Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

NHẬN DIỆN “ĐA NGUYÊN CHÍNH TRỊ, ĐA ĐẢNG ĐỐI LẬP” CỦA KẺ THÙ VÀ QUAN ĐIỂM CỦA CHÚNG TA

Thời gian gần đây các thế lực thù địch lại càng đẩy mạnh việc chống phá cách mạng nước ta bằng nhiều thủ đoạn cực kỳ nham hiểm, chúng điên cuồng chống phá chúng ta trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chúng sử dụng chiến lược “diễn biến hòa bình” kết hợp với “bạo loạn lật đổ”, cùng với gây rối để chống phá cách mạng nước ta. Có thể nói chúng dùng mọi thủ đoạn, một trong những thủ đoạn họ đã tiến hành là vừa “khuyên”, vừa yêu cầu Việt Nam nên và cần phải thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, bởi “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” mới có nhiều dân chủ.
Có thể nhận diện đa nguyên chính trị là nói đến hệ thống chính trị có nhiều cực, có nhiều đảng phái đại biểu cho những lợi ích đối lập nhau được tự do hoạt động, đó là một chế độ đa đảng. Chế độ đa đảng không phải là dấu hiệu của dân chủ, chế độ một đảng không phải là nguyên nhân của mất dân chủ. Cái gốc để bảo đảm dân chủ hay không dân chủ là tư liệu sản xuất nằm trong tay ai. Dưới chủ nghĩa xã hội tư liệu sản xuất nằm trong tay nhân dân lao động và họ là người làm chủ xã hội. Dưới chủ nghĩa tư bản tư liệu sản xuất nằm trong tay một thiểu số nhà tư bản, nền dân chủ đó là quyền làm chủ của một nhóm tư bản độc quyền. Còn quần chúng nhân dân chỉ là những người bị thống trị. Chính V.I.Lênin đã từng khẳng định: “Trong chế độ dân chủ tư sản, bọn tư bản dùng trăm phương nghìn kế, - chế độ dân chủ “thuần túy” càng phát triển, thì những mưu kế đó càng tinh xảo và có hiệu quả, - để gạt quần chúng ra, không cho họ tham gia quản lý nhà nước”[1].
Còn chế độ đa đảng đối lập trong hệ thống chính trị tư sản chỉ là sự phân chia quyền lực giữa các phe cánh của một đảng lớn duy nhất là đảng của những nhà tư bản độc quyền. Không có một nhà nước nào không phải là nhà nước chuyên chính của một giai cấp. Chỉ có giai cấp tư sản không dám công khai thừa nhận điều đó mà thôi. Thực chất, chế độ đa đảng đối lập ở phương Tây, cũng dựa trên cơ sở nhất nguyên chính trị, vì tất cả các đảng cánh hữu đều nhằm phục vụ chế độ tư bản. Qua tổng tuyển cử, đảng có đa số phiếu thì lập chính phủ điều hành công việc, các đảng khác là đối lập, mà chính các học giả tư sản gọi là đối lập trung thành, nghĩa là không thách thức các thể chế chủ yếu của chế độ tư bản, chỉ phê phán và phản đối một số chính sách cụ thể của chính phủ. Rõ ràng, tính nhất nguyên chính trị của nhà nước tư sản càng khẳng định không bao giờ được lãng quên tính giai cấp của nền dân chủ tư sản. V.I.Lênin khẳng định một cách dứt khoát rằng: “…đảng thống trị của chế độ dân chủ tư sản chỉ cho một đảng tư sản khác được quyền bảo hộ thiểu số; còn đối với giai cấp vô sản, thì trong mọi vấn đề trọng đại, sâu sắc, cơ bản thay cho quyền bảo hộ thiểu số thì có luật giới nghiêm hay những cuộc tàn sát. Chế độ dân chủ càng phát triển, thì trong trường hợp có sự chia rẽ về chính trị sâu sắc và nguy hiểm cho giai cấp tư sản, nó càng tiến gần đến tàn sát hay nội chiến”[2].
Thử hỏi chúng ta có thể xây dựng chủ nghĩa xã hội với một hệ thống chính trị như vậy được không? Không! Giai cấp công nhân chỉ có thể đóng được vai trò chủ thể lịch sử của mình khi được Đảng Cộng sản lãnh đạo và trong hệ thống chính trị không có các loại đảng phái đối lập, đại diện cho những lợi ích khác nhau. Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì ngoài Đảng Cộng sản thì không có một đảng phái chính trị nào khác có thể lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội, một chế độ xã hội mà mục tiêu cuối cùng là xóa bỏ tư hữu và bóc lột. Đã là đảng đối lập với Đảng Cộng sản thì họ chỉ tìm cách thủ tiêu Đảng Cộng sản, thủ tiêu chủ nghĩa xã hội. Ngay cả đảng xã hội - dân chủ, một kiểu đảng đang hấp dẫn nhiều người cũng không phải là đảng có thể lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội được. Đường lối của đảng xã hội - dân chủ là đường lối ổn định chủ nghĩa tư bản, là đường lối cải biên chế độ đó mà không đụng chạm đến chế độ sở hữu tư bản chủ nghĩa. Đường phân ranh giới giữa chủ nghĩa xã hội khoa học và chủ nghĩa xã hội - dân chủ là thái độ đối với chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa. Chủ nghĩa xã hội khoa học chủ trương con đường đấu tranh giai cấp, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, thiết lập chuyên chính vô sản, xóa bỏ chế độ tư hữu, xóa bỏ áp bức bóc lột để đưa lại quyền làm chủ xã hội và no ấm, hạnh phúc cho nhân dân. Còn chủ nghĩa xã hội - dân chủ thì chủ trương hòa bình giai cấp, ảo tưởng sự tan biến các giai cấp và hòa nhập chủ nghĩa tư bản vào chủ nghĩa xã hội. Cho nên chỉ có sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản dựa trên nền tảng học thuyết Mác - Lênin là bảo đảm không gì thay thế được cho thắng lợi cuối cùng của chủ nghĩa xã hội. Mọi sự tìm kiếm nào khác, thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” hay hướng vào con đường xã hội - dân chủ chỉ là mất phương hướng chính trị- giai cấp, mơ hồ bản chất giai cấp của chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta và tự mình từ bỏ chủ nghĩa xã hội.

Cần nhận thấy rằng, thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động là bản chất, quy luật hình thành, phát triển và tự hoàn thiện của Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo -  một “Đảng cách mạng. Ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam không hề áp đặt vai trò độc quyền lãnh đạo của mình. Để được nhân dân thừa nhận là người lãnh đạo, Đảng đã phải trải qua một quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ, đầy thử thách, hy sinh với hàng vạn người con ưu tú của Đảng và dân tộc đã ngã xuống. Và thực tế đến nay chưa có một căn cứ nào đủ sức thuyết phục để bác bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; cũng chưa có lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ khả năng và điều kiện lãnh đạo cách mạng Việt Nam thực hiện dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Đó không phải là ý chí chủ quan về chính trị mà là một tất yếu khách quan của lịch sử, mọi mưu toan hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là trái với yêu cầu khách quan của quá trình phát triển đất nước và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Chỉ có các thế lực thù địch mới tìm mọi cách nói xấu, bôi nhọ Đảng, hòng hạ uy tín, vô hiệu hóa, tiến tới phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Và chỉ có ai dại dột, ngây thơ về chính trị mới bị các thế lực thù địch lừa mỵ, để rồi tự mình phủ nhận những thành quả cách mạng của nhân dân mình, muốn tạo ra những đảng đối lập và ngộ nhận rằng đó là tự do, là dân chủ. Vì vậy chúng ta cần có quan điểm rõ ràng rằng: cần kiên định, kiên quyết, kiên trì thực hiện nhất nguyên chính trị, thực hiện chế độ một Đảng Cộng sản Viện Nam duy nhất lãnh đạo Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nhà nước của dân, do dân và vì dân.  

1 nhận xét: