Cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch
Thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã xem xét
nguyện vọng và cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác, nghỉ hưu đối với một số
cán bộ cấp cao. Lợi dụng vấn đề này, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội
chính trị đã đưa ra nhiều thông tin tiêu cực, lệch lạc nhằm thực hiện mục đích
xấu. Trong bài, “Năm con Mèo, Việt Nam sẽ bất ổn”, Hiếu Chân đã hướng lái sự
việc theo chiều hướng tiêu cực, khi cho rằng đó là “tranh giành quyền lực”,
“đấu đá giành ghế”… rõ ràng đây chỉ là chiêu trò, cố tình xuyên tạc bản chất
của sự việc, nhằm gây hoang mang dư luận, chia rẽ đoàn kết nội bộ, chống phá
Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Thứ nhất, miễn nhiệm, từ chức
là việc bình thường.
Có thể khẳng định rằng, từ chức là việc diễn ra bình thường
và khá phổ biến, không chỉ ở Việt Nam, mà ở nhiều nước trên thế giới; không
phải đến bây giờ mới có. Trong thời kỳ phong kiến, với nhiều lý do khác nhau,
nhiều vị quan đã cáo quan về ở ẩn và được triều đình chấp thuận.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, vì sự nghiệp lớn lao, vẻ vang
của cách mạng, nhiều đồng chí giữ các cương vị quan trọng trong Đảng, Nhà nước
đã sẵn sàng rút lui khỏi chức vụ để thuận lợi cho cách mạng, sẵn sàng từ chức
khi thấy mình chưa hoàn thành tốt trọng trách: Sau cải cách ruộng đất 1953-1956
và chỉnh đốn tổ chức đảng, đồng chí Trường Chinh xin từ chức Tổng Bí thư của
Đảng, đồng chí Hoàng Quốc Việt xin rút khỏi Bộ Chính trị, v.v..
Hiện nay, công tác cán bộ không phải là cố định, bất biến,
đợi đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu, mà đã có tính
“động” và “mở”. Việc “có lên, có xuống, có vào, có ra” dần trở thành bình
thường. Từ nhiều nhiệm kỳ qua, vấn đề miễn nhiệm, từ chức đã được đặt ra trong
các nghị quyết, quy định của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý
và được luật hóa trong hệ thống pháp luật nhà nước. Việc miễn nhiệm, hoặc cho
từ chức đối với người đứng đầu không phải khi nào cũng là do cá nhân người đó
có sai phạm, mà có thể chịu trách nhiệm là người đứng đầu khi để cơ quan, đơn
vị, lĩnh vực mình quản lý, phụ trách, hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham
nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng.
Vì vậy, việc từ chức của cán bộ là việc bình thường, thể
hiện trách nhiệm chính trị của bản thân đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân; mục
tiêu của việc miễn nhiệm cán bộ, vừa đáp ứng nguyện vọng của cá nhân, vừa góp
phần nâng cao hiệu quả xây dựng, quản lý, sử dụng cán bộ, đáp ứng yêu cầu xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và đảm bảo đúng quy định, là một
phần văn hóa trong công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước. Chứ hoàn toàn không phải
là ý muốn chủ quan của bất cứ cá nhân nào, hay là sự “đấu đá giành ghế”, “tranh
giành quyền lực” như những gì Hiếu Chân xuyên tạc.
Thứ hai, việc Chủ tịch
nước Nguyễn Xuân Phúc xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công
tác và nghỉ hưu là thể hiện trách nhiệm chính trị cao trước Đảng, Nhà nước và
nhân dân.
Trong thông cáo về Hội nghị bất thường của Ban Chấp hành
Trung ương Đảng khóa XIII ngày 17/01/2023, đã nêu rõ: Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc
là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, sinh ra trong gia đình giàu
truyền thống cách mạng; được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở và được Ban
Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị các khóa tín nhiệm phân công giữ nhiều
chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Trên cương vị Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021, đồng
chí đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống
dịch Covid-19 đạt kết quả quan trọng. Tuy nhiên, đồng chí chịu trách nhiệm
chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 đồng chí Phó
Thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2
đồng chí Phó Thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ
bị xử lý hình sự. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, đồng chí đã
có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu.
Như vậy, việc Đảng, Nhà nước nhất trí để ông Nguyễn Xuân
Phúc thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu là hoàn toàn đúng quy định
và được xem xét trên cơ sở nguyện vọng cá nhân. Chứ không phải “Bị ép buộc”,
“tranh giành quyền lực” như luận điệu xuyên tạc của những kẻ phản động.
Từ đó có thể khẳng định, miễn nhiệm, từ chức là công việc
bình thường trong công tác cán bộ từ xưa đến nay, diễn ra ở nhiều nước trên thế
giới, phù hợp với quy luật vận động, phát triển của xã hội. Đảng, Nhà nước thực
hiện miễn nhiệm, từ chức theo đúng quy định, nguyên tắc và xem xét nguyện vọng
của cá nhân. Vì vậy, mỗi người dân cần nhận thức rõ quan điểm này và bản chất
của việc miễn nhiệm, từ chức của cán bộ trong thời gian gần đây; nêu cao tinh
thần cảnh giác và kiên quyết đấu tranh với những luận điệu sai trái của các thế
lực thù địch, phản động, cố tình xuyên tạc bản chất sự việc nhằm chống phá Đảng
cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét