Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

CẢNH GIÁC VỚI CHIÊU TRÒ “SỰ THẬT”



Gần đây, một số trang web, tờ báo phản động nước ngoài tung ra những thông tin gây “sốc” để nói tới các vụ việc nghiêm trọng liên tiếp xảy ra trong thời gian qua ở trong nước gây xôn xao dư luận kèm theo đó là những suy diễn nguy hiểm liên quan tới các cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta. Đây là chiêu trò không mới của những phần tử cơ hội chính trị thường “ném đá giấu tay” thực hiện trong những năm gần đây...

Chiêu trò không mới

Thông thường, trước mỗi kỳ Đại hội hay hội nghị Trung ương Đảng, các kỳ họp Quốc hội, các thế lực thù địch thường tung ra những thông tin hậu trường chính trị nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín của cán bộ lãnh đạo cấp cao, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Điểm lại hoạt động của những trang blog này cho thấy chúng có điểm chung là đều xuyên tạc sự thật, hướng sự công kích vào một vài cán bộ lãnh đạo cấp cao theo kiểu “đồn nhảm”. Kẻ xấu đã lợi dụng, đánh vào tâm lý hiếu kỳ, sự quan tâm của dư luận trước những sự kiện chính trị lớn của đất nước. Chúng luôn dựng lên các cuộc “đấu đá”, các “phe nhóm” trong hệ thống chính trị. Nếu như năm 2012, mục tiêu chúng hướng tới nhằm vào việc triển khai thực hiện nghị quyết Trung ương 4 của Đảng thì năm 2015, mục tiêu xuyên tạc của chúng nhằm mục tiêu vào chia rẽ nội bộ, chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XII của Đảng. Năm 2016 là chống phá cuộc bầu cử  Quốc hội khóa XIV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp. Mới đây nhất từ việc thiếu tướng Lê Xuân Duy, phụ trách Tư lệnh Quân khu II lâm bệnh qua đời cùng với đó là hai cán bộ lãnh đạo tỉnh Yên Bái bị sát hại, cuối cùng là việc ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Hậu Giang bị Ban Bí thư Trung ương Đảng khai trừ khỏi Đảng sau những sai phạm và thiệt hại do ông gây ra. Những thông tin chúng đưa ra đã tạo ra dư luận xã hội tiêu cực, gây hoang mang, lo lắng, suy giảm niềm tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

“Bịp bợm, lá cải”

Nhìn lại chiêu trò của những trang web đen này mấy năm qua thì thấy ban đầu chúng cũng tạo ra sức hút bởi đánh vào tâm lý tò mò, “thông tin lạ” nhưng sau khi sự kiện diễn ra, nhìn lại mới thấy hầu hết thông tin chúng đưa ra đều là “bịp bợm”, “lá cải”... Chúng thường lợi dụng một số mâu thuẫn trong nội bộ và những yếu kém trong công tác quản lý cán bộ, đảng viên ở các cấp, đặc biệt là sự suy thoái về phẩm chất đạo đức lối sống, tệ nạn quan liêu, tham ô, tham nhũng, lãng phí của một số ít cán bộ, đảng viên để thêm thắt các thông tin theo hướng suy diễn, kích động khiến cho người đọc tin là thật. Những mâu thuẫn này thường khá rõ ràng trên thực tế và nhiều người có thể thấy được. Khi đã “bấu” được vào điểm cốt yếu này, chúng suy diễn, kết nối thêm các thông tin “ngoài lề” khiến người đọc đối chiếu vào thực tế thấy mâu thuẫn này là có thật thì sẽ tin và tin luôn cả những thông tin mà chúng cài vào.

Người Việt vốn có tâm lý tò mò, kiểu “đám đông”, thấy gì lạ thì phải xem bằng được nên những tin đồn, tin bịa trên internet dễ có đất sống. Những kẻ cơ hội chính trị đã lợi dụng việc cung cấp thông tin chưa kịp thời của các cơ quan chức năng để dẫn dụ người đọc vào thế giới “tin lá cải”. Còn lần này, với những vụ việc liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh bị kỷ luật; hai cán bộ lãnh đạo của tỉnh Yên Bái bị sát hại và việc thiếu tướng Lê Xuân Duy qua đời, để chúng “thêm mắm thêm muối”, dựng lên câu chuyện “đấu đá quyền lực” trong nội bộ Đảng, Nhà nước ta làm cho người đọc, người nghe dễ tin.

Bài học cảnh giác

Bản chất của các thế lực thù địch thì không bao giờ thay đổi, chúng ta phải kiên quyết đấu tranh. Nếu ai đó bị mê hoặc, tưởng họ tốt thì cứ đặt câu hỏi sao họ không ra trực diện mà phải chui lủi ở đâu?. “Họ giả nhân giả nghĩa, đã đóng góp gì cho đất nước, dân tộc đâu. Phá Đảng, phá chính quyền cũng chính là “phá dân”. Tuy nhiên, không nên quy chung một rọ những người có ý kiến trái chiều với các thế lực phản động. Đối với những người còn có nhận thức khác, cần chủ động tăng cường đối thoại, thông tin hai chiều. Cung cấp thông tin đúng đắn, chính xác, khách quan phản hồi kịp thời các kiến nghị của cán bộ, đảng viên và nhân dân là cách tốt nhất đẩy lùi thông tin "bẩn”. Thảm họa của xã hội không phải nằm ở một số kẻ xấu, mà nó nằm ở số đông người im lặng. Mà kẻ xấu thì bao giờ cũng ít hơn rất nhiều so với những người không xấu song im lặng. Nếu toàn Đảng và toàn xã hội làm tốt hơn việc phát huy dân chủ, đấu tranh phê bình và tự phê bình, đẩy lùi những sự “im lặng đáng sợ” thì chắc chắn sẽ không còn đất sống cho các web, blog có nội dung xấu. Chúng sẽ thực sự lạc lõng, bị “bỏ qua” trước "cái kiềng” tư tưởng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét