Thứ Hai, 11 tháng 3, 2024

Quan điểm của Đảng về bảo đảm an ninh quốc gia

        Trong những năm gần đây, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cục diện thế giới có sự biến động mạnh mẽ, các nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia cũng ngày càng đa dạng, như sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; các thế lực thù địch luôn tìm cách đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; những thách thức an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu…

Trong bối cảnh đó, Đảng ta luôn chủ động nhận định, đánh giá tình hình, bổ sung, phát triển nhận thức tư duy về an ninh quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia. Qua các kỳ đại hội, Đảng ta đều thẳng thắn đánh giá các nguy cơ này vẫn tồn tại, đồng thời xuất hiện nhiều nguy cơ mới, bao gồm các nguy cơ do tác động từ bên ngoài và các nguy cơ nảy sinh từ bên trong. Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ “diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn biến phức tạp; khoảng cách giàu - nghèo, phân hóa xã hội ngày càng tăng… Bảo vệ chủ quyền biển đảo đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn. Tình hình chính trị - xã hội ở một số địa bàn còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định.

Ngày nay, các mối đe dọa về an ninh phi truyền thống gia tăng, với quy mô, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, tác động đến lợi ích, an toàn, an ninh quốc gia Việt Nam. Đại hội XIII, Đảng nhấn mạnh: Những vấn đề toàn cầu, như: bảo vệ hòa bình, an ninh con người, thiên tai, bệnh dịch, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường,… tiếp tục diễn biến phức tạp đặt ra nhiều thách thức lớn chưa từng có cho phát triển bền vững. Những thách thức an ninh phi truyền thống này có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, bất cứ lĩnh vực nào của đời sống xã hội, ngày càng đa dạng, phức tạp, tác động sâu rộng. Nếu không chủ động và tích cực phòng ngừa, ứng phó thì khi phát sinh dễ tạo ra những hậu quả khó lường đối với an ninh quốc gia. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mở ra nhiều cơ hội, song cũng đặt ra không ít thách thức đối với vấn đề an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, nhất là tội phạm công nghệ cao, đe dọa thông tin, an ninh mạng. Điều này càng trở nên phức tạp khi chúng ta chưa chủ động về công nghệ, còn lệ thuộc vào các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, tiềm ẩn nguy cơ gây mất chủ quyền an ninh thông tin. Nhu cầu đầu tư vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự công nghệ cao có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm, đe dọa an ninh các quốc gia.

        Trong bối cảnh, tình hình mới, an ninh quốc gia đứng trước những nguy cơ, thách thức mới rất phức tạp, đòi hỏi phải có chiến lược mới với tầm nhìn, hệ thống giải pháp dài hạn, chủ động để giữ vững an ninh quốc gia trong mọi tình huống. Đại hội XIII của Đảng nhận định, vấn đề an ninh quốc gia cần được hiểu một cách toàn diện hơn, rộng hơn, sâu hơn, không chỉ có các vấn đề an ninh chính trị, quân sự truyền thống, mà còn bao quát cả những vấn đề an ninh phi truyền thống. An ninh quốc gia bao gồm: An ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh quân sự, an ninh biên giới, biển, đảo, an ninh đối ngoại, an ninh tư tưởng - văn hóa, an ninh xã hội, an ninh thông tin, an ninh cơ sở dữ liệu, an ninh mạng, an ninh doanh nghiệp, an ninh tài chính - tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh dân cư, an ninh dân số, an ninh môi trường, an ninh con người... Ngày 13/7/2023, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 24-CT/TW, về bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng tiếp tục khẳng định nhất quán vấn đề an ninh quốc gia là vấn đề đặc biệt hệ trọng, then chốt của quốc gia. Công tác bảo đảm an ninh quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu và thường xuyên, được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét