Thứ Tư, 30 tháng 6, 2021

Thành tựu đổi mới khẳng định sự đúng đắn con đường đi của đất nước, dân tộc

 CVD

Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, trong đó có tư tưởng xét lại, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã trở thành vấn đề cơ bản, hệ trọng, có ý nghĩa sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Trước hết, phải thấy rằng theo đà phát triển không ngừng của thực tiễn và khoa học, bất cứ học thuyết nào tự bản thân nó cũng không phải là một hệ thống lý luận giáo điều, và chính Mác cũng đã từng đưa ra câu cách ngôn “Mỗi bước tiến của phong trào thực tiễn còn quan trọng hơn hàng tá cương lĩnh”. Học thuyết Mác-Lênin mặc dù rất khoa học và đúng đắn cũng không thể giải đáp đầy đủ, chi tiết, cặn kẽ mọi vấn đề, ở mọi thời đại, của mọi quốc gia. Nó chỉ là thế giới quan và phương pháp luận khoa học, là vũ khí tư tưởng của con người trong cuộc đấu tranh vì chân lý khoa học và chính nghĩa nhân văn để nhận thức và cải tạo thế giới mà không phải là “cái đã xong xuôi” hay “nhất thành bất biến”.

Chính vì thế, học thuyết Mác-Lênin phải được bổ sung, phát triển không ngừng cùng với tiến trình phát triển tri thức, khoa học, thực tiễn của nhân loại. Tuy nhiên, dù bổ sung, phát triển ở bất cứ nội dung nào thì cũng phải đặt trên cơ sở những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, bởi xa rời những nguyên lý này thì chắc chắn lý luận sẽ bị lệch lạc, bóp méo, mất định hướng và dễ sa vào chủ nghĩa xét lại. Bổ sung, phát triển thì cũng phải vì mục đích bảo vệ, chứ không phải là từ bỏ, là phản bội Chủ nghĩa Mác-Lênin. Với cách mạng Việt Nam hiện nay, việc nghiên cứu, bổ sung, phát triển lý luận phải nhằm mục tiêu góp phần xác lập một đường lối chính trị độc lập, tự chủ, đúng đắn và sáng tạo để dẫn dắt, chỉ đạo thắng lợi công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chứ không phải là phủ nhận, đổi hướng.

Bên cạnh yêu cầu giữ vững nguyên tắc, đấu tranh với chủ nghĩa xét lại còn đòi hỏi phải nắm vững và xử lý khéo léo mối quan hệ giữa kiên định và đổi mới. Bởi nếu chỉ kiên định một cách máy móc thì dễ dẫn đến giáo điều, cứng nhắc, bảo thủ. Nhưng nếu không kiên định mà đổi mới một cách vô nguyên tắc thì cũng rất dễ rơi vào chủ nghĩa xét lại, chệch hướng, “đổi màu”. Thêm vào đó, đấu tranh với chủ nghĩa xét lại lại diễn ra ngay trong nội bộ những người cộng sản nên nó đòi hỏi sự kiên trì, khả năng thuyết phục, chứ không thể cực đoan, vội vã phân chiến tuyến, áp đặt phải đứng về bên này hay bên kia. Đặt ra vấn đề này bởi có lúc giáo điều, chủ quan, duy ý chí đã cản trở, gây tâm lý ngần ngại trước những thay đổi, hoặc nhìn nhận, đánh giá chưa hết những sáng tạo phát triển, đổi mới.

Đây là việc làm không dễ dàng nhưng lịch sử cho thấy Đảng ta luôn biết vượt qua khó khăn, thử thách trong những thời điểm mà thực tế đòi hỏi phải có những đổi mới, phát triển mà không sa vào xét lại, chệch hướng bằng sự nhạy cảm chính trị và động cơ trong sáng vì nước, vì dân. Đó là tấm gương đồng chí Kim Ngọc, người đã khởi xướng, chủ trì ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TU ngày 10-9-1966 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc “Về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong hợp tác xã hiện nay”. Nghị quyết này khi đó bị coi là vi phạm nghiêm trọng đường lối của Đảng về phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế dần cho thấy tính đúng đắn của Nghị quyết 68 và tư duy của đồng chí Kim Ngọc. Sáng tạo đó đã được Đảng ta nghiên cứu, tiếp thu để năm 1981, Ban Bí thư ra Chỉ thị 100-CT/TW về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp (Khoán 100). Tiếp đó là năm 1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (Khoán 10), tạo bước đột phá cho nông nghiệp và nông thôn trong thời kỳ đổi mới.

Đó là câu chuyện với đồng chí Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng Bí thư của Đảng. Từ thập niên 1980, khi còn là Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, đồng chí đã thử nghiệm xóa bỏ cơ chế tập trung, bao cấp, thí điểm đổi mới quản lý kinh tế ở một số doanh nghiệp nhà nước. Đây là những bước đột phá đầu tiên nhằm xóa bỏ cơ chế quản lý cũ nên bị nhiều người phê phán, cho rằng chạy theo cơ chế thị trường nhưng đồng chí Nguyễn Văn Linh vẫn kiên trì từng bước với cách làm này. Thực tế sau này chứng minh sự đúng đắn trong tư duy sáng tạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh, và đường lối đổi mới của Đảng hình thành và phát triển chính là từ tổng kết thực tiễn sáng tạo của nhân dân, trong đó có cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh.

Và cũng chính thực tế sinh động của sự nghiệp đổi mới là bằng chứng thuyết phục nhất về sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin của Đảng ta mà không sa vào tư tưởng xét lại, chệch hướng, “đổi màu”. Sau 35 năm đổi mới, từ một nước chậm phát triển, đến cái ăn cũng không đủ, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN, một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Giờ đây, Việt Nam là hình ảnh của một đất nước đang vững bước đi lên với một tư thế mới, tư thế của người làm chủ và biết làm chủ vận mệnh của mình; với một vị thế mới, vị thế của một đất nước độc lập, tự chủ, hòa bình, ổn định đang trên đà phát triển; với một tầm ảnh hưởng mới, ảnh hưởng của một đối tác đang chuyển mạnh từ “tham gia tích cực” lên “chủ động đóng góp xây dựng, định hình các cấu trúc mới, luật chơi mới”, một đối tác luôn có trách nhiệm trong các “sân chơi” khu vực và toàn cầu. Đúng như lời khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. “Đổi mới” đã song hành với “Việt Nam” đến khắp nơi trên thế giới, đã vang lên trên các diễn đàn quốc tế lớn như là một hiện tượng đặc biệt, một kỳ tích trong thế giới hiện đại. Thành công của đổi mới đã khẳng định sự đúng đắn con đường đi mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn cho đất nước, dân tộc.

1 nhận xét: