Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2021

THỪA CHỈ TRÍCH, THIẾU TRÁCH NHIỆM !

 

“Chộp” rất nhanh những vụ việc “nóng”, nhạy cảm, khai thác triệt để những bất cập, thiếu sót trong chủ trương hay triển khai các chính sách phát triển kinh tế – xã hội của chính quyền các cấp, đưa lên mạng xã hội để mỉa mai, chỉ trích, phán xét một cách tiêu cực là một xu hướng mà không ít người trong xã hội hiện nay hưởng ứng. Điều đáng nói, trong đó có những trường hợp là cán bộ, đảng viên.

Sẽ không có gì đáng phê phán hay quan ngại nếu sự chỉ trích ấy không mang tính một chiều với cách nhìn phiến diện, được đưa ra bởi những những ngôn từ gay gắt, thiếu thiện chí. Thậm chí, từ những việc rất nhỏ, rời rạc và đơn lẻ, họ cố tình gán ghép sự việc “bé xé ra to”, rồi quy kết, chĩa mũi công kích về phía chính quyền, vào hệ thống chính trị và thể chế. Bất chấp những nỗ lực khắc phục hạn chế, hay giải thích nguyên nhân của những điểm bất cập trong triển khai chủ trương, chính sách, vụ việc cụ thể từ phía chính quyền, họ vẫn phớt lờ, tiếp tục hằn học, đả kích.

Có phải xu hướng chỉ nhìn mặt trái của vấn đề đã đóng khung, gò bó cách nhìn ấy? Hay năng lực nắm bắt, hiểu bản chất những hiện tượng mà họ đưa ra chỉ trích, phán xét là có hạn? Câu trả lời là không. Ở vị trí của một cán bộ, đảng viên, cá nhân đó chắc chắn có đủ trình độ nhận thức được những ngôn từ thừa chỉ trích, thiếu trách nhiệm, những phán xét vô căn cứ có thể ít nhiều gây ra tác hại, hậu quả cho xã hội, nhất là khi những thông tin tiêu cực đó bị phát tán khó lường trong một thế giới trực tuyến kết nối, tương tác cao như ngày nay. Ngay cả khi chưa thực sự nhận thức đầy đủ về điều đó, câu hỏi đặt ra là tại sao họ không bắt đầu bằng sự lựa chọn những cách nhìn mang tính xây dựng để phản biện, góp ý? Tại sao khi bắt đầu một vụ việc, họ không chịu đặt nó trong cái nhìn đa chiều, cả mặt tích cực và mặt hạn chế, để khách quan đánh giá, thay vì buông ra những lời lẽ phê phán chủ quan, quy chụp, sai lệch… Xét cho cùng, việc làm ấy trước hết xuất phát từ xu hướng thích chỉ trích, bất luận hành động đó là thiếu trách nhiệm với xã hội, với mọi người xung quanh. Họ tự cho mình cái quyền là “quan toà” để phán xét và buộc tội tất cả. Điều đó không chỉ cho thấy một lỗ hổng trong nhân cách, mà xu hướng này cũng đồng thời cho thấy sự dao động nhất định trong tư tưởng của họ, bởi rõ ràng nó thể hiện sự thiếu niềm tin vào những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Nguy hại hơn, xu hướng này không chỉ khiến gây thêm bất đồng thuận xã hội, gây khó khăn cho việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm chia rẽ giữa cấp uỷ, chính quyền các cấp với người dân…, mà vô tình hay hữu ý còn tiếp tay cho sự chống phá của các thế lực thù địch. Đối với người cán bộ, đảng viên, đây là một biểu hiện của việc “tự diễn biến”, mà nếu kéo dài trầm trọng thêm sẽ dẫn tới suy thoái về tư tưởng chính trị, đưa họ xa dần bản chất trong sáng, cách mạng của người cán bộ, đảng viên. Để đấu tranh, ngăn chặn với xu hướng này, mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức rõ tác hại của việc chỉ trích một chiều, phiến diện, từ đó không tiếp tay cho những phán xét thiếu trách nhiệm. Bên cạnh đó, không ngừng học tập, nâng cao trình độ của bản thân, tiếp nhận thông tin có ý thức, tích cực góp ý, phản biện trên tinh thần xây dựng. Qua đó, nêu cao ý thức của mỗi cán bộ, đảng viên trong sử dụng phương tiện truyền thông một cách đúng đắn, kết nối xã hội bằng sự chia sẻ và trách nhiệm.

Văn Lợi

1 nhận xét:

  1. Cần nêu cao ý thức của mỗi cán bộ, đảng viên trong sử dụng phương tiện truyền thông một cách đúng đắn, kết nối xã hội bằng sự chia sẻ và trách nhiệm.

    Trả lờiXóa