Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2023

 

LẠI BÀN VỀ TIẾN SĨ Ở VIỆT NAM

 

          Theo thống kê của Bộ Giáo dục – Đào tạo, năm học 2020 - 2021, đào tạo trình độ tiến sĩ ở Việt Nam tuyển được 1.735. Tính đến thời điểm tháng 11/2022, quy mô đào tạo tiến sĩ của cả nước là 8.933 nghiên cứu sinh ở tất cả các lĩnh vực và ngành đào tạo. Trong khi đó, ở một số nước khác như Trung Quốc, chỉ riêng trong lĩnh vực kỹ thuật (engineering), số tuyển mới năm 2020 tại các trường đại học công lập ở nước này là 195.850 nghiên cứu sinh; ở Israel, năm học 2020 - 2021 con số này là 11.855 nghiên cứu sinh tiến sĩ. Theo thống kê năm 2016 của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, Mỹ có 3.609.000 Tiến sĩ trên 322 triệu dân và con số tuyển sinh hằng năm luôn đạt trên 60.000 nghiên cứu sinh, gấp đôi so với quốc gia xếp thứ 2 là Đức.

          Hiện nay, mục tiêu và chuẩn đầu ra trình độ tiến sĩ của Việt Nam đã được quy định theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định 1982/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ). Theo đó, về cơ bản gần như tương thích và phù hợp với Khung tham chiếu các trình độ ASEAN và Khung trình độ Châu Âu, bảo đảm những người được đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ sau khi tốt nghiệp được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, mức tự chủ và trách nhiệm để bắt đầu triển khai và tiến hành các nghiên cứu khoa học một cách độc lập. Nếu so sánh số lượng và tỷ lệ Tiến sĩ ở Việt Nam trên tổng số dân thì con số này quả thực chưa là gì so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới nếu như không muốn nói là rất thấp.

          Một số người có thể cho rằng sự so sánh này là khập khiễng nếu so sánh bình quân đầu người số Tiến sĩ ở Việt Nam với một số quốc gia phát triển. Tuy nhiên, dựa vào sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân về tính chất của học vị Tiến sĩ, ngày 06 tháng 3 năm 2023 vừa qua, trên trang Facebook của mình, Việt Tân đã mượn ý bài thơ của Nguyễn Khuyến để rêu rao tình trạng “Tiến sĩ giấy” ở Việt Nam hiện nay.

          Trước hết, chúng ta cần hiểu rằng, cũng giống như các quốc gia khác trên thế giới, ở Việt Nam, Tiến sĩ chỉ đơn giản là một người học xong đại học, được nhận vào làm nghiên cứu sinh, chọn một đề tài, tham gia nghiên cứu, rồi viết luận án và bảo vệ... vậy là đã có một tiến sĩ. Một tiến sĩ sẽ có trình độ chuyên sâu về một ngành nhất định. Quan trọng hơn là họ có khả năng nghiên cứu và tìm tòi sáng tạo trong ngành nghề đấy. Các trường đại học có chương trình nghiên cứu tiến sĩ được cấp phép, và họ phải có đủ cơ sở vật chất, cũng như đủ giáo sư trình độ và kinh nghiệm để giúp đỡ nghiên cứu sinh. Quá trình làm nghiên cứu sinh cũng rất tốn thời gian, chủ yếu là để họ có đủ thời gian để thí nghiệm, thực nghiệm các ý tưởng của mình.

          Các nghiên cứu sinh, trước khi thành tiến sĩ thường đã viết được vài bài báo cho các tạp chí chuyên khoa. Vì vậy nên ngày nay ta có tiến sĩ côn trùng học, tiến sĩ kĩ sư hệ thống, tiến sĩ tâm lí học, tiến sĩ văn khoa, tiến sĩ lịch sử và rất nhiều chuyên ngành khác. Các vị tiến sĩ này đều có "bằng thực", có thừa năng lực theo tiêu chí được công nhận tiến sĩ, nhưng yêu cầu họ đi tìm nguyên nhân vì sao cá chết hàng loạt ở Hồ Tây, vì sao san hô ở biển lại chết hàng loạt… thì thật vô duyên. Đừng bảo là đấy là không phải chuyên môn của họ, mà các tiến sĩ hóa học, tiến sĩ sinh học đâu phải ai cũng có thể xông vào tìm nguyên nhân cá chết.        Năm 2010,  khi công ty BP gây ra thảm họa tràn dầu ở vịnh Mexico, chính phủ Mỹ đã rất tích cực tìm cách làm ngưng dòng chảy, cũng như dọn dẹp dầu tràn, cứu hộ động vật… Nước Mỹ có rất nhiều tiến sĩ kỹ sư hoá, tiến sĩ kỹ sư môi trường, nhưng họ đâu có đi giúp dọn dẹp và xử lí thảm họa tràn dầu. Đấy không phải là việc của họ, nếu họ xông vào trong khi không được nhà nước yêu cầu, không được công ty hướng dẫn thì chỉ gây hại.

          Mặt khác, các công trình nghiên cứu tiến sĩ cũng phải tùy thuộc vào chuyên ngành mà đánh giá. Tôi có một người bạn làm Tiến sĩ Y khoa ở Đức, khi công bố tên đề tài của mình trước Hội đồng tuyển sinh về các tư thế quan hệ tình dục đồng giới nam đã khiến cả hội trường cười ngả nghiêng về mức độ nghe có vẻ vô ích của nó. Thế nhưng, anh ấy đã chứng minh cho Hội đồng nhận ra rằng chính những kiến thức nhỏ nhặt đó sẽ giúp cho con người ở những góc độ ít ngờ tới trong bảo vệ sức khỏe của cộng đồng LGBT.

          Còn các công trình nghiên cứu khoa học xã hội như nghiên cứu ngôn ngữ, nghiên cứu hành vi, văn hóa… đều có giá trị nhất định. Các nghiên cứu ngôn ngữ có thể giúp chúng ta hiểu được quá trình tiến hóa của ngôn ngữ và từ đó chỉ ra được những tập tính ngôn ngữ - vốn có ứng dụng rất cao trong lí luận và ảnh hưởng quần chúng. Các nghiên cứu về hành vi xã hội như nịnh hót cũng rất quan trọng, nó chỉ ra cách người ta tương tác trong một xã hội. Ở một số công ty, các nhân viên sang nước ngoài làm việc phải học lễ phép và văn hóa nước đó, bao gồm cả cách chào hỏi và khen tặng người khác... để có thể thành công trong công việc. Những kiến thức ấy không phải tự nhiên mà có. Các nhà nghiên cứu khoa học xã hội, bao gồm các tiến sĩ đã phải nghiên cứu rất nhiều mới rút ra được cái gì nên học. Học vị tiến sĩ cũng chỉ là chìa khóa, nó có thể mở được một vài ổ khóa chứ không phải mọi ổ khóa. Ngay cả khi cánh cửa đã mở, thì học vị tiến sĩ cũng không có giá trị gì khi người cầm nó không biết cách dùng những cơ hội mở ra trước mắt họ.

          Từ những nhận thức đó, chúng ta cần có cái nhìn chính xác về học vị Tiến sĩ và trò bịp bợm, gian manh của Việt Tân và các thế lực thù địch, dựa vào sự thiếu hiểu biết của một bộ phận nhân dân nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín nền giáo dục Việt Nam, xuyên tạc chủ trưởng đương lối của Đảng ta về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tổ quốc trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét