Thứ Hai, 9 tháng 10, 2023

QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM

 

QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Những quan điểm, vấn đề mà Hồ Chí Minh nêu lên rất phong phú, đa dạng, trong đó có vấn đề thực hành tiết kiệm và chống lãng phí. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, Người là tấm gương lớn về lối sống giản dị, thực hành tiết kiệm. Theo Người: “Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã. Đồng chí ta phải học lấy bốn đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính”. Chính vì vậy, lời kêu gọi tiết kiệm, chống lãng phí của Người có sức lan tỏa và ảnh hưởng tích cực đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

Về thực hành tiết kiệm, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: tiết kiệm là “không xa xỉ, không hoang phí, không bữa bãi”; tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là “xem đồng tiền to hơn cái nống”, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt là để giúp tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân. Nói theo khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực.

Theo Người, mục đích của việc tiết kiệm để phục vụ cho kháng chiến và kiến quốc, để tăng thêm tiền vốn xây dựng đất nước. Điều này càng quan trọng hơn khi nước ta là nước dân chủ nhân dân, không thể tích lũy vốn bằng cách cướp bóc thuộc địa, bóc lột công nhân, nông dân, vay nợ nước ngoài… Bác đã đưa ra nhiều lời kêu gọi tinh thần tiết kiệm của mọi ngành, mọi cấp và được toàn thể cán bộ, nhân dân tích cực ủng hộ và làm theo. Bản thân Người luôn gương mẫu trong việc thực hành tiết kiệm. Người tiết kiệm tất cả mọi thứ, từ cái nhỏ như tờ giấy bởi: “Giấy bút, vật liệu, đều tốn tiền của Chính phủ, tức là của dân; ta cần phải tiết kiệm. Nếu một miếng giấy nhỏ đủ viết, thì chớ dùng một tờ to. Một cái phong bì có thể dùng hai ba lần”. Trong sinh hoạt thường ngày, Người ăn mặc rất giản dị, nơi ở cũng đơn sơ, Người quan niệm: tiết kiệm từ những việc nhỏ thì sẽ thành được điều to tát, nhờ tiết kiệm “mà lợi cho dân rất nhiều”.

Có thể nói, lịch sử sẽ còn nhiều thay đổi nhưng những bài học, những tư tưởng quý báu đó của Bác kính yêu sẽ vẫn còn mãi. Những câu chuyện, những bài học về tiết kiệm của Bác chính là bài học ý nghĩa sâu sắc, mang tính định hướng tư tưởng đối với mỗi thế hệ người Việt Nam. Từ những thay đổi trong tư tưởng, những bài học đó sẽ tác động đến từng hành động của mỗi cá nhân. Học tập tấm gương tiết kiệm của Bác Hồ chính là học tập để tiết kiệm có thể trở thành một thói quen hàng ngày đối với mỗi con người Việt Nam./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét