Thứ Hai, 9 tháng 10, 2023

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN NHỮNG THÀNH TÍCH CỦA VIỆT NAM TRONG PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG

 

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN NHỮNG THÀNH TÍCH CỦA

VIỆT NAM TRONG PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG

 

Gần đây, trên các diễn đàn mạng xã hội, có những phần tử thù địch, cơ hội chính trị còn lên tiếng cho rằng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Việt Nam chỉ là những cách Đảng “che mắt thế gian theo kiểu đánh ai và ai đánh?”, “ta đánh mình, mình đánh ta”, “cộng sản chỉ nói chứ không dám làm”, hay “chỉ dám đánh con tôm, con tép”… Có ý kiến còn cho rằng việc Đảng và Nhà nước nhiều lần phát động đấu tranh phòng, chống tham nhũng thực chất chỉ là “trò đánh trống khua chiêng nhằm che mắt thế gian”, thực chất là “đấu đá nội bộ” hay “thanh trừng phe phái”... Đây là những luận điệu hết sức thâm độc hòng gây mất lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Những luận điệu đó cho thấy rõ dã tâm thù địch hòng xuyên tạc, phủ nhận những nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng. Mục đích của những dã tâm này là nhằm hạ thấp vai trò, uy tín lãnh đạo của Đảng, hòng làm giảm sút niềm tin của nhân dân với Đảng. Sâu xa hơn nữa là nhằm phủ nhận chế độ một đảng duy nhất của Việt Nam, nhằm hướng lái sự phát triển của Việt Nam theo con đường đa đảng. Đây là âm mưu rất thâm độc đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ nên không thể coi thường, xem nhẹ.

Trước hết, cần phải khẳng định, bản chất của tham nhũng là sự tha hóa của quyền lực chính trị. Đó là khi những người có chức, có quyền lợi dụng quyền lực của mình để chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, của đất nước… Do đó, đây là hiện tượng xã hội tiêu cực có thể xảy ra ở bất cứ quốc gia nào, chứ không chỉ của riêng Việt Nam. Điều này đã từng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của chế độ ta. Thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xoá tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn”.

Thực tiễn cho thấy, thời gian qua, nhiều lãnh đạo cấp cao ở các nước tư bản phát triển cũng vướng vào vòng lao lý vì phạm tội tham nhũng. Vì thế, những luận điệu cho rằng tham nhũng ở Việt Nam bắt nguồn từ “căn bệnh nan y của chế độ độc Đảng cầm quyền” là phiến diện, lộ rõ ý đồ quy chụp.

Có thể nhận thấy, qua mỗi nhiệm kỳ Đại hội, tinh thần chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng quyết liệt hơn, thực chất hơn với phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Tham nhũng được coi là một loại “giặc nội xâm” cần được xử lý một cách quyết liệt. Quyết tâm chính trị trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được thể hiện rõ nét từ người đứng đầu Đảng, Nhà nước đến cả hệ thống chính trị, tạo được sự đồng thuận trong toàn xã hội. Đánh giá về điều này, Đại hội XIII nhận định: “Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Nhờ đó, trong thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm đã được xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, vừa có tác dụng cảnh báo, răn đe; vừa siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng; được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ; được dư luận quốc tế đánh giá cao. Vì thế, những luận điệu cho rằng Việt Nam chỉ “nói không dám làm” hay công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam là “đấu đá nội bộ” hay “thanh trừng bè phái” là cố tình quy chụp, phủ nhận những nỗ lực của Việt Nam.

Những nỗ lực không thể phủ nhận của Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua chính là luận cứ thuyết phục, xác đáng nhằm khẳng định và lan tỏa những chủ trương đúng đắn cùng sự quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét