CẦN HIỂU “CÔNG CUỘC CHỐNG
THAM NHŨNG BỘC LỘ MẶT TRÁI CỦA CƠ CHẾ” LÀ NHƯ THẾ NÀO?
Ngày 18/3/2023
trên trang facebook Chân Trời Mới Mêdia, Nguyễn Tấn Bình đã chia sẻ bài viết có
nhan đề “Công cuộc chống tham nhũng bộc lộ mặt trái của cơ chế” để nói về công tác
phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta hiện nay, vậy cần hiểu luận điểm
này như thế nào?
Trước tiên, phải
thấy rằng tham nhũng là hiện tượng kinh tế - xã hội gắn liền với sự ra đời
và phát triển của bộ máy Nhà nước. Các quốc gia có các điều kiện về xã hội, văn
hóa, chính trị, kinh tế khác nhau quan niệm về tham nhũng cũng khác nhau. Ở mỗi
giai đoạn phát triển của từng quốc gia, khái niệm tham nhũng cũng đưa ra tương ứng
theo từng thời kỳ, do đó khó có thể có một khái niệm chung nhất về tham nhũng
cho mọi quốc gia, mọi chế độ chính trị, tham nhũng cũng không phải là một khái niệm
bất biến xuyên qua các thời kỳ phát triển đối với từng quốc gia, khu vực.
Nguyên nhân dẫn đến hành vi và phân loại tham
nhũng:
Hiện nay, tham nhũng là vấn đề mang tính toàn
cầu nhưng đồng thời nó cũng chứa đựng những yếu tố đặc thù gắn với từng quốc gia.
Về cơ bản mỗi quốc gia có những nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng
riêng. Tuy nhiên, dựa trên cơ sở xem xét nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham
nhũng của các nước trên thế giới, thấy rằng tuy có điểm riêng nhưng cũng có một
số nguyên nhân, điều kiện mang tính chất chung, tương đồng, đó là:
Một là, sự phát triển
của các hình thái Nhà nước, đặc biệt là trong điều kiện phát triển kinh tế thị
trường, các quan hệ kinh tế, chính trị tạo ra tiền đề khách quan cho tham nhũng
nảy sinh, phát triển. Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng nguồn gốc
sâu xa của tệ tham nhũng là sự gặp nhau của hai nhân tố: Quyền lực công và lòng
tham cá nhân.
Trong xã hội có giai cấp, Nhà nước trước hết
đại diện cho quyền lực của một giai cấp nhất định, nó có chức năng điều hòa
những lợi ích của các giai cấp khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Quyền lực của
Nhà nước khi được trao cho những con người cụ thể, những người đại diện cho Nhà
nước thực thi quyền lực công, nếu không có cơ chế kiểm soát dễ dẫn tới sự lợi
dụng quyền lực hoặc lạm quyền. Sự gặp nhau giữa quyền lực công khi không được
chế ước với nhu cầu cá nhân vượt quá giới hạn cho phép, lòng tham, đã dẫn tới
việc sử dụng quyền lực công phục vụ cho nhu cầu cá nhân. Đó chính là cơ sở nảy
sinh tham nhũng. Tham nhũng còn được coi là “sản phẩm của sự tha hóa quyền
lực”.
Hai là, tham nhũng là hệ quả
tất yếu của của nền kinh tế kém phát triển, quản lý kinh tế, xã hội lỏng lẻo,
yếu kém. Thực tế cho thấy ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển, quản lý
công khai, minh bạch, văn minh thì tham nhũng xảy ra ít hơn. Ngược lại, ở các
quốc gia, vùng lãnh thổ đang phát triển, trình độ quản lý và dân trí chưa cao
thì ở đó tham nhũng phức tạp hơn.
Ba là, hệ thống pháp luật
chưa hoàn thiện và đồng bộ hoặc thực thi pháp luật yếu kém cũng là một nguyên
nhân và điều kiện của tham nhũng. Cơ chế, chính sách, pháp luật chưa đầy đủ,
thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán có nhiều “kẽ hỡ” tạo cho những người có chức vụ,
quyền hạn, điều kiện để “lách luật” trục lợi, làm giàu bất chính.
Bốn là, phẩm chất chính trị
đạo đức của đội ngũ có chức, có quyền bị suy thoái đặc biệt là suy thoái tư
tưởng chính trị. Họ sẵn sàng bỏ qua lợi ích chung, lợi ích tập thể để trục lợi,
làm giàu bất chính cho bản thân, gia đình, họ hàng mình; nhất là trong điều
kiện khủng hoảng chính trị, xã hội, kinh tế ảnh hưởng tiêu cực tới đạo đức của
đội ngũ công chức.
Năm là, trình độ dân trí thấp,
ý thức pháp luật của người dân chưa cao tạo điều kiện cho những người có chức
quyền có thể nhũng nhiễu, hạch sách dân chúng, vòi vĩnh nhận quà biếu, tặng hay
nói cách khác là nhận hối lộ. Thực tế ở các nước phát triển có trình độ dân trí
cao thì tham nhũng ít xảy ra hơn là những nước đang phát triển và kém phát
triển với trình độ dân trí thấp, người dân chưa có điều kiện tham gia vào cuộc
đấu tranh chống tham nhũng.
Sáu là, bộ máy hành chính nhà
nước cồng kềnh, với nhiều thủ tục hành chính phiền hà, nặng nề, bất hợp lý tạo
điều kiện cho một số cán bộ, công chức nhà nước sách nhiễu, ăn hối lộ của người
dân, doanh nghiệp. Một số cơ chế “xin - cho”, đó là “mảnh đất màu mỡ” của tham
nhũng.
Bảy là, chế độ, chính sách đãi
ngộ, nhất là vấn đề tiền lương cho cán bộ, công chức chưa thỏa đáng. Một khi
cán bộ, công chức Nhà nước chưa thể sống no ấm, đầy đủ với tiền lương của mình
thì tất yếu họ sẽ tìm mọi cách để kiếm thêm thu nhập từ chính công việc, chức
vụ mà nhà Nước giao cho mình kể cả tham nhũng.
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng
trong thời gian qua của Việt Nam:
Theo số liệu do Tổ chức Minh bạch thế giới (TI)
công bố, Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Việt Nam trong những năm gần đây
đã tăng lên, thể hiện một chỉ báo tích cực đối với các nỗ lực của Đảng và Nhà
nước ta trong công tác phòng, chống tham nhũng. Cụ thể, năm 2018, Việt Nam đạt
33/100 điểm, xếp hạng 117/180 toàn cầu. Trong năm 2018, Đảng và Nhà nước đã có
nhiều nỗ lực đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, điển hình là việc nhanh
chóng, kiên quyết xử lý các vụ án tham nhũng lớn và hoàn thiện khuôn khổ pháp
lý về phòng, chống tham nhũng. Tháng 11/2018, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng,
chống tham nhũng (sửa đổi) gồm 10 chương với 96 điều. Chính phủ đã chỉ đạo tăng
cường kiểm tra và tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống tham
nhũng như: đề cao tính liêm chính trong khu vực công, thực hiện hiệu quả công
tác kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức... Vì vậy, chỉ
số CPI của Việt Nam năm 2019 đạt 37/100 điểm, tăng 4 điểm so với năm 2018, đứng
thứ 96/180 quốc gia, vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng toàn cầu, tăng 21 bậc so
với năm 2018. Đây là mức điểm cao nhất mà Tổ chức Minh bạch thế giới đánh giá
đối với Việt Nam và là năm có mức tăng điểm cao nhất từ trước đến nay; cũng là
sự khẳng định những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng ở
Việt Nam.
Có thể khẳng định rằng, công tác phòng, chống
tham nhũng ở Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận; nạn tham nhũng
đã bị ngăn chặn, đẩy lùi; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự
quản lý của Nhà nước được nâng lên. Có thể khái quát một số đặc điểm của công
tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam như sau:
- Không có vùng cấm, không có đặc quyền, không
có ngoại lệ, không chịu sự tác động không đúng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào;
- Làm từng bước, rõ đến đâu xử lý đến đó;
- Nhân dân và cả hệ thống chính trị vào cuộc;
- Nhân văn, phục vụ phát triển kinh tế - xã
hội;
- Lấy phòng ngừa là chính, cơ bản, phát hiện,
xử lý là quan trọng, cấp bách.
Bên cạnh kết quả đạt được,
công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam vẫn còn một số hạn chế như: công
tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng hiệu quả chưa cao, hiện
tượng phải hối lộ, bôi trơn hoặc tác động bằng hình thức khác để được thuận lợi
hơn trong giải quyết công việc còn phổ biến; một số cơ chế, chính sách còn
thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn; thực thi pháp luật có lúc, có nơi
chưa nghiêm. Công tác tổ chức, cán bộ, kiểm soát tài sản, thu nhập còn nhiều
hạn chế, vướng mắc; vấn đề phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu,
nhất là tự phát hiện, xử lý tham nhũng trong nội bộ...
Từ đây chúng ta
có thể khẳng định chắc chắn rằng luận điểm “Công cuộc chống tham nhũng bộc
lộ mặt trái của cơ chế” để nói về công tác phòng, chống tham nhũng của
Đảng, Nhà nước ta là vô căn cư, thiếu cơ sở khoa học. Ý đồ của tác giả là đổ
thừa cho cơ chế của ta tạo ra tham nhũng,
mà không biết rằng bất cứ chế độ xã hội nào cũng tồn tại tham nhũng, và
việc phòng, chống tham nhũng là của mọi xã hội có giai cấp, có nhà nước. Chính từ
lập luận thiếu khoa học, lừa bịp người đọc mà tác giả Nguyễn Tấn Bình muốn phủ
nhận con đường đi lên xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, phủ nhận thành tựu trong xây
dựng xã hội chủ nghĩa và công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng; kêu gọi
xóa bỏ chế độ một Đảng lãnh đạo và xây dựng chế độ đa nguyên, đa đảng ở Việt
Nam. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần tỉnh táo trước những bài
viết theo dạng quy chụp một vài hiện tượng thành bản chất của vấn đề, từ sự lập
luận thiếu khoa học để chứng minh cho những hạn chế, khuyết điểm của một chế độ
xã hội như bài viết của tác giả Nguyễn Tấn Bình chia sẻ trên trang facebook
Chân Trời Mới Mêdia là một điển hình cho luận điệu xuyên tạc, phản khoa học và
lừa bịp người đọc./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét