Thứ Hai, 19 tháng 10, 2020

TIẾNG GỌI MIỀN TRUNG

 

TIẾNG GỌI MIỀN TRUNG

Miền Trung

"Khúc ruột” miền Trung lại thêm một lần phải gồng mình chống chọi với cơn lũ dữ. Tiếng gọi miền Trung lại thêm một lần vang lên tha thiết và đầy day dứt trong hàng triệu con tim người Việt Nam ở khắp mọi miền Tổ quốc. Hơn lúc nào hết, tinh thần tương thân tương ái lại trỗi dậy mạnh mẽ, hiện hữu như một phẩm chất vốn có của người dân đất Việt. Phẩm chất quý báu đó có sự tiếp nối như một dòng chảy vô tận từ truyền thống đến cuộc sống hiện đại hôm nay. Nó tiềm ẩn sâu sắc, bền bỉ trong mỗi người dân Việt Nam và mỗi khi đất nước gặp khó khăn, sức mạnh ấy được đánh thức, thổi bùng lên và lan tỏa mạnh mẽ.

Hễ nói về mảnh đất miền Trung, có lẽ điều đầu tiên mà mỗi người nghĩ đến là những cơn bão bất chợt ập tới và cảnh nước lũ dâng cao trên cả mái nhà. Người miền Trung đã quen phải “sống chung với lũ”, nhưng chắc rằng chưa bao giờ tồn tại ý niệm phải đơn độc chống lũ. Điều đó được chứng minh bằng thực tiễn những năm qua, khi các cấp, các ngành, nhiều địa phương và nhân dân cả nước luôn đồng hành, sẻ chia, cùng miền Trung vượt lên mất mát sau thiên tai, bão lũ, xây đắp lại cuộc sống bình yên. Và lần này cũng như bao lần như thế. Những cán bộ, chiến sĩ LLVT không quản ngại gian nan, vất vả, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng vì đồng bào miền Trung trong lúc nguy nan nhất. Hình ảnh các lực lượng trắng đêm cứu hộ, dầm mưa, gồng mình cùng bà con phòng, chống thiên tai, mãi là những khoảnh khắc ấm áp nhất trong lòng người dân vùng lũ. Hàng chục tấn thóc, hàng trăm phần quà được tiếp ứng kịp thời, hàng nghìn người được sơ tán đến nơi an toàn... với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đã cho thấy cả tinh thần trách nhiệm cùng tình yêu thương, đùm bọc, sẻ chia với đồng bào miền Trung. Không chỉ dừng lại ở việc thực hiện nhiệm vụ, tất cả lực lượng đều vào cuộc từ mệnh lệnh của trái tim.

Mưa lũ đi qua, tình người ở lại và càng sáng rõ hơn bao giờ hết. Tinh thần "tương thân tương ái" đã nhân lên nguồn sức mạnh nội sinh để miền Trung vươn lên mạnh mẽ sau sự tàn phá của mưa lũ. Thế nhưng, ở mảnh đất vốn được xem như “rốn lũ”, lũ chồng lũ, cùng với sự sẻ chia, đùm bọc thì vấn đề mang tính căn cơ, gốc rễ vẫn là chiến lược “dài hơi” để miền Trung “sống chung với lũ” mà tài sản, tính mạng người dân được bảo đảm, hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất. Đành rằng thiên nhiên vốn khó lường. Đành rằng từ bao đời nay, hình thái địa lý mảnh đất này đã đồng nghĩa với thời tiết và khí hậu khắc nghiệt. Và cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, để ngăn chặn, hạn chế những trận lũ lớn là việc làm rất khó. Thế nhưng, càng khó càng phải quyết tâm cao. Bởi không thể năm này qua năm khác để người dân miền Trung phải oằn mình hứng chịu những đau thương. Hẳn rằng, không chỉ miền Trung mà người dân cả nước vẫn đang chờ đợi những giải pháp và hành động quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn để bảo vệ và trồng mới rừng; rà soát quy hoạch và vận hành khoa học các nhà máy thủy điện; xây đắp nhiều hơn các tuyến phòng, chống lũ; đặc biệt là cần quy hoạch các vùng dân cư thường xuyên ngập trong "rốn lũ”, xây dựng hạ tầng bảo đảm để bà con bớt thiệt hại hơn khi lũ lớn tràn về...

Thương về miền trung, không chỉ là sự cứu trợ, những gói hàng, số tiền từ thện của xã hội sau mỗi tận lũ, mà cần quy hoạch tổng thể để vùng đất ấy phát triển đi lên trong điều kiện mỗi năm có thể phải hứng chịu bão lũ; là những giải pháp sâu bền để người dân không còn “sống trong sợ hãi” mỗi khi bão đến, lũ về.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét