Thứ Hai, 20 tháng 3, 2023

Cuộc chiến ở Ukraine nhìn từ mạng xã hội

 


Mạng xã hội ở Việt Nam suốt mấy ngày gần đây nóng rực vì những bình luận trái chiều về cuộc chiến đang diễn ra tại Ucraina. Nhiều người bênh Nga, nhưng cũng có không ít người phê phán Putin một cách dữ dội. Các cuộc tranh luận đối kháng trên mạng xã hội (MXH) có lúc căng thẳng đến mức một số bạn bè Facebook “cắt đứt quan hệ ngoại giao” với nhau. Có chủ tút tuyên bố thẳng thừng: “Ai ủng hộ Putin là tôi block luôn đấy nhé”.

Những người phản đối việc Nga công nhận hai nước cộng hòa tự xưng Donesk, Lugansk và đưa quân vào đánh Ukraine cho rằng, việc tổng thống Putin dùng lí do an ninh nước Nga bị đe dọa do Ukraine theo Mỹ và phương Tây, phớt lờ lời kêu gọi của Nga không mở rộng NATO về phía Đông chỉ là một cái cớ để Nga phát động chiến tranh, xâm phạm thô bạo một quốc gia có chủ quyền. Điều này là không thể chấp nhận được và không thể đánh lừa được dư luận. Họ bảo rằng nếu ủng hộ Nga trong việc này sẽ tạo thêm một tiền đề xấu cho các nước lớn khác dùng sức mạnh để bắt nạt, xâm chiếm các nước nhỏ. Nhiều người gọi Putin là kẻ độc tài, là bạo chúa, là kẻ châm ngòi cho thế chiến thứ ba.

Ở chiều ngược lại, cũng có nhiều người ca ngợi hành động của tổng thống Putin, gọi ông là anh hùng, đã ra quyết sách rất kịp thời, đúng đắn. Họ cho rằng, nước Nga phải hành động chứ không thể ngồi yên mãi để cho Mỹ “làm mưa, làm gió” như trong suốt bao nhiêu năm qua. Một facebooker viết: “Tôi tin nước Nga đang phải tự cứu mình, chứ không tin vào truyền thông phương Tây. Ông Putin ra quyết sách rất kịp thời, đúng đắn. Tôi thích sự quyết đoán của tổng thống Putin. Một nước Nga kiêu dũng, dưới sự dẫn dắt sáng suốt và cứng rắn của Putin đã khiến Mỹ và phương Tây phải choáng váng”.

Mặc dù có nhiều quan điểm trái chiều trên MXH về tính đúng – sai trong quyết định của của tổng thống Putin đưa quân đội vào Ukraine, nhưng có một điểm mà hầu như đại đa số dân cư mạng đều có nhận định giống nhau. Đó là việc chính quyền nhà nước Ukraine những năm gần đây đã mắc sai lầm nghiêm trọng trong việc lựa chọn con đường đi cho dân tộc mình. Ở vị trí địa chính trị quan trọng, nhạy cảm như Ukraine và có lịch sử nhiều năm gắn bó với Liên Xô trước đây, hơn nữa lại có rất nhiều người Nga sinh sống lâu đời tại nhiều vùng đất giáp Nga, lẽ ra Ukraine phải lựa chọn cho mình một con đường phát triển khôn ngoan hơn, cân bằng hơn giữa Mỹ, phương Tây với người láng giềng anh em là nước Nga.

Từ năm 2014, các nhà lãnh đạo Ukraine đã phạm phải những sai lầm liên tiếp để dần trở thành một nhà nước ở vào thế đối đầu trực tiếp, đe dọa an ninh của Nga. Hơn thế nữa, nền kinh tế Ukraine ngày càng thụt lùi và phụ thuộc vào phương Tây. Từ một nước cộng hòa phát triển nhất của Liên Xô trước đây, Ukraine đã trở thành một trong những nước nghèo nhất châu Âu hiện nay. Để rơi vào tình thế “không thấy ai đến cứu mình” hiện nay, Ucraina chỉ nên tự trách mình.

Cư dân mạng cũng không quên so sánh trường hợp của Ucraina với Việt Nam. Từ bài học của Ucraina, mọi người càng thấy rõ đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, không tham gia liên minh quân sự, không dựa vào một nước này để chống nước khác mà Việt Nam đã lựa chọn là con đường khôn ngoan, nhìn xa, trông rộng.

Ông Carl Thayer, một chuyên gia nước ngoài nghiên cứu lâu năm và có uy tín về Việt Nam, có một nhận xét đáng chú ý: “Một trong những thành công lớn nhất của Việt Nam kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới là đã định hướng đường lối đối ngoại đúng đắn”. 

Trong suốt những năm qua, Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại này và đó chính là tiền đề vững chắc giúp Việt Nam duy trì được môi trường hòa bình, sự ổn định chính trị, xã hội để đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử như ngày hôm nay.

Từ nhiều năm nay, các thế lực cơ hội, thù địch luôn tìm mọi cách xuyên tạc đường lối đối ngoại Việt Nam. Chúng xuyên tạc rằng, chính sách đối ngoại độc lâp, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại cân bằng quan hệ với các nước lớn của Việt Nam là “di dây nguy hiểm”, “tự cô lập mình”, là “lạc hậu, không kịp thời”… Lợi dụng triệt để MXH, chúng giả danh thay mặt một bộ phận người sử dụng MXH “kiến nghị” lãnh đạo Việt Nam cần phải “chọn phe”, đi theo một nước lớn để bảo vệ độc lập và chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Sự chống phá đó đặc biệt nguy hiểm trong bối cảnh mâu thuẫn giữa Mỹ với Trung Quốc ngày càng trở nên sâu sắc, có lúc bên bờ vực xung đột, đe dọa hòa bình, ổn định tại khu vực.     

Những thành tựu phát triển của Việt Nam cùng với vai trò, vị thế quốc tế ngày càng lớn mạnh của đất nước và những bài học từ cuộc khủng hoảng tại Ucraina hiện nay chính là sự bác bỏ thuyết phục nhất đối với những thông tin, luận điệu xuyên tạc về đường lối đối ngoại Việt Nam của các thế lực chống phá.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét