Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2021

NHẬN DIỆN VỀ CÁC QUAN ĐIỂM LỆCH LẠC, SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH VÀ CƠ HỘI CHÍNH TRỊ, XÉT LẠI.

 

“Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”[1].

Một là, lệch lạc: Một cách phổ quát nhất, có thể hiểu lệch lạc nghĩa là không ngay ngắn, là không cân đối. Lệch lạc là sai chỗ, sai hướng. Quan điểm lệch lạc là quan điểm thể hiện sự sai lệch, không nhất quán, không đầy đủ về nhận thức lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có các suy nghĩ định kiến, méo mó, lệch lạc về thực tiễn xã hội Việt Nam. Sự lệch lạc đó có thể do hạn chế về trình độ nhận thức, thiếu thông tin chính thống, tiếp nhận thông tin từ những nguồn không chính thức, thông tin bị xuyên tạc, bóp méo…  Khi đó, đối tượng bắt đầu phai nhạt với chính trị, ít quan tâm đến những sự kiện, hoạt động của Đảng và Nhà nước, có thái độ thờ ơ với phong trào chung của tổ chức, đoàn thể; ngại tham gia các hoạt động liên quan đến giáo dục lịch sử, truyền thống dân tộc. Về tư tưởng chính trị, đối tượng bắt đầu có dấu hiệu thể hiện sự hoài nghi về sự lãnh đạo của Đảng, bán tín bán nghi về mục tiêu con đường ĐLDT và CNXH, thiếu tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Họ thích nghe, thích kể, thích mọi người nói về tiêu cực. Họ có thể còn công nhận học thuyết, công nhận các nghị quyết, chỉ thị, nhưng lại phủ nhận nó trong thực tiễn, nhất là về các thành tựu, ưu điểm. Họ quan tâm nhiều hơn đến những yếu kém, khuyết điểm, luôn muốn tập trung xoáy vào đó, bơm phồng, tô đậm nó. Họ khi còn công tác thì nói khác, lúc nghỉ hưu thì nói khác, nói là tán đồng nghị quyết nhưng mà khi làm thì lại ngược lại. Trong truyền đạt nghị quyết hoặc là các chủ trương, chính sách của Đảng, họ thường lồng vào các ý kiến cá nhân, nhấn nhá chỉ trích, so sánh có dụng ý, làm cho người nghe phân tâm, thậm chí hoang mang. Niềm tin của những người này đối với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đã suy giảm nhưng họ chưa muốn thay đổi chế độ, vì theo họ, chế độ này còn có lợi cho họ, còn có thể để cho họ được “đục nước béo cò”. Những biểu hiện này nếu không được thường xuyên nhắc nhở, giáo dục, chấn chỉnh; không được kiểm soát bằng quản lý, kiểm tra giám sát,; không được gặp gỡ đối thoại, đấu tranh phê bình và tự phê bình sẽ sớm chuyển sang những mức độ khác cao hơn.

Hai là, sai trái: Sai trái là không đúng, không hợp với lẽ phải. Thuật ngữ “sai trái” được sử dụng để nhấn mạnh phương diện phản khoa học, phi thực tiễn của loại quan điểm nói trên. Trong phạm vi bài viết nhận diện để đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến’’, “tự chuyển hóa”, chúng tôi đề cập đến quan điểm sai trái với ý nghĩa là quan điểm thể hiện không đúng, thể hiện trái ngược, thể hiện sai bản chất đối với những quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, nhất là trên những vấn đề về nền tảng tư tưởng, bản chất giai cấp, chế độ chính trị. Về cơ bản, so với người có quan điểm lệch lạc thì người có quan điểm sai trái đã trượt dài thêm một bước. Đối tượng ở mức độ biểu hiện này thường mặc cảm với những cái tốt, cái ưu việt, tiến bộ của chế độ XHCN, không thừa nhận những thành tựu, ưu điểm, những việc làm hay, gương người tốt... Họ luôn có thái độ săm soi, suy diễn, thích phản biện, phê phán. Đối tượng có quan điểm sai trái rất đa dạng song nếu là những cán bộ đảng viên thì họ đã suy thoái về chính trị tư tưởng, có dấu hiệu xa rời những nguyên tắc, mục tiêu của CNXH, du nhập những tư tưởng lý luận phi Mác-xít, bắt đầu chủ động hơn trong việc tiếp nhận những thông tin trái chiều, những luận điệu chống đối, những lý luận phản động.

Ba là, thù địch: Thù địch là kẻ ở phía đối lập, chúng có mối thù hận sâu sắc với đất nước, với chế độ. Sự tập hợp của những kẻ thù địch tạo nên một thế lực thù địch. Đối với cách mạng Việt Nam, thế lực thù địch là một tập hợp của những cá nhân, tổ chức có âm mưu và hành động chống lại Nhà nước CHXHCN Việt Nam, chống phá mục tiêu con đường phát triển của đất nước, xâm phạm an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia dân tộc, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các quyền công dân. Các thế lực thù địch có “quan điểm thù địch”, đó là quan điểm đối lập về lợi ích và lập trường với giai cấp công nhân, đối lập về lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân. Đặc trưng của quan điểm thù địch, về động cơ chính trị bộc lộ rõ sự chống Đảng, chống chế độ, muốn hình thành ngọn cờ, hình thành các tổ chức chính trị đối lập. Về nội dung quan điểm, chúng không từ một thủ đoạn nào để chống Ðảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đi ngược lại lợi ích của dân tộc, nhân dân, bác bỏ thẳng thừng lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, con đường đi lên CNXH. Chúng phủ định đường lối kinh tế thị trường định hướng XHCN, phủ định đường lối văn hóa, đả kích chế độ, hướng lái TBCN, phủ nhận thành quả cách mạng, phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng. Nhóm đối tượng này đã hoàn toàn bộc lộ rõ tư tưởng chính trị phản động, thực sự ra mặt chống đối cách mạng không chỉ bằng tư tưởng quan điểm chính trị mà còn bằng cả hành động trong thực tiễn. Các thế lực thù địch, phản động thường gồm: Thứ nhất, những người nghiên cứu lý luận, thực tiễn ở các nước trong cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa CNXH và CNTB; những kẻ chống cộng khét tiếng và cả lãnh đạo của một số quốc gia có tư tưởng thù địch với Việt Nam. Thứ hai, những phần tử cực đoan người Việt ở nước ngoài, luôn lôi kéo kết hợp với một số tổ chức văn nghệ sỹ, trí thức chống đối, bất mãn trong nước, lập ra các tổ chức phản động. Thứ ba, một số cán bộ, đảng viên, có cả những đảng viên đã từng giữ những chức vụ cao cấp trong hệ thống chính trị của nước ta, suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và có một số người do nhận thức lệch lạc, sai trái, bị lôi kéo, kích động, mua chuộc. Họ đã biến chất hoàn toàn về chính trị, có hành động chống đối. Một số kẻ chủ động tìm đến những phần tử đang tự diễn biến để tập hợp lực lượng, hình thành nhân lõi tổ chức ban đầu, thậm chí đã tự tìm đến các cơ quan đặc biệt ở nước ngoài để câu kết. Đáng lưu ý, dẫu đã đứng hẳn về phía bên kia chiến tuyến, nhưng một số kẻ vẫn mượn danh là người yêu nước, vì nhân dân. Thông thường, họ được sự giúp đỡ, hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần, cả về tư tưởng và tổ chức của các thế lực thù địch, phản động ở bên trong và bên ngoài nước.

Bốn là, cơ hội chính trị, xét lại: Theo nghĩa chung nhất, cơ hội là phạm trù chỉ những kẻ lúc nào cũng vì mình mà bất chấp số đông, tập thể, cộng đồng và xã hội; họ lấy lợi ích cá nhân của mình làm lý tưởng và lẽ sống, luôn tìm mọi cách để luồn lách, thích nghi với mọi điều kiện và hoàn cảnh. Cơ hội chính trị là khái niệm dùng để chỉ tất cả những người sống xu thời, vụ lợi, nặng đầu óc cá nhân chủ nghĩa, không có chính kiến, quan điểm rạch ròi, dễ thỏa hiệp, sẵn sàng thay đổi, luôn triệt để lợi dụng các vấn đề chính trị, xã hội để thỏa mãn lợi ích cá nhân. Đối tượng cơ hội chính trị ngoài những cán bộ lãnh đạo Đảng, nhà nước và các đoàn thể trong hệ thống chính trị bị tha hóa còn bao gồm cả những phần tử chống đối, phản cách mạng đã từng bị xử lý nuôi tham vọng chờ cơ hội phục thù, những nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sỹ, nhà giáo, nhà báo, các chức sắc tôn giáo, một bộ phận trí thức trẻ.., thiếu tu dưỡng rèn luyện, nặng về hưởng thụ, lãng quên trách nhiệm với cộng đồng.

“Xét lại” được hiểu là những hoạt động đòi xem xét lại, đào bới lại quá khứ để thực hiện những động cơ, mục đích xuyên tạc, chống phá. Ở Việt Nam hiện nay, các phần tử cơ hội, xét lại cho rằng lý luận về chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ và đưa ra những tư tưởng, lý luận, thuật ngữ như “xã hội siêu công nghiệp”, “văn minh hậu công nghiệp”, “văn minh trí tuệ nhân tạo”, “văn minh tin học”, “văn minh 4.0”, cho rằng ngày nay sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân đã thuộc về trí thức; rằng xã hội không còn đấu tranh giai cấp, chỉ còn sự hợp tác, sự tương trợ thuần tuý lẫn nhau, .v.v..

Về bản chất, quan điểm cơ hội chính trị, xét lại vẫn là quan điểm thù địch, phản động, nhưng khác ở chỗ chúng không có quan điểm rõ ràng, luôn ngả nghiêng, dao động. Khi cách mạng thuận lợi thì họ tỏ ra cấp tiến, hăng hái. Khi cách mạng khó khăn thì họ chê bai, thoái lui, thỏa hiệp với các thế lực thù địch để chống phá, đòi xét lại những vấn đề cơ bản của nền tảng tư tưởng, của chủ trương, đường lối cách mạng, của lịch sử dân tộc…

Như vậy, khi nói đến quan điểm sai trái, ta muốn nhấn mạnh tới sự phản khoa học và sự sai sự thật của quan điểm. Khi nói về quan điểm thù địch, chúng ta nhấn mạnh tới quan điểm lập trường, sự đối lập về lợi ích, còn khi nói đến cơ hội chính trị, xét lại, chúng ta nhấn mạnh đến tính thực dụng của chủ thể. Cần phân biệt rõ, hiểu đúng về từng loại đối tượng để từ đó có chính sách, đối sách xử lý phù hợp, hiệu quả. Với đối tượng lệch lạc (và một phần với đối tượng sai trái), quan điểm chung là cần phải gặp gỡ, đối thoại, đấu tranh để cảm hóa, lôi kéo họ. Với đối tượng thù địch, phản động, cơ hội, xét lại, chúng ta phải kiên quyết vạch trần, đấu tranh phản bác.

Nhận diện về các quan điểm lệch lạc, sai trái, thù địch và cơ hội chính trị, xét lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi công dân yêu nước Việt Nam và nhất là đối với đội ngũ cán bộ đảng viên, làm cơ sở vững chắc cho chúng ta nhận diện và đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch một cách hiệu quả./.



[1]. Phát biểu bế mạc Hội nghị TW4 khóa XIII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

1 nhận xét:

  1. Chúng ta phải nhận diện được âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, chỉ rõ những phương thức chống phá của chúng; đồng thời nâng cao sức đề kháng cho cán bộ đảng viên và người dân để chống lại luận điệu xuyên tạc của chúng.

    Trả lờiXóa