Thứ Hai, 27 tháng 11, 2023

CHIẾN LƯỢC “DIỄN BIẾN HÒA BÌNH” HIỆN NAY CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH

 Gần đây các thế lực thù địch tập trung chống phá các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó Việt Nam là một trọng điểm. Chúng sử dụng nhiều chiến lược song tập chung chủ yếu vào chiến lược “diễn biến hòa bình” chúng tìm mọi cách gây ra sự hỗn loạn về lý luận, sự mơ hồ về chính trị, những khoảng trống về tư tưởng và tâm lý hoài nghi, dao động về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Chúng xuyên tạc, bôi nhọ và bóp méo lịch sử, xuyên tạc những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Những thủ đoạn đó là cực kỳ nguy hiểm, tạo ra sự nghi ngờ, gây tâm lý hoang mang, mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta. Các thủ đoạn đó đươc thể hiện chủ yếu trên một số vấn đề sau:

Một là, các thế lực thù địch lợi dụng sự khủng hoảng, thoái trào tạm thời của chủ nghĩa xã hội để phủ nhận lịch sử, phủ nhận giá trị của học thuyết Mác - Lênin, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Thực tiễn đã khẳng định lịch sử diễn ra không phải bằng con đường trơn tru và thẳng tắp; cái mới, cái tiến bộ ra đời là đúng quy luật nhưng khó tránh khỏi những khúc quanh, những bước thăng trầm, thậm chí thất bại cục bộ, tụt lùi tạm thời trên con đường hoàn thiện. Đặc biệt với sự ra đời một hình thái kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa chưa từng có trong lịch sử thì sự tồn tại những khúc quanh đó là điều dễ hiểu. Lợi dụng những vấn đề đó, các thế lực thù địch tiếp tục lớn tiếng rêu rao rằng chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, chủ nghĩa xã hội là “quái thai” của lịch sử; không có cơ sở hiện thực. Dựa vào sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô chúng cho rằng chủ nghĩa xã hội đã hết sức sống, Đảng Cộng sản đã bất lực không còn nắm được vai trò lãnh đạo xã hội. Từ đó chúng “khuyên” chúng ta nên từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa, từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin để đi theo con đường thứ ba chẳng phải chủ nghĩa xã hội mà cũng không phải tư bản chủ nghĩa, bởi vì chúng cho rằng thực tế chưa có một nước nào quá độ lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa thành công. Luận điệu xuyên tạc đó của các thế lực thù địch đã làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân hoang mang, dao động, nghi ngờ về tính cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Và đó chính là khoảng trống tư tưởng mà chúng cố tình tạo ra nhằm chuyển hoá dần dần hệ tư tưởng vô sản sang hệ tư tưởng tư sản. Sự nguy hiểm của luận điệu này ở chỗ các thế lực thù địch lợi dụng khúc quanh, sự thoái trào cục bộ để phủ nhận toàn bộ lịch sử, đồng nhất sự sụp đổ của một bộ phận chủ nghĩa xã hội hiện thực với sự sụp đổ của cả học thuyết dẫn đường là chủ nghĩa Mác - Lênin, và từ đó phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phủ nhận sự tồn tại của hình thái kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa.

Hai là, các thế lực thù địch lợi dụng những khoảng trống của lịch sử để xuyên tạc, bóp méo sự thật. Những khoảng trống của lịch sử là có thực và sự tái hiện, giải thích nó đúng như nó đã tồn tại là việc làm khá khó khăn. Điều này đặt ra cho các nhà khoa học phải nghiên cứu, tìm tòi, hiểu đúng tiến trình lịch sử trên cơ sở thế giới quan, phương pháp luận khoa học, khách quan, trung thực và sự vững vàng về chính trị. Đồng thời để tái hiện, giải thích đúng những khoảng trống này liên quan đến rất nhiều yếu tố trong đó quan trọng nhất là những tư liệu và nhân chứng lịch sử. Trên thực tế, các thế lực thù địch thường lợi dụng chính những khoảng trống đó, tuyệt đối hóa và lấy đó làm căn cứ để giải thích hay chứng minh cho kết quả của cả tiến trình lịch sử. Đó là cách nhìn nhận, đánh giá phiến diện, cố tình làm sai lệch tiến trình, xuyên tạc, bóp méo lịch sử để chống phá cách mạng Việt Nam.

Ba là, các thế lực thù địch lợi dụng những sai lầm của Đảng Cộng sản trong quá trình vận dụng và phát triển học thuyết Mác - Lênin để bới móc, xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử. Trên thực tế, trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực, các Đảng Cộng sản cầm quyền luôn luôn vận dụng linh hoạt và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể nước mình. Để biến đường lối thành hiện thực phải thông qua quá trình vận động cách mạng và tổ chức thực hiện. Tổng kết thực tiễn quá trình đó khó có thể tránh khỏi những hạn chế hoặc sai lầm ở một khâu, một bước nào đó và các thế lực thù địch thường triệt để bới móc và lợi dụng những thiếu sót đó để tiến công Đảng Cộng sản theo thể thức tuyệt đối hoá sai lầm, thổi phồng khuyết điểm. Chúng cố tình thổi phồng khuyết điểm của số ít cán bộ, đảng viên thành khuyết điểm của Đảng; sai lầm ở một khâu, một bước nào đó trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối thành sai lầm của toàn bộ đường lối của Đảng, thậm chí có kẻ còn lớn tiếng cho rằng đó là sai lầm của cả học thuyết, sai lầm thuộc về bản chất của chủ nghĩa xã hội và của Đảng Cộng sản. Đồng thời, chúng còn lợi dụng lỗ hổng trong việc sửa chữa khuyết điểm, thiếu sót để phủ định sạch trơn quá khứ, phủ định những thành tựu vĩ đại của lịch sử nhằm gây tâm lý hoang mang, gieo rắc hoài nghi trong nhân dân, lôi kéo những cán bộ, đảng viên bất mãn, thoái hoá, biến chất bổ sung vào đội ngũ phản động hòng chống Đảng, chống nhân dân.

Bốn là, các thế lực thù địch luôn lợi dụng sự hiểu biết chưa đầy đủ về lịch sử, xem nhẹ truyền thống và chạy đua theo lối sống thực dụng của một bộ phận nhân dân trong đó chủ yếu là thanh niên để xuyên tạc, bóp méo lịch sử. Trong bối cảnh quốc tế mới, với sự bùng nổ thông tin và sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật và công nghệ, các thế lực thù địch với âm mưu “diễn biến hoà bình”, không bỏ lỡ cơ hội ra sức tuyên truyền tác động vào thế hệ trẻ tư tưởng sống gấp, chạy theo đồng tiền, xem thường quá khứ. Sự nguy hiểm của âm mưu thủ đoạn này là ở chỗ chúng gieo rắc tư tưởng hoài nghi, phủ định quá khứ; lịch sử là cái để phê phán, còn hiện tại chỉ đơn thuần là lối sống hưởng thụ, thực dụng. Chúng ta nhận thức rằng, đất nước ta có được như ngày nay là sự phát triển liên tục của hàng ngàn năm lịch sử được Đảng ta nâng lên một tầm cao mới. Trách nhiệm của chúng ta là phải học tập và tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ hiểu rõ và phát huy truyền thống yêu nước, anh hùng, xây dựng tinh thần nhân nghĩa, thương yêu đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống; không ngừng chăm lo giáo dục ý thức chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng cho thanh niên; tạo công ăn việc làm, lôi cuốn họ đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó chính là những biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn có hiệu quả các luận điệu chống phá đặc biệt là chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, xây dựng những con người mới, vững vàng niềm tin và ý chí, xứng đáng là chủ nhân tương lai của đất nước./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét