Luật Đất đai là một đạo luật khó,
phức tạp, tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, chủ thể trong xã hội, do
đó, việc lấy ý kiến nhân dân sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng để tiếp tục
nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ
hai tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023). Việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất
đai (sửa đổi) sẽ được tiến hành từ ngày 3/1 đến hết ngày 15/3/2023.
Vậy nhưng trong những ngày qua
trên các trang mạng của các lực lượng thù địch, phản động đăng nhiều các tin
bài hòng tạo sự hoang mang, hoài nghi của quần chúng nhân dân đối với dự thảo
Luật Đất đai (sửa đổi). Đặc biệt ngày 17/3/2023 trên trang VOA Tiếng Việt đăng
bài “Việt Nam sửa đổi Luật đất đai, liệu có bớt được dân oan và tham nhũng”.
Đây là luận điệu hết sức thâm độc, nham hiểm hòng vu khống và bịa đặt đối với
các chủ trương, chính sách của Đảng ta nói chung và mục đích của việc sửa đổi
luật đất đai nói riêng.
Tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ
năm Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa cũng đã đặt ra nhiệm vụ hoàn thiện pháp luật về đất
đai để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả đất đai, khắc phục tình trạng
tranh chấp, khiếu kiện, tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực này; công khai,
minh bạch việc quản lý, sử dụng đất công; tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ,
nâng cao hiệu quả sử dụng đất giao cho các cộng đồng và doanh nghiệp nhà nước;
tạo thuận lợi cho việc chuyển nhượng hoặc cho thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng
giá trị quyền sử dụng đất; hỗ trợ tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển
công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn và nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghệ
cao, gắn với bảo đảm việc làm và thu nhập bền vững của nông dân, giữ vững ổn định
chính trị - xã hội ở nông thôn.
Mục đích của việc tổ chức lấy kiến
nhân dân nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý
chí, nguyện vọng của nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù
hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả
thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai
đoạn mới. Tạo sự thống nhất và đồng thuận của nhân dân đối với chủ trương, đường
lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai. Nâng cao nhận thức,
ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc
hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, phù hợp với thể chế phát triển nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trước những luận điệu xuyên tạc hết
sức thâm độc của các thế lực thù địch, mỗi bạn đọc hãy luôn cảnh giác, không để
bị chúng dẫn dắt, lôi kéo. Tin tưởng vào công cuộc đổi mới đất nước dưới sự
lãnh đạo của Đảng. Tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào các chủ trương chính
sách của Đảng, xây dựng Nhà nước Việt Nam pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân,
do dân và vì dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét