Thứ Hai, 28 tháng 8, 2023

ĐỊNH DANH CÁ NHÂN QUYỀN LỢI VÀ NGHĨA VỤ CỦA NHÂN DÂN TRONG THỜI ĐẠI SỐ

             Chúng ta đều biết rằng, khi người sử dụng đăng nhập mạng xã hội Facebook hoặc thư điện tử Gmail thì các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài (Facebook, Google) đều yêu cầu định danh người sử dụng thông qua các thông tin đã cung cấp khi đăng ký tài khoản… Dẫn chứng như vậy để hiểu rằng, khi tham gia sử dụng các dịch vụ qua mạng, nhà cung cấp (cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp) đều yêu cầu người dùng phải đăng ký định danh và xác thực điện tử.

Ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới triển khai định danh điện tử, bởi đây là yếu tố cần thiết cho sự phát triển của kinh tế – xã hội trên môi trường mạng. Thay vì việc sử dụng chứng minh thứ nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu… khi chuyển sang môi trường giao dịch điện tử, cần phải có những quy định pháp lý riêng để định danh chính xác một cá nhân, tổ chức trên môi trường mạng, đảm bảo sự an toàn, bảo mật cho người dùng. Nói một cách khác, định danh điện tử chính là sự chứng nhận về nhân thân của tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng.

Nhận thấy rõ điều đó, ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (viết tắt là Đề án 06).

Việc khai thác, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia, mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2022 - 2030.

Theo đó, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; Phục vụ công dân số; Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Như vậy, trong thời đại kỷ nguyên số đang bùng nổ trên toàn cầu, việc xây dựng hệ thống định danh điện tử vừa là quyền lợi, nghĩa vụ của mỗi công dân, vừa là yêu cầu cấp thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế số tại Việt Nam.

1 nhận xét: