Thứ Hai, 4 tháng 3, 2024

Vạch trần luận điệu xuyên tạc người có công

          Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm và dành những tình cảm, trách nhiệm sâu sắc để chăm sóc Thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Thế nhưng, thay vì đồng lòng, ủng hộ các hoạt động thể hiện đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc,  các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước bằng mọi thủ đoạn xảo trá đã xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với người có công, nhằm kích động chống phá Đảng, Nhà nước, từ đó hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

          Những chiêu trò của chúng có thể kể đến là: thứ nhất, vu khống Đảng, Nhà nước ta “lãng quên, không quan tâm đến thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng” hay “tri ân những người có công với cách mạng và đất nước chỉ là hình thức để tuyên truyền”; thứ hai, chúng lợi dụng một số hạn chế sai phạm trong công tác chính sách của chúng ta, từ đó thổi phồng lên cho rằng đó là bản chất của chế độ. Nguy hiểm hơn, một số đối tượng đưa lên mạng xã hội những quan điểm sai trái, coi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta “thực chất chỉ là nội chiến” nhằm  hạ thấp sự hy sinh của các Anh hùng liệt sỹ, thương binh trong quá trình giải phóng dân tộc. Chưa dừng lại, từ đầu năm 2023 đến nay, lợi dụng tình hình thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế gặp nhiều khó khăn, các thế lực thù địch đã viết bài, đưa thông tin, hình ảnh… trên mạng xã hội trắng trợn xuyên tạc, cố ý lập lờ, đánh tráo giá trị, “đổi trắng, thay đen” nhằm gây xáo trộn tư tưởng, tạo hoài nghi về chính sách an sinh xã hội, ưu đãi đối với người có công.

          Thực chất, những thủ đoạn trên tuy không phải chiêu trò mới. Nhưng hễ có dịp là các thế lực xấu lại lan truyền với mưu đồ kích động những người nhẹ dạ, cả tin. Từ đó làm suy giảm lòng tin của một bộ phận người dân, hòng gây ra sự "chuyển hóa", làm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là những âm mưu, thủ đoạn của những kẻ phản động, thâm thù, hậm hực với những thành tựu, công lao của Đảng, Nhà nước đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

          Có thể khẳng định rằng, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, có những thời điểm đất nước gặp nhiều khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước ta vẫn luôn quan tâm người có công và gia đình chính sách.

          Ngày 16-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL ban hành chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ, đồng thời chọn ngày 27-7 hằng năm là Ngày Thương binh toàn quốc, là dịp tôn vinh công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và những người có công với cách mạng. Trong tiến trình cách mạng của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Từ năm 1947 đến nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng đã được xây dựng, ban hành tương đối toàn diện, đầy đủ và kịp thời, được ghi trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và được chế định thành các văn bản; đã thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thành cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân.

          Cùng với hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công đang từng bước hoàn thiện. Chỉ tính từ năm 2013-2023, Ngân sách nhà nước được bố trí gần 400 nghìn tỷ đồng để thực hiện chế độ trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi khác cho đối tượng chính sách, người có công. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, thực hiện Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Chính phủ, các địa phương trong cả nước đã thực hiện triển khai chi trả hỗ trợ kịp thời, đầy đủ cho 994.626 đối tượng thuộc lĩnh vực người có công với kinh phí khoảng 1.483 tỷ đồng. Những kết quả đó là minh chứng rõ ràng nhất khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không bao giờ quên ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng. Đồng thời, đó là cơ sở thực tiễn quan trọng nhất bác bỏ hoàn toàn các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động về công tác “Đền ơn đáp nghĩa” của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

          Trước những dã tâm đen tối, thủ đoạn đê hèn của số cá nhân cực đoan, những tổ chức phản động; là công dân Việt Nam, mỗi chúng ta cần thẳng thắn lên án, vạch trần, kiên quyết đấu tranh bảo vệ quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước ta trong tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ, giúp họ hiểu, biết ơn và trân trọng những đóng góp hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng. Kiên quyết đấu tranh có hiệu quả với những biểu hiện sai trái, xuyên tạc về chính sách người có công với cách mạng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét