Thứ Hai, 25 tháng 1, 2021

TƯ TƯỞNG CỦA V.I.LÊNIN VỀ VẤN ĐỀ “THANH ĐẢNG” Ý NGHĨA TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG, CHÍNH ĐỐN ĐẢNG Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

 


 

Trong di sản tư tưởng của V.I.Lênin về chăm lo củng cố xây dựng chính Đảng kiểu mới đã bàn đến nhiều nội dung, trong đó vấn đề “thanh đảng” luôn được Người quan tâm để nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng. Quan điểm này có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn trong điều kiện Đảng Cộng sản cầm quyền, đến nay vẫn giữ nguyên giá trị và là bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu đối với việc xây dựng Đảng ở nước ta hiện nay.

1. Quan điểm của V.I.Lênin về “thanh đảng”

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là từ khi Cách mạng tháng Mười, V.I.Lênin luôn xác định vấn đề “thanh đảng” là một nhiệm vụ tất yếu, quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng. Mục đích của thanh đảng là nhằm loại trừ những người không đủ tiêu chuẩn, bọn phiêu lưu, bọn cực đoan ra khỏi Đảng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng cầm quyền. Đội ngũ đảng viên và mỗi tổ chức đảng phải là một hạt nhân lãnh đạo, đủ năng lực thực hiện chủ trương đường lối mới, tương xứng với nhiệm vụ chính trị mới của cách mạng; góp phần xây dựng Đảng (B) là một tổ chức cách mạng tiên phong cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức của giai cấp công nhân, đại biểu lợi ích và là người lãnh đạo toàn thể nhân dân lao động tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản để xóa bỏ áp bức bóc lột, bất công, nghèo nàn, lạc hậu… Theo tinh thần đó, yêu cầu của một đảng cộng sản cầm quyền không phải là một “câu lạc bộ” của những cá nhân tuỳ ý “vào ra, hoạt động…” như các đảng tư sản - trong “dân chủ tư sản”, mà phải là một đội ngũ đảng viên kiên trung cả về phẩm chất cách mạng và năng lực công tác.

Theo V.I.Lênin, tiến hành thanh đảng là vấn đề thường xuyên để đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn xác định rõ, nhất quán và kiên định về bản chất, mục tiêu, lý tưởng, lập trường tư tưởng chính trị của Đảng để ai được là đảng viên của Đảng đều phải giác ngộ sâu sắc và có hành động đúng để phấn đấu hiện thực hóa bản chất, mục tiêu, lý tưởng, lập trường đó. Đây là một trong những yêu cầu cơ bản nhất, còn nguyên giá trị lâu dài trong công tác xây dựng đảng và là tiêu chí để mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên tự đánh giá mình.

Theo V.I.Lênin, nguyên tắc của thanh lọc đảng viên là loại bỏ những người không đủ tư cách, đảm bảo yêu cầu khách quan về sự thống nhất cao nhận thức, tư tưởng chính trị trong các cấp ủy đảng, từ cấp trung ương đến tổ chức cơ sở đảng. Đây vừa là vấn đề dân chủ - tập trung, vừa là kỷ luật nghiêm minh của Đảng Cộng sản cầm quyền, khác căn bản so với các loại đảng chính trị không theo học thuyết Mác - Lênin. Đây cũng là vấn đề mà mọi thế lực thù địch của các đảng cộng sản luôn luôn tập trung xuyên tạc và chống phá với luận điệu cho rằng: dân chủ trong Đảng chỉ là hình thức hoặc không dân chủ… Thực tế trong lịch sử cho thấy, sau sự quy định rất quan trọng này của “Điều lệ Đồng minh những người Cộng sản”, sự việc đã xẩy ra ở Đại hội II của Đảng Xã hội - Dân chủ Nga (chưa thống nhất về nhận thức tư tưởng chính trị, chia thành 2 phái: “Phái Mác tốp…” và “Phái Lênin”. V.I.Lênin và các đồng chí của mình đã đấu tranh quyết liệt, “không khoan nhượng về lý luận” chung quanh vấn đề tổ chức, nhưng thực chất xuất phát từ đối lập về nhận thức tư tưởng lý luận chính trị giữa “Phái mácxít” và “Phái cơ hội - xét lại” như trong tác phẩm “Một bước tiến hai bước lùi” của V.I.Lênin đã phản ánh.

V.I Lênin lưu ý đến đối tượng “thanh đảng” là những kẻ bè phái chống Đảng; những phần tử tuyên truyền quan điểm chống Đảng; những kẻ gian xảo, đảng viên quan liêu, xu nịnh, luồn lọt, tham ô, ăn cắp, thiếu trung thực, bọn người lập ra hết ban này ban nọ, mà không làm và không biết làm một công tác thực tiễn nào…. Cụ thể là:

- Chỉ rõ việc cần đấu tranh, loại bỏ những cán bộ, đảng viên coi thường lý luận (một công tác quan trọng nhất của Đảng Cộng sản lãnh đạo cách mạng) biểu hiện qua việc “đánh tráo khái niệm” - bóp méo quan điểm C.Mác phê phán những sai lầm của “Cương lĩnh Gôta”. V.I.Lênin cho rằng, phải thấy rõ mỗi bước tiến của phong trào thực tiễn còn giá trị hơn một tá Cương lĩnh nhưng không được tuyên truyền rằng: Thực tiễn giá trị hơn lý luận[1]. Cũng trong tác phẩm này, Lênin còn phát hiện, đấu tranh, loại bỏ những cán bộ, đảng viên “theo đuôi quần chúng - mỵ dân”. V.I.Lênin chỉ rõ: “dựa vào quần chúng… không có nghĩa là bỏ những người lãnh đạo của giai cấp vô sản đi để tất cả “do quần chúng”; mà là thay thế những người lãnh đạo không đủ điều kiện bằng những người lãnh đạo xứng đáng hơn. “Dựa vào quần chúng” kiểu như vậy là “chủ nghĩa mỵ dân” - kẻ thù tệ hại nhất của giai cấp công nhân” [2]

Trong tác phẩm “Một bước tiến hai bước lùi” (1904), V.I.Lênin phân biệt 2 “loại người” đang có trong Đảng, cần phân định dứt khoát. Người chỉ rõ: “... một người tự do chủ nghĩa và một người kiên quyết đứng về phía Đảng Dân chủ - Xã hội không thể dung nạp trong một Đảng” [3] và “Không có một cơ quan Trung ương nào, của bất cứ Đảng nào có thể lãnh đạo được đối với những người từ chối không chịu sự lãnh đạo của các cơ quan trung ương, tức là từ chối không muốn làm đảng viên, tức là phá hoại Đảng”[4].

Trong tác phẩm “Chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa xét lại” (tháng 3.1908), V.I.Lênin đã cảnh tỉnh về tình hình có những nhân tố đã, đang và sẽ nẩy sinh rất tác hại đến Đảng Công nhân Dân chủ - Xã hội Nga, cần đấu tranh, đẩy lùi, loại bỏ. V.I.Lênin chỉ rõ: trong Đảng có những người “… thoái trí, mất tinh thần, phân liệt, chạy dài, từ bỏ lập trường, nói chuyện dâm bôn chứ không phải là chính trị nữa; những lý thuyết duy tâm, thần bí… để che đậy tinh thần phản cách mạng (trong đó có bọn “Trăm đen”, bọn “xã hội chủ nghĩa cách mạng”, bọn “Mensêvích”, “Phái Chiêu hồi”, “Phái Thủ tiêu”…) không chỉ xét lại từng phần mà xét lại toàn bộ chủ nghĩa Mác, đe doạ nghiêm trọng Đảng Công nhân Dân chủ - Xã hội[5].

Ngay sau Cách mạng tháng Mười Nga (1917), trong nội bộ Đảng có bọn tiếp tục xét lại chủ nghĩa Mác. Cần phát hiện kịp thời, đấu tranh loại bỏ những cán bộ, đảng viên có các quan điểm hữu khuynh - cơ hội như vậy khỏi Đảng, trong đó, nổi bật nhất là Cauxky, V.I.Lênin đã viết tác phẩm “Cách mạng vô sản và tên phản bội Cauxky”, cho dù khi đó V.I.Lênin đang điều trị vết thương trầm trọng do kẻ thù ám sát[6].

Cũng trong năm 1918, ngay sau Cách mạng tháng Mười, phát hiện những biểu hiện “Tả khuynh” của một số cán bộ trong Đảng gây tác hại cho Đảng và sự nghiệp cách mạng, V.I.Lênin viết tác phẩm “Bệnh ấu trĩ “tả khuynh và tính tiểu tư sản”, và tiếp đến là tác phẩm “Bàn về thuế lương thực” (1921). Trong đó, V.I.Lênin đã có những phê phán rất gay gắt quá trình “thanh lọc” Đảng. V.I.Lênin đã căm tức nói đến một số cán bộ, đảng viên sa đoạ, thoái hoá, biến chất cần loại ra khỏi Đảng, rằng đó là những cán bộ có “… quan điểm của anh tiểu tư hữu, chỉ muốn được phần hơn, vô kỷ luật, quan liêu, hủ bại, hối lộ, đầu cơ, đút lót, vì mối lợi cá nhân làm tan rã bộ máy Đảng, Nhà nước”[7]. V.I.Lênin xác định công khai rằng: “… nạn quan liêu hoành hành chủ yếu ở trung ương… như những công chức cũ, địa chủ, tư sản và bọn đê tiện khác luồn vào trong hàng ngũ cộng sản, hiếp đáp nông dân. Điều cần làm ở đây là: thanh trừng bằng khủng bố, xử ngay tại chỗ, hành hình ngay tức khắc”[8].

Đặc biệt, trong hai tác phẩm có thể coi là “Di chúc” của V.I.Lênin là “Chúng ta phải cải tổ Bộ Dân uỷ Thanh tra Công Nông như thế nào?” (tháng 1.1923) và “Thà ít mà tốt” (tháng 3.1923), Người đều tập trung vào vấn đề làm trong sạch, nâng cao chất lượng, năng lực, uy tín của Đảng và Nhà nước sau Cách mạng tháng Mười Nga. Trong đó, V.I.Lênin có những quan điểm rất kiên quyết để “thanh đảng” nhằm làm cho “một số còn lại là Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra trung ương và Bộ Chính trị phải là một nhóm cố kết, không vị nể cá nhân, không một quyền uy nào có thể ngăn cản chất vấn, kiểm tra và xử lý các việc đúng đắn”; “… đề phòng bọn tư sản mới gây chia rẽ, chống Đảng…”[9]. 

Theo V.I.Lênin, làm cho hàng ngũ của mình trong sạch, đảng cộng sản cầm quyền phải tiến hành nhiều biện pháp cụ thể, để đuổi bọn thoái hóa biến chất, cơ hội, thù địch ra khỏi Đảng, làm cho lực lượng và uy tín của Đảng tăng lên. Trong “Thà ít mà tốt”, V.I.Lênin càng có những quan điểm “thanh lọc” rất rõ ràng, với những yêu cầu cao, những biện pháp rất cụ thể để cải tổ bộ máy Đảng và Nhà nước sau Cách mạng tháng Mười Nga 5 năm đã bộc lộ nhiều yếu kém, “Rất tồi tệ”… đồng thời đưa ra phương châm của việc “thanh lọc” đó đến mức rất ngắn gọn, quyết liệt: “Thà ít mà tốt”!. Sau đó, V.I.Lênin có nhiều quan điểm “để đời” cho việc “Thanh Đảng” và “Cải cách Nhà nước” mà đến nay còn nguyên giá trị hiện đại… Ví dụ, trong “thanh lọc Đảng và Nhà nước”, V.I.Lênin nêu nhiều giải pháp cụ thể, trong đó có việc đề ra những tiêu chuẩn để có căn cứ mà thanh lọc những cán bộ, đảng viên không đủ tiêu chuẩn, để chọn đúng các cán bộ, đảng viên đủ các tiêu chuẩn đó[10].

2. Ý nghĩa đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở nước ta hiện nay

Kế thừa quan điểm của V.I.Lênin, cũng như quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn xác định xây dựng, chỉnh đốn Đảng không phải chỉ thực hiện khi Đảng có khuyết điểm, theo Hồ Chí Minh, đây là công việc thường xuyên của Đảng. Đồng thời, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí MInh đã từng công bố rất nhiều quan điểm có liên quan đến vấn đề “thanh đảng” từ việc công bố những vấn đề có tính nguyên tắc cơ bản nhất của Đảng ta vừa để mọi người biết, để những ai muốn gia nhập Đảng phải nhận thức đúng, đủ và tự giác trung thành, thực hiện cho đến những quy định về nhiệm vụ đảng viên, đánh giá cán bộ, đảng viên. Đấu tranh phê bình và tự phê bình, mọi biểu hiện sai trái, cá nhân chủ nghĩa, cơ hội, xét lại, quan liêu, tham nhũng, góp phần xây dựng đảng vững mạnh để đủ sức lãnh đạo cách mạng. Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo, nhất là từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì “vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém. Thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.

Do vậy, từ tư tưởng của V.I.Lênin, soi vào quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương  4 (khóa XI, khóa XII) của Đảng cho thấy, muốn giúp cho cơ thể Đảng được khỏe mạnh thì phải loại bỏ những đảng viên không đủ phẩm chất đạo đức, thoái hóa biến chất, nhất là những công bộc của dân mà gây phiền hà, nhũng nhiễu, ức hiếp nhân dân thì phải đưa ra khỏi Đảng một cách kịp thời. Để thực hiện tốt vấn đề này cần tập trung vào một số nội dung cụ thể sau:

Một là, phát hiện kịp thời, chuẩn xác để ngăn chặn và “thanh trừng” những “nhóm lợi ích” ở mọi cấp, đặc biệt là cấp vĩ mô, với tư cách là những chủ thể người cán bộ, đảng viên đang hướng theo các lợi ích bất chính, theo tinh thần Lênin: “chủ yếu là ở Trung ương” và “cấp chiến lược”.

Dưới góc độ “Thanh Đảng” thì vấn đề cán bộ quyết định nhất. Muốn xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh phải chủ động, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, “thanh trừng” khỏi Đảng những cán bộ có 29 biểu hiện mà Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII đã xác định, trong bối cảnh hiện nay cần loại bỏ, những cán bộ, đảng viên: Một là, miệng nói, đọc rằng phải có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng hành động lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn lại lảng tránh, rời bỏ những cái đó, như coi thường, không quan tâm, phủ nhận “dân chủ - quyền lực thật sự của dân”; đồng ý có “Luật về Đảng” để “dân chính danh trao quyền cho Đảng”; tán thành sửa căn bản hoặc bỏ “Điều 4” Hiến pháp theo hướng “đa đảng”; coi thường, xa rời, đả kích lý luận chính trị - lập trường tư tưởng Mác - Lênin - Hồ Chí Minh; đòi bỏ chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, bác bỏ kinh tế thi trường định hướng xã hội chủ nghĩa, coi nhẹ kinh tế nhà nước là chủ đạo, cực đoan hoá tư nhân, thị trường tự do, hội nhập quốc tế để tăng trưởng nhanh thuần tuý, cổ suý cho sự phân hoá giầu nghèo là công bằng, đề cao cực đoan vai trò doanh nhân, hạ thấp công - nông - trí; Hai là “thanh trừng” cán bộ, đảng viên nói, viết công khai bác bỏ chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác - Lênin, tách rời, hoặc đối lập với tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm cơ bản nhất của Đảng ta hiện nay; Ba là, “thanh trừng” cán bộ, đảng viên công khai tuyên truyền nhiều quan điểm của phương Tây về “tự do - dân chủ - nhân quyền”, lạm dụng phê phán tiêu cực để xuyên tạc, thổi phồng nhược điểm, bêu xấu chế độ ta, dân tộc ta, Bốn là, ngăn chặn cán bộ, đảng viên phát ngôn “lạc quan tếu” do kém hiểu biết hoặc cố ý tuyên truyền cho việc chủ quan, thoả mãn với những thành quả gây trì trệ cho đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hai là, trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, sinh hoạt Đảng trên thực tiễn cần “thanh trừng” cán bộ, đảng viên biểu hiện “tham chức - quyền”, tự tâng bốc, “đánh bóng” bản thân bằng quan điểm sai, thổi phồng thành tích cá nhân để “nhóm thân thiết” cổ suý mà “lên chức” tiếp theo mưu đồ “nhóm lợi ích”; “thanh trừng” cán bộ, đảng viên có biểu hiện “tâng bốc, thiên vị” trong đề cử hoặc “chỉ định nhân sự - bố trí cán bộ” trong tổ chức, đơn vị sai về cả về quy trình, số lượng, chất lượng gây hậu quả xấu. Phát hiện, ngăn chặn các tổ chức và cấp uỷ Đảng có các biểu hiện chia rẽ bè cánh, mất đoàn kết nội bộ Đảng, làm “phân tâm” trong chế độ ta, làm suy yếu, giảm tín nhiệm, hiệu lực tích cực của Đảng, Nhà nước ta trước dân tộc và quốc tế; kìm hãm, phá hoại công cuộc đổi mới.

Ba là, phát hiện kịp thời, chuẩn xác để ngăn chặn, loại bỏ kịp thời những yếu tố cơ bản của những loại “lợi ích nhóm” thường dễ nảy sinh. Phát hiện, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả những yếu tố cơ bản của “lợi ích chính trị” dễ bị lạm dụng. Cần kiểm tra thật sự về “tiêu chuẩn bằng cấp lý luận chính trị” bằng cách lập “Hội đồng Quốc gia chuyên sâu” về các môn lý luận cơ bản Mác - Lênin (theo 5 “Giáo trình chuẩn quốc gia), do những ai có học vị, học hàm 5 môn bỏ phiếu kín đề cử về đạo đức, năng lực uy tín và điều kiện) để Hội đồng luôn sát hạch chất lượng thật về lý luận chính trị của cán bộ “cấp chiến lược”. Ai “đạt” trở lên mới có thể ghi là có lập trường tư tưởng chính trị đúng đắn, vững vàng. Đây mới chỉ là một tiêu chuẩn đáng tin cậy để tạo “Nguồn” cho cán bộ cấp chiến lược.

Bốn là, chủ động phát hiện, ngăn chặn, loại bỏ kịp thời những cán bộ, đảng viên chưa đủ đạo đức, năng lực lãnh đạo, quản lý và uy tín, bằng cách lập “Hội đồng Quốc gia đánh giá cán bộ”; giao cho ban Tổ chức Trung ương tổ chức cho những cán bộ tổ chức cấp trưởng ban tỉnh, thành, trung ương bỏ phiếu kín đề cử lên danh sách cán bộ chiến lược kế cận trong Quy hoạch. Hội đồng này sẽ rà soát, sát hạch về nhận thức công tác tổ chức, cán bộ và đánh giá quá tính thực tiễn của mỗi cán bộ được đề cử vào quy hoạch.

 Năm là, vận dụng quan điểm “thanh đảng” của V.I.Lênin vào công tác xây dựng đảng cần phải chống khuynh hướng tả khuynh hoặc hữu khuynh trong xem xét nội dung, cách thức, bước đi, lộ trình của tự phê bình và phê bình trong Đảng. Có những người khi phê bình thì tỏ ra rất gay gắt, “sâu sắc” thái quá, nhưng khi tự phê bình thì giản đơn, xuê xoa. Một số khác lại không có dũng khí khi nhìn vào những sai phạm, khuyết điểm; thiếu trách nhiệm cả trong phê bình và tự phê bình. Kinh nghiệm cho thấy, sẽ là nguy hiểm một khi lợi dụng quan điểm thanh Đảng của V.I.Lênin để đưa ra khỏi Đảng những người không cùng phe cánh, người mình không ưa thích, hoặc đấu tranh phê bình mình… Vì vậy, đối với mỗi đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng từ trung ương tới địa phương, trước hết phải thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng. Mặt khác, phải hiểu và vận dụng đúng quan điểm của V.I.Lênin về vấn đề “thanh đảng” vào tình hình thực tiễn hiện nay, với mục tiêu kiện toàn tổ chức, củng cố đoàn kết trong Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh./. V. T

 



[1] V.I.Lênin toàn tập, Tập 6, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr. 28-30.

[2] V.I.Lênin toàn tập, Sđd, Tập 6, tr. 152-157.

[3] V.I.Lênin toàn tập, Tập 8, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr. 402.

[4] V.I.Lênin toàn tập, Sđd, Tập 8, tr. 415.

[5] V.I.Lênin toàn tập, Sđd, Tập 8, tr. 17.

[6] V.I.Lênin toàn tập, Sđd, Tập 8, tr. 37.

[7] V.I.Lênin toàn tập, Tập 33, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, phần Nhà nước và cách mạng.

[8] V.I.Lênin toàn tập, Tập 43, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr. 280 - 282.

[9] V.I.Lênin toàn tập, Tập 45, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978.

[10] Xem “Thà ít mà tốt”, V.I.Lênin toàn tập, Tập 45, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét