Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017

VẠCH MẶT CHIÊU TRÒ CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH TRÊN MẠNG XÃ HỘI



Theo số liệu mới được công bố bởi Tổ chức thống kê số liệu Internet quốc tế (internetworldstats), tính đến hết tháng 6/2015, Việt Nam đã có 45,5 triệu người dùng Internet, đạt mức thâm nhập/dân số là 48%. Với con số này, Việt Nam đang được xếp thứ 6 trong khu vực châu Á về số lượng người dùng, sau Trung Quốc (674 triệu), Ấn Độ (354 triệu), Nhật Bản (114,9 triệu), Indonesia (73 triệu), Philippines (47,1 triệu) và đứng thứ 17/20 quốc gia có lượng người dùng Internet nhiều nhất thế giới.
Internet là kho thông tin khổng lổ về tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Mọi người có thể tra cứu những thông tin liên quan trên mọi lĩnh vực: khoa học, kĩ thuật, công nghệ, văn học, nghệ thuật… Có thể nói rằng mạng xã hội đã và đang dần chiếm vị trí quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống con người. Tuy nhiên những thông tin trên mạng xã hội thường không được kiểm chứng, độ tin cậy, tính trung thực của các thông tin trên không gian mạng phụ thuộc vào yếu tố chủ quan của người đăng tải.
Vì vậy, các thế lực thù địch đã sử dụng mạng xã hội là một công cụ hữu hiệu để chúng tuyên truyền, bôi nhọ, nói xấu chế độ, xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng, lôi kéo các phần tử chống phá cách mạng. Đặc biệt là trước những sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của Nhà nước ta, các thế lực thù địch, phần tử chống đối, trở cờ trong nước luôn xem là dịp để chúng thực hiện dã tâm chống phá, hòng tạo nên sự mất đoàn kết trong nội bộ, sự khủng hoảng niềm tin của nhân dân vào vai trò, uy tín lãnh đạo của Đảng, các đồng chí lãnh đạo Nhà nước, hòng tác động đến việc ban hành, thực thi các quyết sách của Đảng, Nhà nước, thậm chí hướng lái theo hướng có lợi cho âm mưu, ý đồ của các thế lực thù địch bên ngoài.
Những thủ đoạn hèn hạ nhất có thể kể đến như sử dựng Internet làm phương tiện tuyên truyền thông qua các hình thức: các Website, dịch vụ thư điện tử (email), trang mạng xã hội (facebook), Zalo các dịch vụ hội thoại (chat), điện thoại (VoIP), diễn đàn (forum), Twitter, Youtube, MySpace, lập ra hàng trăm trang web, blog, phần lớn máy chủ đặt ở nước ngoài, để thu thập, bịa đặt, nhào nặn, trộn lẫn thật giả, phát tán những thông tin, hình ảnh xấu độc.
Chúng tung ra các luận điệu vu cáo, bình luận thâm độc liên quan tới những sự kiện trọng đại của đất nước, thu hút sự phụ họa của những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị. Triệt để lợi dụng những thông tin về mặt trái, tiêu cực xã hội trên một số cơ quan truyền thông đại chúng của ta, thổi phồng, quy kết thành bản chất.Thông qua đó chúng tích cực lôi kéo, tuyên truyền bôi nhọ lãnh tụ của Đảng Cộng sản Việt Nam, gây mất đoàn kết trong nội bộ Đảng, đả phá học thuyết Mác – Lênin, tưởng Hồ Chí Minh, ủng hộ, cổ vũ cho các thế lực quá khích, phản động trong nước.
Hiện nay, nhiều trang Facebook cá nhân cũng như các trang Facebook mang tính cộng đồng đang rất tích cực truyền bá những thông tin xấu độc, tiêu biểu như: “Nhật kí yêu nước”, “Friend of Việt Tân”, “Thanh niên công giáo”, “Radio Chân Trời Mới”… và hàng loạt những trang Facebook đăng tải những status trên trang facebook cá nhân với ngôn ngữ đầy tính kích động, phản động. Có thể điểm danh những trang mạng chuyên gia đăng tải các thông tin nhằm thực hiện ý đồ cực đoan kiểu này như trang: Blog phản động anhbasam.wordpress.com/ mới đây cho đăng tải những thông tin giật gân, câu khách kiểu “Việt Hoàng: Cuối cùng thì Nguyễn Sinh Hùng mới là Tổng bí thư?”; Xung quanh Hội nghị 13: Những ai tung ra ‘tài liệu chính trị nội bộ’? Hay như trang phản động http://danlambaovn.blogspot.com/ cho đăng các bài viết: “Phương trình của đại hội XII”.
Với Quân đội, chúng xuyên tạc mục đích của các hợp đồng mua bán vũ khí, trang bị cho Quân đội và Công an, quy kết rằng: Việt Nam tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh để chống lại một nước thứ ba, khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực; xuyên tạc mục đích các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta tới các nước và nguyên thủ các nước tới thăm Việt Nam, nhất là chuyến thăm tới các nước lớn; xuyên tạc, bóp méo tình hình khiếu kiện, mất ổn định và cách giải quyết của lãnh đạo, chính quyền ở một số địa phương; xuyên tạc lịch sử và thực trạng tình hình biên giới, hiện trạng trên biển.
Thậm chí, chúng còn dàn dựng những tình huống va chạm với cảnh sát giao thông để quay phim, chụp ảnh rồi tuyên truyền xuyên tạc bản chất sự việc. Chúng đặc biệt chú ý đến trạng thái tâm lý của quân và dân ta, của dư luận xã hội để tuyên truyền, xuyên tạc vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội và Công an; đặt lợi ích kinh tế đối lập với lợi ích quốc phòng - an ninh; đối lập giữa hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhằm phủ định vai trò của quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, v.v.
Về mục đích, rõ ràng việc thực hiện các thủ đoạn này là nhằm hạ bệ uy tín, hình ảnh các đồng chí lãnh đạo, nhằm cản trở việc thực hiện bình thường các sự kiện chính trị quan trọng, khiến cho đông đảo quần chúng từ mất niềm tin đến phản đối, gây sức ép để phá hoại việc thực hiện các sự kiện đó, cao hơn là tiếp tay cho chúng trong việc thực hiện âm mưu thay đổi chế độ, giúp chúng một bước leo lên vị trí chủ chốt, lãnh đạo đất nước khi có đủ điều kiện.
Về Phương thức hoạt động, lợi dụng đặc tính truyền tải nhanh, diện tham chiếu rộng, thông tin gần như tức thì, tính “tự do” tương đối của những chủ thể thông tin, khả năng “gây nhiễu” lại khá rộng và rất khó kiểm soát của nguồn thông tin trên mạng xã hội nhiều đối tượng bất đồng và các phần tử phản động, chống đối chính quyền đã lợi dụng để tuyên truyền xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời tuyên truyền những luận điệu diễn biến hòa bình gây hoang mang cho cán bộ, đảng viên và trong quần chúng nhân dân, cụ thể như gần đây các trang fanpage của Thanh niên công giáo lợi dụng việc gây ô nhiễm của công ty Formosa đã kích động, mua chuộc kêu gọi  và tổ chức cho giáo dân các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… biểu tình với quy mô lớn ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, fanpage của Việt Tân đưa tin “ông Trịnh Xuân Thanh vượt biên trốn thoát sang châu Âu là nhờ có bàn tay của chính quyền bảo kê, che chở”…
Các đối tượng thường sử dụng đơn thư, thông tin dưới dạng nặc danh để tuyên truyền, vu cáo một cách hèn hạ. Hoặc chúng khai thác, thậm chí ngụy tạo thành ý kiến đóng góp, phê bình của các đồng chí lão thành, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước sau đó biên tập theo khía cạnh phiến diện, cực đoan để thu hút dư luận, cũng như tạo ra sự “hoang mang” trong xã hội.
Và một điều cần quan tâm ở đây, chúng lợi dụng sự tiện ích của Internet để đăng tải ồ ạt thông tin, tràn lan trên nhiều trang báo, blog lá cải trong nước, thậm chí có sự câu kết với cả báo chí truyền thông cực đoan hải ngoại để chống phá, bội đen theo kiểu “chiến dịch”, khiến người đọc nếu có nhận thức chưa đầy đủ sẽ không khỏi hoang mang, bán tín bán nghi, thậm chí bị chúng lôi kéo vào các hoạt động chống đối, vi phạm pháp luật như tập trung biểu tình, viết đơn thư tố giác, phản đối v.v.
Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm; giả mạo tổ chức, cá nhân và tán phát thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân… Còn không ít người dùng mạng xã hội chưa nắm vững các quy định này nên đã có sai phạm. Đây là vấn đề cần khắc phục trong thời gian tới.
Thực tế những năm vừa qua cho thấy, các thế lực thù địch đã tập dượt cho âm mưu ý đồ của chúng bằng nhiều thủ đoạn kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng khác nhau như: thâm nhập vào các tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Hội sinh viên nhằm phá vỡ các tổ chức này; đưa các ấn phẩm văn hóa đồi trụy, phản động vào cuộc sống của giới trẻ; lợi dụng tín ngưỡng, mê tín dị đoan trong giới trẻ để thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”; thông qua các chương trình học bổng, thông qua các cuộc hội thảo khoa học, những hứa hẹn tài trợ giúp đỡ về tài chính, tài trợ học bổng, tổ chức các hoạt động từ thiện, nhân đạo để tiếp cận, tác động, tuyên truyền, lôi kéo; chúng bịa đặt, đưa nhiều thông tin sai lệch, lấp lửng, giật gân và tạo ra các diễn đàn để nhiều người trẻ truy cập và mời chào tham luận; chúng khoét sâu vào những vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong xã hội được báo chí trong nước đăng tải và hướng luồng dư luận vào những vụ việc này để kích động lớp trẻ tỏ thái độ bất mãn với cái mà chúng gọi là “thảm trạng của đất nước”; lợi dụng các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, vấn đề cá chết ở 4 tỉnh miền trung để “luận điệu” ”xuyên tạc”, bóp méo sự thật. Mà tiêu biểu là tổ chức phản động lưu vong Việt Tân thời gian qua đã tăng cường phát triển cơ sở, tăng cường hoạt động tác động, chuyển hóa, lôi kéo, tập hợp lực lượng vào các hoạt động chống phá; lợi dụng các phương tiện công nghệ thông tin, truyền thông nhất là các trang mạng Internet để xâm nhập, móc nối, tác động với mục đích làm “chuyển hóa” nội bộ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong suy nghĩ và tư tưởng của nhân dân.
Đối với cán bộ, chiến sỹ trong quân đội, việc sử dụng Internet không bị cấm như ở nhiều quân đội trên thế giới, nhưng Bộ Quốc phòng cũng đã có Thông tư số 110/BQP quy định cụ thể về sử dụng Internet. Trong đó, mỗi quân nhân phải chú ý việc không được sử dụng Internet với tư cách quân nhân; không đăng tải, tán phát thông tin về hoạt động của các đơn vị quân đội, để lộ thông tin về quân số, vũ khí trang bị, biên chế tổ chức, hoạt động tác chiến, nghiệp vụ… Các quân nhân không được để lộ, lọt thông tin bí mật quân sự, không sử dụng mạng máy tính, thiết bị của cơ quan, đơn vị quân đội truy nhập mạng…
Tuy nhiên còn có một thực tế rất đáng lo ngại là ý thức cảnh giác, tính tự giác đấu tranh, phê phán các thông tin, quan điểm sai trái của cán bộ, đảng viên và nhân dân hiện nay rất hạn chế. Tình trạng bàng quan, thờ ơ, không có chính kiến đúng đắn trước các thông tin, quan điểm sai trái còn khá phổ biến, nhất là thông tin sai trái trên mạng internet và các trang mạng xã hội. Nhiều người vẫn cho rằng, việc đấu tranh phản bác các thông tin xấu, độc dường như chỉ là công việc của những cơ quan chuyên môn. Việc tham gia đấu tranh để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ XHCN chưa trở thành nhu cầu tự nhiên, tự thân của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Một số quân nhân chưa nhận thức đúng tính chất nguy hiểm của “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ; thậm chí có người còn phụ họa theo những quan điểm sai trái. Do đó, mỗi cán bộ, chiến sỹ trong quân đội, cần gương mẫu chấp hành kỷ luật. V.I. Lênin từng căn dặn chúng ta rằng: “Không có kẻ thù nào, dù là hung bạo nhất có thể chiến thắng được những người cộng sản, ngoại trừ chính họ tự tan rã, chính những lỗi lầm của họ và họ không kịp sửa chữa”. Nghị quyết số 04-NQ/TW (khóa XII) xác định về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “ tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” trong nội bộ Đảng”. Những biểu hiện sai lệch trên mạng xã hội cần được cảnh báo và xử lý.
Rõ ràng, có thể thấy nội dung các bài viết cố gắng tập trung ngụy tạo, vẽ vời mà không một bằng chứng nào có đủ căn cứ chứng minh các luận điểm chúng nói được đưa ra, dễ nhận thấy hầu hết đều dựa trên sự suy xét cá nhân, và truyền tải dưới dạng tin nội bộ, tin “tuyệt mật”, bởi như thế mới đủ khiến người đọc thiếu hiểu biết hoang mang, tò mò, và lạc vào ma trận của chúng.
Vì vậy, để cảnh giác và đấu tranh với những thông tin xấu độc trên các trang mạng xã hội hiện nay cần thực hiện tốt một số vấn đề như: các ngành chức năng siết chặt công tác quản lý hoạt động các trang mạng xã hội; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhất là các tổ chức đoàn thể trong đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc trên mạng xã hội; tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch trên Internet; đẩy mạnh hoạt động đấu tranh trực diện của các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình; phát triển lực lượng, sử dụng các biện pháp kỹ thuật trong đấu tranh trên mạng Internet.
Trong đó cần đặc biệt quan tâm đến tăng cường khả năng “tự đề kháng” trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc đấu tranh phòng chống DBHB trên mạng internet. Trước sự bùng nổ công nghệ thông tin, tất cả những sự kiện xẩy ra trong nước cũng như trên thế giới sẽ nhanh chóng được đăng tải trên mạng. Vì vậy, cần chủ động thông tin kịp thời, phong phú, đa dạng, có định hướng cho xã hội về các sự kiện, hiện tượng và vấn đề nảy sinh trong nước cũng như trên thế giới, đáp ứng  nhu cầu cập nhật thông tin của nhân dân. Thông qua đó để định hướng tư tưởng, nhận thức, dư luận xã hội một cách tích cực nhằm nâng cao khả năng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trước những âm mưu DBHB của địch./.


110702gtuongnuoc02

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét