Thứ Hai, 11 tháng 3, 2024

Bảo đảm an ninh quốc gia trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế

            Bảo vệ an ninh quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó lực lượng Công an nhân dân đóng vai trò nòng cốt.

          Sau gần 40 năm đổi mới, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác -Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta đã đổi mới cả trong tư duy, nhận thức và trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo toàn dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, sự lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN.

          Bảo vệ an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, khi nước ta là thành viên của WTO có yêu cầu mới; bên cạnh thời cơ, thuận lợi, cũng nảy sinh không ít nguy cơ, thách thức. Về kinh tế, thách thức lớn nhất là vấn đề cạnh tranh quốc tế, mặt trái của toàn cầu hoá kinh tế cũng làm xuất hiện và làm sâu sắc những vấn đề xã hội. Về văn hoá-xã hội, đó là sự du nhập vào nước ta lối sống, văn hoá, đạo đức không lành mạnh, thực dụng. Về quốc phòng-an ninh (QP-AN), đó là mâu thuẫn giữa lợi ích kinh tế với yêu cầu tăng cường tiềm lực QP-AN, là việc lợi dụng mở cửa, hợp tác, đầu tư... để xâm hại QP-AN…

          Đảng ta đã chỉ rõ, hội nhập kinh tế quốc tế phải gắn liền với phát triển KT-XH, tăng cường QP-AN, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững độc lập, tự chủ và định hướng XHCN, vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Đây thực chất là giải quyết hài hoà mối quan hệ biện chứng giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

          Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia trong tình hình mới, cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp:

          Một là, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của toàn dân, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, địa phương đối với nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia trong tình hình mới. Bảo vệ ANQG là sự nghiệp của toàn dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng, Nhà nước lãnh đạo, quản lý trực tiếp, toàn diện. Vì vậy, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, vận động quần chúng tích cực tham gia sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia là một nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Công tác giáo dục phải tiến hành thường xuyên, toàn diện, kết hợp nhiều nội dung, hình thức, phương pháp, nhưng tập trung có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng, yêu cầu nhiệm vụ, chức trách được giao. Trong đó, phải hết sức chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, kiến thức QP-AN cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, các địa phương, đoàn thể, tổ chức xã hội.

          Hai là, nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và của các doanh nghiệp, phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước. Đây là vấn đề có tính quyết định thành công của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Các bộ, ngành, địa phương bên cạnh việc tích cực, chủ động trong chiến lược, kế hoạch, chăm lo cải cách quản lý, hiện đại hoá, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, cũng cần nắm vững luật lệ kinh tế của WTO, tích cực khai thác, mở rộng thị trường cả ở trong nước và nước ngoài, gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN, coi đây là hai mặt có quan hệ mật thiết, không thể tách rời.

          Ba là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò nòng cốt, xung kích của các lực lượng Công an, Quân đội trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc trong hội nhập kinh tế quốc tế. Sức mạnh bảo vệ ANQG là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội, quốc phòng, quân sự, đối ngoại... Bảo vệ an ninh quốc gia là nghĩa vụ, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, của toàn dân, trong đó lực lượng công an, quân đội là nòng cốt; do đó, nó phải được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của các cấp uỷ đảng, chính quyền từ Trung ương tới cơ sở.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét