Thứ Hai, 24 tháng 4, 2023

 BÁC BỎ LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CỦA PHẠM TRẦN VỀ TỰ DO TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM

Xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam là một trong những hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Chúng thường tán phát những tài liệu xuyên tạc trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên mạng xã hội. Bài viết “Việt Nam có tự do tôn giáo không” của Phạm Trần đăng trên trang “Doithoaionline” là một trong số đó.

Thứ nhất, hướng lái dư luận nhận thức sai lệch về tình hình tôn giáo ở Việt Nam

Phạm Trần nhận định: những nội dung mà các trang báo chính thống ở Việt Nam đăng tải về “diễn biến hòa bình” nói chung, về các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng nói riêng là “nói ngược”, “đặt điều”, “vu oan”, “vu khống”, “cáo buộc”, “xuyên tạc”, “chụp mũ” các tổ chức quốc tế, cá nhân, tổ chức độc lập, chống đối Đảng, Nhà nước. Từ đó, y cho rằng, làm như vậy là cạm bẫy với dân, “tuyên truyền sai trái” hay “hạ thấp sự hiểu biết của người dân về tình hình trong nước”. Người dân muốn thoát khỏi “cạm bẫy” đó thì phải “kiếm tìm sự thật” trong Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình hình tự do tôn giáo, tình hình nhân quyền ở Việt Nam….

Đây là sự lừa phỉnh, hướng lái dư luận nhận thức sai lệch về tình hình tôn giáo ở nước ta. Nhân dân ta đều đồng tình, thừa nhận rằng, quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa bên cạnh những thuận lợi cũng có nhiều thách thức, nguy cơ, trong đó có sự chống phá quyết liệt, tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch, phản động. Âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, được các thế lực thù địch tiến hành trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, tôn giáo là một mũi nhọn, là “ngòi nổ” để chống phá cách mạng nước ta. Việc truyền thông nước ta đăng tải những nội dung đó là hết sức cần thiết để người dân có hiểu biết, nhận thức đúng về vấn đề này, đoàn kết, lên án, đấu tranh làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn chống phá của chúng. Những nội dung mà các phương tiện thông tin đại chúng, trang báo chính thống đăng tải phản ánh đúng thực tiễn tình hình đất nước nói chung, về tôn giáo nói riêng, là “sự thật”, là tiếng nói của dân tộc, văn hóa, con người Việt Nam. Đó là địa chỉ tin cậy để mọi người khai thác, định hướng cả tư tưởng và hành động, quán triệt và thực hiện đúng quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Còn thông tin từ các báo cáo của Mỹ cũng như một số tổ chức quốc tế, đặc biệt về tự do, dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo ở Việt Nam thì không chỉ người dân Việt Nam mà dư luận thế giới đều biết. Nguồn thông tin cung cấp không phản ánh đúng thực tế, mà chủ yếu thu thập từ những cá nhân, tổ chức có tư tưởng và hành động chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa hay từ những phần tử bất mãn, thoái hóa, biến chất, không thể là đại diện cho tiếng nói của người Việt Nam. Hơn nữa, các báo cáo này lợi dụng “tự do” để đưa ra những nhận định sai lệch, thiếu căn cứ nhằm can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ nước ta. Họ không đủ tư cách phán xét về “tự do tôn giáo”, “theo dõi đặc biệt” về tôn giáo hay dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam khi mà những vấn đề đó chính họ lại vi phạm nghiêm trọng.

Thứ hai, xuyên tạc tự do tôn giáo ở Việt Nam

Bài viết xuyên tạc rằng “Việt Nam chỉ có tự do trên giấy”, có thì chỉ dành cho các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận, cấp đăng ký hoạt động. Đảng, Nhà nước “đối xử bất xứng và kìm kẹp hoạt động” đối với cá nhân, tổ chức tôn giáo không gia nhập các tổ chức tôn giáo trên, có các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và “luôn là mục tiêu theo dõi, giám sát và chống phá của Nhà nước”. Đây hoàn toàn là những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, vu khống Đảng, Nhà nước ta trong lĩnh vực tôn giáo.

Ở Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được bảo đảm cả về mặt pháp lý lẫn thực tiễn, đặc biệt là trong thực tiễn. Tại Điều 24, Chương II, Hiến pháp 2013 quy định: Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, có những chủ trương, chính sách đúng đắn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo hoạt động đúng pháp luật và đường hướng hành đạo đã xác định. Đi đôi với đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người, Đảng, Nhà nước ta cũng kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa như: trục lợi, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở, phá hoại cuộc sống yên bình của người dân (trong đó có đồng bào theo đạo). Đây là đối tượng mà Phạm Trần cho là không có “tự do tôn giáo”, vu khống Đảng, Nhà nước ta phân biệt, đối xử. Dư luận đều biết rõ về những vụ việc, tổ chức và cá nhân này. Họ thường có những hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, câu kết chặt chẽ với các thế lực phản động ở nước ngoài tán phát các tài liệu phản động, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tập hợp lực lượng chống đối, gây rối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội nói chung, sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào có đạo nói riêng. Xét ở khía cạnh này cho thấy, họ đã không làm gì cho đất nước, làm cho người dân được bình an, hạnh phúc mà chỉ làm những việc trái với luân thường đạo lý, truyền thống văn hóa dân tộc, gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phá hoại sức khỏe, sự nghiệp, tiền tài của biết bao gia đình. Ở bất cứ quốc gia nào cũng như ở Việt Nam, công dân phải tuân thủ hiến pháp và pháp luật. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo là công dân Việt Nam nếu có những hành động cản trở công cuộc đổi mới, không “ích nước, lợi dân” đều bị xử lý theo pháp luật. Các cá nhân, tổ chức trên bị xử lý vì vi phạm pháp luật, không phải vì họ theo tôn giáo này hay tôn giáo khác hoặc không theo tôn giáo nào. Mỗi chúng ta cần nêu cao cảnh giác, nhận diện và đấu tranh bác bỏ những âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam như Phạm Trần và đồng bọn./.

1 nhận xét:

  1. Chúng ta phải đấu tranh mạnh mẽ chống lại các luận điệu xuyên tạc, chống phá Việt Nam của bọn phản động và các thế lực thù địch

    Trả lờiXóa