Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2023

NHẬN DIỆN ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH CHỐNG PHÁ CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

 

Trong thời gian qua, lợi dụng sự bùng nổ của khoa học công nghệ và xu thế toàn cầu hóa, lợi dụng sự mở rộng giao lưu, tiếp biến văn hóa của Đảng, Nhà nước ta, các thế lực thù địch đã và đang sử dụng mọi thủ đoạn chống phá trên lĩnh vực văn hóa, trong đó văn hóa truyền thống được chúng coi là một trọng điểm. Trên các nền tảng mạng xã hội, chúng đã lập ra nhiều trang, nhóm phản động, đăng tải nhiều bài viết xuyên tạc về các giá trị văn hóa truyền thống ở nước ta. Bên cạnh đó, chúng triệt để sử dụng mạng Internet và các phương tiện truyền thông để du nhập, cổ xúy cho các loại hình văn hóa ngoại lai, độc hại; tiêm nhiễm các loại hình văn hóa này vào một bộ phận giới trẻ, trong đó có quân nhân trong Quân đội. Sự chống phá này đã tạo ra hệ lụy không hề nhỏ, là một thứ “giặc nội xâm” đã và đang làm băng hoại thuần phong mỹ tục, giá trị truyền thống của dân tộc. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, việc bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống trước sự chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng hiện nay đang là vấn đề cấp bách.

Nhận thức được vai trò to lớn của văn hóa, đặc biệt là văn hóa truyền thống, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làm nguồn động lực, sức mạnh to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Văn hóa phải phục vụ nhiệm vụ chính trị và ở trong chính trị; chỉ khi chính trị, xã hội được giải phóng thì văn hóa mới được giải phóng. Người chủ trương "Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Văn nghệ sỹ là chiến sỹ trên mặt trận ấy". Năm 1943, Đề cương về Văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo, cũng nêu rõ: Xây dựng một nền văn hóa mới "lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở".

Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, việc bảo tồn, phát huy, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc vẫn luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm. Đặc biệt, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra ngày 24 tháng 11 năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng với chủ đề: “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Trong đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn...” .

Trở lại với âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng đối với lĩnh vực văn hóa truyền thống. Chúng lợi dụng không gian mạng để du nhập, cổ xúy văn hóa ngoại lai, độc hại, truyền bá các sản phẩm có tính chất xấu độc, làm xói mòn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc để tác động vào tâm lý, sở thích, kích thích những ham muốn vật chất của mỗi người dân, từng bước làm thay đổi các thang giá trị xã hội, đạo đức, lối sống, làm cho một bộ phận nhân dân chạy theo lợi ích vật chất, quay lưng lại với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Từ lĩnh vực văn hóa chuyển hóa dần sang lĩnh vực chính trị, hình thành ý thức chống đối về chính trị, chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa, cho rằng các giá trị văn hóa Việt Nam không có gì và là sự “đạo nhái” của văn hóa Trung Quốc... Chúng thường dùng các thủ đoạn rất nham hiểm, như tiếp xúc với những người đã từng vi phạm pháp luật, rồi vờ đồng cảm để kích động người dân đấu tranh đòi công bằng. Chúng coi những người có tư tưởng bất mãn, chống đối ở lĩnh vực văn hóa là những người tiến bộ, đại diện của nền văn hóa hiện đại, rồi tổ chức tọa đàm, livestream để tôn vinh hoặc trao những “giải thưởng” mà chúng tự nghĩ ra. Tiếp đó, các thế lực thù địch sẽ tìm mọi cách để dụ dỗ, mua chuộc, thậm trí cung cấp tiền của cho các tượng này, từng bước khống chế, buộc nói và làm theo ý muốn của chúng.

Nhận diện những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, để góp phần bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống, đấu tranh, ngăn chặn những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trên không gian mạng, thiết nghĩ chúng ta cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:

Trước hết, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức toàn diện cho cán bộ, đảng viên, nhân viên, chiến sĩ và quần chúng nhân dân về tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là giải pháp rất quan trọng để làm chuyển biến về nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về nhiệm vụ, giải pháp, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa truyền thống nói riêng. Tập trung giáo dục, quán triệt sâu sắc Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ  quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/06/2014 của Ban Chấp hành Trung Ương Đảng Khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ mới được cụ thể hóa trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.

Hai là, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các giải pháp công nghệ, giáo dục ý thức sử dụng và xử lý nghiêm các vi phạm trên không gian mạng. Đây là giải pháp hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay, bởi phát triển và ứng dụng dịch vụ internet, không gian mạng vào các lĩnh vực của đời sống xã hội ở Việt Nam là một xu thế tất yếu, mang lại nhiều giá trị đích thực. Song, những mặt trái, tiêu cực của không gian mạng cũng đặt ra yêu cầu và thách thức không nhỏ cho công tác quản lý; đòi hỏi cần đẩy mạnh thực hiện những giải pháp công nghệ như: Cung cấp thông tin chính thống; quản lý, bảo vệ thông tin cá nhân; kỹ thuật dự báo, phân tích điều tra, ngăn chặn, bóc gỡ, khóa tài khoản của đối phương. Kiên quyết xử lý nghiêm, hiệu quả, có tính răn đe cao đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật khi tham gia mạng xã hội trên lĩnh vực văn hóa, nhất là đối với những người nổi tiếng, có sức lan tỏa, ảnh hưởng trong xã hội. Coi đây là biện pháp chủ đạo để đấu tranh, ngăn chặn và bảo vệ giái trị văn hóa truyền thống của dân tộc trên không gian mạng.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật và chủ động hợp tác quốc tế để trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý mạng xã hội. Đây là giải pháp quan trọng để hoàn thiện chính sách pháp luật và phát huy sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đảng, Nhà nước cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật cho phù hợp, nhất là trên không gian mạng và chú ý đến tính đặc thù của hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực công tác trong lĩnh vực văn hóa và các nghệ sĩ, nghệ nhân… đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Tăng mức đầu tư một cách hợp lý từ ngân sách nhà nước và các nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa truyền thống.

Đối với các đơn vị quân đội cần đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa tốt, đẹp, lành mạnh, phong phú trong Quân đội, gắn với Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới, Nghị quyết 847-NQ/QUTW ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới; quan tâm chăm lo xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp lành mạnh của quân nhân; nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế và hình thái hoạt động văn hóa trong đơn vị.

1 nhận xét:

  1. Chúng ta phải nâng cao cảnh giác với các luận điệu chống phá của các thế lực thù địch; đồng thời tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn hiểm độc, tinh vi của chúng.

    Trả lờiXóa