Thứ Hai, 4 tháng 7, 2022

XUYÊN TẠC CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TA – CHIÊU BÀI QUEN THUỘC CỦA THẾ LỰC THÙ ĐỊCH

 

Từ lâu, tham nhũng đã được Đảng ta nhìn nhận là một nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Do đó, phòng chống tham nhũng luôn được Đảng và nhà nước coi trọng trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay.

          Tuy nhiên, thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước thường xuyên đưa các thông tin, luận điệu về công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhất là gần đây hàng loạt cán bộ bị xử lý kỷ luật liên quan đến sai phạm của công ty Việt Á càng là cái cớ để chúng vin vào chống phá. Chúng xuyên tạc, bóp méo về công tác phòng chống tham nhũng của Đảng ta là cuộc “thanh trừng nội bộ”, “ẩu đả phe cánh” và nguồn gốc của tham nhũng xuất phát từ bản chất của Nhà nước ta. Không dừng lại ở đó, chúng còn đưa ra các kết luận vô căn cứ như: Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng vì Đảng cũng suy thoái; tham nhũng hay tình trạng tham nhũng trong Đảng Cộng sản Việt Nam là “căn bệnh nan y không có thuốc chữa”; nguyên nhân tất yếu và nguồn cơn của của tham nhũng là do Đảng ta là chế độ một Đảng duy nhất cầm quyền và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ …

          Thủ đoạn của các thế lực thù địch là hết sức thâm hiểm, chúng luôn lèo lái thông tin để dắt mũi những người cả tin, thiếu bản lĩnh, chẳng hạn: Khi chúng ta xử lý kỷ luật một số cán bộ Đảng viên liên quan đến tham nhũng nhưng chưa áp dụng xử lý theo quy định của pháp luật Hình sự thì một số trang mạng cho rằng đây là kiểu “kỷ luật mềm”, chỉ là cái cớ chứ sự thực “Đảng vẫn bao che, dung túng” xử lý qua loa cho xong chuyện để mị dân. Đến khi chúng ta xử lý hình sự những cán bộ, Đảng viên này thì chính những trang mạng này lại quay ngoắt ngòi bút phi nghĩa theo dã tâm của chúng và cho rằng đây là cuộc “đấu đá nội bộ” hay “thanh trừng phe cánh”. Âm mưu của các thế lực thù địch là rất tàn độc, để đạt được mục đích, chúng thay đổi luận điệu để đánh vào tâm lý, lòng tin của quần chúng nhân dân làm giảm niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta.

          Mục đích của chúng không gì khác là chia rẽ nội bộ trong Đảng, làm suy yếu sức mạnh và sức chiến đấu của Đảng, làm giảm niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng từ đó tạo điều kiện để chúng thực hiện mưu đồ như: Phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc, phủ định các quan điểm, chủ trương đường lối đúng đắn của Đảng ; phủ định giá trị lịch sử và thành quả cách mạng của dân tộc ta…

          Cần phải khẳng định rằng: Tham nhũng không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Bởi, theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, tham nhũng là một hiện tượng phổ biến, xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, “phần lớn tham nhũng xảy ra ở các quốc gia có chế độ đa đảng, “tam quyền phân lập”, thậm chí là ở những nước tư bản phát triển. Đồng thời, việc Đảng lãnh đạo hoạt động kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay là tính tất yếu, khách quan dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn rõ ràng, đầy đủ. Bởi lẽ, nếu Đảng không kiểm soát được quyền lực thì sẽ dẫn đến hậu quả hết sức khôn lường, tình trạng “tha hóa quyền lực” và lạm dụng quyền lực sẽ là nguồn cơn của vấn đề tham nhũng. Nếu để tình trạng này xảy ra sẽ tạo ra một đội ngũ cán bộ, công chức yếu kém, làm mục rỗng hệ thống chính trị, về lâu dài nó sẽ đe dọa sự tồn vong của chế độ.

          Trong những năm qua, công tác phòng chống tham nhũng của Đảng ta được thực hiện rất quyết tâm, mạnh mẽ để làm trong sạch Đảng ta. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng; “kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn”. Các quan điểm, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác phòng, chống tham nhũng còn được đề cập trong các Văn kiện và được cụ thể hóa trong: Cương lĩnh, Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận… đây là cơ sở chính trị trong công tác phòng chống tham nhũng.

          Tại Khoản 2, Điều 8 Hiến pháp 2013 cũng nêu rõ: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải…kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”. Không những thế, Nhà nước thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng thành Luật, Nghị định, Thông tư… tạo thành hành lang pháp lý vững chắc và chế tài nghiêm khắc để “không thể tham nhũng”, cơ chế răn đe để “không giám tham nhũng” và cơ chế để “không cần tham nhũng”.

          Công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay là không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”, không có “đặc quyền” đối với bất kỳ ai. Những số liệu thực tế về công tác chống tham nhũng hiện nay là minh chứng sinh động thể hiện cho điều đó. Do đó, với quan điểm trên, luận điệu xuyên tạc: “Phòng chống tham nhũng là đấu đá nội bộ, tranh giành quyền lực”; “Đảng không thể đấu tranh phòng, chống tham nhũng”… là hoàn toàn vô căn cứ.

          Nhận thức được vấn đề này, mỗi cá nhân chúng ta cần nhận diện đúng những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch. Ý thức trong việc giác ngộ, nâng cao nhận thức bản thân để biết phân biệt được đúng, sai; không cổ súy, lan truyền thông tin xấu gây hại cho Đảng và Nhà nước góp phần chung vào sự nghiệp đổi mới, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét