KIỂM TRA, GIÁM
SÁT LÀ “CÔNG CỤ MÀI GIŨA”
TÍNH LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG
Tăng cường kiểm tra, giám sát để Đảng thêm vững mạnh.
Kiểm tra, giám sát (KTGS) vừa là chức năng lãnh đạo, vừa là phương thức lãnh
đạo của Đảng nhằm xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh về chính
trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ, trong tình hình mới, phần việc này cần được đặc
biệt coi trọng, thực hiện triệt để, thực chất trong toàn Đảng và hệ thống chính
trị, góp phần xây dựng Đảng ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ, đủ sức gánh vác, lãnh
đạo thành công sự nghiệp cách mạng vẻ vang.
Không kiểm tra thì coi như
không lãnh đạo, Đảng lãnh đạo sự nghiệp nói chung, các nhiệm vụ
chính trị cụ thể nói riêng đạt được đến đâu, hiệu lực, hiệu quả ra sao, đều
chịu sự ảnh hưởng, tác động sâu sắc của công tác KTGS. Từ các nhà kinh điển Chủ
nghĩa Mác-Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhà lãnh đạo đương nhiệm của Đảng,
Nhà nước ta và cả trong hệ thống các văn kiện của Đảng đều thể hiện rất rõ tinh
thần nhất quán: Lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo, khi bàn
về xây dựng chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, V.I.Lênin khẳng định
kiểm tra như là nội dung, phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng; vì có chủ
trương đúng, có tổ chức thực hiện nhưng thiếu kiểm tra cũng rất khó đạt kết quả
tốt được. Lênin còn nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm tra,
kiểm soát và coi đây là công cụ chắc chắn nhất để bảo vệ những mầm mống của xã
hội mới. Người yêu cầu Đảng, Nhà nước phải nắm chắc công tác kiểm tra và gợi ý:
Theo ý tôi, điều chủ yếu là chuyển trọng tâm từ việc soạn thảo các sắc lệnh và
mệnh lệnh sang lựa chọn người và kiểm tra việc thực hiện. Đó là vấn đề then
chốt nhất... nếu không thế thì tất cả mọi mệnh lệnh và quyết định sẽ chỉ là mớ
giấy lộn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh càng đặc biệt
quan tâm đến công tác KTGS, bởi theo Người "Có kiểm tra mới huy động được
tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ được năng lực
và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời". Hồ Chí Minh
chỉ rõ, "Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì
thiếu sự kiểm tra". Tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra của Đảng
(ngày 29-7-1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Kiểm tra có tác dụng
thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm trọn nhiệm vụ đối với Đảng, đối
với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân. Do đó mà góp phần vào việc củng
cố Đảng về tư tưởng, về tổ chức”.
Từ khi ra đời đến nay, cơ quan kiểm tra chuyên trách của Đảng đã
nhiều lần được bổ sung, điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, phát triển về tổ
chức và đội ngũ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng. Tại Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng 3-1982), Điều lệ Đảng quy định đảng ủy
cơ sở được cử ủy ban kiểm tra (UBKT). Từ đó, UBKT được thành lập thành một hệ
thống hoàn chỉnh và thống nhất từ Trung ương đến đảng ủy cơ sở. Cùng với sự
phát triển của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác KTGS được tiến hành
thường xuyên, hiệu quả góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, như: Thực
hiện 3 chống (chống tham ô, lãng phí, quan liêu) ở ngành mậu dịch trong thời kỳ
kháng chiến chống Pháp; thực hiện Nghị quyết số 228-NQ/TW của Bộ Chính trị,
khóa III về chống và bài trừ tệ lấy cắp tài sản XHCN, tệ làm ăn phi pháp; thực
hiện Chỉ thị số 192-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương, khóa III về việc đưa những
người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng; kiểm tra thực hiện “chế độ lãnh
đạo có kiểm tra” theo Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư khóa V; thực hiện Chỉ
thị số 15-CT/TW của Bộ Chính trị, khóa VII về ngăn chặn và bài trừ tệ tham
nhũng, buôn lậu; thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh
thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII...; thực hiện các Nghị quyết
Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII), Kết luận của Hội nghị Trung ương 4, khóa
XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; cùng hàng loạt các chủ trương, nghị quyết,
kết luận, quy định quan trọng khác về công tác KTGS của Đảng.
Tăng cường công tác KTGS để phát hiện, ngăn chặn, phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực, lãng phí là quyết tâm chính trị lớn của Đảng. Đặc biệt,
những năm gần đây, kết quả công tác KTGS đã thực sự góp phần đưa kỷ cương, kỷ
luật Đảng được tăng cường thêm một bước; nhiều cơ chế mới phòng ngừa vi phạm
được bổ sung, nhận thức về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên được nâng lên; góp
phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của
Đảng. Mỗi kỳ họp của UBKT Trung ương đều mang lại những kết quả cụ thể, rõ rệt
trong việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; được đông đảo nhân dân quan tâm,
đồng tình ủng hộ. Xử lý đúng người, đúng vụ việc không phải là cuộc đấu đá,
thanh trừng nội bộ, mà là “chặt những cành sâu để cây xanh tốt”, làm trong sạch
đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chính điều đó đã tạo hiệu ứng lan tỏa đến các tổ
chức cơ sở đảng, đưa công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng trở thành hành động
cách mạng quyết liệt, hiệu quả cao ở mọi cấp, mọi ngành và toàn xã hội.
Khẳng định những kết quả nổi bật của công tác KTGS, Nghị quyết
Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Công tác KTGS, kỷ luật đảng được tăng cường,
có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả được
nâng lên. Hoạt động KTGS của cấp ủy, UBKT các cấp được đẩy mạnh, đạt kết quả
khá toàn diện, nhất là cấp Trung ương. Qua công tác KTGS, kỷ luật đảng, kỷ
cương, kỷ luật Đảng được siết chặt hơn, có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn
đe, phòng ngừa sai phạm đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên”. Trên cơ sở
đó, Đại hội XIII của Đảng xác định: Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu
quả công tác KTGS, kỷ luật Đảng. Triển khai quyết liệt, thường xuyên, toàn diện,
đồng bộ công tác KTGS, kỷ luật đảng, phục vụ thực hiện nhiệm vụ chính trị, công
tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh.
Trong bối cảnh tình hình mới, cùng với những tác động đa chiều
của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; ảnh hưởng tiêu cực của mặt trái nền
kinh tế thị trường; sự chống phá quyết liệt, nguy hiểm của các thế lực thù
địch; cuộc chiến chống “giặc nội xâm” trở nên phức tạp, cấp bách... Để tiếp tục
nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, đòi hỏi công tác KTGS phải
được đổi mới, tăng cường, hiệu quả thiết thực hơn nữa. Tinh thần đó thể hiện
sâu sắc trong phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội
nghị tổng kết công tác KTGS nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng (ngày 27-11-2020):
KTGS là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng, một bộ phận quan trọng
trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Đảng ta khẳng định, kiểm tra là một chức
năng lãnh đạo của Đảng, là nhiệm vụ của toàn Đảng; lãnh đạo mà không kiểm tra
coi như không lãnh đạo. Mọi tổ chức đảng và đảng viên đều bình đẳng trước kỷ
luật của Đảng và đều phải chịu sự KTGS, thi hành kỷ luật của Đảng. KTGS là
“thanh bảo kiếm để chữa lành các vết thương”.
Trong hơn 9 thập niên lãnh đạo sự nghiệp
cách mạng, Đảng ta đã giáo dục, rèn luyện một lớp thế hệ cán bộ, đảng viên kiên
trung, hết lòng, hết sức phụng sự , phục vụ nhân dân, đặt lợi ích quốc
gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Có rất nhiều câu chuyện về lối sống cao
đẹp của cán bộ, đảng viên trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất
nước nhà. Điển hình như câu chuyện trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kể
về Bí thư Đảng ủy xã Tiến Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) nảy ra sáng kiến cho vật liệu
lót đường trước, rồi mới cho đất đá vào thì đường mới chịu được sức nặng của
đoàn xe. Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã đã triệu tập đảng viên họp và yêu cầu dỡ
nhà, chặt tre lót đường cho xe qua. Được Đảng bộ xã hưởng ứng, đồng chí Bí thư
Đảng ủy xã về dỡ nhà mình trước. Khi dỡ nhà, có người đến hỏi: “Sao ông dỡ
nhà?”. Đồng chí trả lời: “Vì miền Nam ruột thịt, vì chiến trường đang thiếu vũ
khí chiến đấu, tôi không thể đứng nhìn đoàn xe không qua được. Xe chưa qua, nhà
không tiếc!”. Sau đó, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã cho người nhà cùng với bộ đội,
thanh niên xung phong, vác gỗ, tre ra để làm nền đường.
Những tình cảm, trách nhiệm vì dân, vì
nước vẫn được phần đông cán bộ, đảng viên giữ gìn, phát huy trong thời đại mới.
Tuy nhiên, những năm qua, cũng đã xuất hiện một bộ phận cán bộ, đảng viên có
lối sống thực dụng. Một trong những biểu hiện dễ thấy của người cán bộ, đảng
viên có lối sống này là sống vị kỷ, xem lợi ích của mình là tối thượng, “miễn
là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Những người này thường “vui trước thiên hạ, lo
sau thiên hạ”, họ luôn tìm mọi cách thu vén, thậm chí tranh đoạt lợi ích cho
riêng mình, bất chấp việc đó có ảnh hưởng đến người khác và tập thể hay không.
Cán bộ, đảng viên có lối sống thực dụng
thường có tham vọng rất lớn, hám công danh, địa vị; họ tìm mọi cách để đạt được
mục tiêu chính trị, leo lên các vị trí chức vụ cao, sẵn sàng “chạy” dưới mọi
hình thức để dễ bề kiếm chác. Trong công việc, ngoài mặt thì họ tỏ ra tích cực,
trách nhiệm, nhưng đằng sau đó, họ lại làm cho xong việc, làm cho có, cốt “đánh
trống ghi tên”; khi gặp khó khăn, người có lối sống thực dụng thường dễ thoái
chí, bàn lui, không dám làm, tìm cách đùn đẩy, co cụm sống trong “khoảng an
toàn”; khi có thành tích thì tranh công, khi có khuyết điểm thì tìm cách đổ
lỗi, không dám nhận trách nhiệm về mình. Thậm chí, người có chức vụ, quyền hạn
đã dung dưỡng, bao che cho sai trái, tiêu cực, từ đó tạo ra những nhóm lợi ích
để trục lợi. Trong ứng xử, người có lối sống thực dụng chỉ chú tâm vào mối quan
hệ đem lại giá trị cho họ, các mối quan hệ có giá trị lợi dụng càng lớn thì
càng tỏ vẻ chặt chẽ, thân thiết, nhưng khi mối quan hệ đó không còn mang lại
lợi ích cho họ thì nhanh chóng nhạt phai.
Trong những dịp được gặp gỡ, trò chuyện
với các thế hệ đảng viên đi trước, khi được hỏi về lối sống thực dụng hiện nay,
các bậc tiền bối đều cảm thấy lo lắng về tác hại của lối sống này đối với cán
bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên trẻ. Nhiều đảng viên lão thành từng
cảnh báo rằng, nếu cán bộ, đảng viên có lối sống thực dụng sẽ rất nguy hại với
tổ chức, với sự nghiệp cách mạng của Đảng, làm giảm uy tín, hình ảnh của cán
bộ, đảng viên trong lòng nhân dân, phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, khóa
XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Nguy hiểm nhất là sự phai nhạt
lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao
động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút
về ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh;
thậm chí còn phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không
còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được
giao”. Yếu tố tác động, gây ra tính chất nguy hiểm trên đều có sự “góp mặt” của
lối sống thực dụng đã và đang hiện hữu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Lối sống thực dụng bắt đầu hình thành từ
trong tư tưởng, nhận thức, đến một giai đoạn nhất định, nó sẽ được thể hiện
thông qua hành động của chủ thể. Từ chỗ cán bộ, đảng viên sẵn sàng hy sinh lợi
ích cá nhân cho lợi ích của Đảng, của dân tộc, khi bị tác động bởi lối sống
thực dụng nếu không có sự trui rèn đạo đức, lối sống, con người bắt đầu xuất
hiện những tư tưởng đắn đo giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, giữa cống hiến
và hưởng thụ, từng bước tạo ra sự chuyển hóa từ bên trong, khiến cho người mang
lối sống này không còn là chính họ của ngày hôm qua.
Điều quan trọng nhất là cán bộ, đảng
viên, nhất là người đứng đầu các cấp nói phải đi đôi với làm, nêu gương về đạo
đức. Đây là hành động cơ bản thể hiện phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ,
đảng viên. Thực tế trong Đảng ta hiện nay, có không ít cán bộ, đảng viên nói
không đi đôi với làm, nói và làm có những khoảng cách, thậm chí trái ngược
nhau. Không ít quan chức tự cho mình cái quyền được nói “làm những điều tôi
nói, không được nói điều tôi làm”, thậm chí có người rất hay "lên
mặt" rao giảng, dạy dỗ người khác bằng những từ đại ngôn, hoa mỹ, nhưng
hành động, việc làm lại trái những nguyên tắc của Đảng, thậm chí còn làm ô danh
Đảng. Người cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, chỉ huy muốn thu
phục quần chúng, muốn quần chúng tin theo phải thực sự mẫu mực về phương pháp,
tác phong làm việc, lời nói gắn liền với việc làm, hành động cụ thể, mang lại
ích nước, lợi dân.
Mục tiêu, lý tưởng cách mạng của chúng
ta là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Để hiện thực hóa mục tiêu, lý tưởng
cao đẹp ấy, các thế hệ cha ông ta đã không tiếc xương máu hy sinh để giành và
giữ vững nền độc lập dân tộc, tạo cơ sở, tiền đề xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Chúng ta được sống trong hòa bình, có cơ hội phát triển toàn diện, những thành
tựu to lớn của đất nước hôm nay đã được viết bằng máu và nước mắt của biết bao
thế hệ người Việt Nam yêu nước, của lớp lớp cán bộ, đảng viên kiên trung với
lối sống cao đẹp, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Vì vậy,
rèn luyện và nâng cao đạo đức cách mạng, tận trung với nước, tận hiếu với dân,
làm mọi việc để góp phần cho nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc là lương
tâm, bổn phận, trách nhiệm, nghĩa vụ của thế hệ cán bộ, đảng viên hôm nay.
bài viết rất hấp dẫn
Trả lờiXóa