đảng ta, là thế giới quan, phương pháp luận khoa học để mỗi người nhận thức, xem xét và giải quyết các vấn đề trong thực tiễn. Lấy tài liệu về chủ nghĩa Mác – lênin làm gốc nhưng khi sử dụng tài liệu trong huấn luyện, Hồ Chí Minh cho rằng: “phải lựa chọn, sắp xếp lại, vì trình độ người học không đều nhau, cần có tài liệu thích hợp với từng hạng. Tài liệu không thích hợp thì học không có lợi ích gì”[12].
Ngoài những tài liệu về chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh còn chỉ ra hệ thống những tài liệu thiết thực khác phục vụ cho huấn luyện như: đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng, những chỉ thị, luật, lệnh của đoàn thể và chính phủ; tài liệu chuyên môn về chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự... Người cũng nhấn mạnh đến những kinh nghiệm do những người đi học mang đến gom góp lại để trở thành những bài học, những tài liệu quý có thể phát huy hiệu quả rất cao trong quá trình huấn luyện.
Thứ năm, trong huấn luyện cán bộ, Hồ Chí Minh chú trọng đề cao vai trò tự học của người cán bộ và chỉ ra những khuyết điểm cần khắc phục trong quá trình huấn luyện.
Theo Hồ Chí Minh, ý thức tự học tập, rèn luyện của người cán bộ trực tiếp quyết định tới quá trình trưởng thành và năng lực hoàn thành nhiệm vụ của họ. Vì vậy, trong huấn luyện phải biết khơi dậy và phát huy vai trò tự học của họ. Ngoài việc học tập ở trường, ở lớp, học với tổ chức, người cán bộ còn phải biết tìm tòi, học hỏi ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân. Các cơ quan, tổ chức, đoàn thể cần phải định hướng cho cán bộ của mình nội dung học tập, tạo điều kiện để họ tự học, gắn học với hành bằng thực tiễn việc thực hiện công tác được phân công, đồng thời có kế hoạch, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả huấn luyện cũng như quá trình tự học của họ; thông qua đó nắm bắt kịp thời những thiếu sót, yếu kém của từng cán bộ để có kế hoạch huấn luyện nâng cao trình độ, năng lực và tác phong công tác cho họ, giúp họ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.
Cùng với việc đề cao vai trò tự học, tự huấn luyện của cán bộ, Hồ Chí Minh cũng đã vạch ra những khuyết điểm cần phải khắc phục trong quá trình huấn luyện, nổi lên đó là tình trạng mở lớp quá đông và thực trạng mở lớp lung tung, tràn lan. Đối với việc mở lớp quá đông, Người viết: “đông quá thì dạy và học ít kết quả vì trình độ lý luận của người học chênh lệch, nên thu nhận không đều. Trình độ công tác thực tế của người học cũng khác nhau, nên chương trình không sát”[13]. Đối với các lớp học, huấn luyện được mở lung tung tràn lan, Người chỉ rõ: “Vì mở nhiều lớp nên thiếu người giảng... thiếu người thì phải đi “bắt phu” vì thế người đến giảng khi nào cũng hấp tấp, lướt qua lớp này một chút, lớp khác một chút như chuồn chuồn đạp nước, dạy không được chu đáo. Thiếu người giảng thì thường khi lại phải “bịt lỗ”, người “bịt lỗ” năng lực kém, nói sai, có hại cho học sinh, nghĩa là có hại cho đoàn thể”[14]. Theo Hồ Chí Minh công tác huấn luyện xét đến cùng là công tác đào tạo con người, đào tạo cán bộ, do đó cần nhận thức rõ những khuyết điểm trên để khắc phục kịp thời, có như vậy mới bảo đảm được sự chu đáo trong huấn luyện, mới xây dựng được đội ngũ những con người mới có đủ phẩm chất, năng lực hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, đoàn thể và nhân dân giao cho.  
Tóm lại, những quan điểm cơ bản trên của Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ là một hệ thống quan điểm rất phong phú và hoàn chỉnh. Trong tiến trình cách mạng của Đảng và của dân tộc, những quan điểm định hướng và có tính thực tiễn sâu sắc đó đã góp phần xây dựng, đào tạo nên những thế hệ cán bộ có đức, có tài đủ sức đảm đương và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của cách mạng, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

                           





[1] Hồ Chí Minh : Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.5, tr.273
[2] Hồ Chí Minh : Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.5, tr.274
[3] Hồ Chí Minh : Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.5, tr.269
[4] Hồ Chí Minh : Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.5, tr.270
[5] Hồ Chí Minh : Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.5, tr.272
[6] Hồ Chí Minh : Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.5, tr.272
[7] Hồ Chí Minh : Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.6, tr.46
[8] Hồ Chí Minh : Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.6, tr.46
[9] Hồ Chí Minh : Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.6, tr.47
[10] Hồ Chí Minh : Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.6, tr.47,48
[11] Hồ Chí Minh : Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.6, tr.48
[12] Hồ Chí Minh : Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.6, tr.49
[13] Hồ Chí Minh : Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.6, tr.52
[14] Hồ Chí Minh : Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.6, tr.52

1 nhận xét: