Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2023

20. Góc khuất đằng sau vụ việc ở Đắk Lắk

 

Khi nói đến Tây Nguyên ta hình dung ngay đây là vùng đất bình yên và thơ mộng, nơi có núi rừng hoang sơ mà hùng vĩ, nơi có những cánh rừng đại ngàn xanh thẳm vút tầm mắt, nơi có những dải núi trải dài, những đường đèo dốc uốn lượn và dòng thác rì rầm tuôn chảy, nơi có những con người chất phát, mộc mạc, chịu thương, chịu khó làm ăn. Vậy mà hình ảnh đó bỗng chốc bị mờ đi bởi những ngày gân đây sự việc một nhóm người chưa rõ danh tính đã dùng súng, dao, bom xăng, lựu đạn tấn công trụ sở UBND xã Ea Tiêu và Ea Ktur, chúng đập phá nhà cửa, giết hại 9 cán bộ, người dân. Hành động của chúng vô cùng manh động và tàn bạo. Theo thông tin mới nhất từ Bộ Công an thì đến hết ngày 18/6/2023, các lực lượng chức năng và nhân dân địa phương đã bắt được 45 tên tham gia. Đây là sự việc hết sức đau lòng, trong khi cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra, chưa có kết luận chính thức, mạn phép không bình luận sâu về động cơ, mục đích của vụ việc nhưng qua những hình ảnh mà cơ quan có thẩm quyền đăng tải, chúng ta mường tượng về bản chất của vụ việc. Đây không đơn thuần là câu chuyện mâu thuẫn xã hội hay bức xúc về lợi ích kinh tế đơn thuần mà nó nhuốm màu chính trị sâu sắc.

Từ khi giành được độc lập Đảng và nhà nước ta luôn có những chính sách hỗ trợ, giúp người đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào Tây Nguyên; giúp nhân dân phát triển cả về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế và an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; rút ngắn khoảng cách giữa người miền xuôi và miền ngược. Đại đa số người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên được hưởng nhiều chính sách, chế độ của nhà nước, người dân các dân tộc anh em chăm chỉ làm ăn, sống đoàn kết, hữu hảo, không phân biệt, đối xử và ngày càng phát triển mọi mặt. Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung ngày càng thay da đổi thịt, nhân dân an yên, cùng nhau xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Thế nhưng các thế lực thù địch đã lợi dụng, lôi kéo một số người dân tin vào cái gọi là “nhà nước Đê Ga tự trị”, “Tây Nguyên là đất của người dân tộc thiểu số”… từ đó họ nuôi dưỡng kích động những người nhẹ dạ, cả tin ly khai, tự trị.

Ngược dòng lịch sử để tìm hiểu ngọn nghành vấn đề về “nhà nước Đê Ga tự trị”. Lịch sử ghi chép, năm 1471, Lê Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành, phá được thành Đồ Bàn, bắt sống vua Champa là Trà Toàn, sáp nhập 3 phần 5 lãnh thổ Champa thời đó vào Đại Việt. Hai phần Champa còn lại, được Lê Thánh Tông chia thành các tiểu quốc nhỏ thuần phục Đại Việt trong đó có Nam Bàn (Tây Nguyên ngày nay). Sau đó, các chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn thay nhau kế thừa và Tây Nguyên vẫn được xem như lãnh thổ không thể tách rời của đất nước ta. Trước năm 1471, Tây Nguyên vốn là địa bàn sinh sống của các bộ tộc thiểu số bản địa, chưa phát triển thành một quốc gia hoàn chỉnh, chỉ có những quốc gia mang tính chất sơ khai của người Êđê, Jrai, Mạ,...Vùng lãnh thổ này không hề có tranh chấp với bất bất kỳ quốc gia nào. Vậy nên câu chuyện một số người Campuchia theo chủ nghĩa dân tộc cựu đoan hiện nay hay một số thành phần thù địch xuyên tạc rằng Tây Nguyên vốn thuộc đất của Đế Quốc Khơ Me hay thuộc quốc gia tự trị ở khu vực này là điều phi lý, không có căn cứ.

Sau Hiệp ước Giáp Thân năm 1884, vua tôi nhà Nguyễn đã đầu hàng và dâng đất nước cho người Pháp. Nếu những ai am tường về lịch sử dân tộc thì hiểu rất rõ về âm mưu chia để trị của người Pháp khi chúng xâm lược và đô hộ nước ta trong quá khứ. Năm 1899, thực dân Pháp buộc vua Đồng Khánh ban dụ ngày 16 Tháng 10 trao cho họ Tây Nguyên để họ có toàn quyền tổ chức hành chính và trực tiếp cai trị các dân tộc thiểu số ở đây. Triều đình Huế chỉ giữ việc bổ nhiệm một viên quan Quản đạo có tính cách tượng trưng. Năm 1900, Toàn quyền Paul Doumer đích thân thị sáp Đà Lạt và quyết định chọn Đà Lạt làm thành phố nghỉ mát, bắt đầu sự can thiệp trực tiếp trên cao nguyên và cái gọi là “Đêga tự trị” có từ thời kỳ đó. Nghĩa là, việc chia tách Tây Nguyên ra khỏi cơ thể dân tộc Việt Nam là mưu đồ của người Pháp, họ không muốn đất nước ta đoàn kết vì đó là nguy cơ đối với họ. Sau khi thống nhất, năm 1976 sau khi chấm dứt chiến tranh Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam gọi chung vùng này là Tây Nguyên, gồm ba tỉnh Đắk Lắk (hình thành từ các tỉnh Đắk Lắk, Phú Bổn và Quảng Đức), tỉnh Gia Lai - Kon Tum (tỉnh Kon Tum sáp nhập với tỉnh Gia Lai) và tỉnh Lâm Đồng (sáp nhập tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Tuyên Đức). Chính quyền có chính sách di dân một số sắc dân từ Vùng Tây Bắc lên Tây Nguyên cũng như xây dựng các vùng kinh tế mới tại đây, tạo nên một Tây Nguyên đa bản sắc, Tây Nguyên của đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam.

Tây Nguyên là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh-quốc phòng của đất nước. Các thế lực thù địch, phản động từ lâu đã rất quan tâm đến vùng đất này, với mưu đồ chia cắt đất nước ta. Để thực hiện âm mưu thâm độc đó, chúng đã chỉ đạo thành lập “Nhà nước Đề Ga độc lập” ở bên ngoài, dùng tổ chức “Tin lành Đề Ga” làm công cụ phát triển lực lượng chống phá trong nước. Thời gian gần đây, nổi lên các hoạt động tái phục hồi, xây dựng các khung cơ sở phản động trong nước của tổ chức FULRO lưu vong làm bàn đạp tiến hành các hoạt động chống phá Nhà nước ta. FULRO là tên gọi tắt theo cách ghép những chữ cái đứng đầu các từ tiếng Pháp: Front Unifie de Lutte des Races Opprimees (Mặt trận thống nhất đấu tranh của các dân tộc bị áp bức), là một tổ chức chính trị phản động có vũ trang, đã tồn tại dai dẳng trong nhiều thập kỷ qua, câu kết với các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để chống phá cách mạng nước ta. Đó là tổ chức do các thế lực đế quốc nặn ra, nuôi dưỡng và chỉ đạo, nhằm mục đích chia cắt sự thống nhất đất nước, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc ở Việt Nam, ngăn chặn cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Mấy năm gần đây, mặc dù đã bị ta truy quét nhiều lần, tổ chức này vẫn tồn tại lay lắt, ngoan cố chống phá cách mạng và đã gây nhiều tội ác với đồng bào Tây Nguyên. Mới nhất là vụ việc đau lòng xảy ra tại Đắk Lắk.

Việc tước đi sinh mạng của 9 cán bộ chiến sĩ, người dân cho thấy sự manh động, tàn bạo, phi nhân tính của nhóm người có tổ chức, vũ trang và mang theo cả cái gọi là “cờ nhà nước Đê Ga”. Lâu nay cánh báo chí, những kẻ theo trào lưu “dân túy” luôn mồn rao giảng về cái gọi là “công an đánh dân”, “công an bảo vệ dân chứ không được đánh dân”…mỗi khi có vụ việc xảy ra thì chưa cần biết nguyên nhân nhưng hễ thấy công an trấn áp là y như rằng họ đăng lên các trang nhất, ra rả về chuyện nhân quyền. Xin thưa rằng, những kẻ gây ra tội ác ở Đắk Lắk nhất quyết là đám khủng bố, giết người bằng thủ đoạn tàn bạo kiểu trung cổ, kiểu Pôn Pốt chứ không dân nào lại tàn bạo, bất nhân và phi nhân tính như thế! Rồi đây chúng sẽ được đưa ra ánh sáng của pháp luật, sẽ bị trừng trị thích đáng về những gì chúng đã gây ra.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn yêu quý, xem đồng bào các dân tộc trong mái nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là máu thịt trong cơ thẻ chung của dân tộc Việt Nam; trong gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam họp tại Pleiku, ngày 19/4/1946, có đoạn viết: …“Ðồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, JRai hay Ê Ðê, Xơ Ðăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”. Nhân dân các dân tộc anh em Tây Nguyên nói riêng và toàn thể dân tộc Việt Nam với 54 thành viên là anh em một nhà, là máu thịt không thể tách rời. Đất nước đã thống nhất hơn 48 năm, ngoại bang xâm lược đã sạch bóng từ nửa thế kỷ nay; chúng ta không nên khơi lại quá khứ bị chia cắt, bị chia rẽ do ngoại bang gây nên! Kẻ thù dù có nham hiểm, chia rẽ nhưng nhất định chúng sẽ bị đánh bại bởi sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam./.

2 nhận xét:

  1. 54 dân tộc anh em luôn và mãi mãi đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng ta

    Trả lờiXóa
  2. Kẻ thù dù có nham hiểm, chia rẽ nhưng nhất định chúng sẽ bị thất bại bởi sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam.

    Trả lờiXóa