TÁC
ĐỘNG CỦA LỢI ÍCH NHÓM ĐẾN XÂY DỰNG
CHỦ
NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
Trong sự nghiệp đổi mới, nhận thức của Đảng ta về chủ nghĩa
xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã ngày càng rõ hơn trên
những nét cơ bản trong sự nghiệp đổi mới. Tuy vậy vẫn còn nhiều điều cần làm
sáng tỏ, mà một trong số đó là vấn đề lợi ích. Trước đây, tư duy giáo điều
thường nhấn mạnh một cách cực đoan lợi ích xã hội mà xem nhẹ lợi ích của cá
nhân, lợi ích của từng bộ phận. Từ khi bước vào thời kỳ đổi mới, quan niệm đó
đã được điều chỉnh và thực tế đã xác nhận những thành tựu to lớn và có ý nghĩa
lịch sử ở lĩnh vực này. Tuy vậy, cho đến nay, kết hợp hài hòa giữa lợi ích cá
nhân và lợi ích xã hội vẫn là một bài toán khó. Bởi từ sau thời kỳ đổi mới, lại
xuất hiện tình trạng lợi ích cá nhân bị đẩy lên đến mức biến thành chủ nghĩa cá
nhân, vì lợi ích riêng mà sẵn sàng đi ngược lại với lợi ích chung, lợi ích xã
hội. Vấn đề là làm thế nào để lợi ích cá nhân thực sự là một động lực phát
triển của đất nước. Giải quyết vấn đề này là một trong những mục tiêu trong
chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Lãnh đạo phải tính đến các nhu cầu và lợi
ích, điều chỉnh chúng, thông qua chúng để tạo nên tính tích cực hoạt động sáng
tạo của quần chúng tự giác tham gia vào quá trình đổi mới xã hội.
Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước,
sự xuất hiện của lợi ích nhóm đang trở thành một yếu tố tác động cả thuận chiều
và nghịch chiều đến chủ nghĩa xã hội. Về bản chất, lợi ích nhóm là sự phản ánh
lợi ích chung của nhiều chủ thể đang có nhu cầu tìm kiếm những phương tiện,
điều kiện thực hiện những lợi ích riêng (cá nhân) nhất định. Lợi ích nhóm có cả
tác động tích cực và tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội
của đất nước. Lợi ích nhóm tiêu cực là lợi ích của một cộng đồng, có tổ chức
hoặc tự phát của những người có cùng chung một số mục đích, cùng chung lợi ích;
họ tìm mọi cách tác động đến cơ quan, người có quyền theo hướng có lợi cho nhóm
của mình. Mục đích riêng mà họ đạt được thường xâm hại tới lợi ích chung của
toàn xã hội.
Nó là các hình thức hối lộ như “chạy” dự án, “chạy” vốn,
“chạy” chức quyền và thậm chí “chạy” cả chính sách vì các lợi ích cục bộ, địa
phương... Nguy hại hơn, lợi ích nhóm đã có những biểu hiện vi phạm lợi ích của
xã hội: sử dụng bừa bãi và tham nhũng tiền vay của quốc gia (ODA) và của nhân
dân (công trái) trong các công trình lớn; làm tha hóa cán bộ, gây mất lòng tin
của nhân dân; và làm tăng nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Những năm gần
đây, lợi ích nhóm càng ngày càng gia tăng và phát triển sâu rộng, quy mô lớn
hơn nhiều. Tác động tiêu cực của các nhóm lợi ích vào quá trình thực hiện các
lợi ích hợp pháp và chính đáng khác, vào hiệu quả của thực thi chính sách và
gần đây, có cả những dấu hiệu cho thấy, vào cả quá trình hoạch định chính
sách... đã được xác nhận là một thực tế. Đảng ta cũng khẳng định ba cản trở lớn
nhất của tái cơ cấu nền kinh tế là lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ, tính cục bộ.
Trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, vấn đề phòng chống lợi ích
nhóm tiêu cực nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cũng đã được đặt ra.
Lợi ích nhóm không chỉ có tác động tiêu cực mà vẫn có cả
những lợi ích nhóm phù hợp với lợi ích của cả cộng đồng, xã hội, chứa đựng
nhiều yếu tố tích cực. Cần nhận thức rằng, các nhóm lợi ích khác nhau là một
trong những hệ quả của đa dạng hóa về lợi ích - một hiện tượng khách quan của
thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Lợi ích nhóm tác động tích cực sẽ góp phần
thúc đẩy sản xuất, tạo môi trường dân chủ, công bằng, nâng cao vai trò lãnh đạo
của Đảng và Nhà nước. Trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì việc
chấp nhận hoạt động của các nhóm lợi ích chính đáng và kịp thời ngăn chặn sự
lũng đoạn của các nhóm lợi ích tiêu cực đang hình thành sẽ góp phần để xây dựng
một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét