Thứ Hai, 20 tháng 6, 2016

Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân




          Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, có tôn giáo du nhập từ bên ngoài vào, có tôn giáo nội sinh. Trong những năm qua tôn giáo ở Việt Nam phát triển phong phú và đa dạng làm cho tình hình tôn giáo ở Việt Nam có nhiều thay đổi. Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện nay ở nước ta có 37 tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước cấp đăng ký hoặc công nhận về tổ chức và 01 pháp môn tu hành; có trên 22 triệu tín đồ các tôn giáo, chiếm hơn 25% dân số cả nước, với trên 85.000 chức sắc, nhà tu hành và hơn 26.000 cơ sở thờ tự phân bố trên khắp các tỉnh, thành phố.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, nhất quán về tôn giáo và công tác tôn giáo, như: Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị (khóa VI); Nghị quyết 25/NQ-TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về “Công tác tôn giáo”. Chính phủ có Nghị định số 22/NĐ-CP ngày 01/3/2005 Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg ngày 04/2/2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin Lành,… nhiều tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng Nghị quyết chuyên đề về công tác tôn giáo, thành lập Ban chỉ đạo công tác tôn giáo để chỉ đạo thống nhất trong hoạt động. Nhận thức về công tác tôn giáo của cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan quản lý các cấp được nâng lên ngang tầm đòi hỏi của thực tiễn. Đã vận dụng linh hoạt các biện pháp trong xử lý những vấn đề liên quan đến tôn giáo gắn với hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương; giải quyết tương đối kịp thời các nhu cầu chính đáng về sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào; tạo điều kiện giúp đỡ các giáo hội, chức sắc sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật…
Với những chính sách và quan điểm đúng đắn trên, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào tôn giáo những năm qua được nâng lên rõ rệt. Đa số chức sắc, chức việc, tín đồ phấn khởi, tin tưởng trước những thành tựu đổi mới của đất nước; tín đồ các tôn giáo đã phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo với đồng bào không theo tôn giáo, hăng hái tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và củng cố quốc phòng, đảm bảo an ninh trật tự, góp phần làm nên những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước ta.
Tuy nhiên, giải quyết vấn đề dân tộc, tôn giáo ở mỗi nước trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng luôn là một lĩnh vực khó khăn, phức tạp và lâu dài. Trong khi đó, các thế lực phản động trong và ngoài nước luôn xem đây là “mặt trận thuận lợi”, là “cửa ngõ”, “ngòi nổ” và là “mảnh đất màu mỡ” để thúc đẩy thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, âm mưu bạo loạn lật đổ với cách mạng nước ta trong tình hình mới. Dã tâm đó của chúng có thể điểm mặt, kể tên với một số hành động cụ thể:
Một là, trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch luôn khẳng định: dân tộc và tôn giáo là hai vũ khí có khả năng đánh gãy xương sống của Cộng sản. Vì vậy, lợi dụng xu thế toàn cầu hoá kinh tế và hội nhập quốc tế cũng như thông qua hoạt động tài trợ kinh tế, từ thiện, các tổ chức phản động ngoài nước đã tích cực chuyển tài liệu tôn giáo có nội dung phản động vào trong nước với mục đích xuyên tạc bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa, vu khống về chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước nhằm tạo cớ can thiệp sâu vào công việc nội bộ nước ta. Đồng thời, chúng đẩy mạnh các hoạt động gây dựng lực lượng chống đối ở trong nước nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm mất ổn định chính trị - xã hội, tạo dựng những nhân tố tiến tới chuyển hoá chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Cụ thể hóa hoạt động phá hoại này, chúng đã liên tục bơm những dòng tiền nhằm hỗ trợ, mua chuộc và dựt dây, chống lưng ủng hộ những phần tử “cơ hội chính trị”, những người có tư tưởng bất mãn, cực đoan, quá khích trong một số cộng đồng tôn giáo để kích động tâm lý mặc cảm, tư tưởng ly khai, chống đối trong đồng bào có đạo và đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng ra sức đẩy mạnh vieech xuyên tạc, vu cáo Đảng và Nhà nước ta vi phạm nhân quyền, vi phạm tự do tôn giáo, khủng bố, đàn áp, bắt giam, ngăn cản hoạt động tôn giáo của các tín đồ... nhằm tạo ra sự nhiễu loạn thông tin, thực hiện việc đánh lận con đen khiến cho đồng bào có đạo hoang mang dao động, khó phân biệt giữa thật - giả, đúng - sai… Từ đó, tạo khoảng trống trong tư tưởng để lôi kéo, kích động quần chúng tín đồ chống đối chế độ, tham gia hoạt động biểu tình, gây rối hòng tạo ra những “điểm nóng” về chính trị để lấy cớ kêu gọi sự can thiệp từ “bên ngoài”.
Hai là, chúng âm mưu thúc đẩy sự liên kết hoạt động giữa các tôn giáo (liên tôn); phối hợp chặt chẽ với các lực lượng phản động, cơ hội chính trị trong nước để tạo dựng ngọn cờ, hình thành lực lượng đối lập, làm “đối trọng” với Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam (Đây cũng là thủ đoạn đã từng được các thế lực phản động quốc tế chống chủ nghĩa cộng sản sử dụng thành công ở một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cuối thế kỷ XX); đẩy mạnh phát triển các hội đoàn tôn giáo, làm sầm uất xứ đạo, khuyếch trương thanh thế, kết hợp với tăng cường truyền đạo trái phép, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ để tập hợp lực lượng và dẫn dắt đồng bào thực hiện mưu đồ chính trị phản động của chúng.
Nổi bật trong thủ đoạn trên, trong những năm vừa qua, trên địa bàn Tây Bắc và Tây Nghệ An, các thế lực thù địch đã ráo riết thực hiện mưu đồ lập ra đạo “Vàng Chứ” để thành lập cái gọi là “Vương quốc Mông tự trị”. Vùng Tây Nguyên, chúng đòi thành lập đạo Tin Lành Đềga với mưu toan là cơ sở cho ý đồ thành lập “Nhà nước Đề-ga độc lập”. Ở Tây Nam Bộ, nơi có đông đồng bào Khơ me sinh sống, chúng chủ trương dựng nên “Nhà nước Khơ me Krôm” với luận điệu vu khống Nhà nước ta đàn áp hệ Phật giáo Nam tông Khơ me Nam Bộ. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm, trắng trợn của các thế lực thù địch hòng phá hoại an ninh quốc gia, đe dọa độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Ba là, bằng nhiều thủ đoạn và chiêu trò thâm hiểm, xảo quyệt, chúng từng bước xúc tiến việc nắm quyền điều khiển các tổ chức tôn giáo để biến những tổ chức này thành các tổ chức chính trị, đảng chính trị để làm chỗ dựa, “núp bóng” cho các hoạt động phá hoại và mưu đồ phản động của chúng. Họ triệt để lợi dụng vỏ bọc tôn giáo để phê phán, xuyên tạc, bôi nhọ hòng hạ thấp uy tín của Đảng và Nhà nước ta. Lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, họ đòi tôn giáo phải độc lập, không chịu sự quản lý của Nhà nước; tâng bốc, ca ngợi “tự do tôn giáo” ở các nước tư bản; yêu cầu Nhà nước ta “công nhận” hoạt động của các tổ chức tôn giáo giả hiệu như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Tin lành Đề-ga, Vàng Chứ, đạo Hà mòn,…; đòi thả các “tù nhân tôn giáo” - những kẻ đội lốt tôn giáo để vi phạm pháp luật; kêu gọi Chính phủ Mỹ đưa Việt Nam vào “danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo”, v.v.
Những hoạt động trên của các thế lực thù địch là hết sức thâm độc và nguy hiểm xét cả trên phương diện lý luận và thực tiễn. Nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, Nghị quyết hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa IX) về Công tác tôn giáo đã nêu rõ quan điểm: Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đã, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đảng, Nhà nước ta thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Mọi tín đồ đều có quyền tự do hành đạo tại gia đình và cơ sở thờ tự hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định: Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về “Tín ngưỡng, tôn giáo”, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, theo quy định của pháp luật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc hoặc những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái quy định của pháp luật.

2 nhận xét:

  1. Ok. Nhất trí cao với ý kiến của tác giả

    Trả lờiXóa
  2. Những thành tựu của Việt Nam đạt được trên lĩnh vực tôn giáo là một bằng chứng sinh động chứng minh cho chính sách tôn giáo đúng đắn, cởi mở, thực sự tôn trọng, bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân, của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

    Trả lờiXóa