Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2023

 

CẢNH GIÁC VỚI NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ CÔNG TÁC CÁN BỘ

Từ nhiều năm nay, mỗi khi Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội thực hiện các quy trình, thủ tục miễn nhiệm, bổ nhiệm đối với một số đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước theo quy định của pháp luật và Điều lệ Đảng, làn sóng tuyên truyền xuyên tạc về công tác cán bộ lại rộ lên…

Sự kiện đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước đã được dư luận đặc biệt quan tâm. Tuyệt đại đa số nhân dân đều hoan nghênh sự lựa chọn đúng đắn của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội trong việc giới thiệu và thay mặt nhân dân bỏ phiếu bầu người đứng đầu Nhà nước. Đồng chí Võ Văn Thưởng là cán bộ cấp cao của Đảng được đào tạo bài bản, có năng lực, uy tín và kinh nghiệm công tác, đã kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng của Trung ương và địa phương.

Đặc biệt, phát biểu sau Lễ Tuyên thệ nhậm chức của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gây dấu ấn sâu đậm trong tâm trí người dân Việt Nam về một vị đứng đầu Nhà nước khiêm tốn, dung dị, tôn trọng nhân dân. “Tôi may mắn trưởng thành trong nghĩa Đảng, tình dân, được truyền cảm hứng từ bàn tay, khối óc, sự cần cù, chịu thương chịu khó và nỗ lực vươn lên của người dân ở cả 3 miền đất nước. Tôi luôn tâm niệm phải nỗ lực, cố gắng để làm nhiều hơn nữa những điều có ích, kiên trì theo đuổi những giá trị tốt đẹp" - Chủ tịch nước nói.

Có lẽ chúng không biết hoặc cố tình không muốn biết về quy trình bầu Chủ tịch nước tại kỳ họp Quốc hội vừa qua theo đúng Hiến pháp năm 2013.

Điều 87 của Hiến pháp quy định rõ “Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội”. Theo quy định của Hiến pháp, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước.

Tại phiên họp toàn thể vừa qua, Quốc hội đã nghe Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày tờ trình về việc bầu Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026. Sau khi thảo luận tại Đoàn, Quốc hội nghe Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận ở Đoàn và kết quả phiếu xin ý kiến về nhân sự bầu chức vụ Chủ tịch nước. Tiếp đó, Quốc hội thông qua danh sách bầu Chủ tịch nước đối với đồng chí Võ Văn Thưởng và biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau đó, Tổng Thư ký Quốc hội trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc bầu Chủ tịch nước. Quốc hội đã thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước đối với đồng chí Võ Văn Thưởng với kết quả 487/488 đại biểu Quốc hội (98,38%) tán thành.

Trước đó, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã họp và nhất trí giới thiệu đồng chí Võ Văn Thưởng để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Như vậy, Đảng không làm thay Nhà nước, không làm thay Quốc hội. Trình tự bầu Chủ tịch nước theo đúng quy định của Hiến pháp, không hề có việc ”vi hiến” như những lời bịa đặt, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Thực ra, âm mưu xuyên tạc công tác cán bộ của các thế lực thù địch không có gì mới. Trước đó, mỗi khi Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội thực hiện các thủ tục miễn nhiệm, bổ nhiệm đối với một số đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước theo quy định của pháp luật và Điều lệ Đảng, làn sóng tuyên truyền xuyên tạc lại rộ lên. Chúng tung lên không gian mạng nhiều sản phẩm dưới các hình thức như bài viết, video, phỏng vấn trực tuyến, tọa đàm... với các nội dung xuyên tạc, cho rằng: Môi trường chính trị ở Việt Nam đang có biến động lớn bởi sự “độc tài”, “độc đoán” của chế độ “Đảng trị”...

Thế nhưng luận điệu xuyên tạc công tác cán bộ của các thế lực thù địch lần này lại ẩn chứa thêm nhiều nội dung nguy hiểm, pha trộn giữa thông tin giả và thông tin thật rồi suy diễn, cắt cúp theo chủ ý cá nhân để gây ra sự hoài nghi của công chúng.

 

 

 

 

 

 

 

CẨM NANG VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC!

Vừa qua, Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia- Sự thật tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “ Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” vào dịp Xuân Quý Mão 2023 nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực(2013-2023). Có thể khẳng định rằng, ngay sau khi cuốn sách được ra mắt thì đã đón nhận sự hoan nghênh của các tầng lớp nhân dân ở trong nước , kiều bào ta ở nước ngoài cũng như sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Song, một số tổ chức và cá nhân không có thiện chí với Việt Nam từ nhiều năm qua đã xuyên tạc, phủ nhận quy kết lợi dụng cuộc đấu tranh này để Đảng “ thanh trừng nội bộ” hoặc ngay trong nước ta cũng có ý kiến cho rằng nếu quá tập trung vào chống tham nhũng, tiêu cực sẽ làm “ nhụt chí”, “ chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, thậm chí làm “ chậm đi sự phát triển của đất nước”…Vậy thực tế cuốn sách trên ra đời có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay?

Thực tiễn đã chứng minh rằng, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đặc biệt đã từng bước củng cố và giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Mục tiêu của “ cuộc chiến” này là làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước, thúc đẩy đất nước ta tiếp tục phát triển. Đây là cuộc đấu tranh chống “ giặc nội xâm”, không phải là cuộc đấu giữa các “phe cánh”, “ đấu đá nội bộ” và càng không ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng cuốn sách của Tổng Bí thư chính là “ Cẩm nang” về phòng, chống tham nhũng.

Như chúng ta đều rõ tham nhũng là “ khuyết tật bẩm sinh của quyền lực” mà ở thời kỳ nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có. Ở Việt Nam, cùng với những thành tựu của sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo 37 năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử thì tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn biến vô cùng phức tạp và ngày càng tinh vi, là một trong những nguy cơ đe dọa vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Cuốn sách có 619 trang, với gần 100 hình ảnh minh họa, được chia làm ba phần mang ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Phần thứ nhất của cuốn sách làm rõ nhận định: “ Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược”, phản ánh toàn diện chặng đường 10 năm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khẳng định những bước tiến quan trọng trong “ cuộc chiến” chống “ giặc nội xâm” dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, quyết liệt của Đảng, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ , đồng tình của các tầng lớp nhân dân; đồng thời xác định rõ những việc phải làm và cách thức tiến hành để tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới. Phần thứ hai, thể hiện sự nhất quán với phương châm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ rất sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc được thể hiện trong các bài viết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ nhiều năm qua của Tổng Bí thư. Phần thứ ba, tập hợp gần 100 bài viết từ hàng vạn ý kiến của các tầng lớp nhân dân trong nước , của các đại biểu Quốc hội, của kiều bào và các bạn bè quốc tế đối với cuộc đấu tranh này mà Đảng đang lãnh đạo tiến hành ngày càng có hiệu quả thiết thực.

Như vậy, cuốn sách của Tổng Bí thư chính là Cẩm nang về cuộc đấu tranh đầy cam go và quyết liệt này. Đó là những hướng dẫn, chỉ đạo của người đứng đầu Đảng trong cuộc chiến đấu có thể nói là “ Dữ dội những chiến trường không tiếng súng”để góp phần làm cho Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo nhân dân xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh và hạnh phúc./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NHẬN DIỆN ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN PHÁ HOẠI NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG TRONG THỜI ĐẠI SỐ

Cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái thù địch hiện nay đối diện nhiều khó khăn, phức tạp do việc các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội chính trị triệt để lợi dụng công nghệ số để xuyên tạc, hướng lái, lan toả thông tin xấu độc với các thủ đoạn nguy hiểm.

Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ nhằm tận dụng đa dạng các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là các mạng xã hội, xuất bản báo chí điện tử ở nước ngoài. Tài trợ cho một số cơ quan báo chí nước ngoài chống phá Việt Nam (như VOA tiếng Việt, RFA, RFI, BBC Việt ngữ, HRW...) để tuyên truyền quan điểm đa nguyên, đa đảng, hạ bệ uy tín lãnh tụ, gây nghi kỵ, chia rẽ nội bộ; triệt để khai thác các sự kiện chính trị, ngoại giao, những vấn đề nhân sự, nội bộ với các thông tin chưa được kiểm chứng để mở các chiến dịch tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước ta.

Thời gian qua, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, hình thức thể hiện của tự do ngôn luận có sự biến đổi lớn. Internet, mạng xã hội trở thành công cụ phổ biến để mọi cá nhân, tổ chức bày tỏ quan điểm, tư tưởng, truyền bá thông tin, thể hiện quyền tự do ngôn luận. Sức lan tỏa và ảnh hưởng của nó rất mạnh mẽ và nhanh chóng, tạo được sự chú ý, quan tâm theo dõi của số đông người dân, nhất là những người có ảnh hưởng trong xã hội. Tình trạng các hội, nhóm chia sẻ những thông tin tiêu cực, thông tin sai trái, tin không rõ nguồn, chưa được kiểm chứng… xuất hiện trên không gian mạng có xu hướng ngày càng gia tăng gây tác động xấu đối với người sử dụng mạng nói riêng và việc giữ gìn an ninh, trật tự xã hội nói chung.

Thực tế này đang đòi hỏi các cơ quan chức năng cần sớm có các biện pháp ngăn chặn hiệu quả cũng như đặt ra yêu cầu mỗi người dân khi tham gia mạng xã hội phải hết sức tỉnh táo để không trở thành nạn nhân của "thế giới ảo". Thông qua các hội, nhóm, người dùng có thể tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm, đăng tải hay lan truyền thông tin, hình ảnh thông qua tài khoản cá nhân của mình. Điều này mang đến những nguy cơ khi quyền này bị lạm dụng, nhất là khi những người đăng tải thông tin trên không gian mạng có quan điểm sai trái, thái độ cực đoan, có tư tưởng kỳ thị, nhận thức pháp luật chưa đầy đủ dẫn đến bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo, kích động. Hoặc vì động cơ cá nhân, một số trường hợp đã đăng tải thông tin sai sự thật, xâm phạm đến lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Thông qua các nền tảng không gian mạng trong thời đại số, các thế lực thù địch sử dụng những tin, bài, hình ảnh của báo chí chính thống trong nước, sau đó tô vẽ thêm bớt, đưa ra những nội dung thật giả lẫn lộn, sai lệch để đưa lên mạng xã hội. Chúng lập ra những trang/tài khoản núp dưới danh xưng của các cơ quan của Đảng, Chính phủ, lãnh đạo cấp cao nhằm lôi kéo tâm lý hiếu kỳ của công chúng, đánh vào khoảng trống thông tin mà báo chí chính thống trong nước chưa đăng tải hoặc cần thời gian kiểm duyệt thông tin; ngụy tạo các bài viết dưới những tiêu đề giật gân liên quan đến những vấn đề đang được dư luận quan tâm… Những thủ đoạn lợi dụng nền tảng số nêu trên của các thế lực thù địch, phản động, phần tử bất mãn đã dẫn dụ và lừa dối được một bộ phận người dân, nhất là những người có tâm lý hiếu kỳ, tò mò muốn dò tìm các thông tin không chính thống. Những cái “bẫy thông tin” mà các đối tượng thù địch, phản động, tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam tung ra cũng đã khiến cho nhiều người nước ngoài không phân biệt được thật giả và bị những dòng thông tin sai lệch này dẫn dắt.

Thực tế, những quan điểm thù địch, xuyên tạc bản chất của Nhà nước Việt Nam XHCN hướng tới mục tiêu làm thay đổi bản chất dân chủ của Nhà nước, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước nhằm làm chệch hướng. Bên cạnh các quy định của pháp luật, các biện pháp quản lý không gian mạng từ cơ quan có thẩm quyền thì vai trò của dư luận xã hội trong việc định hướng và điều chỉnh hành vi đạo đức của con người thông qua cơ chế giám sát cũng hết sức cần thiết. Cần nâng cao bản lĩnh, năng lực dự báo, định hướng, đảm bảo sự lãnh đạo tập trung, thống nhất để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhất là sức mạnh tổng hợp của các “binh chủng” công tác tư tưởng để thực hiện thắng lợi đồng thời cả hai mục tiêu: Bảo vệ, phát triển, vận dụng sáng tạo nền tảng tư tưởng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao trách nhiệm của người sử dụng mạng internet, nâng cao khả năng nhận thức và năng lực tự sàng lọc thông tin của người dân và cộng đồng, hình thành thói quen hành xử tích cực trên môi trường mạng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét